Philippines đề nghị tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông
Dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc tại lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati, Philippines hồi tháng 5.2015 - Ảnh: Reuters
Philippines ngày 14.1 đề nghị Mỹ tuần tra chung trên Biển Đông, sau khi phản đối Trung Quốc điều thêm hai máy bay đáp thử xuống đường băng phi pháp mà Bắc Kinh ngang ngược xây trên đá Chữ Thập hôm 6.1.
Các quan chức quốc phòng và ngoại giao Philippines và Mỹ đã có những buổi hội đàm tại thủ đô Washington trong tuần này - lần thứ 2 trong vòng ba năm qua, thảo luận về thương mại và an ninh, tập trung vào Biển Đông, theo Reuters.
“Chúng tôi đề xuất rằng chúng tôi sẽ tuần tra như Mỹ”, ông Peter Paul Galvez, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines, cho biết.
“Chúng ta cần phải phối hợp, tăng cường sự hiện diện chung trên Biển Đông”, ông Galvez cho hay.
Trước đó, Việt Nam và Philippines đã phản đối việc Trung Quốc điều thêm hai máy bay đáp thử xuống đường băng phi pháp Bắc Kinh xây trên đá Chữ Thập ở Trường Sa hôm 6.1.
Đường băng mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam có chiều dài 3.000 m và là một trong số ba đường băng mà Bắc Kinh ngang ngược xây trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa trong hơn một năm qua, theo Reuters. Trước đó, ngày 2.1, một máy bay dân sự của Trung Quốc cũng đã hạ cánh thử nghiệm xuống đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối hành động ngang ngược này của Trung Quốc.
Mỹ cũng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa là nhằm mục đích quân sự và bày tỏ quan ngại trước vụ máy bay Trung Quốc thử nghiệm hạ cánh ở đá Chữ Thập.
Trung Quốc 'sắp thay lãnh đạo cấp cao'
Thị trưởng Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm (giữa) trong một lần xuất hiện ở Đại lễ đường nhân dân tại Bắc Kinh để tham dự kỳ họp quốc hội của Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Ngày 13.1, Reuters dẫn nguồn cấp cao từ chính phủ Trung Quốc loan tin nước này sắp bổ nhiệm tổng thư ký quốc vụ viện mới.
Đây là vị trí đóng vai trò “cánh tay mặt” của Thủ tướng Trung Quốc, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế. Cụ thể, đương kim Thị trưởng Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm được cho là sẽ sớm thay thế ông Dương Tinh trong nỗ lực bình ổn lại nền kinh tế và thị trường.
Kinh tế Trung Quốc hiện đang có dấu hiệu chựng lại với nhiều vấn đề dài hạn và biểu hiện “cấp tính” là tình hình hỗn loạn trên thị trường chứng khoán những ngày đầu năm 2016, dẫn tới 2 lần phải đình chỉ giao dịch.
Ông Hoàng, 63 tuổi, một chuyên gia về quản lý kinh tế - tài chính và được xem là người giúp Trùng Khánh vẫn vững vàng phát triển sau khi Bí thư Bạc Hy Lai bị bắt giữ hồi năm 2011. “Hoàng Kỳ Phàm đã rất xuất sắc tại Trùng Khánh. Hy vọng việc bổ nhiệm ông ấy sẽ giúp khôi phục lòng tin của nhà đầu tư và ổn định thị trường chứng khoán”, nguồn tin nhận định với Reuters.
Quốc vụ viện Trung Quốc và chính quyền Trùng Khánh chưa có bình luận về các thông tin trên.
Triều Tiên rải truyền đơn sang phía Hàn Quốc
Truyền đơn của Triều Tiên rải sang Hàn Quốc ngày 13.1 - Ảnh: Quân đội Hàn Quốc
Truyền đơn của Triều Tiên được rải xuống dọc biên giới với Hàn Quốc ngày 13.1, hãng tin Yonhap ngày 14.1 dẫn nguồn tin từ Bộ Tổng tham mưu Hàn Quốc.
Nguồn tin cho biết, vào lúc sáng sớm 13.1, cảnh sát phát hiện nhiều truyền đơn ở các thành phố Ilsan và Paju thuộc tỉnh Gyeonggi, phía bắc Seoul. Nội dung các truyền đơn này kêu gọi chấm dứt phát loa tuyên truyền sang Triều Tiên và lên án chế độ Tổng thống Park Geun-hye.
Tính ra truyền đơn của Triều Tiên được rải xuống các thành phố Hàn Quốc trong ba ngày liên tiếp.
Theo hãng tin RIA, tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư mà Bình Nhưỡng thực hiện ngày 6.1 và công bố rằng đó là vụ thử bom H. Để đáp lại, Hàn Quốc tiếp tục phát loa tuyên truyền chống Bình Nhưỡng dọc theo biên giới liên Triều.
Hội đồng Bảo an LHQ đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, tất cả 15 thành viên đã nhất trí soạn thảo ngay lập tức một nghị quyết mới về CHDCND Triều Tiên. Hội đồng Bảo an thừa nhận rằng Bắc Triều Tiên đã vi phạm bốn nghị quyết được thông qua trong giai đoạn năm 2006 - 2013, và điều đó đã trở thành mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Ukraine thoát lệ thuộc khí đốt Nga như thế nào?
Ukraine bắt đầu dừng mua khí đốt của Nga từ ngày 1.7.2015 - Ảnh: AFP
Chỉ mới đây, Ukraine còn tỏ ra lo ngại khi Nga dọa cắt nguồn cung khí đốt, nhưng giờ đây khi Moscow đề nghị giảm giá, Kiev lại không quan tâm vì đã có nguồn cung từ châu Âu.
Trong bài viết đăng ngày 13.1, Bloomberg bình luận việc Ukraine giảm mua khí đốt Nga xuất phát một phần vì khủng hoảng kinh tế tại nước này, với sản lượng khí đốt khai thác trong nước giảm mạnh vì “Cuộc Cách mạng Phẩm giá” hồi năm 2014 và vụ Nga sáp nhập Crimea.
Tăng trưởng GDP của Ukraine đã giảm khoảng 19% kể từ năm 2013 và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của ngành công nghiệp nước này tụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, đó không phải là lý do chính dẫn đến việc Ukraine giảm nhập khẩu từ Nga. Kiev quyết tâm giảm lệ thuộc vào năng lượng Nga vì 2 nước đang trong tình trạng gần như chiến tranh, theo Bloomberg.
Hãng tin Mỹ cho biết đã có hơn một lần Nga dọa ngừng cung cấp khí đốt hoặc sẽ tăng giá khi mùa đông đang đến, nhằm ép Ukraine thỏa hiệp về chính trị. Đáp trả lại điều này, Ukraine đã tìm mua “nguồn khí đốt dự trữ” từ quốc gia láng giềng Slovakia vào năm 2014.
Dẫu vậy, tiết trời mùa đông năm 2014 ở châu Âu lại ấm áp và đã có tình trạng thừa mứa về nguồn cung khí đốt.
Tại Slovakia, khí đốt là của Nga và được phân phối bởi tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom (Nga) thông qua hệ thống đường ống của Ukraine.
Bloomberg cho hay Gazprom đã cố tìm cách ngăn Slovakia bán lại khí đốt cho Ukraine, nhưng điều này vi phạm quy định của châu Âu.
Ủy ban châu Âu hồi tháng 4.2015 đã đề cập đến những tình huống nêu trên như một ví dụ cho thấy Gazprom lạm dụng vị thế thống trị của mình tại thị trường đông và trung Âu như thế nào.
Do phải tránh bị phương Tây phạt nặng và phải thỏa hiệp với EC, tập đoàn Nga chẳng thể làm gì để ngăn Slovakia bán khí đốt cho Ukraine.
Đến mùa thu năm 2014, Gazprom cố cắt lượng khí đốt xuất sang châu Âu nhằm triệt tiêu “lượng dự trữ”, nhưng theo ước tính của Ukraine, động thái này khiến tập đoàn Nga thất thu 5,5 tỉ USD và một khoản tiền đền bù trị giá 400 triệu USD vì đã không thực hiện theo đúng cam kết trong hợp động mua bán.
Sang tháng 3.2015, Nga khôi phục hoàn toàn lượng khí đốt xuất bán cho châu Âu.
Vị thế độc quyền về năng lượng của Nga tại đông Âu đang mất dần do các nước trong vùng đã thiết lập được các trạm khí đốt hóa lỏng (LNG). Chẳng hạn như Lithuania đã xây được 1 trạm và đã ký kết nhập khí đốt từ Mỹ, nơi giá chỉ bằng một nửa của châu Âu.
Và với nguồn cung LNG ngày càng tăng từ Na Uy cùng Bắc Phi, cộng với các quy định gây bất lợi cho Gazprom của EU, châu Âu giờ đã không còn dễ tổn thương với biến động về giá khí đốt như cách đây 2 năm.
Tập đoàn Nga không còn có thể dùng nguồn cung khí đốt để uy hiếp châu Âu vì giờ phải lo mất thị phần vốn chiếm đến 52% doanh thu kinh doanh của mình. Lo sợ này có thể thành sự thật hơn bao giờ hết khi sức tiêu thụ khí đốt tại châu Âu đang giảm vì những bước tiến về năng lượng thay thế.
Ukraine quay lưng với khí đốt Nga
Bloomberg nhận định tập đoàn Gazprom hiện đã mất đi phần lớn vị thế thống trị tại châu Âu và Ukraine giờ đã đủ khả năng từ bỏ năng lượng Nga.
Vào cuối tuần trước, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho biết nước ông sẽ không mua khí đốt của Nga với giá 212 USD cho mỗi 1.000 m3 do Moscow chào mời vì đã mua khí đốt châu Âu với giá 200 USD.
Trong năm 2015, Ukraine đã tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập từ châu Âu, lên mức 10,3 tỉ m3.
Bloomberg bình luận việc giá dầu giảm sâu đã làm tiêu tan khả năng dùng vị thế “siêu cường năng lượng” mà Nga thường dùng để gây ảnh hưởng đối với các nước láng giềng phương Tây.
Nỗ lực giải phóng và đa dạng hóa thị trường khí đốt của châu Âu cũng đã giúp Ukraine thoát khỏi lệ thuộc vào khí đốt Nga một cách dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, hãng tin Mỹ cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để Ukraine ăn mừng.
“Nếu kinh tế Ukraine phục hồi mạnh mẽ, họ có thể lại sẽ phải thương lượng với Nga trong vị thế là phía yếu hơn. Sản lượng nội địa cùng nguồn cung từ châu Âu sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tái thiết ngành công nghiệp, ít nhất là trong 2 hoặc 3 năm tới”, Bloomberg nhận định.
Trung Quốc sẽ gửi quân tham gia chống khủng bố IS?
Trước làn sóng gia tăng phần tử khủng bố có nguồn gốc từ Trung Quốc, quân đội nước này có thể sẽ phải gửi quân tham gia chiến dịch chống IS toàn cầu.
Các quan chức quốc phòng được Washington Times dẫn nguồn hôm 13.1 cho hay quân đội Trung Quốc đang tính đến việc gửi quân tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
“Vấn đề hiện nay là Trung Quốc sẽ tham gia vào liên minh nào trong cuộc chiến chống khủng bố”, một trong các quan chức quốc phòng có hiểu biết về những cuộc thảo luận nội bộ liên quan đến vai trò của quân đội Trung Quốc cho hay.
Theo Washington Times, thay vì tham gia liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích IS ở Syria, Iraq hoặc những khu vực khác, quân đội Trung Quốc có thể sẽ lựa chọn liên quân của Nga với quân đội của chính phủ Syria. Đối với Trung Quốc, Nga đáng tin cậy và thân cận hơn Mỹ.
Tuy nhiên, hãng tin TASS của Nga cho biết người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã từ chối đưa ra bình luận về bài báo của truyền thông Mỹ. “Tôi không biết gì về bài báo được đề cập”, người phát ngôn Hồng Lỗi đã trả lời TASS khi được hỏi về khả năng tham gia chống khủng bố của quân đội Trung Quốc được đề cập trên Washington Times.
Bắc Kinh đang lo ngại các tay súng khủng bố có nguồn gốc từ Trung Quốc tham gia ngày càng nhiều vào lực lượng của Nhà nước Hồi giáo tự phong IS,Washington Times cho hay. Lực lượng này có xu hướng di chuyển vào khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc để qui tụ những nhóm phản đối chính quyền.
Tân Cương là vùng đất sinh sống của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, nhóm người được nói là có nhiều bất đồng với Bắc Kinh. Hồi tháng 7.2015, IS mở chiến dịch kêu gọi người Duy Ngô Nhĩ tham gia thánh chiến. Trong quá khứ, nhóm người này từng tham gia lực lượng al Qaeda của trùm khủng bố đã bị tiêu diệt bin Laden.
Giới chức Indonesia tuần qua cho biết lo ngại lực lượng khủng bố của người Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương di chuyển sang Indonesia để liên kết với lực lượng khủng bố ở đây, Jakarta kêu gọi Bắc Kinh giúp đỡ ngăn chặn làn sóng này.
Vụ tấn công khủng bố xảy ra ở thủ đô Indonesia ngày hôm nay 14.1, làm ít nhất 7 người thiệt mạng được nói là do IS ra tay nhưng chưa rõ có liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc hay không.
Reuters cho biết cảnh sát Indonesia đang truy lùng Santoso - thủ lĩnh sừng sỏ của IS ở miền đông Indonesia. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã vượt biên giới qua Myanmar, Thái Lan và Malaysia đến Indonesia theo lời kêu gọi gia nhập lực lượng của Santoso.
(
Tinkinhte
tổng hợp)