Mỹ kêu gọi đồng minh buộc Trung Quốc tuân thủ luật ở Biển Đông
Hàn Quốc lo ngại nguy cơ Triều Tiên khủng bố
Nga vượt mặt Mỹ ưu thế quân sự nhiều lĩnh vực
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ 'chọn phe' rõ ràng
Mỹ, ASEAN và Úc kêu gọi phi quân sự hóa ở biển Đông
Tin thế giới đọc nhanh sáng 21-06-2016
- Cập nhật : 21/06/2016
Đài BBC bóc mẽ ‘tư liệu cổ biển Đông' của Trung Quốc
Phóng viên John Sudworth của đài BBC mới đây đã có chuyến đi tới đảo Hải Nam để điều tra những thông tin gần đây liên tục được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải về sự tồn tại của một tài liệu đặc biệt quý.
Cuốn sách được mô tả là có lịch sử 600 năm, có tầm quan trọng quốc gia, chứa đựng bằng chứng chứng minh cho những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
“Bằng chứng thép” không hề tồn tại
Theo những thông tin có được, phóng viên BBC đã tới cảng cá Tanmen, trên bờ đông của đảo Hải Nam để tìm gặp một ngư dân đã nghỉ hưu có tên Su Chengfen.
Ông Su Chengfen, 81 tuổi, được cho là người sở hữu cuốn sách, ghi lại chính xác những chỉ dẫn hàng hải mà tổ tiên của ông đã ghi chép trên hành trình tới những bãi đá nằm rải rác trên quần đảo Trường Sa, cách đảo Hải Nam hàng trăm hải lý.
Trung Quốc quả quyết rằng những thực thể đó thuộc chủ quyền của nước này chủ yếu dựa trên lập luận “chúng tôi là người đầu tiên tới đó”. Do vậy, cuốn sách của ông Su “được nâng niu” và “được bọc cẩn thận trong nhiều lớp giấy” rõ ràng là một dạng Chén Thánh trong hàng hải” - phóng viên BBC viết.
Theo truyền thông Trung Quốc, cuốn sách chính là “bằng chứng thép” về việc Trung Quốc sở hữu biển Đông. Đó là lý do phóng viên BBC tới tìm gặp ông Su để làm rõ.
Cuốn sách được truyền thông Trung Quốc tuyên bố là có niên đại 600 năm, chứng minh chủ quyền của nước này với biển Đông nhưng nay đã bị vứt đi. (Ảnh: China Daily)
Khi họ tới nơi, ông Su đang bận rộn với công việc xây dựng mô hình một con thuyền ở sân trước nhà, cách biển chỉ vài bước chân.
“Nó (cuốn sách) được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” - ông Su nói với phóng viên BBC khi được hỏi về cuốn sách. “Từ đời ông của tôi, tới đời cha tôi và sau đó là đến tôi. Nó chủ yếu chỉ cho chúng tôi cách tới một nơi nào đó và trở về, làm thế nào để tới quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và làm sao để trở về đảo Hải Nam”.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cho xem cuốn sách - mà sự tồn tại của cuốn sách chỉ mới vài tuần trước, được truyền thông Trung Quốc đăng tải vô cùng rộng rãi - thì câu trả lời của ông Su thật bất ngờ. Phóng viên John Sudworth cho biết ông Su nói với anh rằng cuốn sách không tồn tại.
“Mặc dù cuốn sách rất quan trọng, tôi đã vứt nó đi bởi nó bị hỏng” - ông Su nói. “Nó được lật giở quá nhiều lần. Nước biển trên những ngón tay đã ăn mòn nó... Và rồi cuốn sách không còn đọc được nên tôi ném nó đi”.
“Cho dù cuốn sách có từng là gì đi nữa, có vẻ như nó không còn là bằng chứng đanh thép về bất kỳ điều gì” - phóng viên BBC bình luận.
Không thể được tận mắt thấy “bằng chứng thép” mà truyền thông Trung Quốc rêu rao, phóng viên BBC rời nhà ông Su trong hụt hẫng nhưng lại thấy sự “chu đáo” của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát mọi thông tin liên quan đến biển Đông.
Theo ghi nhận của phóng viên John Sudworth, bất kỳ nơi nào họ tới, những chiếc xe đen ngòm của chính quyền cũng bám theo, từ khi họ đặt chân xuống bến cảng tới khi họ cố gắng phỏng vấn một vài ngư dân, tới một khu chợ hải sản để phỏng vấn một vài thương nhân và cả trên đường về khách sạn.
“Sự chú ý này có vẻ không mấy cần thiết bởi hầu như những người mà chúng tôi tiếp xúc không ai muốn nói về chủ đề đó” - phóng viên BBC cho biết. Những người đồng ý trả lời thì không làm gì khác ngoài việc đơn giản lặp lại những luận điệu của các quan chức, rằng biển Đông thuộc về Trung Quốc bởi ngư dân Trung Quốc là người đầu tiên tới đây (!?).
Dù vậy, giới chức địa phương cho thấy họ không muốn có bất kỳ sơ suất nào. Sau cuộc phỏng vấn với BBC, thuyền trưởng một con tàu đã lập tức bị cảnh sát đưa đi và tra hỏi.
Lực lượng dân quân biển
Tất cả sự việc này diễn ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) The Hague ở Hà Lan chuẩn bị ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc trên biển Đông về “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đơn phương lập ra ở biển Đông.
Hiện không có nhiều ý kiến cho rằng phán quyết này sẽ có lợi cho Trung Quốc. Do đó, không mấy ngạc nhiên khi Bắc Kinh tuyên bố không tham gia tiến trình xét xử và cũng không thừa nhận thẩm quyền của PCA.
Thay vào đó Trung Quốc gia sức bảo vệ cho lập trường của mình bằng cách đẩy mạnh truyền thông, một mực lập luận rằng lịch sử đứng về phía mình, đồng thời gia tăng nỗ lực ngoại giao để lôi kéo sự ủng hộ của các đồng minh. Đó cũng là một phần lý do vì sao sự hiện diện của phóng viên nước ngoài tại đảo Hải Nam ở thời điểm này lại thu hút sự chú ý từ giới chức Trung Quốc.
Theo phóng viên BBC, ngoài ra, có lẽ còn một nguyên nhân khác đó là việc họ đã đặt nhiều câu hỏi về những “dân quân biển” trên đảo Hải Nam.
Trung Quốc nhiều thập niên qua vẫn được biết đến với hoạt động huấn luyện quân sự cho ngư dân. Nhưng những năm gần đây, số lượng dân quân trên các tàu cá được tin là đã tăng lên và hành động của họ ngày càng quyết liệt hơn để giúp đảm bảo và thực thi các tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này.
Lợi thế chiến lược của lực lượng này đó là họ có thể được sử dụng, và vẫn thường được sử dụng, cho những hoạt động quân sự bất thường - như chiếm đóng lãnh hải, thực hiện hoạt động do thám hoặc quấy rối các tàu thuyền nước khác - dưới vỏ bọc tàu cá dân sự.
Hoạt động của các đơn vị dân quân này tại cảng Tanmen được thể hiện rất rõ. Lực lượng này có cả trụ sở riêng nằm trong khu trụ sở chính quyền thị trấn và từng được Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm năm 2013.
Giáo sư Andrew S Erickson, công tác tại Viện nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc, thuộc ĐH Chiến tranh Hải quân Mỹ, tin rằng sự hiện diện của lực lượng dân sự này tại vùng biển vốn đã chứa đựng nhiều vấn đề sẽ làm gia tăng rủi ro.
“Tôi nhìn thấy rủi ro do tính toán sai lầm và leo thang căng thẳng là vô cùng lớn” - ông Erickson nói - “Cách tiếp cận hiện nay của Trung Quốc trong việc sử dụng lực lượng dân quân biển không chỉ đặt họ vào tình thế nguy hiểm, mà còn khiến các cá nhân và tàu thuyền quanh đó gặp nguy hiểm”.
Theo chuyên gia này, nguy cơ đó còn cao hơn một khi PCA đưa ra phán quyết.
“Khi tòa trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng tôi nghĩ Trung Quốc sẽ tìm cách để thể hiện mạnh mẽ sự phản đối của nước này cũng như sự không bằng lòng với phán quyết” - ông Erickson nhận định.(PLO)
Trung Quốc theo dõi tàu sân bay Mỹ đi qua Biển Đông
Chiếc tàu sân bay bị theo dõi là USS John C. Stennis, một trong hai chiếc được Hải quân Mỹ điều đến tham gia diễn tập phía tây Thái Bình Dương hôm 18/6, may mắn không có sự cố nào xảy ra, AP hôm nay đưa tin.
Theo Chuẩn đô đốc Marcus Hitchcock, lực lượng của Trung Quốc đã hiện diện liên tục trên biển nhưng ông không biết tàu nào theo dõi nhóm diễn tập của Mỹ hay mục đích của họ là gì. Ông cho hay lực lượng Mỹ thấy tàu của Hải quân Trung Quốc (PLA) đi qua Biển Đông khá thường xuyên.
"Thực tế là chúng tôi thường xuyên thấy ít nhất một tàu của PLA vào bất cứ lúc nào, 24/7", ông Hitchcock nói với các phóng viên trên chiếc tàu sân bay lớp Nimitz có trọng tải 100.000 tấn.
Quan chức Mỹ cũng cho hay lực lượng hải quân hai bên không có sự hiểu lầm hay tính toán sai lầm hoặc bất kỳ điều gì tương tự.
Cùng tham diễn tập với chiếc Stennis cuối tuần qua là tàu sân bay Ronald Reagan và khoảng 12.000 thủy thủ, 140 máy bay.
Đi theo hộ tống Stennis là tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Mobile Bay cùng các tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Stockdale, USS Chung-Hoon và USS William P. Lawrence.
Chiếc Reagan có các tàu hộ tống là tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Shiloh, USS Chancellorsville, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur, USS McCampbell và USS Benfold.
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, người có liên quan đến lập kế hoạch này, cuộc diễn tập được tính toán về thành phần tham và cả thời điểm.
Hồi đầu tháng này tờ Global Times dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên nhận định việc Mỹ điều động nhiều tàu sân bay tới Biển Đông có lẽ vì muốn "làm chỗ dựa cho Philippines", trước thời điểm Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) sắp ra phán quyết vụ kiện Biển Đông
Hạm đội hàng không mẫu hạm Mỹ tập trận trên Biển Đông
Chiến đấu cơ F/A Hornet-18 và E-2D Hawkeye trên hàng không mẫu hạm John C. Stennis, ngày 15/06/2016 - REUTERS/Nobuhiro Kubo
Động cơ tên lửa Nga bốc cháy, 600 người sơ tán
Vụ việc xảy ra sáng nay tại bãi thử Ashuluk, gần thành phố Astrakhan, miền nam Nga. Theo các nguồn tin của hãng thông tấn Tass, động cơ tên lửa đẩy dùng để phóng tàu vũ trụ vào quỹ đạo bốc cháy trong nhà kho. Theo Life.ru, động cơ thuộc hệ thống tên lửa phòng không S-75.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết động cơ bốc cháy trong quá trình bảo dưỡng tại kho chứa. Bộ cho biết không có ai bị thương. Ít nhất 600 người đã được sơ tán khỏi hiện trường. Những người được sơ tán gồm các nhân viên và cư dân của thị trấn gần đó.
Các lính cứu hỏa đã tìm cách khoanh vùng đám cháy, RIA Novosti dẫn các nguồn tin thuộc Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga cho biết.
"Hỏa hoạn xuất hiện cùng những tiếng nổ lớn. Theo thông tin ban đầu, nhà kho chứa các bộ phận dự phòng, trong đó có động cơ tên lửa. Chúng phát nổ", một nguồn tin an ninh địa phương nói.
Bãi thử Ashuluk được sử dụng để phóng tên lửa phòng không và là nơi diễn ra các cuộc tập trận. Một số tai nạn xảy ra tại nơi này trong những năm gần đây. Năm 2011, một vụ nổ do động cơ chính đột nhiên được phóng đi làm 8 người chết tại bãi thử. Hai quân nhân thiệt mạng trong vụ nổ thiết bị phóng năm 2013.
Trung Quốc không nhất quán về vụ kiện biển Đông
Trung Quốc có thái độ không nhất quán đối với vụ kiện của Philippines về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, báo Nikkei Asian Review(Nhật) dẫn nhận định của tướng về hưu Delfin Lorenzana – người sẽ trở thành bộ trưởng Quốc phòng Philippines trong nội các mới tại một cuộc phỏng vấn cuối tuần rồi.
Năm 2013, Philippines đã đệ đơn kiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông lên Tòa án Trọng tài thường trực LHQ. Dự kiến phát quyết sẽ có trong tháng này. Trung Quốc lâu nay luôn tuyên bố sẽ không tuân thủ phán quyết của tòa án trọng tài thường trực về vụ kiện. Trong một cuộc gặp với các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Lào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn lại một lần nữa lặp lại quan điểm này.
Ông Delfin Lorenzana cho biết ông cảm thấy rất khó hiểu trước phản ứng của Trung Quốc với phán quyết sắp tới của Tòa án Trọng tài thường trực LHQ về vụ kiện. “Trung Quốc gửi đến Philippines tín hiệu khó hiểu. Một mặt Trung Quốc tuyên bố sẽ không tuân thủ phán quyết, một mặt lại muốn Philippines rút vụ kiện hoặc hoãn việc ra phán quyết. Như vậy là sao? Nếu Trung Quốc sẽ không tuân thủ phán quyết thì việc gì họ phải quan tâm phán quyết sẽ có vào lúc nào, hôm nay hay ngày mai?”.
Về phán quyết, ông Lorenzana cho biết: “Chúng tôi đã được các luật sư đề nghị cân nhắc kỹ phán quyết trước khi có hành động gì với nó". Ông Lorenzana cho biết ông đã đề nghị một số thành viên nội các mới, đặc biệt là ông Perfecto Yasay, nhân vật sẽ là ngoại trưởng sắp tới, không nhận lời đối thoại với Trung Quốc đến khi cân nhắc xong phán quyết.
Nikkei Asian Review đưa ý kiến trái chiều của một số nhà phân tích về thái độ của Trung Quốc. Chuyên gia về địa chính trị châu Á Richard Heydarian tại ĐH De La Salle (Philippines) nhận định Trung Quốc rõ ràng đang hoang mang. Theo ông, Trung Quốc đang chịu áp lực thế giới, trong đó có nhóm G7, phải chấp nhận phán quyết. “Trung Quốc sẽ bị xem là kẻ ngoài vòng pháp luật nếu từ chối tuân thủ phán quyết, đây sẽ là một thảm họa cho quyền lực mềm đối với Trung Quốc vốn đang nhắm tới vị thế lãnh đạo khu vực".
Trong khi đó, nhà nghiên cứu cấp cao Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) lại không cho rằng Trung Quốc nhập nhằng gì về vụ kiện của Philippines. “Ngược lại Trung Quốc đã gửi một thông điệp rất rõ ràng: tòa án trọng tài thường trực không có thẩm quyền về vụ kiện, toàn bộ quá trình vụ kiện có động cơ chính trị và Trung Quốc sẽ không công nhận và tuân thủ phán quyết. Phản ứng của Trung Quốc với phán quyết sẽ tùy thuộc vào nội dung của nó và tùy thuộc vào việc tổng thống mới của Philippines có yêu cầu Trung Quốc tuân thủ hay đe dọa sẽ có biện pháp pháp lý nữa hay không".
Nói với Nikkei Asian Review, ông Lorenzana cho biết dù kết quả vụ kiện có thế nào, chính phủ mới của Philippines sẽ tăng cường khả năng quốc phòng của mình. Chính phủ mới của Philippines sẽ tiếp tục theo đuổi các hạng mục đầu tư quốc phòng và củng cố liên minh quân sự mà chính phủ Tổng thống mãn nhiệm Benigno Aquino đang thực hiện. Trong đó tăng cường năng lực hàng hải sẽ là một ưu tiên hàng đầu.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Aquino rất chú trọng tăng ngân sách quốc phòng và chi tiêu quân sự để hiện đại hóa quân đội Philippines. Ông cũng rất chú ý tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ, mở đường cho Mỹ hiện diện quân sự nhiều hơn ở Philippines. Ngoài Mỹ, ông Aquino cũng quan tâm phát triển quan hệ hợp tác quân sự với Nhật.
Theo ông Lorenzana, trong hai năm tới, quân đội Mỹ có thể bắt đầu xây dựng các căn cứ quân sự ở năm địa điểm ở Philippines. Ông Lorenzana vốn là một tùy viên quân sự của Đại sứ quán Philippines tại Mỹ. Và đây là cuộc trả lời phỏng vấn với truyền thông nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Lorenzana được chọn làm bộ trưởng Quốc phòng trong nội các mới của Tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte. Ông Duterte sẽ nhậm chức tổng thống vào ngày 30-6 tới.