tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 15-01-2016

  • Cập nhật : 15/01/2016

Tổng thống Hàn Quốc kêu Trung Quốc giúp trừng phạt Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm 13-1 kêu gọi Trung Quốc giúp trừng phạt CHDCND Triều Tiên, sau vụ nước này thử bom nhiệt hạch (bom H).

tong thong han quoc park geun-hye tra loi phong vien trong cuoc hop truc tuyen ngay 13-1 - anh:ap

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trả lời phóng viên trong cuộc họp trực tuyến ngày 13-1 - Ảnh:AP

Hãng tin AP cho biết tổng thống Park chính thức kêu gọi sự hỗ trợ từ Bắc Kinh khi Bình Nhưỡng cho thả truyền đơn dọc biên giới liên Triều, dùng lời lẽ khiếm nhã mô tả về bà và chính quyền của bà.

Trong buổi họp trực tuyến qua truyền hình trên toàn Hàn Quốc ngày 13-1, tổng thống Park nhấn mạnh Seoul sẽ tăng cường tối đa khả năng của mình trong việc thúc giục cộng đồng quốc tế áp đặt trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh Seoul sẽ không ngừng chiến dịch vận động này.

“Song, sự trợ giúp từ phía Trung Quốc rất quan trọng. Tôi tin Trung Quốc với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), họ sẽ đóng vai trò cần thiết, sẽ không để cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên tệ hơn nữa ”- hãng tin Yonhap dẫn lời bà Park nhấn mạnh.

Cùng lúc đại sứ Mỹ về vấn đề Triều Tiên - Sung Kim cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp của Nhật Bản và Hàn Quốc. Các bên đã nhất trí rằng HĐBA LHQ cần đưa ra nghị quyết trừng phạt mới “ý nghĩa hơn". 

Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã có những biểu hiện mất kiên nhẫn trước những hành động khiêu khích của người láng giềng CHDCND Triều Tiên. 

Tuy nhiên, họ vẫn còn miễn cưỡng trong việc trừng phạt quốc gia đồng minh này vì quan ngại một khi áp đặt trừng phạt, đẩy chính quyền Bình Nhưỡng vào khó khăn thì Trung Quốc phải gánh chịu dòng người di tản khổng lồ từ CHDCND Triều Tiên tràn vào khu vực biên giới đông bắc nước này.

Cùng ngày, hãng tin Yonhap cho biết giới chức quốc phòng Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ có cuộc thảo luận về việc CHDCND Triều Tiên thử bom nhiệt hạch vào ngày mai (15-1).

Tại thủ đô Seoul, các quan chức quốc phòng hai nước sẽ tham gia diễn đàn và bàn luận nhằm đưa ra biện pháp phản ứng chung về vụ thử bom này.


Đánh bom sở cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 40 thương vong

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14-1 đưa tin một vụ tấn công bằng bom xe nhằm vào một sở cảnh sát thuộc quận Cinar, tỉnh Diyarbakir khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 36 người khác bị thương.

nhieu nan nhan co the mac ket trong dong do nat sau vu danh bom - anh: al jazeera turk

Nhiều nạn nhân có thể mắc kẹt trong đống đổ nát sau vụ đánh bom - Ảnh: Al Jazeera Turk

BBC cho biết trong số những người thiệt mạng có một phụ nữ và một trẻ em.

Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm thêm các nạn nhân bên dưới các đống đổ nát ở hiện trường vụ nổ. Các nhà chức trách lo sợ số thương vong có thể tăng cao.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc các phiến quân thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) thực hiện cuộc tấn công do nhóm này hoạt động chính tại tỉnh Diyarbakir. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc.

Truyền thông địa phương cho biết quả bom được kích nổ ngay lối ra vào tòa nhà dùng làm sở cảnh sát. Vụ nổ cũng gây thiệt hại các căn nhà của người dân xung quanh sở.

Các cuộc đụng độ gần đây giữa lực lượng PKK và quân đội chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tại Diyarbakir đã nhấn chìm tỉnh này trong bạo lực khói lửa.

Năm ngoái Diyarbakir và các khu vực phía đông nam đất nước được đặt dưới lệnh giới nghiêm do bạo lực bùng nổ.

Lệnh giới nghiêm được đưa ra sau 2 cuộc tấn công khiến 30 binh lính và cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.

Thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và PKK sụp đổ tháng 7-2015, các máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã ném bom các căn cứ PKK tại miền bắc Iraq cũng như triển khai lực lượng bộ binh chiến đấu với PKK tại khu vực này.


Bắt 5 nghi can IS làm chết 10 du khách Đức

Thổ Nhĩ Kỳ hôm 13-1 tuyên bố bắt giữ 5 nghi can của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) liên quan đến vụ đánh bom tự sát ở Istanbul, làm 10 du khách người Đức thiệt mạng.

thu tuong tho nhi ky ahmet davutoglu (phai) va phu nhan cung bo truong noi vu duc thomas de maiziere den dat hoa tuong niem cac nan nhan trong vu danh bom lieu chet do is thuc hien hom 12-1 - anh:afp

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (phải) và phu nhân cùng Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đến đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trong vụ đánh bom liều chết do IS thực hiện hôm 12-1 - Ảnh:AFP

Hãng tin AFP dẫn nguồn từ Ankara cho biết vụ đánh bom hôm 12-1 do nghi can Nabil Fadli,  28 tuổi người Syria và là thành viên của  IS thực hiện.

Nghi can này đã vào Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là dân nhập cư từ ngày 5-1 nhưng chưa hề nằm trong danh sách truy lùng của giới chức năng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Efkan Ala cho biết nghi can này bị bắt một ngày sau đó. Fadli nhận nhiệm vụ kích hoạt bom ở quảng trường Sultanahmet, khu vực có đông người Thổ Nhĩ Kỳ và du khách nước ngoài đến viếng thăm các di tích lịch sử như đền Ottoman-era Blue Mosque và nhà thờ Hagia Sophia. 

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết bốn nghi can khác đã bị bắt hôm qua. Trước đó truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận các lực lượng an ninh của nước này cũng đã vây bắt 74 nghi can là thành viên của IS.

Bộ Ngoại giao Đức cho biết 10 trong số các nạn nhân thiệt mạng và bị thương của vụ nổ bom này là người Đức. Vụ đánh bom còn làm 15 người khác bị thương, trong đó phần lớn là người Đức và một vài người Na Uy, Peru cũng như Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tôi nhìn thấy một thanh niên trẻ rút chốt và tôi hét lớn bằng tiến Đức "chạy". Lúc đó tôi và nhóm 33 du khách đang tham quan ở khu vực này tháo chạy nhưng một số người đã không chạy kịp khi quả bom nổ” - Hãng tin AFP dẫn lời hướng dẫn viên du lịch Sibel Satiroglu cho biết.

Bộ này khuyến cáo người dân Đức tránh xa các chỗ đông người ở nơi công cộng và các nơi thu hút khách du lịch tại Istanbul. 


Quân đội Nga trước nguy cơ 'thắt lưng buộc bụng' vì suy thoái kinh tế

nga se that lung buoc bung, cat giam ngan sach quoc phong vi suy thoai kinh te? - anh minh hoa: reuters

Nga sẽ thắt lưng buộc bụng, cắt giảm ngân sách quốc phòng vì suy thoái kinh tế? - Ảnh minh họa: Reuters


Ngân sách quốc phòng của Nga thuộc dạng “khủng” trong các cường quốc quân sự, tuy nhiên Moscow được cho là đang buộc phải cắt giảm ngân sách này để cân bằng chi tiêu quốc gia.
Trong điều kiện kinh tế như hiện nay, ngân sách quốc phòng của Nga sẽ không thể tránh khỏi việc cắt giảm trong vài ba năm tới, cựu bộ trưởng tài chính Nga Alexey Kudrin nói trong Diễn đàn kinh tế Gaidar tổ chức ở Moscow hôm 13.1, theo TASS.
"Cắt giảm chi tiêu quốc phòng là chuyện không thể tránh được. Nhiều người nói rằng trong tình hình địa chính trị hiện tại, chi tiêu quốc phòng sẽ khó có thể thực hiện... Chúng có thể được hoãn lại cho hai hoặc ba năm. Tôi không thấy có bất kỳ vấn đề nào trong lĩnh vực này và không nghĩ chi tiêu quốc phòng là bất khả xâm phạm", ông Kudrin nói với đài phát thanh News Service của Nga.
"Chi tiêu quốc phòng không phải để tham gia thay đổi tình hình địa phương hay địa chính trị hiện nay mà để tăng cường khả năng phòng thủ của nước Nga trước các mối dọa xung đột tiềm năng", cựu bộ trưởng Kudrin giải thích.
Chính phủ Nga chưa đưa ra kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng cho ngân sách quốc gia vốn đang teo tóp vì giá dầu thô giảm và cấm vận kinh tế của phương Tây và Mỹ.
Báo cáo hàng năm của chuyên san quốc phòng IHS Jane's về ngân sách quốc phòng của các quốc gia trên thế giới cho biết Nga chi 54,1 tỉ USD cho quân đội trong năm 2015, tăng 21% so với năm trước và gấp 3 lần năm 2007. Nga đứng ở vị trí thứ 5 thế giới về chi tiêu cho quốc phòng sau Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp. Chi tiêu quốc phòng của Nga chiếm 4,3% GDP của nước này.
IHS Jane's nói gia tăng chi tiêu này là do nhiều cuộc tập trận tốn kém trong nước và chiến dịch quân sự ở Syria.
"Trong trung hạn, Syria không phải một gánh nặng siêu hạng", ông Kudrin nói. Theo ông này, chi tiêu ngân sách cho việc sáp nhập Crimea và hỗ trợ cho miền đông Ukraine đáng lo lắng hơn chiến dịch quân sự của Nga ở Syria.
IHS Jane's cũng cho rằng chi tiêu mạnh cho quốc phòng của Nga sẽ không kéo dài. "Cắt giảm là không thể tránh khỏi khi Moscow đang cố gắng giảm thâm hụt ngân sách trong tầm kiểm soát", ông Craig Caffrey, một nhà phân tích của IHSJane's nói trong báo cáo.

Bà Aung San Suu Kyi hoãn ý định làm tổng thống Myanmar

ba suu kyi ben canh cac thanh vien cua nld - anh: reuters

Bà Suu Kyi bên cạnh các thành viên của NLD - Ảnh: Reuters


Bà Aung San Suu Kyi hoãn việc gây áp lực để sửa đổi hiến pháp nhằm chấp nhận cho bà làm tổng thống Myanmar để tránh đối đầu với quân đội, Reuters dẫn nguồn tin từ đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ.
Một nguồn tin từ đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) tiết lộ bà Suu Kyi sẽ không gây căng thẳng cho chính trường nước này và tránh đối đầu với quân đội bằng cách chưa đưa ra kế hoạch sửa đổi hiến pháp.
Hiến pháp Myanmar được quân đội soạn thảo nhằm ngăn cản bà Suu Kyi trở thành tổng thống, dù đảng NLD do bà lãnh đạo giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng 11.2015. Hiến pháp Myanmar cấm người có vợ, chồng hoặc con cái mang quốc tịch nước ngoài trở thành tổng thống, trong khi hai con trai của bà Suu Kyi có quốc tịch Anh.
NLD có kế hoạch sửa lại điều khoản này để mở đường cho bà Suu Kyi giữ vị trí lãnh đạo cao nhất Myanmar. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được NLD đặt làm trọng tâm trong thời gian đầu nắm chính phủ. Bà Suu Kyi sẽ đứng trên tổng thống, người chỉ giữ vai trò này trên danh nghĩa.
“Việc lựa chọn tổng thống của chúng tôi chỉ là danh nghĩa và các quyết định sẽ chỉ được bà Aung San Suu Kyi đưa ra”, Reuters ngày 13.1 dẫn lời của nguồn tin giấu tên. Retuers cho biết có những cuộc thương lượng diễn ra giữa NLD và các bên, trong đó có cả quân đội, để tìm ra cách điều hành đất nước.
Lãnh đạo của NLD không muốn mở ra một cuộc đối đầu mới với quân đội, lực lượng từng tước quyền lãnh đạo của bà Suu Kyi sau khi đảng của bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm 1990. Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại nhà trong nhiều năm cho đến năm 2010, cũng là giai đoạn cải cách diễn ra ở Myanmar.
Ngoài việc gác lại ý định đối đầu với quân đội, bà Suu Kyi còn chấp nhận một thành viên của đảng Phát triển và Đoàn kết thống nhất (USDP) có liên quan đến quân đội tham gia vào nội các chính phủ của NLD, theo tờ Myanmar Times. Cùng với việc tiếp nhận thành viên của quân đội, chính phủ của bà Suu Kyi còn chấp nhận cả những nhà kỹ trị thuộc các tộc người thiểu số như một cách hòa giải và đề cao đoàn kết của NLD.
Tuy nhiên, nguồn tin của NLD cho biết những dự tính trên không đồng ý nghĩa với việc bà Suu Kyi từ bỏ ý định sửa đổi hiến pháp; thay vào đó kế hoạch để bà danh chính ngôn thuận làm tổng thống sẽ dời lại vào thời điểm thích hợp hơn, theo Reuters.
Quốc hội với những nghị sĩ mới sẽ bắt đầu phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 2.2016 để giới thiệu các chức danh đứng đầu quốc hội và chính phủ. Cho đến nay, chưa rõ NLD sẽ lựa chọn ai làm tổng thống, theo Myanmar Times.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục