Mỹ: Trung Quốc xây đảo nhân tạo, phá hoại nguồn thủy sản Biển Đông
Tàu thuyền Trung Quốc cấp tập xây đảo nhân tạo phi pháp ở đá Xu Bi trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông - Ảnh: DigitalGlobe, tháng 12.2015
Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông đã phá hoại rạn san hô, huỷ hoại nguồn thủy sản trong khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường, theo báo cáo trình Quốc hội Mỹ.
“Quy mô và tốc độ những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, sự đa dạng sinh học ở vùng biển này, và tầm quan trọng của quần đảo Trường Sa đối với hệ sinh thái khiến những hành động của Trung Quốc là một mối lo ngại”, báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc thuộc Quốc hội Mỹ trình Quốc hội Mỹ ngày 12.4 cho hay, theo trang tin Bloomberg (Mỹ).
Trung Quốc bồi đắp và xây đảo nhân tạo trên bảy đá (với tổng diện tích trên 12 km 2) ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông trong giai đoạn tháng 12.2013 - 10.2015, bản báo cáo cho hay.
Chuyên gia phân tích chính sách Matthew Southerland của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc, là người lập báo cáo này.
Bản báo cáo được trình Quốc hội Mỹ trước khi Tòa trọng tài thường trực (PCA, trụ sở tại The Hague, Hà Lan) dự kiến đưa ra phán quyết về đơn kiện Trung Quốc của Philippines vào tháng 6.2016.
Philippines hồi năm 2013 đã đệ đơn kiện lên PCA, phản đối những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Cũng trong đơn kiện này, Manila tố cáo Bắc Kinh vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 về bảo vệ môi trường biển.
Bản báo cáo cũng dẫn lại nhiều nguồn tin bao gồm của chính phủ Philippines và các nhà khoa học nghiên cứu biển của Philippines và Mỹ.
Những tàu nạo vét của Trung Quốc (hút cát để bồi đắp các đảo nhân tạo) đã hủy hoại 13 km2 rạn san hô, giết chết cá hoặc đuổi những bầy cá khỏi rạn san hô, ảnh hưởng đến nguồn thủy sản trong khu vực, bản báo cáo dẫn lời giáo sư John W. McManus cua Đại học Miami.
Quốc hội Mỹ thành lập Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc vào năm 2000. Ủy ban này có nhiệm vụ điều tra và đệ trình báo cáo thường niên lên Quốc hội Mỹ.
Bắt 13 người vì tội cổ vũ khủng bố trên mạng
Cảnh sát Tây Ban Nha vừa bắt giữ 13 người vì tội cổ vũ các hành vi khủng bố và giễu cợt nạn nhân trong các vụ tấn công trên các trang mạng Facebook, Twitter.
Cảnh sát Tây Ban Nha mở chiến dịch truy quét các phần tử kích động bạo lực trên mạng - Ảnh: Naharnet
Theo AFP, thông báo của Bộ nội vụ Tây Ban Nha cho biết ngày 13-4 cảnh sát nước này đã bắt giữ 13 người trong chiến dịch truy quét toàn quốc. Những người này bị cáo buộc đã cổ vũ trên mạng xã hội các hoạt động khủng bố của ba nhóm nổi dậy trong nước.
Theo đó những người bị bắt hoặc đã đưa ra những bình luận ủng hộ, cổ vũ khủng bố trên các tài khoản mạng xã hội có số người theo dõi đông đảo, hoặc giễu nhại các nạn nhân trong những vụ tấn công khủng bố.
Cụ thể, những người bị bắt đã cổ vũ hoạt động của tổ chức ly khai xứ Basque (ETA), nhóm vũ trang Terre Lliure xứ Catalonia hay nhóm Free Land và nhóm GRAPO. Không nhóm nào trong đó gần đây tiến hành các hoạt động vũ trang.
Các vụ bắt giữ diễn ra tại 7/17 khu vực của Tây Ban Nha. Nhà chức trách nước này cho biết các chiến dịch truy quét vẫn đang tiếp tục và sẽ còn bắt giữ thêm.
Chiến dịch truy quét những kẻ ủng hộ các phần tử phản loạn diễn ra sau một loạt các vụ bắt giữ khác là một phần của nỗ lực dẹp bỏ sự kích động bạo lực trên mạng thời gian qua của nhà chức trách Tây Ban Nha. Đã có hơn 60 vụ bắt giữ tính đến nay.
Ngoại trưởng Nga: Moscow từ chối đối đầu vô nghĩa với NATO
Ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố Nga 'từ chối' một cuộc đối đầu vô nghĩa với NATO - Ảnh: Reuters
Nga sẽ không cho phép Mỹ và các nước phương Tây lôi kéo vào một cuộc đối đầu vô nghĩa, Ngoại trưởng Sergey Lavrov phát biểu ngày 14.4.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng NATO đang tăng cường quân sự chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh, và sự hiện diện của liên minh quân sự này về phía đông là nhằm gây áp lực quân sự và chính trị lên Nga, tham vọng khống chế Nga.
“NATO bận rộn tìm kiếm một kẻ thù để gán lý do cho sự hiện diện của mình ở rìa phía đông của khối", Ngoại trưởng Lavrov phát biểu ngày 14.4 tại Bộ Ngoại giao Mông Cổ, theo TASS.
Máy bay tàng hình F-22 Raptor của Mỹ vừa được điều động đến căn cứ Lakenheath (Anh) ngày 11.4.2016 - Ảnh: Không quân Mỹ
"Nga không có kế hoạch và sẽ không bị lôi kéo vào cuộc đối đầu vô nghĩa này; (Moscow) tin rằng không có thay thế hợp lý nào cho sự hợp tác có lợi cho toàn châu Âu trong lĩnh vực an ninh dựa trên nguyên tắc và luật pháp quốc tế", ông nói tiếp.
Nga nhiều lần bác bỏ các cáo buộc can thiệp vào tình hình Ukraine và nhấn mạnh rằng việc NATO tăng cường hiện diện của khối ở gần biên giới của Nga đe dọa an ninh khu vực, theo Sputnik.
Động đất mạnh 6,9 độ richter ở Myanmar
Một trận động đất mạnh 6,9 độ richter đã làm rung chuyển khu vực tây bắc của Myanmar hôm 13-4, cách thành phố Monywa 100km về phía bắc - tây bắc.
Bản đồ vị trí tâm chấn trận động đất ở Myanmar. Ảnh: USGS
Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) nói tâm chấn có độ sâu 135km.
Reuters cho hay các chấn động mạnh cũng được cảm nhận tại thành phố Guwahati ở phía đông Ấn Độ.
Ban đầu, USGS nói trận động đất mạnh tới 7 độ richter.
Chị Nga Đoàn, một người Việt đang sinh sống tại Bhutan cho hay tại thủ đô Thimphu, mọi người cũng cảm nhận được rung lắc từ trận động đất mạnh này.
Chị cho biết rung lắc diễn ra chừng 10 giây. Tuy không mạnh lắm nhưng cũng đủ làm mọi người hoảng sợ. Nhóm người Việt làm việc tại đây cũng bỏ chạy ra ngoài. "Mọi người đều xanh mặt" - chị nói.
Báo Eleven Myanmar nói trận động đất xảy ra vào khoảng 20g26 tối 13-4.
Được biết thời gian này Myanmar, cũng như nhiều nước khác, đang ăn mừng năm mới với lễ hội té nước Thingyan.
Hiện chưa có thông tin về thiệt hại hay thương vong.
Times of India cũng cho biết nhiều nơi ở đông bắc nước này như bang Tây Bengel, Bihar, Assam và Jharkhand cũng bị rung lắc. Các nước như Nepal, Bangladesh cũng cảm nhận được rung lắc từ trận động đất mạnh này.
Tại thành phố Kolkata ở phía đông Ấn Độ, nhiều người hoảng loạn chạy ra khỏi nhà, theo Hindustan Times.
Trận động đất này xảy ra 3 ngày sau khi 6 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong trận động đất mạnh 6,6 độ richter hôm 10-4 làm rung chuyển khu vực Nam Á, làm rung lắc nhiều tòa nhà ở Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan.
Tại Bagan (Myanmar), như Reuters cho biết, nhiều du khách đã chạy ra khỏi khách sạn và đứng bên ngoài khi thấy có rung lắc. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nhà cửa hư hại tại đây.
Còn ở đông bắc Ấn Độ, điện đã bị cắt vì các nhà máy nhiệt điện ngưng hoạt động như một biện pháp đề phòng.
Eleven Myanmar dẫn nguồn từ Ủy ban động đất Myanmar cảnh báo người dân nên cẩn thận với những dư chấn vì trận động đất này mạnh hơn 6 độ richter.
Trận động đất này được cho là liên quan đến đới đứt gãy Kabaw ở Myanmar
Bê bối đổi thuốc cường dương lấy phiếu bầu ở Hàn Quốc
Cảnh sát Hàn Quốc bảo vệ quá trình chuyển thùng phiếu ngày 13.4 - Ảnh: Reuters
Giới chức Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra vụ mua phiếu bằng thuốc rối loạn cương dương ngay trước thềm cuộc bầu cử quốc hội diễn ra ngày 13.4.
Vụ việc xảy ra tại thành phố Suwon, cách thủ đô Seoul hơn 30 km về phía nam. Theo tờ Dong-A Ilbo, một số ứng viên tại đây bị cáo buộc dính líu vào kế hoạch mua phiếu bầu bằng cách cung cấp cho cử tri cao tuổi những loại thuốc “tăng cường bản lĩnh đàn ông”.
Ít nhất một ứng viên đã bị phát hiện mang theo bên mình một số lượng lớn thuốc cường dương và trị rối loạn cương dương. “Chúng tôi đang xem xét vụ việc. Nếu được xác nhận, đây là hành động vi phạm luật bầu cử”, tờ báo dẫn lời một phát ngôn viên của Văn phòng Công tố Suwon cho biết. Giới điều tra cũng đang làm rõ bằng cách nào các nghi phạm có thể thu thập thuốc rối loạn cương dương vì loại thuốc này chỉ được bán theo toa ở Hàn Quốc.
Những người vi phạm có thể bị phạt 10 triệu won (hơn 194 triệu đồng) hoặc ngồi tù đến 5 năm. Mọi thắng lợi đạt được từ những lá phiếu gian lận sẽ bị xem là không hợp lệ và bất kỳ cụ ông nào bị phát hiện nhận thuốc sẽ phải chịu mức phạt gấp 50 lần giá trị “món quà”. Nhà chức trách chưa công bố tên tuổi các nghi phạm để tránh ảnh hưởng tiến trình điều tra.
Ngày 13.4, cử tri Hàn Quốc đã đến 14.000 phòng phiếu trên cả nước để bầu ra 300 đại biểu quốc hội mới trong bối cảnh nước này đang rất căng thẳng với CHDCND Triều Tiên và nền kinh tế có dấu hiệu chững lại.
Theo Reuters, đảng cầm quyền Saenuri của Tổng thống Park Geun-hye được ủng hộ nhờ lập trường cứng rắn với Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa vừa qua của miền Bắc nhưng mất điểm nghiêm trọng vì vấn đề kinh tế.
Trong thời gian cầm quyền vừa qua của Tổng thống Park, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng bình quân 2,9% so với mức 3,2% vào thời người tiền nhiệm Lee Myung-bak. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ chạm mức 12,5% vào tháng 2, cao nhất kể từ năm 1999.
Hậu quả là kết quả kiểm phiếu sơ bộ vào tối 13.4 cho thấy đảng Saenuri đã đánh mất thế đa số tuyệt đối trong quốc hội, theo AFP. Đảng này được dự báo giành 132 ghế trong khi đảng đối lập chính Minjoo giành 105 ghế và đảng Nhân dân tách ra từ Minjoo giành được 36 ghế.
(
Tinkinhte
tổng hợp)