Thêm một chính khách “ngã ngựa” vì Hồ sơ Panama
Hàn Quốc bị tố lừa 13 công dân Triều Tiên đào tẩu
Tổng thống Putin nói ông Obama là người đàng hoàng
Doanh nhân Mỹ bị tố bán công nghệ hạt nhân cho Trung Quốc
Ông Putin cáo buộc Goldman Sachs đứng sau Hồ sơ Panama
Tin thế giới đọc nhanh sáng 15-04-2016
- Cập nhật : 15/04/2016
Mỹ cam kết chuyển quân, vũ khí thường xuyên đến Philippines
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết Washington sẽ luân chuyển quân và vũ khí thường xuyên đến Philippines nhằm đối phó với những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.
Lính Mỹ điều khiển xe bọc thép tham gia tập trận Balikatan (Vai kề vai) với lính Philippines ngày 14-4 - Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tại Manila ngày 14-4, ông Carter tuyên bố hai bên tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông, nhưng các hoạt động quân sự gia tăng gần đây của Mỹ trong khu vực không nhằm gây xung đột với Trung Quốc.
“Lực lượng Mỹ sẽ có mặt định kỳ và thường xuyên tại Philippines. Các hoạt động chúng tôi đang tiến hành tại đây tuân theo nguyên tắc tồn tại từ nhiều thập niên và chúng tôi hành động theo lời mời của đồng minh” - ông Carter phát biểu.
Theo Reuters, Lầu Năm Góc cho biết cuộc tuần tra chung đầu tiên ở Biển Đông giữa Mỹ và Philippines diễn ra tháng 3 năm nay và cuộc tuần tra thứ hai được tiến hành đầu tháng 4.
Những cuộc tuần tra như thế sẽ diễn ra thường xuyên trong tương lai, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố.
Bộ trưởng Carter khẳng định Washington sẽ điều máy bay quân sự và 200 lính thuộc Lực lượng không quân Thái Bình Dương đến căn cứ Clark trên đảo Luzon của Philippines vào khoảng cuối tháng 4-2016.
Reuters dẫn lời Lầu Năm Góc cho hay sẽ có tối đa 75 lính bộ binh vẫn được duy trì theo cơ chế luân chuyển tại Philippines, sau khi cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) giữa Mỹ và Philippines kết thúc vào tuần này. Lực lượng này hỗ trợ các hoạt động mà Mỹ sẽ gia tăng trong khu vực.
Việc công bố các động thái nêu trên diễn ra chỉ vài tuần sau khi Mỹ và Philippines đạt được thỏa thuận cho phép Washington luân chuyển quân và vũ khí tại 5 căn cứ quân sự ở Philippines.
Kerry tố Trung Quốc muốn đơn phương độc chiếm Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại sự kiện do Hội đồng Chính sách Quốc tế Thái Bình Dương tổ chức ở Los Angeles. Ảnh: LA Times.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 12/4 tham dự một sự kiện do Hội đồng Chính sách Quốc tế Thái Bình Dương tổ chức ở Los Angeles để thảo luận về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
"Chúng ta đều biết bây giờ là thời điểm quan trọng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực phải đối mặt với mối đe dọa thực sự từ Triều Tiên, có thể coi là láng giềng tồi tệ nhất", website Bộ Ngoại giao Mỹstate.gov đăng lại phát biểu của Ngoại trưởng Kerry.
Ông cho rằng Trung Quốc dường như đã quyết định đơn phương tuyên bố và hành động quyết liệt nhằm đòi chủ quyền ở Biển Đông.
"Chúng ta không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng có lập trường yêu cầu họ phải giải quyết vấn đề mà không có hành động đơn phương, không quân sự hóa, thông qua ngoại giao và đàm phán", ông Kerry cho biết.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines. Nước này gần đây còn xây phi pháp nhiều kiến trúc lớn, trong đó có hệ thống radar và đường băng, trên một số bãi đá ở Biển Đông, khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.
Ông Kerry trước đó tham dự hội nghị ngoại trưởng các nước thuộc nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển (G7) tổ chức tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Trong thông báo phát đi sau hội nghị ngày 11/4, G7 phản đối mạnh mẽ sự khiêu khích trên Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với nhiều quốc gia láng giềng.
G7 còn kêu gọi các quốc gia tuân thủ luật pháp hàng hải quốc tế, đồng thời thực hiện mọi phán quyết mang tính ràng buộc do tòa án và tòa trọng tài đưa ra với ý nhắc đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc trong cùng ngày thể hiện sự bực tức trước thông báo của G7, kêu gọi nhóm cần tập trung vào quản trị và hợp tác kinh tế toàn cầu thay vì "thổi phồng tranh chấp".
Triều Tiên di chuyển tên lửa đạo đạo tới bờ đông
Hãng Yonhap hôm nay dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã triển khai ít nhất một tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan tại thành phố cảng Wonsan, miền đông nước này.
Quan chức Hàn Quốc nhận định Triều Tiên có thể sẽ bắn tên lửa tầm vào 15/4 nhân dịp kỷ niệm 104 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành, người sáng lập đất nước Triều Tiên. Tên lửa đã được triển khai cách đây 20 ngày.
Triều Tiên gọi ngày sinh của ông Kim là "Ngày của Mặt Trời" và tổ chức sự kiện quân sự lớn để kỷ niệm.
Nguồn tin quân sự khác cho biết tên lửa đã được nạp vào bệ phóng di động. Nếu được bắn đi, đây là lần đầu tiên Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan, còn được gọi là BM-25.
Tên lửa này có tầm bắn 4.000 km, có thể bay qua Hàn Quốc, Nhật Bản, vươn tới căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam, Thái Bình Dương.
Hiện Triều Tiên chưa thông báo cho cơ quan hàng hải quốc tế về việc phóng tên lửa.
Mỹ bắn tên lửa ‘khủng’ trong cuộc tập trận gần biển Đông
Ngày 14-4, các tên lửa được phóng từ một hệ thống tên lửa tầm xa tiên tiến của Mỹ đã làm sáng rực bầu trời Philippines. Động thái này là một phần trong “trò chơi chiến tranh” nhằm thúc đẩy liên minh quân sự giữa Mỹ và Philippines trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Hệ thống tên lửa pháo binh di động cao (HIMARS) được xem là “ngôi sao” trong cuộc tập trận tấn công mô phỏng của 5.500 binh sĩ Mỹ và Philippines. AFP cho biết có đến sáu tên lửa đã được bắn nhằm vào các mục tiêu xa từ một lòng sông khô cách Manila ba giờ lái xe.
Bên cạnh đó, các trực thăng tấn công Cobra của Mỹ và máy bay S211 Philippines cũng đã phối hợp tấn công mô phỏng nhằm vào lãnh thổ bị địch chiếm giữ.
Một binh sĩ Philippines đứng trước hệ thống tên lửa pháo binh di động cao M142 ở thung lũng Crow, phía Bắc Manila ngày 14-4. Ảnh: AFP
AFP nhận định cuộc tập trận được tổ chức khi tranh chấp giữa Philippines với “gã khổng lồ” Trung Quốc về vấn đề biển Đông đang trong giai đoạn căng thẳng cực độ.
“Sự thật của vấn đề là rằng chúng tôi là đồng minh và chúng tôi cần phải hợp tác với nhau” - tướng John Toolan, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương, phát biểu trước báo giới.
Khi được hỏi liệu Mỹ sẽ triển khai HIMARS đến Philippines trong trường hợp xung đột vũ trang trên biển Đông hay không, ông Toolan nói: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ vui mừng hơn khi cùng nhau sử dụng”.
Ông Toolan cho biết phạm vi bắn của hệ thống này là 3.000 km, đồng nghĩa với việc nó có thể bắn trúng các tàu khá xa lãnh thổ Philippines. Bên cạnh đó, cuộc tập trận kéo dài hai tuần đã cho thấy năng lực của quân đội hai nước khi triển khai nhanh chóng trên khắp khu vực.
Tiếp đến, khi được hỏi về khả năng hệ thống HIMARS được triển khai đến năm cơ sở quân sự của Philippines, ông Toolan đáp: “Xét về kế hoạch điều này không cần thiết nhưng rõ ràng với tính di động của HIMARS, bạn có thể sử dụng hệ thống này ở bất cứ nơi nào”.
Bắc Kinh cảnh báo Úc “cẩn thận” khi nói về Biển Đông
Trung Quốc đã lợi dụng chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull để cảnh báo rằng các lợi ích kinh tế của Úc sẽ bị tổn hại nếu Canberra không nhẹ giọng khi đưa quan điểm về Biển Đông.
Tờ Financial Review của Úc cho biết tờ Nhật Báo Trung Quốc phiên bản tiếng Anh đã cho đăng thông điệp cảnh báo không mấy lịch sự như trên ngày 13-4.
Trong lúc này, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đang đến Thượng Hải dự khai mạc Tuần lễ Úc ở Trung Quốc. Sự kiện này thu hút hơn 1.000 doanh nhân người Úc đến Trung Quốc.
Nhật Báo Trung Quốc, một trong những công cụ phát ngôn hữu hiệu của Chính phủ Trung Quốc, đã cảnh báo rằng ông Turnbull cần phải “thận trọng và ý tứ khi đưa ra lập trường của Canberra về chuyện Biển Đông”.
Lời cảnh báo này xuất hiện sau khi Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hôm 23-3 phê phán rằng việc triển khai quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông là “không có lợi mà còn có tác dụng ngược”.
Chính phủ Úc luôn ủng hộ những hoạt động tự do hàng hải do Mỹ dẫn đầu ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang gây căng thẳng với các nước xung quanh thông qua những động thái tăng cường sự hiện diện quân sự cũng như xây dựng, bồi đắp, chiếm đóng trái phép các đảo và bãi san hô ở đây.
“Việc triển khai quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đang phản tác dụng, bất chấp giá trị của pháp lý. Đó là những gì chúng tôi không muốn bày tỏ quan điểm hay đưa ra tuyên bố” - ông Turnbull tuyên bố.
Financial Review cho biết trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông Turnbull tái nhấn mạnh những quan ngại của Canberra về hành vi chiếm đất mang tính kích động mà Trung Quốc đang thực hiện trong khu vực.
Nhật Báo Trung Quốc còn dẫn lời phó viện trưởng Viện chiến lược quốc tế thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Hàn Phong cho rằng Úc nên đặt những lợi ích kinh tế với Trung Quốc lên hàng đầu thay vì nói về Biển Đông