Tổng thống Mỹ Obama hôm qua 10/10 hối thúc Quốc hội thông qua các nội dung Hiệp định TPP để văn kiện nhanh chóng có hiệu lực.
Tin thế giới đọc nhanh 15-01-2016
- Cập nhật : 15/01/2016
Indonesia: Nổ bom và đấu súng ở Jakarta
Một số vụ nổ vừa được nghe thấy tại trung tâm thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 14-1, tiếp sau đó là những màn đấu súng với cảnh sát.
Theo tài khoản mạng Twitter của cảnh sát Jakarta, một vụ nổ đã xảy ra bên ngoài trung tâm mua sắm Sarinah.
Còn theo kênh Channel News Asia (Singapore), xảy ra nhiều vụ nổ bom ở một đồn cảnh sát gần trung tâm mua sắm Sarinah ở Jakarta.
Các nhân chứng mô tả cảnh hỗn loạn và thương vong trong lúc có đọ súng với cảnh sát.
Nhân viên an ninh đã phong tỏa khu vực để điều tra thêm.
Đặc nhiệm "tìm diệt IS" của Mỹ đến Iraq
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 13-1 thông báo một lực lượng mới chuyên trách các hoạt động đặc biệt của Mỹ đã đến Iraq để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ông Carter tiết lộ việc triển khai lực lượng trên trong một bài phát biểu trước binh lính Mỹ nhằm nhấn mạnh những nỗ lực chống IS của nước này tại Iraq và Syria.
“Lực lượng viễn chinh đặc nhiệm tôi công bố trong tháng 12-2015 đã đến nơi và đang chuẩn bị làm việc với người Iraq để tiêu diệt các chỉ huy và tay súng thánh chiến của IS” - ông Carter tuyên bố tại Fort Campbell, bang Kentucky.
Đây là hoạt động tăng cường quân lực mới nhất của Mỹ nhằm gây áp lực quân sự lên IS dù lực lượng đặc nhiệm mới triển khai đến Iraq chỉ 200 người. Bài phát biểu của ông Carter còn nhấn mạnh những tiến bộ của lực lượng Iraq, bao gồm việc giành quyền kiểm soát thành phố Ramadi và sự tiến bộ của quân nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn ở Syria.
Ông Carter cũng sẽ triển khai thêm 1.800 lính thuộc Sư đoàn 101 đến Iraq trong vài tháng tới. Phần lớn trong số này sẽ tham gia huấn luyện lực lượng Iraq và người Kurd.
Trước chỉ trích của Đảng Cộng hòa cho rằng chiến lược tiêu diệt IS của Tổng thống Barack Obama là thiếu sót và không hoàn thiện, ông Carter nói ông sẽ đến Paris - Pháp vào tuần tới để gặp bộ trưởng quốc phòng 6 nước (Pháp, Anh, Úc, Đức, Ý, Hà Lan) và bàn về cuộc chiến chống IS.
Tuy nhiên, Úc vừa lên tiếng từ chối yêu cầu của Mỹ về việc bổ sung lực lượng cho cuộc chiến chống IS ở Trung Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Maris Payne phát biểu hôm 43-1: “Úc đã xem xét lời yêu cầu. Chúng tôi tham gia vào các hoạt động không kích và đào tạo cho lực lượng an ninh Iraq. Chính phủ cũng đã thông báo với Bộ trưởng Mỹ Carter rằng đóng góp của chúng tôi sẽ vẫn như cũ”.
Từ cuối năm 2014, Úc đưa máy bay chiến đấu Super Hornet, máy bay hỗ trợ và 600 lính phòng không cùng lính đặc nhiệm đến Iraq chiến đấu với IS. Năm 2015, chiến dịch của Úc mở rộng sang Syria
Nga giao 8 máy bay IL-76 cho đối tác châu Á giấu mặt
Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Hãng sản xuất máy bay Ilyushin (Nga) hôm 13-1 cho biết công ty này đã chuyển giao 8 máy bay IL-76 cho một quốc gia châu Á theo các điều khoản của hiệp định song phương trong năm 2015.
Ilyushin là hãng chế tạo máy bay thuộc Tập đoàn United Aircraft Corporation, chuyên sản xuất các loại máy bay dân sự, quân sự, vận tải cũng như máy bay chuyên dụng.
Ông Yury Yudin cho biết: “Trong năm 2015, chúng tôi đã chuyển giao 8 máy bay IL-76 cho một quốc gia châu Á. Đáng tiếc là tôi không thể nêu tên nước này do quy định của thỏa thuận”.
Theo ông Yudin, hãng này đang đàm phán với quốc gia bí mật nói trên về việc cung cấp thêm 5 chiếc máy bay Il-76 khác.
Hồi năm ngoái, hãng Ilyushin từng tuyên bố kế hoạch cải tiến một loạt máy bay IL-76 nhằm tăng tuổi thọ hoạt động của chúng thêm 20 năm. Hãng này thông báo: “Tuổi thọ dự kiến của máy bay là 30.000 giờ bay, 10.000 chuyến bay, tương đương 20 năm. Tuy nhiên, sau khi máy bau được cải tiến, chúng có thể làm việc được đến 40 năm”.
Máy bay IL-76, còn được NATO gọi là “Candid”, là dòng máy bay vận tải quân sự 4 động cơ được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau và có thể cất cánh từ đường băng ngắn, không cần trải nhựa.
Máy bay IL-76 ra mắt vào năm 1974 và được sử dụng rộng rãi ở châu Âu, châu Á và châu Phi như máy bay chuyên chở binh sĩ, thiết bị quân sự...cũng như được sử dụng trong sứ mệnh cứu trợ thảm họa, thiên tai và chở hàng hóa.
Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh đến Philippines
Tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh lớp Los Angeles của Mỹ là USS Topeka đã tới căn cứ hải quân vịnh Subic của Philippines giữa lúc căng thẳng biển Đông gia tăng vì sự khiêu khích của Trung Quốc.
Một tuyên bố của Hải quân Mỹ xác nhận tàu USS Topeka tới vịnh Subic thuộc phía Tây hôm 12-1. Ngoài ra tuyên bố đó nêu rõ với thủy thủ đoàn gồm 160 thành viên, USS Topeka sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ và phát huy năng lực của hạm đội tàu ngầm.
Trung tá David P. Lammers, sĩ quan chỉ huy của USS Topeka, nhấn mạnh việc củng cố mối quan hệ và thúc đẩy giao lưu văn hóa thông qua những chuyến viếng thăm như hế. “Càng tương tác, chúng ta càng hiểu nhau và liên minh của chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của các bạn và cảm thấy được chào đón khi chúng tôi ghé thăm vịnh Subic” - ông Lammers nói.
Tàu USS Topeka có chiều dài hơn 90 m, trọng lượng trên 6.000 tấn, có thể hoạt động ở độ sâu hơn 240 m với tốc độ lên tới 25 hải lý/giờ. Nó được coi là một trong những tàu ngầm có khả năng tàng hình tốt nhất với khả năng hỗ trợ nhiều nhiệm vụ khác nhau bao gồm chống tàu ngầm, chống hạm, tấn công, giám sát lẫn do thám.
Song song đó, Manila đã đề nghị với Washington 8 căn cứ mà nước này có thể xây dựng cơ sở hạ tầng ở đó để dự trữ trang thiết bị căn cứ theo Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) ký kết năm ngoái.
Người phát ngôn quân đội Philippines, Đại tá Restituto Padilla ngày 13-1 thông báo 8 căn cứ gồm 5 sân bay quân sự, 2 căn cứ hải quân và 1 căn cứ huấn luyện.
Ba trong số này là căn cứ Clark (trước kia là căn cứ không quân Mỹ) nằm trên đảo Luzon và 2 căn cứ trên đảo Palawan gần biển Đông.
Mỹ cũng đang nỗ lực tìm kiếm việc sử dụng 3 cảng biển và sân bay dân dụng trên đảo Luzon, trong đó có vịnh Subic - trước kia cũng từng là căn cứ Mỹ.
Cuộc điện đàm "nóng" của 2 ông Obama - Putin
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13-1 nhấn mạnh sự cần thiết của giải pháp ngoại giao cho hàng loạt điểm nóng trên thế giới.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, ông Obama nói với người đồng cấp Putin rằng bước tiếp theo quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine là tất cả các bên thoả thuận về cách thức của cuộc bầu cử địa phương ở vùng Donbas của nước này.
Hai nhà lãnh đạo cũng ghi nhận sự cần thiết phải tiến hành các bước để thúc đẩy các cuộc thảo luận hiệu quả giữa đại diện phe đối lập Syria và chế độ Tổng thống Bashar al-Assad dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ), bằng cách giảm thiểu xung đột và giải quyết nhu cầu nhân đạo khẩn cấp của người dân.
Ngoài 2 điểm nóng trên, hai ông còn đề cập tới phản ứng mạnh mẽ và thống nhất của quốc tế đối với vụ thử “bom nhiệt hạch” tuần trước của Triều Tiên, theo tuyên bố của Nhà Trắng.
Riêng Điện Kremlin cho biết lãnh đạo 2 nước Nga và Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ về việc xoa dịu căng thẳng giữa Iran và Ả Rập Saudi.
Liên quan đến vụ thử hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng, hãng tinYonhap đưa tin giới chức quốc phòng Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ nhóm họp vào 15-1 tại Seoul để thảo luận.
Trước đó, hôm 13-1, Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Sung Kim đã gặp gỡ các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản. Cả ba đều ủng hộ LHQ đưa ra nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng và lưu ý sự tham gia của Trung Quốc là rất quan trọng.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm 13-1 cũng kêu gọi Bắc Kinh – láng giềng và đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng – sử dụng ảnh hưởng của mình để yêu cầu Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân. Trung Quốc hiện là một trong những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.