"Chúng ta không thể quay ngược lại quá khứ để ngăn cản thảm họa xảy ra, tốt nhất hãy nên nhìn vào tương lai. Chúng ta đã may mắn được sống sót vậy hãy xây dựng cho cuộc sống tốt đẹp hơn".
Tin thế giới đọc nhanh tối 18-04-2016
- Cập nhật : 18/04/2016
New Zealand cương quyết với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông
Bất chấp nguy cơ quan hệ kinh tế với Trung Quốc bị ảnh hưởng, Thủ tướng New Zealand John Key sẽ đưa vấn đề Biển Đông với giới lãnh đạo cấp cao quốc gia Đông Bắc Á trong chuyến thăm tới nước này.
Trong một “thông điệp” cảnh báo gửi tới nhà lãnh đạo của New Zealand, Tân Hoa Xã và tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng New Zealand sẽ đối diện với những nguy cơ quan hệ kinh tế với Trung Quốc bị ảnh hưởng nếu Thủ tướng Key đề cập tới vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm nước này.
Bài viết của Tân Hoa Xã cho rằng: “Thủ tướng Key cần phải nhớ rằng New Zealand là quốc gia đứng ngoài vấn đề tranh chấp hiện nay và làm một bên không liên quan. Bất cứ nỗ lực nào của Wellington nhằm phá vỡ cam kết không ủng hộ bên nào trong vấn đề này cũng sẽ gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới mối quan hệ kinh tế đang suôn sẻ giữa Trung Quốc và New Zealand”.
Ngoài ra, Tân Hoa Xã cũng đặt câu hỏi về việc New Zealand tham gia cuộc tập trận do Malaysia, một quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền một số khu vực ở Biển Đông, tổ chức trong thời gian tới.
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng Bắc Kinh đã gửi một “thông điệp” tới lãnh đạo các quốc gia ở châu Đại Dương. Theo báo này, chuyến thăm của Thủ tướng Úc Malcolm Turbull mới đây và chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Key là cơ hội để Bắc Kinh tái khẳng định thông điệp đề nghị những nước này không can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
Tờ Thời báo Hoàn cầu viết: “Mỹ đang tìm cách thuyết phục các quốc gia ở châu Đại Dương như Úc tham gia vào các hoạt động tuần tra chung ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội từ những chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Úc và New Zealand để giúp họ hiểu hơn về tình hình trong khu vực, cũng như gửi cảnh báo tới những nỗ lực muốn làm gia tăng căng thẳn trên biển của Mỹ”.
Tuy nhiên, phát biểu trước chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Key khẳng định quan điểm của nước này về vấn đề Biển Đông sẽ không thay đổi.
“Có nhiều ý kiến về vấn đề này nhưng tôi sẽ nỗ lực tối đa. Quan điểm của New Zealand về vấn đề Biển Đông không thay đổi. Chúng tôi sẽ tìm cách thích hợp để đưa vấn đề ra với giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, Thủ tướng Key nhấn mạnh.
Về kế hoạch cử quân đội tham gia tập trận do Malaysia tổ chức, Thủ tướng Key cho biết đây chỉ là một hoạt động bình thường. Ông cho hay: “Đây là một phần của hoạt động luân chuyển thông thường”.
Tìm thấy chỗ cho người ngoài hành tinh trong thiên hà
Các nhà thiên văn từ Serbia, Áo và Pháp đã chỉ ra vị trí có khả năng là nơi tồn tại một nền văn minh có trí tuệ trong dải thiên hà và độ tuổi các ngôi sao gần đó.
Nghiên cứu trên được công bố trên trang khoa học arXiv.org. Theo các nhà khoa học, cuộc sống gần giống như Trái đất có thể tồn tại ở rìa đĩa thiên hà, gần những ngôi sao ít tuổi hơn Mặt trời. Những phát hiện này giải thích tại sao cho tới nay việc tìm kiếm người ngoài hành tinh chưa thu được kết quả.
Các mô phỏng cho thấy, ước tính tuổi các ngôi sao có khả năng duy trì sự sống ở xung quanh vào khoảng 3 tỉ năm. Những thiên thể này cách trung tâm thiên hà khoảng 16 kiloparsec.
Để so sánh, tuổi của Mặt trời được ước tính là 4,6 tỉ năm, còn khoảng cách tới trung tâm thiên hà bằng 8,5 kiloparsec.
Cách đây không lâu, lần đầu tiên, các nhà thiên văn học đã có thể xác định khoảng cách từ điểm phát ra tín hiệu vô tuyến bí ẩn, được gọi là "tín hiệu người ngoài hành tinh."
Những tín hiệu này xuất hiện trong quá trình hòa nhập của các ngôi sao neutron trong thiên hà cách Trái đất 6 tỷ năm ánh sáng.
Theo các nhà khoa học, tác giả những tính toán được công bố trên tạp chí Nature, các tín hiệu bí ẩn từ không gian mà thậm chí được hiểu như là thông điệp của trí tuệ ngoài Trái đất, phát ra ở thiên hà cách Trái đất 6 tỷ năm ánh sáng. Như vậy, đã tìm ra đặc tính tự nhiên "vũ trụ", chứ không phải là ‘ngoài hành tinh” của các tín hiệu đó.
Mỹ không nhường Trung Quốc
Ngày 12-4, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia cảnh báo, mọi động thái của Trung Quốc nhằm biến bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham đang tranh chấp thành đảo nhân tạo sẽ làm leo thang các vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu Washington thuyết phục Bắc Kinh không thực hiện bước đi “khiêu khích nghiêm trọng” này.
>> Hạm đội Trung Quốc tập trận ở Biển Đông
>> Thế trận mới Mỹ -Trung ở biển Đông
Tờ Asahi Shimbun cũng dẫn lời Đại sứ Jose Cuisia cho biết, năm 2016 Philippines nhận 75 triệu USD viện trợ quân sự của Mỹ, trong khi con số này năm 2015 là 50 triệu USD. Và 2016 sẽ là năm Manila nhận được viện trợ quân sự nhiều nhất từ Washington sau khi quân đội Mỹ quay trở lại Philippines.
Đại sứ Jose Cuisia còn cho biết thêm, Manila đang đàm phán với Washington về việc tiếp nhận tàu hộ tống lớp Hamilton thứ 4 để tăng cường năng lực tuần tra trên biển. Trước đó, tờ Sun Star từng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho biết, Mỹ sẽ dành cho Philippines 40 triệu USD viện trợ quân sự, tăng cường chia sẻ tình báo, giám sát và tuần tra, và sự viện trợ này sẽ giúp cho Mỹ - Philippines nâng cấp lên “một cấp độ mới”.
Trong khi đó, một quan chức ngoại giao cấp cao của Philippines cho biết, Washington sẽ cấp cho Manila khoản viện trợ quân sự trị giá hơn 120 triệu USD, mức cao nhất trong khoảng 15 năm qua.
Giới chức quốc phòng Mỹ cũng đang theo dõi sát số tàu Trung Quốc đang xuất hiện gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham bởi ông Ashton Carter sẽ tới Philippines vào cuối tuần này để thảo luận về các mối đe dọa trong khu vực.
Ngày 11-4, tờ The Philippine Star cho biết, một tàu tuần duyên Trung Quốc đã áp sát và người trên tàu chĩa súng đe dọa ngư dân Renato Etac đang trên tàu cá của mình, buộc ông rời khỏi ngư trường quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Việc lực lượng tuần duyên Trung Quốc chĩa súng đe dọa, xua đuổi ngư dân khỏi ngư trường truyền thống ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham vừa trở thành tâm điểm của giới truyền thông Philippines. Theo thống kê, hiện có hơn 300 tàu cá Trung Quốc hoạt động tại ngư trường quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.
Cũng trong ngày 11-4, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, sau chuyến thăm Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter sẽ tới Philippines, để hội kiến với Tổng thống Benigno Aquino, hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Gazmin, thăm căn cứ huấn luyện Magsaysay của lục quân Philippines và căn cứ không quân Antonio Bautista.
Và trong thời gian thăm Manila, ông Ashton Carter sẽ quan sát cuộc tập trận chung Balikatan 2016 giữa Mỹ và Philippines đang tiến hành ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ quan sát cuộc tập trận này và ông chủ Lầu Năm Góc sẽ khẳng định vị thế “trung tâm” và “làm mẫu” của Philippines trong chiến lược tái cân bằng của Washington tại Châu Á - Thái Bình Dương.
Từ tháng 1-2016, ông Ashton Carter đã gọi Philippines là “bộ phận trung tâm” của chiến lược tái cân bằng Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Cùng ngày 11-4, tờ Deutsche Welle cho biết, khi phát biểu tại Hiệp hội quan hệ ngoại giao Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã kêu gọi tiếp tục duy trì vị thế lãnh đạo của Washington trong nền kinh tế thế giới, không thể nhường vị trí này cho Trung Quốc.
Theo giới truyền thông, ngay những ngày đầu tiên của cuộc tập trận chung Balikatan 2016 ở Philippines, Mỹ đã sử dụng hệ thống tên lửa cơ động cao M142/High Mobility Artillery Rocket System (HIMARS) phóng 6 quả đạn tên lửa, với tầm bắn có thể vươn đến mọi đảo và bãi đá trên Biển Đông. Hệ thống tên lửa này có thể phát hiện, khóa mục tiêu trong vòng 16 giây.
Tờ Defend News dẫn lời học giả Richard Heydarian, Giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học De La Salle ở Manila cho rằng, cuộc tập trận Mỹ - Philippines nhằm gửi đi tín hiệu sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc nếu cần.
Trước đó, Giáo sư Richard Javad Heydarian còn cảnh báo, Philippines có nguy cơ thua trong vụ kiện “đường lưỡi bò”, nếu Đài Loan thuyết phục được Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan (PCA) rằng, đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một hòn đảo, chứ không phải là một bãi đá. Chính vì điều này nên Đài Loan đã xây trái phép một bệnh viện gồm 10 giường, một trạm hải đăng và trạm hỗ trợ chế biến cá ở đảo Ba Bình. Học giả Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á coi lập trường về đảo Ba Bình là cách lãnh đạo Đài Loan tiếp tay cho nỗ lực bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tiến sĩ Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á và tiến sĩ Zack Cooper, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS), vừa mới có bài bình luận trên cổng thông tin điện tử của CSIS về khả năng diễn biến trên Biển Đông sau phán quyết của PCA. Cả 2 tiến sĩ kể trên đều tin rằng, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ thua kiện trong một số nội dung mà Manila khởi kiện xung quanh “đường lưỡi bò”. Nếu PCA ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không tuân thủ và sẽ có động thái nhằm leo thang căng thẳng trên Biển Đông.
Thứ nhất, áp đặt một lệnh phong tỏa quân đội Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thứ hai, sẽ triển khai bất hợp pháp các loại vũ khí hiện đại tới một số đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Trường Sa. Thứ ba, đơn phương áp đặt Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Thứ tư, tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham (chiếm quyền kiểm soát từ tháng 4-2012).
Và điều này từng được Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ cảnh báo. Theo giới quân sự, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham nằm cách đảo Luzon 120 hải lý, cách thủ đô Manila 185 hải lý, cách quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên 250 hải lý. Nếu Bắc Kinh xây dựng được một tiền đồn quân sự vững chắc ở đây, quân đội Trung Quốc có thể duy trì sự hiện diện bất hợp pháp gần như trên khắp Biển Đông.
Nhật Bản lập đơn vị tuần tra đặc biệt quanh Senkaku
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đã thành lập đơn vị đặc biệt để tuần tra khu vực Biển Hoa Đông bao quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Báo chí Nhật Bản ngày 18/4 đưa tin Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đã thành lập đơn vị đặc biệt để tuần tra khu vực Biển Hoa Đông bao quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Đơn vị được thành lập vào ngày 16/4, trực thuộc Sở chỉ huy JCG vùng 11 tại Naha, Okinawa, có trụ sở tại Ishigaki. Đơn vị đặc biệt có 12 tàu lớn và 606 thành viên.
Tại lễ thành lập, người đứng đầu Sở chỉ huy JCG ở Ishigaki, ông Kazumi Miyazaki cho biết việc đối phó với tàu Trung Quốc luôn là một nhiệm vụ căng thẳng song ông tin tưởng rằng đơn vị đặc biệt sẽ phản ứng một cách kiên quyết và bình tĩnh để tránh làm leo thang căng thẳng.
Trước ngày thành lập đơn vị đặc biệt, Nhật Bản cũng giới thiệu một tàu tuần tra mới 1.500 tấn có trang bị vòi rồng.
Quốc hội Brazil phê chuẩn luận tội Tổng thống Dilma Rousseff
Với hơn 2/3 số phiếu thuận, Hạ viện Brazil ngày 17/4 đã bỏ phiếu chấp thuận luận tội Tổng thống Dilma Rousseff, trước các cáo buộc sai phạm trong quản lý kinh tế.
Sau nhiều tháng tranh cãi quyết liệt, liên minh cầm quyền của bà Rousseff đã sụp đổ, trong khi các cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra khắp các thành phố lớn, trong đó có thủ đô Brasilia. Các nghị sỹ tại Hạ viện Brazil đã quyết định sẽ bỏ phiếu để phê chuẩn việc đưa vị nữ tổng thống ra luận tội tại Thượng viện.
Trong phiên bỏ phiếu kéo dài nhiều giờ đồng hồ và được tường thuật trực tiếp khắp Brazil, từng nghị sỹ đứng lên để tuyên bố lựa chọn của mình. Đôi khi họ được các nghị sỹ khác cổ vũ, đôi khi bị la ó.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau nhiều giờ tranh luận trong hỗn loạn, với cảnh tượng các nghị sỹ dẫn đầu nhiều liên minh hát vang quốc ca, hoặc hát những bài đả kích bà Rousseff. Những người khác thì hô khẩu hiệu, vẫy những lá cờ lớn. Một nghị sỹ thậm chí còn bắn pháo giấy ngay tại nghị trường.
Để quyết định luận tội được thông qua, phe chống lại bà Rousseff cần giành được 2/3 trong tổng số 513 phiếu, tương đương 342 phiếu. Vị nữ tổng thống đầu tiên của Brazil, một người cánh tả, bị cáo buộc có những thủ thuật kế toán bất hợp pháp. Chính phủ của bà Rousseff cũng bị cho là phải chịu trách nhiệm về những suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập niên và nạn tham nhũng lan tràn.
Sau gần 5 giờ bỏ phiếu, lãnh đạo liên minh cầm quyền tại Hạ viện Brazil đã thừa nhận thất bại trong việc tránh cho bà Rousseff bị luận tội.
Trong lúc các nghị sỹ bỏ phiếu, đông đảo người dân Brazil thuộc cả hai phe ủng hộ và phản đối chính phủ đã tuần hành bên ngoài tòa nhà Quốc hội. Theo số liệu từ cảnh sát khoảng 18.000 người thuộc phe ủng hộ luận tội đã có mặt, gấp đôi số người thân chính phủ có mặt. Cảnh sát phải dùng hàng rào sắt để tách riêng hai nhóm.
Tại các thành phố lớn khác như Rio de Janeiro và Sao Paulo – trung tâm tài chính của Brazil – hàng nghìn người ủng hộ luận tội đã xuống đường. Các cuộc tuần hành nhìn chung diễn ra trong hòa bình.
Dự kiến Thượng viện Brazil sẽ bỏ phiếu, có thể vào tháng 5 tới, để quyết định có mở phiên xét xử hay không. Nếu các thượng nghị sỹ phê chuẩn việc xét xử, mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia có khả năng sẽ diễn ra, bà Rousseff sẽ phải từ chức trong vòng 180 ngày.