Không quân Indonesia sẵn sàng đối phó với xung đột ở Biển Đông
Máy bay Không quân Indonesia bay trinh sát trên biển - Ảnh: AFP
Không quân Indonesia sẵn sàng đối phó với các khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông, dù ở khu vực này Jakarta không có tranh chấp với nước nào ngoại trừ bất đồng với Trung Quốc.
Tư lệnh đơn vị không quân tác chiến số 1 thuộc Không quân Indonesia, thiếu tướng Yuyu Sutisna đã tuyên bố như thế khi đề cập đến những bất đồng và căng thẳng ở Biển Đông.
"Chúng ta không có tranh chấp, cũng không dính đến xung đột ở Biển Đông, nhưng chúng ta phải chuẩn bị để đối phó với mọi khả năng có thể xảy ra ở đây”, thiếu tướng Yuyu nói hôm 12.1, theo Antara News.
Ông Yuyu cho biết dựa trên yêu cầu và đòi hỏi về an ninh quốc phòng của khu vực và Biển Đông trước những nguy cơ xung đột, Không quân Indonesia phải tính đến việc nâng cấp các căn cứ và không lực theo hướng tinh nhuệ và hiện đại. Một trong những căn cứ được quan tâm đặc biệt là Natuna gần Biển Đông. Căn cứ không quân này đã được Jakarta nâng cấp lên loại B.
“Khi Natura được nâng cấp lên loại B, căn cứ này sẽ được phát triển với cơ sở hạ tầng tương xứng theo từng giai đoạn, để thể hiện sức mạnh quân sự của lực lượng không quân quốc gia”, ông Yuyu nói.
Sáu căn cứ không quân khác của Indonesia cũng được nâng cấp gồm Padang ở Tây Sumatra, Palembang ở Nam Sumatra, Tarakan ở Đông Kalimantan, Lombok ở Tây Nusa Tenggara, Marotai ở Đông Nusa Tenggara và Marauke ở Papua, theo thiếu tướng Yuyu. Ông nói rằng việc nâng cấp cũng nhầm tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia của quân đội Indonesia và đối phó với thiên tai.
Indonesia không có tranh chấp ở Biển Đông, nhưng đang bị Trung Quốc đe dọa khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi lý qua yêu sách đường lưỡi bò (đường chín đoạn), kéo dài từ eo biển Đài Loan đến gần các đảo của Indonesia. Jakarta dọa sẽ kiện Bắc Kinh vì đòi hỏi chủ quyền phi lý này.
Bà Hillary Clinton nói mình làm tổng thống tốt hơn ông Obama
Ông Obama và bà Clinton từng "tung hứng" rất ăn ý khi còn làm việc chung - Ảnh: AFP
Trong một dịp hiếm hoi phê phán “sếp” cũ Barack Obama, ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton tuyên bố bà sẽ làm tổng thống tốt hơn Obama bởi bà có nhiều kinh nghiệm vận động được sự ủng hộ của các dân biểu Cộng hòa.
Dưới đây là nguyên văn tuyên bố của bà Clinton khi so sánh khả năng vận động sự ủng hộ lưỡng đảng của bản thân bà so với Tổng thống Obama: “Vì tôi có nhiều kinh nghiệm hơn hẳn trong chuyện này. Khi tôi còn là thượng nghị sĩ, tôi hợp tác với mỗi đảng viên Cộng hòa… Tôi luôn tâm niệm phải làm điều đó. Anh phải xây dựng mối quan hệ và liên tục tìm kiếm tiếng nói chung dù ở ở mảnh ghép nhỏ đến thế nào đi chăng nữa…”.
Trong cuộc phỏng vấn với báo điện tử Des Moines Register hôm 12.1, bà Clinton cũng ca ngợi ông Obama - người đứng đầu chính quyền mà bà từng làm việc trong tư cách ngoại trưởng – nhất là trong nỗ lực kiểm soát súng ống. Tuy nhiên, trong suốt cuộc phỏng vấn dài đến 73 phút này, điều rõ ràng nhất mà người xem cảm nhận được từ thông điệp của cựu nữ ngoại trưởng là sự bất lực kéo dài của ông Obama khi đối mặt với các ý kiến chống đối bên trong quốc hội, cho rằng rất nhiều rắc rối chính trị nảy sinh bắt nguồn từ sự bất lực đó.
Trong cuộc phỏng vấn, có lúc bà cũng ca ngợi ông Obama vì các thành quả đạt được nhằm nỗ lực vực dậy nền kinh tế vào giai đoạn bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên của ông, nhưng lại cho rằng ông không làm được việc giải thích cho công chúng hiểu con đường ông đang đi.
Chuyên gia Mỹ: Vụ thử tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên đã thất bại
Vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm mà Triều Tiên tuyên bố thành công thực sự là một vụ thử thất bại thảm hại, thậm chí nó không được phóng từ tàu ngầm như tuyên bố của Bình Nhưỡng.
Phân tích của Trung tâm nghiên cứu chống phổ biến hạt nhân Jame Martin (có trụ sở ở bang California, Mỹ) ngày 13.1 cho biết vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên hồi tháng 12.2015 từ tàu ngầm đã không thành công như Bình Nhưỡng tuyên bố trong một đoạn video.
“Mặc dù vụ phóng được nói là thành công, nhưng chúng tôi tin rằng nó đã thất bại thảm hại ngay trong giai đoạn khai hoả”, bà Catherine Dill, chuyên gia nghiên cứu của trung tâm Jame Martin phát biểu, theo AFP.
Bà Dill đưa ra nhận định trên dựa trên đoạn video được Bình Nhưỡng tung ra hồi tuần trước. Đoạn video được cho là ghi lại vụ thử, cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un mặc áo khoác mùa đông và đội mũ vành đang nhìn theo một tên lửa được phóng thẳng đứng từ dưới mặt nước và khai hoả động cơ trên không.
Theo bà Dill, Triều Tiên đã cắt dán đoạn video trước khi tung ra cho thế giới xem. Đoạn cắt dán dễ phát hiện đó là một đoạn nhảy hai khung hình khá lâu. Bà Dill cho rằng đoạn này bị cắt dán từ video của vụ thử trước đó để che lấp sự thất bại của vụ thử mới nhất.
Các chuyên gia của Mỹ ở Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn, đại học John Hopkins chú ý chi tiết khác trong đoạn video và thấy rằng sự khác thường đối với một chiếc tàu hỗ trợ neo đậu cách nơi phóng 50 m.
“Thật là một khoảng cách quá gần đầy nguy hiểm khi sử dụng một chiếc tàu ngầm để phóng tên lửa. Điều này chỉ đúng với một chiếc sà lan chứ không phải là một chiếc tàu”, kỹ sư không gian John Schilling viết trên website 38 North, trang web chuyên đưa tin về hạt nhân của Triều Tiên do các chuyên gia của Mỹ điều hành.
“Vì vậy có thể nói tên lửa được phóng từ sà lan chứ không phải từ tàu ngầm”, ông Schilling nhận định.
Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm như clip của Triều Tiên mới công bố ngày 8.1 đã thất bại, theo phân tích của chuyên gia Mỹ
Trước đó, hãng tin Yonhap đưa tin, các chuyên gia của Hàn Quốc cũng có nhận định như các chuyên gia Mỹ về đoạn video. Họ tin rằng nó đã bị biên tập và nghi ngờ khả năng thành công của vụ thử tên lửa từ tàu ngầm, được xem là vụ thử lần thứ ba từ sau tháng 5.2015. Vụ thử lần thứ 2 hồi tháng 11.2015 cũng được nói là thất bại do ống phóng từ tàu ngầm bị hỏng.
Thế giới rất quan tâm đến các vụ thử tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên, vì nếu thành công thì mối đe dọa tấn công hạt nhân từ Bình Nhưỡng được nâng lên một bước nữa.
Theo các chuyên gia Mỹ, với việc phóng thử tên lửa từ tàu ngầm và thử bom H ngày 6.1, Triều Tiên càng trở nên nguy hiểm hơn đối với khu vực và thế giới, cho dù họ nói rằng đó chỉ là hành động tự vệ trước mối đe dọa từ Mỹ.
Chuyên gia Schilling nhận xét rằng cho dù vụ thử tên lửa mới nhất thành công hay thất bại, điều không thể phủ nhận là Triều Tiên có ý định phát triển khả năng phóng tên lửa từ tàu ngầm và sẽ đi đến cùng mục đích này. Tuy nhiên, theo chuyên gia Mỹ, Bình Nhưỡng chỉ có thể thành công sau năm 2020.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật mở rộng trừng phạt Triều Tiên
Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật mở rộng trừng phạt Triều Tiên ngày 12.1 với 418/420 phiếu thuận - Ảnh: Reuters
Ngày 12.1, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật mở rộng trừng phạt Triều Tiên sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch.
Reuters sáng ngày 13.1 đưa tin Hạ viện Mỹ ngày 12.1 đã thông qua một dự luât về việc gia tăng trừng phạt đối với Triều Tiên, với tỉ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối (418/420 phiếu). Dự luật này được giới thiệu từ đầu năm 2015 nhưng chỉ được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ sau sự kiện Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch vào ngày 6.1 vừa qua.
Chủ tịch ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, nghị sĩ Ed Royce cho biết: "Dự luật nhằm gây sức ép về tài chính để cô lập nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các quan chức cấp cao của Triều Tiên, nhắm vào tài sản của họ ở các ngân hàng nước ngoài cũng như các nguồn ngoại tệ mạnh được dùng để duy trì quyền lực của họ".
Để thành luật, dự luật trên phải được Thượng viện Mỹ thông qua, sau đó trình Tổng thống Mỹ Barack Obama ký. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell nói rằng thượng viện sẽ nhanh chóng xem xét dự luật này. Theo Reuters, các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại thượng viện nhiều khả năng ủng hộ dự luật trừng phạt Triều Tiên.
"Đây là lĩnh vực mà chúng ta có sự thống nhất chung rằng những gì Triều Tiên đã làm là sai trái, và chúng ta phải hành động", ông Ben Cardin, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ khẳng định.
Iran sắp mua được tên lửa S-300 của Nga
Một hệ thống tên lửa S-300 của Nga tại một triển lãm quân sự ở Saint Petersburg hồi tháng 2.2015 - Ảnh: AFP
Tờ Tehran Times ngày 12.1 dẫn lời Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin xác nhận nước này đã nhận tạm ứng từ Iran theo hợp đồng cung cấp tên lửa phòng không S-300 và Tehran cũng rút đơn kiện Moscow tại tòa án quốc tế.
Trước đó, vào năm 2007, Iran ký thỏa thuận trị giá 800 triệu USD để mua 5 hệ thống S-300. Tuy nhiên, đến năm 2010, Nga quyết định đình chỉ hợp đồng theo nghị quyết trừng phạt Iran của Liên Hiệp Quốc. Tehran phản ứng bằng cách kiện Moscow ra Tòa án Trọng tài quốc tế và đòi bồi thường hơn 4 tỉ USD.
Tình hình đã thay đổi sau khi Iran và các bên đạt được thỏa thuận về giải quyết tranh cãi liên quan đến chương trình hạt nhân hồi năm ngoái, dẫn đến giảm căng thẳng trong quan hệ ngoại giao.
Đến nay, Phó thủ tướng Rogozin khẳng định hợp đồng sẽ được hoàn tất ngay sau khi Nga nhận đủ tiền.
(
Tinkinhte
tổng hợp)