tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 22-01-2016

  • Cập nhật : 22/01/2016

Ả Rập Xê Út cảnh báo có thể theo đuổi vũ khí hạt nhân

tong thong iran hassan rouhani va quoc vuong a rap xe ut salman - anh: itv

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman - Ảnh: ITV


Ả Rập Xê Út vừa hé lộ ý định sở hữu vũ khí hạt nhân nhằm đối phó kỳ phùng địch thủ Iran trong thời kỳ “hậu trừng phạt”.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Reuters được đăng tải ngày 20.1, Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út Adel al-Jubeir cảnh báo việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran theo thỏa thuận hạt nhân giữa nước này và các cường quốc sẽ là “một diễn biến nguy hại” vì Tehran “có thể dùng nguồn tiền đến từ việc dỡ bỏ phong tỏa cho các hoạt động bất chính”.
Khi được hỏi nếu Iran vẫn theo đuổi vũ khí hạt nhân thì liệu Ả Rập Xê Út có hành động phản ứng tương tự hay không, Ngoại trưởng al-Jubeir tuyên bố chính quyền Riyadh sẽ làm “mọi thứ cần thiết để bảo vệ người dân”.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Ả Rập Xê Út đề cập khả năng sở hữu bom hạt nhân, chủ yếu nhằm kèn cựa với Iran. Hồi tháng 4.2015, phát biểu tại một cuộc hội thảo quốc tế về hạt nhân do Viện Nghiên cứu chính sách Asan tại Hàn Quốc tổ chức, cựu lãnh đạo tình báo Ả Rập Xê Út Turki bin Faisal tuyên bố thẳng: “Người Iran có cái gì, chúng tôi sẽ có cái đó”.
Ngoài ra, tờ Sunday Times dẫn nhiều nguồn tin tình báo Mỹ tiết lộ Ả Rập Xê Út từ lâu đã có thỏa thuận mua công nghệ vũ khí hạt nhân từ Pakistan nhưng chưa xúc tiến triển khai. “Hoàng gia Ả Rập Xê Út vẫn “treo” thỏa thuận với Pakistan như một con bài tẩy để sử dụng trong các thời điểm sống còn về chiến lược”, một cựu quan chức Washington cho biết.
Những tuyên bố nói trên của Ngoại trưởng al-Jubeir là phản ứng trực tiếp đầu tiên từ Ả Rập Xê Út về dỡ bỏ trừng phạt Iran và được đưa ra trong bối cảnh 2 nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao sau khi Riyadh tử hình một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite kéo theo những vụ tấn công quá khích nhằm vào Đại sứ quán Ả Rập Xê Út ở Tehran.
Không chỉ được xem là đại diện lớn nhất của 2 dòng Hồi giáo đối nghịch (Sunni và Shiite), Ả Rập Xê Út và Iran hiện còn đang chạy đua trở thành thế lực mạnh nhất khu vực, thông qua việc hậu thuẫn những phe phái kình chống nhau tại Yemen và Syria.
Bên cạnh đó, Israel cũng tiếp tục phản đối kịch liệt thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran và việc giảm căng thẳng ở nước này. Tờ The Washington Post hôm 20.1 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya’alon thẳng thừng tuyên bố rằng nếu phải chọn lựa giữa Iran và Nhà nước Hồi giáo (IS), ông sẽ chọn IS. Vị bộ trưởng lập luận rằng IS sớm muộn cũng bị đánh bại, còn Iran là mối đe dọa lớn nhất đối với nhà nước Do Thái. Vì thế, nếu Syria rơi vào tay một trong 2 thế lực này, ông Ya’alon “thích” đó là IS hơn là Iran hay các nhóm được Tehran ủng hộ.

Trung Quốc sẽ quân sự hoá tại Trường Sa tuỳ mức độ 'bị đe doạ'

duong bang trung quoc xay dung trai phep tren da chu thap thuoc quan dao truong sa cua viet nam - anh: reuters

Đường băng Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters


Tư lệnh Hải quân Trung Quốc nói với đô đốc Hải quân Mỹ rằng số lượng căn sứ quân sự Trung Quốc xây ở Trường Sa phụ thuộc vào mức độ "đe doạ" đối với nước này.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc được Reuters dẫn lại ngày 20.1, trong cuộc điện đàm cùng ngày với Đô đốc John Richardson, chỉ huy các chiến dịch thuộc Hải quân Mỹ, tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi nói rằng việc đáp máy bay xuống đường băng mà nước này xây phi pháp ở đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là để xem “liệu đường băng có đáp ứng các tiêu chuẩn hàng không dân dụng hay không”.  
Ông Ngô còn nói rằng hành động này sẽ giúp Trung Quốc hoàn thành các quy định quốc tế và phục vụ cho thế giới (?), mặc dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ cho phép các hãng bay nước ngoài sử dụng đường băng phi pháp này.
Theo tư lệnh Hải quân Trung Quốc, việc xây dựng các công trình “phòng thủ cần thiết” trên các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép và bãi đá tại quần đảo Trường Sa không phải là quân sự hoá (?), và việc có quân sự hoá hay không còn phụ thuộc vào mức độ đe doạ mà Trung Quốc phải đối mặt.
Ông ta còn cho rằng Hải quân Trung Quốc có cả năng lực và quyết tâm “bảo vệ Trường Sa” mà không gặp phiền phức!
Trung Quốc từ trước đến nay vẫn ngang ngược nói rằng việc cải tạo đất và xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp tại Biển Đông là nhằm mục đích dân sự và phòng thủ. Mới đây, Trung Quốc còn đưa các máy bay đáp xuống đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động này không chỉ bị Việt Nam và các nước trong khu vực phản đối mà còn khiến Mỹ lo ngại.

Chính phủ Mỹ cho phép không kích IS ở Afghanistan

linh my tai hien truong mot vu danh bom o kabul ngay 4.1.2016 - anh: reuters

Lính Mỹ tại hiện trường một vụ đánh bom ở Kabul ngày 4.1.2016 - Ảnh: Reuters

Chính quyền Mỹ đã cho phép tiến hành các cuộc không kích vào nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) và Al-Qaeda tại Afghanistan, theo Washington Post ngày 20.1.

Như vậy quân đội Mỹ “đã có thể tấn công IS tích cực hơn” thay vì “chỉ được phép sử dụng vũ lực để chống lại al-Qaeda đồng thời hỗ trợ quân đội Afghanistan” như trước đây.

Quyết định này của chính quyền Mỹ được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố chính thức đưa nhóm Khorasan (một nhánh nhỏ của IS) ở Afghanistan vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Theo RIA, Lầu Năm Góc đã không công khai nói về mức ảnh hưởng ngày càng tăng của IS ở Afghanistan, mà chỉ báo cáo chung chung rằng các lực lượng IS ở đây ngày một suy yếu. Chẳng hạn, phó tham mưu trưởng các lực lượng quân sự của Mỹ tại Afghanistan, tướng Wilson Shoffner hôm thứ ba 19.1 nói với các phóng viên rằng các chiến binh IS chỉ có thể hoạt động lẻ tẻ chứ không đủ năng lực để tổ chức và thực hiện các cuộc tấn công đồng loạt ở nhiều nơi cùng lúc.

Từ năm 2001, Mỹ đã tiến hành các hoạt động quân sự ở Afghanistan để chống lại tổ chức khủng bố al-Qaeda và các chiến binh Taliban. Ban đầu, Mỹ lên kế hoạch rút quân vào năm 2014, nhưng theo yêu cầu của chính phủ Afghanistan nên vẫn để lại một bộ phận quân đội để giúp lực lượng an ninh sở tại.

Trong những năm gần đây, Washington luôn cố gắng thúc đẩy đối thoại giữa chính phủ Afghanistan và phe đối lập vũ trang Taliban.


EU kêu gọi Trung Quốc giúp giải quyết khủng hoảng tị nạn

nguoi ti nan cho ben trong mot can leu o van phong y te va van de xa hoi berlin, tai thu do berlin, duc ngay g5.1.2016 - anh: reuters

Người tị nạn chờ bên trong một căn lều ở Văn phòng y tế và vấn đề xã hội Berlin, tại thủ đô Berlin, Đức ngày G5.1.2016 - Ảnh: Reuters


Liên minh châu Âu (EU) cho rằng sự giúp đỡ tài chính hay trợ giúp khác của Trung Quốc sẽ tạo thêm điều kiện giải quyết cuộc khủng hoảng di dân tại EU, nơi làn sóng người tị nạn từ Trung Đông đã trở nên quá tải.

Theo hãng tin RIA (Nga) ngày 20.1, đại sứ EU tại Trung Quốc, Hans Dietmar Schweisgut phát biểu tại một cuộc họp báo về quan hệ của EU và Trung Quốc tại Bắc Kinh rằng “EU đánh giá cao vai trò tích cực của Trung Quốc trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. Chúng tôi kỳ vọng vào sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Trung Quốc, đặc biệt trong việc ứng phó với vấn đề người tị nạn”.

Theo ông, giúp đỡ tài chính hay bất kỳ sự trợ giúp khác từ Trung Quốc cũng rất quan trọng để giải quyết các tình huống liên quan đến cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu.

Về phần mình, đại sứ Hà Lan tại Trung Quốc, Ron Keller cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực giúp giải quyết những vấn đề mà châu Âu đang phải đối mặt. Được biết, Hà Lan hiện giữ chức chủ tịch EU.

“Cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc, có trách nhiệm quan tâm chăm sóc những người đã mất tất cả mọi thứ mà họ có: Nhà cửa, gia đình, quê hương đất nước và cả tương lai của mình. Vì vậy, bất cứ đóng góp nào có thể có của Trung Quốc cũng đều được hoan nghênh”, ông Keller nói. Ông lưu ý rằng tự thân EU cũng sẽ nỗ lực hơn nữa trong vấn đề này.

Theo Frontex, Cơ quan kiểm soát biên giới của châu Âu, trong năm 2015 đã có hơn 1,2 triệu người di cư đến EU. Ủy ban châu Âu công báo số liệu cho biết cuộc khủng hoảng di dân hiện nay trên thế giới là lớn nhất kể từ sau Thế chiến II.


23.971 người tự tử trong năm 2015 tại Nhật Bản

23.971 nguoi tu tu trong nam 2015 tai nhat ban

23.971 người tự tử trong năm 2015 tại Nhật Bản


Tổng số vụ tự tử tại Nhật Bản lần đầu tiên dưới 25.000 một năm kể từ năm 1997, tờ Japan Today trích báo cáo sơ bộ từ Cơ quan Công an quốc gia nước này.
Theo báo cáo sơ bộ từ Cơ quan Công an quốc gia Nhật Bản, từ ngày 1.1-31.12.2015, có tổng cộng 23.971 người tự tử, giảm 1.456 người so với năm 2014, Fuji TV đưa tin.
Trong đó, có 16.641 người nam, 7.330 là nữ.
Nơi có số vụ tự tử cao nhất, 2.471 vụ, là thủ đô Tokyo. Thời gian diễn ra tự tử cao nhất là tháng 3, với 2.300 vụ; thấp nhất là tháng 2, với 1.766 vụ.
Bảng số liệu cho thấy sự cải thiện đáng kể trong “giai đoạn đen tối” như người Nhật hay gọi, bắt đầu từ năm 1998. Từ đó, 14 năm liên tiếp tổng số vụ tự tử đều vượt quá 30.000 vụ/năm.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục