Thủ tướng Nga gây bão mạng khi tuyên bố "cạn tiền"
Đánh bom ở miền Nam Thái Lan gây nhiều thương vong
Nga nói sẽ không can thiệp vào tranh chấp Biển Đông
Trùm ma túy treo thưởng 1 triệu USD để giết tân tổng thống Philippines
Thủ lĩnh phe Áo Đỏ Thái Lan bị phạt thêm 2 năm tù
Tin thế giới đọc nhanh 10-06-2016
- Cập nhật : 10/06/2016
Trung Quốc tính xây phòng thí nghiệm dưới đáy Biển Đông
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu hút bùn Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi năm ngoái. Ảnh: NYT
Bloomberg cho hay dự án trên từng được đề cập đến trong kế hoạch 5 năm mà Trung Quốc công bố gần đây và được ưu tiên thứ nhì trong các dự án khoa học.
Phòng thí nghiệm sẽ nằm ở độ sâu 3.000 mét dưới mặt nước biển. Giới chức Trung Quốc gần đây đã kiểm tra việc thực thi dự án và quyết định đẩy nhanh tiến trình.
"Vùng biển sâu chứa những kho tàng vẫn chưa được khai phá và phát triển, để tìm được những kho tàng đó chúng ta phải kiểm soát những công nghệ then chốt để tiếp cận, khám phá và phát triển vùng biển sâu", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tháng trước tại một hội nghị khoa học quốc gia.
Tuy nhiên, báo cáo của chính phủ Trung Quốc thừa nhận ngoài mục đích tìm kiếm khoáng sản, phòng thí nghiệm trên còn được sử dụng vào mục đích quân sự. Việc lắp đặt các cảm biến để theo dõi tàu ngầm của đối phương có khả năng là mục tiêu hàng đầu. Liên lạc quân sự cũng là một chức năng quan trọng.
Ông Xu Liping, một nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho hay "khai thác đại dương là một chiến lược quan trọng của Bắc Kinh nhưng trạm không gian dưới đáy biển không được thiết kế nhằm chống lại bất kỳ quốc gia hay khu vực nào".
"Dự án của Trung Quốc sẽ chủ yếu được sử dụng cho mục đích dân sự nhưng chúng tôi không thể loại trừ việc nó thực hiện một số chức năng quân sự", ông Xu nói. "Nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu các dự án nước sâu kiểu này và Trung Quốc chỉ là một trong số đó".
Israel triển khai hai tiểu đoàn đến Bờ Tây
Israel ngày 9-6 đã triển khai 2 tiểu đoàn đến Bờ Tây, đài NBC News (Mỹ) dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Israel. Động thái này đến sau khi xảy ra vụ hai người Palestines bắn chết 4 người Israel và bắn bị thương 16 người tại một khu thương mại ở TP Tel Aviv (Israel) tối 8-6. Theo Bộ Quốc phòng Israel, động thái này phù hợp với các đánh giá tình hình sau sự việc xảy ra.
Vì vụ xả súng này, trước đó Israel cũng đã thu hồi 83.000 giấy phép cho phép dân Palestines sống ở dải Gaza và khu Bờ Tây bị Israel chiếm đóng có thể sang TP Jerusalem của Israel để tham dự, cầu nguyện nhân lễ Ramadan. Ngoài ra, 204 người thân của hai thủ phạm cũng bị cấm sang Israel.
Vụ xả súng tối 8-6 là một trong những vụ tấn công nghiêm trọng và thương vong nhiều nhất trong 8 tháng qua ở Israel. Vụ việc xảy ra tại khu thương mại Sarona - một địa điểm du lịch nổi tiếng với nhiều nhà hàng, cửa hàng, nằm không xa các trụ sở quân đội Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdro Lieberman đã đến hiện trường, tuyên bố không bỏ qua cho tội ác máu lạnh này.
Trong ngày 9-6, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã họp bàn về vụ việc với Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh nội địa. Nội các Israel sẽ họp về việc này vào ngày mai, 10-6.
Bộ Ngoại giao các nước Mỹ, Đức lên án vụ xả súng. Israel đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ lên án hành động xả súng, tuy nhiên LHQ chưa có phản ứng.
Hai thủ phạm là hai anh em họ tuổi trên 20, là cư dân TP Hebron ở khu Bờ Tây. Hai thủ phạm một đã đi làm, một đang là sinh viên đã bị bắt, một trong hai bị thương. Chưa rõ động cơ xả súng.
Cha một thủ phạm cho biết con ông là sinh viên Trường ĐH Jordan (Jordan), trước khi rời nhà có nói với ông là đi sửa máy tính nhưng sau đó không thấy trở về. Cả hai người cha của hai thủ phạm đều rất bất ngờ về vụ việc, cho biết con mình không hề liên quan gì đến các khúc mắc chính trị giữa Palestines và Israel.
Có vẻ hành động của hai thanh niên Palestines là bột phát và riêng rẽ, vì nhóm vũ trang Hamas ở dải Gaza dù hoan nghênh vụ xả súng của 2 thanh niên là hành động anh hùng nhưng không nhận trách nhiệm vụ này.
Theo NBC News, trong vòng 8 tháng qua, dân Palestines đã thực hiện nhiều vụ tấn công nhắm vào dân và cảnh sát Israel, chủ yếu bằng các hình thức đâm, bắn, tông xe, giết chết 32 người Israel và 2 công dân Mỹ. Đổi lại lính Israel cũng đã bắn chết ít nhất 196 người Israel.
Hầu hết các vụ tấn công diễn ra ở Đông Jerusalem hoặc Bờ Tây - những khu vực Israel chiếm đóng từ sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, mà người Palestine xem đó là lãnh thổ cho nhà nước tương lai của mình.
Trung Quốc đưa tàu chiến vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Lần đầu tiên, hải quân Trung Quốc đã đưa tàu chiến vào vùng biển gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản.
Tàu tuần duyên Nhật Bản so kè với tàu hải cảnh của Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2013 - Ảnh: Reuters
Theo AFP, đây là lần đầu tiên tàu chiến của hải quân Trung Quốc xuất hiện tại khu vực xung quanh quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết vụ việc xảy ra vào khoảng 0g50 ngày 9-6.
Kyodo News dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận tàu chiến của Trung Quốc đã bị tàu khu trục Setogiri của Nhật Bản phát hiện tại khu vực phía đông bắc đảo Kuba, thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, 2g sáng cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông Akitaka Saiki đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Tokyo đến để phản đối và yêu cầu Bắc Kinh rút ngay tàu chiến ra khỏi khu vực trên.
Theo đó, ông Saiki đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời phản đối, yêu cầu tàu chiến Trung Quốc rút khỏi vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản ngay lập tức”.
Tuy nhiên, đến hơn 3g sáng, tàu Trung Quốc mới chịu rời khỏi khu vực trên. Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận tàu chiến Trung Quốc không xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản mà chỉ lởn vởn trong vùng tiếp giáp lãnh hải.
Cũng trong thời gian tàu Trung Quốc hiện diện ở khu vực, ba tàu chiến Nga cũng xuất hiện ở vùng biển gần nơi Nhật Bản tuyên bố chủ quyền và rời đi gần như cùng lúc với tàu Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận các tàu của Nga không xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản. Bộ này cũng cho biết đang điều tra liệu có sự liên quan nào giữa các tàu Trung Quốc và Nga hay không.
Hiện Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào về vụ việc trên.
ASEAN - Trung Quốc thảo luận về quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Cuộc họp lần thứ 12 các Quan chức Cao cấp ASEAN - Trung Quốc (SOM) về thực hiện Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tham vấn về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh dưới sự đồng chủ trì của Trung Quốc và Singapore, nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, trưởng SOM ASEAN của Việt Nam dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự sự kiện này.
Tại cuộc họp, các nước ASEAN bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với tình hình Biển Đông.
Các nước ASEAN và Trung Quốc tái khẳng định tầm quan trọng và cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm thúc đẩy hợp tác, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trong tham vấn xây dựng COC, các nước lần đầu tiên trao đổi về bản chất của COC, cách tiếp cận xây dựng COC, thời gian hoàn thành và đề cương COC. Các nước cũng nhất trí đẩy mạnh thực hiện các biện pháp, sớm hoàn tất tài liệu hướng dẫn để đưa vào vận hành đường dây nóng giữa các quan chức ngoại giao ASEAN và Trung Quốc về ứng phó các sự cố khẩn cấp trên biển cũng như hoàn tất xây dựng Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử để tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) tại Biển Đông.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh hòa bình, ổn định ở Biển Đông gắn liền với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của các nước trong và ngoài khu vực.
Việt Nam chia sẻ lo ngại của các nước về những diễn biến phức tạp gần đây và hiện nay tại Biển Đông, kêu gọi ASEAN và Trung Quốc cần thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC, đồng thời thúc đẩy các hoạt động hợp tác trên biển giữa hai bên.
Về xây dựng COC, ông Trung nhấn mạnh cần sớm hoàn tất COC nhằm quản lý và ngăn ngừa xung đột, tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Việt Nam và các nước nhất trí sẽ tổ chức cuộc họp SOM tiếp theo vào tháng 8 tại Nội Mông, Trung Quốc. Các quan chức cũng trao đổi và hoàn tất việc chuẩn bị cho Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc diễn ra vào ngày 14/6 tới tại Côn Minh, Trung Quốc.
Hai vụ đánh bom ở Baghdad: 28 người chết, hơn 60 người bị thương
Hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn nguồn tin từ cảnh sát Iraq cho biết vụ đánh bom đầu tiên xảy ra tại một khu phố thương mại và vụ còn lại nhằm vào một trạm kiểm soát quân đội.
Một chiếc xe chất đầy thuốc nổ đã được kích nổ tại khu phố thương mại tại al-Jadeeda, một quận nằm ở khu vực phía đông thủ đô Baghdad khiến ít nhất 21 người thiệt mạng và hơn 40 người khác bị thương.
Hiện trường vụ đánh bom tại quận Baghdad al-Jadeeda, thủ đô Baghdad của Iraq ngày 9-6. (Ảnh: REUTERS)
Trong vụ đánh bom thứ hai, một xe có cài bom đã tấn công một trạm kiểm soát quân đội chính ở Taji, phía bắc thủ đô Baghdad, cướp đi sinh mạng của bảy binh sĩ và làm bị thương hơn 20 người.
Các vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh lực lượng quân đội Iraq đang cố gắng đánh bật các chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ra khỏi Fallujah, thành trì IS nằm ở phía tây Baghdad. Hiện chưa có báo cáo về cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm hai vụ đánh bom.