Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp bên lề với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia theo đề nghị từ phía Nhật.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 08-06-2016
- Cập nhật : 08/06/2016
Philippines cần thận trọng khi đàm phán với Trung Quốc
Tổng thống đắc cử của Philippines Rodrigo Duterte được khuyên không nên tiến hành các cuộc đàm phán song phương mà không kèm theo điều kiện với Trung Quốc để nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Ernest Bower, người đứng đầu chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), cũng khuyến cáo Chính phủ Philippines cảnh giác với các cuộc đàm phán song phương vô điều kiện.
Phát biểu trước các binh sĩ và giới ngoại giao tại một căn cứ quân sự chủ chốt ở Manila, ông Bower nói: "Nếu như Philippines tìm thấy một biện pháp cùng Trung Quốc tiến về phía trước, trong đó bao gồm việc Trung Quốc cam kết từ bỏ tuyên bố về 'đường chín đoạn', đồng thời cam kết về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có tính ràng buộc về pháp lý ở Biển Đông, thì lúc đó mới nên đi xa hơn".
Nếu không có những điều kiện đó thì theo ông Bower, Philippines sẽ đánh mất sự tôn trọng của các đối tác trong ASEAN, và chắc chắn sẽ khiến Mỹ hết sức thất vọng.
Lộ diện người phụ nữ quyền lực nhất thế giới
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách “Những phụ nữ quyền lực nhất thế giới”, trong đó người đứng đầu danh sách này không phải là ai xa lạ.
Không nằm ngoài dự đoán, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục giữ ngôi vị quán quân trong bản danh sách “Những phụ nữ quyền lực nhất thế giới” được Forbes công bố hôm 6/6. Đây là lần thứ 11 bà Merkel ẵm giải nhất và năm thứ 6 liên tiếp bà giữ vị trí này.
Theo sau nữ Thủ tướng Đức là ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen. Bà Yellen tăng 1 bậc so với năm 2015.
Lần lượt xếp ở vị trí thứ tư và thứ năm là bà Melinda Gates (vợ tỉ phú Bill Gates) và giám đốc điều hành Mary Barra của Công ty General Motors. Trong khi đó, đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama đứng thứ 13.
Những cái tên quen thuộc khác trong danh sách là Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde (thứ 6); người dẫn chương trình Mỹ Oprah Winfrey (21)...
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AP
Đáng chú ý, thủ lĩnh Đảng Dân tộc Scotland (SNP) Nicola Sturgeon lần đầu tiên có mặt trong danh sách. Bà Sturgeon đứng sau Nữ hoàng Elizabeth của nhóm phụ nữ Anh và thứ 50 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Bà Samantha Cameron, phu nhân Thủ tướng Anh David Cameron không có tên trong danh sách này.
Một số phụ nữ Anh khác xuất hiện trong danh sách là Phó Thống đốc Ngân hàng Anh Nemat Shafik (xếp thứ 59); Tổng biên tập báo The Guardian Katharine Viner (68); Tổng biên tập tờ Economist, Zanny Minton Beddoes (78); Chủ tịch Quỹ Wellcome Trust, Eliza Manningham-Buller (88).
Riêng Nữ hoàng Elizabeth tăng từ vị trí 41 (năm 2015) lên 29 (năm 2016).
Tính chung, danh sách này gồm 100 phụ nữ đến từ 29 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 51 người Mỹ, 9 người Trung Quốc và 6 người Anh.
Tuổi trung bình của họ là 57. Người trẻ nhất là giám đốc điều hành Công ty Yahoo Marissa Mayer (41 tuổi) còn nhân vật lớn tuổi nhất là nữ hoàng Anh Elizabeth II (90 tuổi).
Bảng xếp hạng của Forbes được dựa trên những tiêu chí như ảnh hưởng, sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông, tiền bạc và mức độ thành công khi áp dụng những cải cách, thay đổi cho đất nước...
Trung Quốc từ chối thay đổi lập trường về Biển Đông
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 7/6 nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không thay đổi lập trường của mình về Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (thứ ba, trái) và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (thứ hai, phải) tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung- Mỹ tại Bắc Kinh ngày 6/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo THX, phát biểu sau khi Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ (S&ED) lần thứ 8 diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh kết thúc mà hai bên không đạt được tiến triển nào về vấn đề Biển Đông, ông Dương Khiết Trì cho rằng lập trường của Trung Quốc về vụ tranh chấp này "tuân thủ luật pháp quốc tế" đồng thời khẳng định Bắc Kinh "chưa từng và sẽ không thay đổi" lập trường này.
Quan chức này cũng nói rằng Mỹ không nên can thiệp vào những tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm việc Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường Trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) liên quan đến các tranh chấp ở vùng biển này.
Trong cuộc đối thoại 2 ngày này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi Bắc Kinh giải quyết những tranh cãi chủ quyền một cách hòa bình và dựa trên "nguyên tắc pháp lý".
Mỹ, Philippines tập trận trên vịnh Subic
Sau các cuộc tập trận với lực lượng vũ trang Malaysia, Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ ngày 6/6 đã tham gia giai đoạn tiếp theo của cuộc tập trận CARAT với lực lượng vũ trang Philippines.
Chuẩn Đô đốc Charles Williams, chỉ huy đơn vị Đặc nhiệm số 73 của Mỹ, ngày 6/6 cho biết cuộc diễn tập Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) lần thứ 22 này sẽ có sự tham dự của các đơn vị thuộc Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ, qua đó phát triển mạnh mẽ mối quan hệ với Hải quân và các lực lượng đối tác của Philippines.
Trong một thông báo, Chuẩn Đô đốc Charles Williams nói: "Thông qua việc duy trì liên tục sự hiện diện và tình hữu nghị, chúng tôi tiếp tục đạt được tiến triển vững chắc trong việc gia tăng sự đa dạng của các nội dung tập trận và tăng cường hợp tác giữa hải quân hai nước".
Trong khi đó, Chuẩn Đô đốc Joseph Mercado, Chỉ huy Hạm đội Philippines, cho biết Hải quân nước này mong muốn được làm việc cùng với các đối tác của Hải quân Mỹ trong quá trình diễn ra cuộc tập trận CARAT 2016. Ông nói: "CARAT sẽ tăng cường mối quan hệ mạnh mẽ và bền lâu giữa Hải quân Mỹ và Philippines".
Ngoài Vịnh Subic, cuộc trận CARAT 2016 sẽ diễn ra ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Palawan thuộc phía Tây Philippines và tại khu vực gần Biển Sulu phía Nam Philippines. CARAT Philippines là một phần trong khuôn khổ các cuộc tập trận mà Hải quân Mỹ tiến hành 9 quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á, nhằm giải quyết những ưu tiên an ninh hàng hải chung, tăng cường hợp tác trên biển và nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng tham gia.
Cuộc tập trận CARAT tại Philippines sẽ tập trung vào các nội dung như phối hợp trên biển, đổ bộ, lặn và cứu hộ, cũng như nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải và các sự kiện khác mang tính cộng đồng.
Hải quân Philippines sẽ điều tàu khu trục có khả năng dò mìn BRP Rizal, tàu khu trục BRP Gregorio Del Pilar (PF-15) lớp Del Pilar, tàu đổ bộ, trực thăng AW109 cùng nhiều loại khí tài khác.
Triều Tiên tuyên bố phát triển thêm vũ khí hạt nhân
Triều Tiên sẽ phát triển thêm các loại vũ khí hạt nhân nhằm nâng cao khả năng chiến lược của Triều Tiên trong việc giải quyết các mối quan hệ ngoại giao.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích dẫn một bài viết trên tờ “Rodong Sinmun” của Triều Tiên ngày 7/6 tuyên bố Triều Tiên có kế hoạch sẽ tích cực theo đuổi chính sách ngoại giao tương xứng với vị thế toàn cầu được nâng cao nhờ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Bài viết có đoạn: “Chúng ta sẽ sản xuất thêm nhiều loại vũ khí hạt nhân hiện đại... Các loại vũ khí này không phải để gây ra mối đe dọa đối với hòa bình. Chúng ta sẽ không sử dụng các loại vũ khí hạt nhân nếu những kẻ xâm lược không tấn công chúng ta bằng vũ khí hạt nhân”.
Từ năm 2006 tới nay, Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân và giới quan sát cho rằng nước này có một số lượng nhỏ các loại vũ khí hạt nhân. Tại đại hội lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên, tổ chức hồi đầu tháng 5, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ca ngợi nước này là một quốc gia hạt nhân “có trách nhiệm” và tuyên bố rõ rằng ông sẽ “mãi mãi” bảo vệ việc theo đuổi chính sách vừa phát triển các loại vũ khí hạt nhân vừa thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Triều Tiên cũng từng tuyên bố đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đủ để lắp vào tên lửa đạn đạo nhưng cả Hàn Quốc và Mỹ đều cho rằng Triều Tiên chưa đạt được hoàn toàn công nghệ này.