Quân đội Mỹ thay đổi chiến lược để kiềm chế Nga
Mã Anh Cửu kể về bữa tối với Tập Cận Bình
Nguyên soái quân đội Triều Tiên qua đời
Mỹ tiếp tục tuần tra biển Đông bất chấp tuyên bố của Tập Cận Bình
Mỹ thắt chặt an ninh hàng không vì sợ khủng bố
Tin thế giới đọc nhanh trưa 20-06-2016
- Cập nhật : 20/06/2016
Hải quân Mỹ phô trương sức mạnh gần biển Đông
Hải quân Mỹ hôm 18-6 triển khai 2 tàu sân bay và các tàu hộ tống tham gia các cuộc tập trận lớn gần biển Đông.
Tuyên bố của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết hai tàu sân bay John C. Stennis và Ronald Reagan đã sát cánh tại Tây Thái Bình Dương trong hoạt động diễn tập phòng không, do thám biển và tấn công tầm xa với sự tham gia của 12.000 thủy thủ, 140 máy bay và 6 tàu chiến.
Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh các cuộc diễn tập nhằm thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không ở khu vực này.
Ngoài ra, đây còn được xem là hành động phô trương sức mạnh của Mỹ trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague - Hà Lan dự kiến ra phán quyết về vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở biển Đông.
Một phát ngôn viên hạm đội cho biết Hải quân Mỹ tập trận tại vùng biển phía Đông Philippines, khu vực không tiếp giáp nhưng rất gần biển Đông.
Hai tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald tại vùng biển gần biển Đông hôm 18-6. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Các chuyên gia chiến lược Mỹ nhận định Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát khu vực Tây Thái Bình Dương như là một phần trong chiến lược dài hạn của Bắc Kinh.
Vì thế, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh hoạt động trên đánh dấu Mỹ tiếp tục hiện diện quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương giữa lúc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hàng hải và tham gia hoạt động xâyđảo nhân tạo quy mô lớn trái phép tại biển Đông.
"Không hải quân nào có thể tập trung nhiều sức mạnh chiến đấu đến thế tại một vùng biển...Điều này quả thật ấn tượng" - Chuẩn Đô đốc Marcus Hitchcock, chỉ huy nhóm tàu sân bay tấn công USS John C. Stennis, nhận định.(NLĐ)
Ấn Độ xây dựng hệ thống theo dõi tàu ngầm Trung Quốc
Một cuộc chiến mới đang ẩn mình dưới những lớp sóng ở Ấn Độ Dương khi truyền thông Mỹ đưa tin Ấn Độ đang triển khai xây dựng “bức tường” dưới đáy biển.
Đó là hệ thống gồm các đầu thu sóng địa chấn trong nước (hydrophone) để theo dõi mọi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc
Theo Quartz, các thông tin về việc Ấn Độ cùng Nhật Bản có kế hoạch lắp đặt hệ thống hydrophone nối giữa vùng biển phía nam Ấn Độ và một phần mũi đất phía bắc của Indonesia đã được lan truyền rộng rãi.
Cựu sĩ quan hải quân Abhijit Singh, hiện là giám đốc của Sáng kiến an ninh hàng hải tại Observer Research Foundation (ORF, một tổ chức nghiên cứu tại New Delhi), chia sẻ một số thông tin ông nắm được về dự án này.
“Người Nhật có nhiều năm kinh nghiệm trong việc điều hành các hydrophone và kế hoạch được biết là sẽ thiết lập các thiết bị này ở khu vực giữa mũi Indira (điểm cực nam của Ấn Độ) cho tới một điểm ở phần mũi phía bắc của Sumatra ở Indonesia” - ông Abhijit Singh nói.
Căn cứ vào đặc điểm vị trí địa lý và địa chính trị của khu vực, rõ ràng đây là động thái xây “tường ngầm” dưới đáy biển của Ấn Độ nhằm đối phó Trung Quốc. Dù vậy Bộ Quốc phòng Ấn Độ vẫn chưa có phản hồi với các câu hỏi của Quartz về vấn đề liên quan.
Tháng 1 năm ngoái, Mỹ và Ấn Độ đã công bố tầm nhìn chiến lược chung giữa hai nước. Theo đó, hai quốc gia đã cùng chia sẻ quan điểm gây áp lực với Trung Quốc trước các tuyên bố chủ quyền ngày càng ngang ngược tại Biển Đông.
Tuyên bố chung viết: “Sự thịnh vượng của khu vực phụ thuộc vào an ninh ổn định. Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh hàng hải và đảm bảo tự do đi lại trên biển, trên không trên toàn khu vực, nhất là ở Biển Đông”.
Nga - Syria bàn chuyện hợp tác quân sự
Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 18-6 đã trao đổi về hợp tác quân sự tại cuộc gặp ở thủ đô Damascus.
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận chuyến thăm trên và cho biết hai ông trao đổi về hợp tác kỹ thuật quân sự song phương cũng như cuộc chiến chống các phần tử nổi dậy.
Không có nhiều chi tiết về cuộc gặp được công bố. Bản thân ông Shoigu chỉ cho biết đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin phái đến Damascus để gặp ông Assad và kiểm tra căn cứ không quân Khmeimim.
Cùng ngày, Lầu Năm Góc tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc việc Nga liên tục không kích lực lượng phiến quân được Mỹ hậu thuẫn ở Syria.
Ông Peter Cook, người phát ngôn Lầu Năm Góc, cho biết quân đội Mỹ đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với Nga để thảo luận vấn đề này. Nội dung cuộc họp xoay quanh vụ Nga được cho là không kích nhằm vào lực lượng phiến quân được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tại làng At-Tanf, thuộc Syria.
Vụ việc diễn ra ngày 16-6 và lập tức trở thành vấn đề được mang ra thảo luận nhiều lần. Tại cuộc họp, Mỹ yêu cầu Nga ngừng không kích nhằm vào các lực lượng đang góp phần chống IS. Đồng thời, Mỹ thúc giục Nga tuân thủ biên bản ghi nhớ đảm bảo an toàn trong cuộc chiến.
Phía Mỹ nhấn mạnh hy vọng những mối quan ngại này sẽ được giải tỏa thông qua các cuộc thảo luận ngoại giao đang diễn ra về thỏa thuận ngừng bắn. Hai bên khẳng định sự cần thiết phải tuân thủ các biện pháp để nâng cao an toàn, tránh hiểu lầm trong cuộc chiến chống IS ở Syria.
Trước đó, các quan chức Mỹ lên tiếng chỉ trích Nga ngay khi cuộc không kích diễn ra. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu: “Đây là một đợt không kích nhằm vào các lực lượng đang chiến đấu chống IS. Ban đầu người Nga nói rằng họ đến đây để chống IS nhưng động thái này lại không cho thấy như vậy”. Điện Kremlin ngày 17-6 giải thích rằng rất khó để phân biệt giữa phe nổi dậy ôn hòa và các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Syria vì các lực lượng này thường chiến đấu ở các vị trí khá gần nhau.
Washington đã từng từ chối liên minh với Nga để chống IS tại Syria với cáo buộc Nga hành động chỉ để làm chỗ dựa cho chính phủ của ông Assad. Phía Mỹ luôn kêu gọi ông Assad từ chức nhưng đến nay vẫn chưa trực tiếp nhắm vào các lực lượng của ông.
Cựu Tổng thống Ai Cập lĩnh 40 năm tù vì tiết lộ bí mật quốc gia
Cựu Tổng thống Ai Cập Mohamad Morsi hôm 18/6 đã bị tòa án nước này kết án 40 năm tù giam vì tội tiết lộ bí mật quốc gia cho Qatar.
Ngoài cựu Tổng thống Morsi, 6 thành viên khác thuộc nhóm Anh em Hồi giáo cũng bị kết án tử hình và 2 người khác bị kết án chung thân trong cùng vụ án. Theo quy định của luật pháp Ai Cập, thời hạn tù chung thân tại quốc gia này là 25 năm.
Theo cáo trạng, cựu Tổng thống Ai Cập và các nghi phạm bị kết tội tiết lộ tài liệu mật cho Qatar và bán chúng cho kênh truyền hình Al-Jazeera có trụ sở tại Doha (Qatar). Những tài liệu này bao gồm thông tin về lực lượng tình báo quân sự, lực lượng vũ trang, hệ thống vũ khí và các chính sách bí mật của chính phủ. Ngoài ra, các tội danh khác cũng được nêu trong cáo trạng gồm dẫn đầu và gia nhập tổ chức Anh em Hồi giáo vốn đã bị cấm hoạt động nhằm thay đổi chế độ ở Ai Cập bằng bạo lực, tấn công lực lượng quân đội, đồn cảnh sát và các tài sản công cộng.
Tuy nhiên, đây chưa phải là bản án cuối cùng và các bị cáo có quyền kháng án, tờ Indian Express cho biết.
Quốc gia vùng Vịnh Qatar đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho ông Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo trong khoảng thời gian ông còn giữ chức Tổng thống Ai Cập từ năm 2012 tới tháng 7/2013, trước khi bị quân đội nước này lật đổ và bắt giữ.
Tháng trước, thủ lĩnh tối cao của tổ chức Anh em Hồi giáo là Mohamed Badie cùng 35 thành viên khác của tổ chức này cũng bị kết án chung thân vì hành vi bạo lực sau khi ông Morsi, tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập, bị lật đổ vào năm 2013.
Cả thủ lĩnh Badie và ông Morsi đều bị kết án chung thân trong một vụ án khác liên quan tới hoạt động gián điệp.
Trước đó, vào tháng 6 năm ngoái, ông Morsi, Badie và 100 thủ lĩnh khác từng bị kết án tử hình vì hành vi vượt ngục năm 2011. Tuy nhiên, tòa án Ai Cập sau đó đã hủy bỏ án tử đối với ông Badie.
Chính quyền Ai cập vẫn đang tiến hành trấn áp tổ chức Anh em Hồi giáo từ sau khi cựu Tổng thống Morsi bị lật đổ. Chính phủ Ai Cập coi Anh em Hồi giáo là một tổ chức khủng bố từ tháng 11/2013
Bỉ truy bắt khủng bố tại 16 thành phố
Nhà chức trách Bỉ ngày 18-6 buộc tội 3 nghi can tội danh khủng bố, trong đó có cả tội danh tìm cách giết người..
Trong chiến dịch truy quét xuyên đêm cực lớn, 3 nghi phạm khủng bố đã bị truy tố, 9 người còn lại trong vụ bắt giữ này được trả tự do sau khi thẩm vấn.
Văn phòng công tố viên liên bang cho biết việc truy bắt nghi can diễn ra ở 16 thành phố.
Cả ba nghi phạm có tên Samir C (27 tuổi), Moustapha B (40 tuổi), Jawad B (29 tuổi), bị cáo buộc âm mưu khủng bố, giết người, tham gia vào nhóm khủng bố. Không có vũ khí hoặc chất nổ được tìm thấy trong quá trình truy quét. Ban đầu, lực lượng an ninh bắt đến 40 người, họ thẩm vấn và loại dần.
Bỉ đang cảnh báo khủng bố cấp độ 3, mức cao thứ 2.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel nói an ninh sẽ được tăng cường ở những sự kiện công cộng. Ông chia sẻ trên mạng xã hội Twitter sau cuộc họp với Hội đồng an ninh Bỉ rằng các sự kiện sẽ diễn ra đúng kế hoạch, công chúng nên giữ bình tĩnh.
Truyền thông Bỉ trước đó nói rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên kế hoạch tấn công một trong số trận bóng đá ở thủ đô Brussels vào cuối tuần này.
Trong khi Euro 2016 đang diễn ra ở Pháp, láng giềng của Bỉ nên nước này cùng các quốc gia khác trong châu Âu đang đề cao cảnh giác, chống nguy cơ khủng bố.
Hồi tháng 3 qua, sân bay và nhà ga tại Brussels bị đánh bom, khiến 32 người chết. Kể từ đó, nước này luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Tối 17-6, bốn quan chức cấp cao, trong đó có Thủ tướng Charles Michel, cùng gia đình họ đặt dưới sự bảo vệ chặt chẽ hơn của lực lượng đặc nhiệm. Cảnh sát Bỉ nhận được nhiều cảnh báo rằng nhiều phần tử IS rời Syria đến châu Âu để âm mưu tấn công.