Theo GS Carl A.Thayer, sau phán quyết của tòa trọng tài, các quốc gia ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh trên 3 mặt trận: ngoại giao - chính trị - chiến lược quân sự.
Tin thế giới đọc nhanh tối 13-01-2016
- Cập nhật : 13/01/2016
Mỹ quyết không khôi phục vũ khí hạt nhân cho Hàn Quốc
Mỹ và Hàn Quốc đang thảo luận vấn đề triển khai thêm “các thiết bị quân sự chiến lược” tới bán đảo Triều Tiên sau cuộc thử nghiệm hạt nhân tuần trước của Bình Nhưỡng, nhưng không khôi phục vũ khí hạt nhân cho Seoul.
Đó là tuyên bố của một quan chức Mỹ hôm 11-1.
Truyền thông Hàn Quốc cho biết Mỹ có thể gởi thêm tới Hàn Quốc máy bay ném bom B-2, các tàu ngầm năng lượng hạt nhân và chiến đấu cơ tàng hình F-22. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok từ chối cho biết chi tiết về thông tin này. Ông nói: “Mỹ và Hàn Quốc liên tục có các cuộc thảo luận kín về việc triển khai thêm các thiết vị quân sự chiến lược”.
Binh sỹ Mỹ canh gác trước chiến đấu cơ F-16 tại căn cứ không quân Osan tại Pyeongtaek - Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Từ Washington, quan chức này cho biết hai bên đang thảo luận việc triển khai “các loại thiết bị quân sự” nhưng chỉ dừng lại ở các máy bay ném bom có năng lực hạt nhân, thay vì khôi phục vũ khí hạt nhân cho Hàn Quốc lần đầu tiên trong khoảng một phần tư thế kỉ qua. Cựu tổng thống Mỹ George H.W. Bush chính là người đã ra quyết định tước bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Hàn Quốc năm 1991.
"Việc đó (khôi phục vũ khí hạt nhân cho Hàn Quốc) có thể nhanh chóng gây leo thang một cuộc đua vũ trang cực kỳ nguy hiểm trong khu vực” – quan chức nói trên cho hay. Khi được hỏi về quyết định này của Mỹ có thể khiến Triều Tiên càng lấn tới trong chương trình vũ khí hạt nhân hay không, quan chức trên cho rằng: “Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra”.
Trước đó, hôm 10-1, Mỹ đã phái một máy bay ném bom chiến lược B-52 từ căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam bay đến Hàn Quốc nhằm “dằn mặt” Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới nhất. Trong khi đó, Tướng Curtis Scaparrotti - Tư lệnh Bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) đã yêu cầu đặt lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc vào tình trạng báo động cao nhất để đề phòng mọi hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản tuyên bố hợp tác sản xuất các bộ phận của tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA tại Nhật Bản. Quan chức hai bên khẳng định việc phối hợp sản xuất này nhằm đối phó với các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Venezuela: Phe đối lập tố tòa án đảo chính
Tòa án Tối cao Venezuela hôm 11-1 phán quyết rằng những quyết định của quốc hội mới sẽ không có hiệu lực cho tới khi 3 nghị sĩ đối lập vừa mới tuyên thệ nhậm chức bị bãi nhiệm.
Động thái trên làm leo thang cuộc tranh giành quyền lực ở Venezuela sau khi phe đối lập chiếm đa số tuyệt đối ở quốc hội.
Thông báo của Tòa án Tối cao Venezuela nêu rõ các quyết định do quốc hội đã và sẽ đưa ra là hoàn toàn không có hiệu lực nếu những nghị sĩ bị cấm vẫn còn ở nhiệm sở.
Hồi tháng 12-2015, Tòa án Tối cao Venezuela cấm 4 nghị sĩ - 3 người thuộc phe đối lập và 1 người là đồng minh của chính phủ - tuyên thệ nhậm chức sau khi Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV) của Tổng thống Nicolas Maduro tố cáo đã xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử quốc hội. Các nghị sĩ nói trên đều là người của bang Amazonas.
Phe đối lập gọi phán quyết trên là "hành động đảo chính" của tòa án nhằm tước bỏ thế đa số tuyệt đối của họ.
Đáp lại, ông Diosdado Cabello, nhân vật thứ 2 của PSUV và từng là chủ tịch quốc hội, cho rằng cơ quan này sẽ không được công nhận nếu coi thường phán quyết của tòa án.
Thế đa số tuyệt đối cho phép phe đối lập thay thế thẩm phán Tòa án Tối cao, đưa dự luật ra trưng cầu ý dân và kêu gọi quốc hội soạn thảo hiến pháp mới. Phe này tuyên bố sẽ dùng quyền lực mới có để buộc ông Maduro ra đi trong vòng 6 tháng.
Trước mắt, các nghị sĩ đối lập đã trình dự luật ân xá 75 nhân vật mà họ xem là tù nhân chính trị.
Gần 400.000 người Syria sắp chết đói
Liên Hiệp Quốc (LHQ) ước tính có khoảng 400.000 người đang sống ở 15 khu vực bị bao vây ở Syria và có nguy cơ chết đói, trong khi hàng cứu trợ chuẩn bị được chuyển tới thị trấn Madaya, ngoại ô thủ đô Damascus.
Thị trấn Madaya, gần biên giới Lebanon, hiện bị lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phong trào Hezbollah của Lebanon bao vây. Ít nhất 28 người, bao gồm 6 đứa trẻ dưới 1 tuổi, đã chết đói kể từ ngày 1-12-2015, theo tổ chức Bác sĩ không biên giới. Theo báo chí địa phương, người dân nơi này phải ăn lá cây, cỏ và côn trùng cầm hơi.
Khoảng 42.000 người trong thị trấn không đủ hoặc không có thức ăn sau 6 tháng bị vây hãm và hoàn toàn không nhận được cứu trợ từ tháng 10-2015. Những người ủng hộ chính phủ cáo buộc quân nổi dậy ở Madaya chiếm giữ thực phẩm làm của riêng trong khi phe đối lập chỉ trích lực lượng Damascus phạm thêm tội ác chiến tranh.
Hai ngôi làng Foua và Kefraya ở tỉnh Idlib cũng bị lực lượng nổi dậy – bao gồm phong trào Mặt trận Al-Nusra - cô lập, phải sử dụng thuốc quá hạn và thực phẩm dần cạn kiệt. 12.500 người ở 2 ngôi làng này gần như bị cắt đứt tiếp tế từ bên ngoài kể từ tháng 3-2015.
Tại thị trấn Moadamiyah, ngoại ô thủ đô Damascus, quân đội Syria thiết lập một trạm kiểm soát và phong tỏa các con đường cuối cùng tới đây hôm 26-12-2015. Tổng cộng 45.000 dân thường bị mắc kẹt trong hơn 2 tuần qua. 16 cư dân địa phương đã thiệt mạng do thiếu thức ăn và thuốc men kể từ tháng 4-2013, trong đó có 1 bé trai 8 tháng tuổi chết vì suy dinh dưỡng hôm 10-1.
Tháng 12 năm ngoái, LHQ cho biết chính phủ Syria và lực lượng đồng minh cũng bao vây các khu vực Daraya, Ghouta và Zabadani gần biên giới Lebanon, khiến hơn 181.000 người bị mắc kẹt.
Trong khi đó, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang kiểm soát ngoại ô Deir Az Zor, miền Đông Syria, nơi có khoảng 200.000 người cần sự giúp đỡ.
Ngoài tình trạng thiếu hụt thực phẩm và thuốc men, 15 khu vực bị bao vây ở Syria còn thiếu thốn các dịch vụ cơ bản khác như điện và giáo dục, theo phát ngôn viên Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Juliette Touma.
Do bạo lực gia tăng, khoảng 4,5 triệu người dân Syria khó tiếp cận với sự hỗ trợ từ bên ngoài, trong đó có một nửa là trẻ em, bà Touma cho biết thêm.
Tổng cộng hơn 60 xe tải chở hàng cứu trợ do LHQ, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Syria tổ chức đã rời Damascus hôm 11-1 để tới Madaya, Foah và Kefraya. Các mặt hàng cứu trợ gồm gạo, dầu thực vật, bột mì, đường, muối cũng như nước uống, sữa cho trẻ em, thuốc men, quần áo và chăn dùng cho mùa đông.
Sau đó cùng ngày, các đoàn xe đều tới nơi. Số hàng viện trợ tới thị trấn Madaya đủ cho cư dân tại đây cầm cự khoảng 1 tháng. Tổ chức y tế từ thiện MSF cho biết trong số 250 người dân bị suy dinh dưỡng cấp tính ở thị trấn, có 10 người nếu không được sơ tán sẽ thiệt mạng.
Al-Qaeda dọa 'xử lý' Arab Saudi
Al-Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP) và al-Qaeda ở vùng Hồi giáo Maghreb (AQIM) ngày 10/1 đăng thông báo lên mạng cho biết Arab Saudi vẫn xử tử các phiến quân dù biết rõ "các chiến binh Hồi giáo đã thề trả nợ máu cho anh em", AFP đưa tin.
Arab Saudi ngày 2/1 tuyên bố xử tử 47 tù nhân với tội danh khủng bố, trong đó đa phần là những đối tượng từng tham gia các cuộc tấn công của al-Qaeda và một giáo sĩ Hồi giáo người Shiite.
Hành động xử tử là một "tội ác mới do chính quyền al-Saud thực hiện, cho thấy sự chuyên chế của họ và cuộc chiến chống lại jihad (thánh chiến)", thông báo cho biết thêm. "Họ nên lo sợ về ngày họ hàng những người tử vì đạo đó... tổ chức trả thù".
Thủ lĩnh al-Qaeda ở Arab Saudi Ibrahim al-Assiri cảnh báo sẽ "xử lý nhà al-Saud và máu hiện đã đổ".
AQAP được Mỹ đánh giá là chi nhánh nguy hiểm nhất của tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda.
Nga tuyên bố giúp Syria giải phóng 150 thành phố và thị trấn
"Trong tháng 12/2015, phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị đẩy lui khỏi 134 thành phố và thị trấn, 19 địa điểm khác được giải phóng trong đầu năm mới", Tass dẫn lời Trung tướng Sergey Rudskoy, người đứng đầu Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cho biết hôm qua.
Theo ông Rudskoy, kết quả này là nhờ có sự hỗ trợ của Nga ở Syria. Các cuộc phản công mang lại chiến thắng vang dội là ở Aleppo, Latakia, Hama, Homs và Raqqa.
Chỉ riêng trong 10 ngày đầu năm mới, Nga đã thực hiện gần 1.100 cuộc không kích tại Syria, nhắm vào hơn 1.000 cơ sở hạ tầng tại một loạt các địa điểm như Aleppo, Idlib, Latakia, Hama, Homs, Damascus, Deir ez-Zor, Hasakeh, Deraa và Raqqa.
Nga tập trung đánh phá các cơ sở lọc dầu, các nhóm phiến quân và thiết bị quân sự nhằm làm suy yếu tiềm lực của IS, ông Rudskoy cho hay.
Chiến dịch không kích của Nga tại Syria bắt đầu từ cuối tháng 9 năm ngoái, khiến phiến quân IS bị thiệt hại nặng nề. Tại Iraq, IS cũng đang phải chống lại những cuộc phản công dữ dội của lực lượng chính phủ và để mất thành phố chiến lược Ramadi.