Chính quyền Clinton sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc về Biển Đông
Putin đã nói những gì 15 năm qua?
Bị truy quét, tàu cá Trung Quốc rút khỏi vùng biển liên Triều
Ấn Độ đầu tư dự án siêu máy tính dự báo mùa mưa
Singapore tiêu hủy lượng ngà voi trị giá trên 9 triệu USD
Tin thế giới đọc nhanh 13-06-2016
- Cập nhật : 13/06/2016
Mỹ tìm cách vô hiệu hóa vị thế của Trung Quốc trong khu vực
Theo Phó Giáo sư Đại học Houston Downtown Peter Li, việc Mỹ thúc đẩy liên minh với các đồng minh trong khu vực, tăng cường những mối quan hệ mới với các nước ASEAN và củng cố các mối quan hệ an ninh hiện có nhằm phục vụ mục tiêu chiến lược của Washington là vô hiệu hóa vị thế của Trung Quốc trong khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 5/8/2015 ở Kuala Lumpur. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Tân Hoa Xã, phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Peter Li nói: “Đông Á chiếm một vị trí chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng chính sách ngoại giao của Mỹ luôn dựa trên sự tính toán quyết liệt lợi ích quốc gia của nước này”.
Cũng theo vị giáo sư này, trên thực tế các hành động của Hải quân Mỹ trong khu vực đã gửi đi một thông điệp rõ ràng đến các bên liên quan trong tranh chấp là Washington có mâu thuẫn lập trường với Trung Quốc, và việc Mỹ bày tỏ lập trường trong cuộc xung đột ở Biển Đông vừa thúc đẩy vừa làm suy yếu các mục tiêu của Mỹ.
Tổng thống Venezuela bác khả năng trưng cầu dân ý năm nay
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tuyên bố trưng cầu dân ý lấy phiếu tín nhiệm ông chỉ có thể diễn ra vào năm tới trong trường hợp phe đối lập tập hợp đầy đủ điều kiện như luật pháp quy định.
Tuyên bố này của ông Maduro được đưa ra ngày 11/6, chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia (CNE) Tibisay Lucena thông báo sẽ tiến hành chứng thực ít nhất 200.000 chữ ký do liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập thu thập đòi tổ chức trưng cầu dân ý để phế truất Tổng thống Maduro từ ngày 20 - 24/6 tới.
Cùng ngày, phát biểu trước phái đoàn ngoại giao ở thủ đô Caracas, Ngoại trưởng Delcy Rodíguez cho biết Điều 72 Hiến pháp Venezuela quy định cuộc trưng cầu dân ý lấy phiếu tín nhiệm Tổng thống không thể diễn ra trong năm nay bởi lẽ ra MUD phải trình các chữ ký từ ngày 11/1, chứ không phải vào ngày 2/5 như đã diễn ra. Bà Rodíguez tố cáo phe đối lập đã lừa dối cộng đồng quốc tế về thời hạn có thể tiến hành tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định Chính phủ Venezuela luôn có thiện chí tiến hành đối thoại và hòa giải.
Hiến pháp Venezuela quy định nếu trưng cầu ý dân được tiến hành trong năm nay, khi ông Maduro chưa đủ 4 năm cầm quyền, thì sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử sớm. Trong trường hợp trưng cầu ý dân tổ chức vào năm tới mà ông Maduro không đủ tín nhiệm của cử tri thì Phó Tổng thống sẽ lên thay thế.
Mỹ phát triển tàu ngầm mini cho đặc nhiệm SEAL
Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt (SOCOM) và hãng đóng tàu Electric Boat đang cùng nhau phối hợp phát triển một mẫu tàu ngầm mini mới cho lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ - SEAL.
Loại tàu ngầm mini mới, có tên gọi User Operational Evaluation System 3 (UOES 3) sẽ dài khoảng 10m và có thể mang theo 6 người. Nó đã được phát triển và thử nghiệm trong vòng 3 năm qua theo hợp đồng trị giá 44 triệu USD giữa SOCOM và các nhà thầu Grotin và General Dynamics Electric Boat.
“SOCOM có lợi ích lâu dài trong việc phát triển ra những loại tàu ngầm mini cho lực lượng đặc nhiệm. Các loại tàu ngầm này có khả năng làm nhiều nhiệm vụ như trinh sát, tiếp tế và đưa con người đến các khu vực nguy hiểm dưới nước”, đại diện của SOCOM cho hay.
SEAL thường được biết đến là lực lượng được huấn luyện bài bản trong việc hoạt động ở các môi trường biển, tuy nhiên, họ không phải có thể vượt qua mọi thử thách dưới mặt nước, do đó, chiếc tàu này sẽ giúp giảm thiểu các tác động xấu từ môi trường. Hiện nay Electric Boat đang thử nghiệm thân tàu và mô-tơ của UOES 3, họ cũng chuẩn bị đưa ra tiêu chuẩn thống nhất cho các hệ thống định vị, sonar và công nghệ tránh các chướng ngại vật.
Hiện nay vẫn chưa rõ tàu UOES 3 sẽ được triển khai từ tàu chiến mặt nước hay tàu ngầm, và thời gian các hãng phát triển cho ra nguyên mẫu đầu tiên.
Thủ tướng Đức tới Trung Quốc dự tham vấn Chính phủ hai nước
Thủ tướng Merkel nhấn mạnh ý nghĩa "rất quan trọng" của các cuộc tham vấn này, góp phần củng cổ và đẩy mạnh hợp tác rộng rãi giữa hai nước.
Tối 11/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dẫn đầu đoàn Chính phủ Đức gồm 6 bộ trưởng, 5 quốc vụ khanh và các doanh nghiệp lên đường tới Bắc Kinh (Trung Quốc) để tiến hành cuộc tham vấn thứ 4 giữa Chính phủ hai nước.
Phát biểu tại Berlin trước khi lên đường, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh ý nghĩa "rất quan trọng" của các cuộc tham vấn này, góp phần củng cổ và đẩy mạnh hợp tác rộng rãi giữa hai nước.
Theo nhà lãnh đạo Đức, không gian hợp tác thông qua các chương trình của các bộ, ngành giữa hai nước ngày càng lớn hơn sau khi hai chính phủ đạt được khuôn khổ hành động hợp tác năm 2014.
Trong năm 2015, kim ngạch thương mại giữa Đức với Trung Quốc đạt khoảng 163 tỷ euro. Đức vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu (EU), trong khi Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ tư của Đức (sau Pháp, Mỹ và Anh) và là thị trường tiêu thụ quan trọng nhất thế giới cho hàng hoá máy móc của Đức.
Kể từ năm 2000, kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc đã tăng gấp 8 lần. Theo kế hoạch, vào ngày 14/6, Thủ tướng Merkel sẽ thăm thành phố Thẩm Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc nhằm trải nghiệm cũng như ủng hộ việc cải cách cấu trúc được thúc đẩy tại thành phố này.
Báo chí Đức nhận định bà Merkel đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến công du tới Trung Quốc lần này. Liên quan lợi ích kinh tế, Thủ tướng Merkel sẽ thảo luận với giới chức Trung Quốc về việc nhập thép giá rẻ của Trung Quốc vào thị trường châu Âu, cũng như khả năng châu Âu đánh thuế chống bán phá giá thép của Trung Quốc vào thị trường này. Trung Quốc là quốc gia sản xuất 50% lượng thép tiêu thụ trên thế giới.
Cho tới nay, Đức đang tiến hành tham vấn cấp chính phủ với 11 quốc gia trên thế giới, trong đó Pháp là quốc gia tiến hành tham vấn sớm nhất với Đức (năm 1963) và mới nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (2016).
Tuần hành lớn phản đối chính phủ lâm thời Brazil
Ngày 11/6, hàng trăm nghìn người tại 23 trong tổng số 27 bang ở Brazil đã đồng loạt xuống đường tuần hành phản đối chính phủ của Tổng thống lâm thời Michel Temer, đồng thời kêu gọi ông này từ chức.
Những người biểu tình đã ủng hộ lời kêu gọi của nhiều tổ chức công đoàn và xã hội cánh tả, bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống Dilma Rousseff, người đang bị Quốc hội đình chỉ chức vụ. Chỉ riêng tại thành phố Sao Paulo, hơn 100.000 người đã tham dự, trong khi nhiều công dân Brazil sinh sống tại Mỹ và châu Âu cũng hưởng ứng.
Tham gia biểu tình tại Sao Paulo, cựu Tổng thống Lula da Silva tố cáo những gì đang diễn ra tại Brazil là một cuộc đảo chính và khẳng định khả năng đại diện cho Đảng Lao động (PT) tái cử vào năm 2018. Thủ lĩnh Phong trào những người lao động không có đất (MTST) Guilherme Boulos nhấn mạnh các cuộc tuần hành sẽ còn tiếp tục diễn ra.
Đây là lần đầu tiên chính phủ lâm thời đối diện với sự phản đối của các cử tri Brazil kể từ khi lên cầm quyền hôm 12/5 sau khi Thượng viện bỏ phiếu đình chỉ bà Rousseff trong vòng 180 ngày để xem xét bãi nhiệm chính thức người đứng đầu nhà nước do những cáo buộc liên quan tới việc che giấu tình trạng thâm hụt ngân sách trong năm bầu cử 2014.