Trung Quốc 'kiểm soát việc kinh doanh của quan chức'
Cuba không theo đuổi “liệu pháp sốc”
IS nhe nanh sói với Philippines
Ông Medvedev: Chính phủ Nga sẽ không in thêm tiền
Ấn Độ phá ổ mua bán trẻ em trong bệnh viện
Nhật: Động đất sẽ giúp lột xác những vùng đất nghèo, kém phát triển?
- Cập nhật : 19/04/2016
(Thien tai)
"Chúng ta không thể quay ngược lại quá khứ để ngăn cản thảm họa xảy ra, tốt nhất hãy nên nhìn vào tương lai. Chúng ta đã may mắn được sống sót vậy hãy xây dựng cho cuộc sống tốt đẹp hơn".
Động đất xảy ra là điều không ai muốn. Cũng không ai có thể phản bác ý kiến rằng nó rất bi thương, gây ra sự mất mát tang thương có thể đối với hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng nghìn gia đình. Tuy nhiên con người cũng không thể ngăn cản được động đất, vậy thì một khi nó đã xảy ra cũng nên nhìn vào những mặt tích cực còn lại.
Một người senpai (đàn anh) của tác giả may mắn có cơ hội được đi dọc nước Nhật trong thời điểm ngay sau thảm họa động đất đã nghe được một số ý kiến người dân về thảm họa. Và khá ngạc nhiên khi họ nói rằng: “Động đất là chuyện đã rồi, nhưng hãy chờ xem, đảo Kyushu sẽ nhận được cực kỳ nhiều hỗ trợ tài chính và kinh tế sẽ phát triển bùng nổ.”
Dưới đây, chúng tôi xin điểm lại một số câu chuyện từng xảy ra sautrận động đất tháng 3/2011 để độc giả có thể có thêm một góc nhìn mới về những gì xảy ra sau thảm họa thiên nhiên.
Những thị trấn “thay da đổi thịt”
5 năm sau khi động đất và sóng thần tàn phá một phần khu vực bờ biển phía Đông nước Nhật, có rất nhiều khu vực đã thay da đổi thịt. Khu cảng Onagawa tỉnh Miyagi nay đã sôi động hơn trước rất nhiều.
Ở khu vực ven biển là những nhà hàng bia tấp nập người ra vào mỗi ngày, gần đó là nhiều quán cafe nghệ sỹ mang phong cách châu Âu, hàng loạt cửa hàng cafe âm nhạc đông đúc, nhà hàng phong cách Ấn Độ, châu Âu và châu Á, trung tâm mua sắm đông đúc, náo nhiệt. Trước thảm họa động đất, sóng thần năm 2011, chưa từng có một hoạt động kinh doanh nào như vậy.
Khi ấy, Onagawa là một thị trấn bình yên đến buồn tẻ. Người trẻ đã đổ ra các thành phố lớn chỉ còn chủ yếu người trung niên hay đã già sinh sống. Một ngày tháng 3/2011, những cơn sóng thần cao mười mấy mét đã cuốn phăng đi nhà cửa, cơ sở hạ tầng và hơn 1000 người, tức khoảng 1/10 dân số thị trấn đã chết hoặc mất tích. 5 năm sau thảm họa, vẫn không có chút hy vọng nào để có thể tìm kiếm lại họ.
Sự đau thương tột cùng đó trên phương diện khác đã khiến cả nước Nhật phải chú ý đến Onagawa và một loạt các thị trấn kém phát triển khác thuộc tỉnh Miyagi, những thị trấn mà suốt bao đời chỉ quẩn quanh với nghề đánh cá vốn bất ổn về thu nhập và chẳng mấy được xã hội quan tâm. Động đất đã làm bừng sáng thị trấn nghèo và giúp rất nhiều người biết đến nó.
Ông Jinnai Sakimura là người Tokyo mới đến đây mở quầy bar mang tên Onagawa Highball để phục vụ cho khách du lịch. Nhiều người dân địa phương cũng kinh doanh dịch vụ để kiếm tiền bù lại cho những gì họ đã mất trong trận động đất.
Nhưng hạnh phúc với nhiều người khác không chỉ đến từ vật chất. Yoko Sakimura đã tìm được “một nửa” của mình sau trận động đất này. Là người đến từ tỉnh Chiba, cô cùng với rất nhiều người dân khác cùng tỉnh đã đến tỉnh Miyagi để làm tình nguyện.
Nhiều đêm thức trắng giúp đỡ người sơ tán, những lần bơi ngược dòng nước hoặc đi tìm trong đống đổ nát giữa đêm tối đã giúp cô có thêm nhiều bạn bè mới, mối quan hệ kéo dài mãi cho đến bây giờ khi thảm họa đã qua được 5 năm.
Và quan trọng nhất, cô cũng đã gặp chồng mình trong hoàn cảnh khốn cùng như thế. Chồng cô đã mất cả bà ngoại và anh trai vì sóng thần, nhưng hoàn cảnh đau thương đó không ngăn cản anh giúp đỡ người khác. Tham gia trong cùng đội tình nguyện, họ đã ở bên nhau chia sẻ với nhau vui buồn và đến đầu năm 2016 này đã kết hôn.
Chính anh Nakamura, chồng của Yoko, cũng cho rằng động đất, sóng thần đã mang đến cuộc sống mới cho thị trấn: “Ngày xưa những người trong thị trấn chúng tôi đi câu mãi mà vẫn nghèo, chẳng có tiền để đầu tư nên năng suất cũng không thể cao. Người trẻ cũng như người già thường chẳng có việc gì làm nên suốt ngày ngồi uống rượu khan ngoài bến tàu.”
“Thảm họa xảy ra dù đau thương nhưng cũng mang đến nhiều thay đổi tích cực. Khách du lịch đến nhiều hơn, người dân thị trấn có thêm nghề để làm, có thu nhập cao hơn. Hạ tầng địa phương cũ nát trước đây đã được xây mới đàng hoàng hơn rất nhiều”.
Chuyến tàu gặp nạn ngày nào được khôi phục về hình dạng ban đầu, nhìn ảnh cũng có thể thấy nó được chú ý hơn thế nào. (Ảnh: Japan Times)
Đường bờ biển của thị trấn giờ đã được bao bằng những con đê cao chắc chắn để mang đến sự bảo vệ tốt hơn cho người dân trong tương lai. Nhiều căn nhà mới đã và đang được xây dựng kiên cố hơn. Dù còn rất nhiều người đang phải sống trong nhà tạm nhưng cuộc sống rồi cũng sẽ dần ổn định.
Chỉ riêng tiền đền bù đất cho chủ nhà có dành đất cho dự án xây đê chắn biển đã lên đến 2,5 tỷ yên. Những mảnh đất đó nếu không dùng xây đê biển thì cũng chẳng thể sử dụng vào mục đích nào khác. Toàn bộ tỉnh Miagi nhận được số tiền 180 tỷ yên để xây 15 nghìn căn nhà tái thiết. Số lượng công ăn việc làm những dự án xây dựng trên tạo ra không hề nhỏ.
Trong bài phát biểu tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng bởi động đất, sóng thần, ông Makoto Kaninaka, thị trường của Onagawa nói: “Chúng ta không thể quay ngược lại quá khứ để ngăn cản thảm họa xảy ra, tốt nhất hãy nên nhìn vào tương lai. Chúng ta đã may mắn được sống sót vậy hãy xây dựng cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy cùng chung tay biến thị trấn của chúng ta thành nơi mà người trẻ muốn sống, kiếm được việc làm, có thu nhập chứ không nên để thị trấn chỉ như một nhà dưỡng lão lớn, nơi toàn người già sinh sống.”
Ở tuổi 43, ông Kaninaka quá trẻ so với phần đông cư dân thị trấn. So với nhiều người dân trong thị trấn, mất mát mà ông phải chịu không hề ít hơn. Ông mất dì, chú, cô ruột và toàn bộ ngôi nhà. Hiện nay ông vẫn đang sống trong nhà tạm với vợ, mẹ và các con và sẽ còn phải ở đây ít nhất 1 năm nữa. Ông cho biết phải chờ đến khi nào đến lượt thì ông mới được phép chuyển vào nhà mới.
“Giấc mơ Mỹ” sau động đất
Đối với Natsuyo Miyakawa, ngày 11/3/2011 lẽ ra là ngày vô cùng hạnh phúc của cô bởi nó là ngày cô tốt nghiệp trung học. Thay vào đó là nỗi buồn, sự sợ hãi và chạy trốn. Nghe thấy thông báo của trường, tất cả những việc cô và bạn bè, thầy cô có thể làm trong ngày vui của họ là chạy thục mạng lên đỉnh núi gần đó.
John Ross, đại sứ Mỹ tại Nhật ở thời điểm đó, cho đến tận hiện tại vẫn chưa quên một giây phút nào của thảm họa thiên nhiên mà ông chứng kiến: “Trong đời tôi chưa bao giờ được biết điều gì tồi tệ như vậy. Và tôi cũng chẳng muốn trải nghiệm đó trở lại.”
Người dân tại thành phố Sendai di chuyển qua một cầu vượt và dưới chân họ là đống đổ nát, thảm hoạ kép năm 2011 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người và khiến cả thế giới rung chuyển. (Ảnh: AFP)
Trong chuyến thăm đến vùng động đất, sóng thần ngay sau thảm họa, ông Ross đã có cuộc gặp với thị trường của thị trấn Rikuzentakata vốn cùng bị động đất sóng thần tàn phá nặng nề.
Và thật bất ngờ, người đứng đầu thị trấn đã nói với Ross: “Chúng tôi cũng không thực sự cần ông giúp tiền hay vật chất vì việc xây dựng lại thị trấn thuộc về trách nhiệm của chính phủ chúng tôi. Thế nhưng điều ông nên làm, theo tôi, là hãy mang đến nhiều cơ hội mới cho thanh niên toàn bộ vùng Tohoku này.” (Vùng Tohoku bao gồm 6 tỉnh Akita, Aomori, Fukushima, Iwate, Miyagi và Yamagata)
Câu chuyện tưởng như đơn giản đó đã tạo ra tiền đề cho dự án dài hạn hơn sau này mang tên Tomodachi Initiative. Dự án đặt mục tiêu mang đến cho những học sinh bị mồ côi cha hoặc mẹ do động đất, sóng thần cơ hội đến Mỹ học thông qua chương trình trao đổi văn hóa.
Nhờ hoạt động gây quỹ tích cực của cả Hội đồng Ngoại giao Mỹ, Nhật cũng như doanh nghiệp và các tổ chức từ thiện của cả hai nước, dự án Tomodachi Initiative đã có số vốn đến 50 triệu USD.
Trong 5 năm qua, 29 nghìn sinh viên Nhật đã được đến Mỹ học tiếng Anh hoặc học chính khóa thông qua các chương trình do dự án Tomodachi tài trợ. Theo đại sứ Ross, nếu không có động đất, phần lớn các em tham gia trong chương trình có thể đã không bao giờ được đến Mỹ. Ông cho biết ông muốn bù đắp phần nào cho mất mát của các em, và cũng để các em có cơ hội được đi ra thế giới học hỏi nhiều hơn phục vụ cho tương lai sau này.
Miyakawa cũng đến Mỹ học 6 tháng theo dự án Tomodachi. Đối với cô, đó là khoảng thời gian bổ ích bởi cô được luyện tiếng Anh giỏi và quen biết thêm nhiều bạn bè. Giờ cô đang theo học ngành y tá tại Nhật.
Miyakawa chia sẻ: “Trong tương lai, tôi muốn giúp đỡ những người bị nạn trên khắp thế giới. Những gì tôi đã trải qua trong trận động đất đó luôn ở trong tâm trí tôi và tôi muốn mang kiến thức, trải nghiệm đó giúp ích cho mọi người.”