tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 19-03-2016

  • Cập nhật : 19/03/2016

Trung Quốc: “Hồng Kông không thể độc lập”

Chủ tịch Ủy ban Pháp luật Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) Kiều Hiểu Dương cho rằng việc đặc khu Hồng Kông trở thành “một nước có chủ quyền” là điều không thể.

Phát biểu này được đưa ra sau khi Tạp chí Undergrad của Trường ĐH Hồng Kông đăng bài viết đòi quyền tự trị cho Hồng Kông vài ngày trước, trong đó yêu cầu Liên Hiệp Quốc công nhận hòn đảo này là một quốc gia riêng biệt vào năm 2047.

Trước khi kỳ họp thường niên năm 2016 của quốc hội Trung Quốc khóa 12 bế mạc hôm 16-3, ông Kiều nói với báo giới về sự tự trị của Hồng Kông: “Sao có thể như thế?”.

ong kieu hieu duong anh: scmp

Ông Kiều Hiểu Dương Ảnh: SCMP

Bài viết trên Tạp chí Undergrad có đoạn: “Mặc dù Hồng Kông chưa có điều kiện để độc lập nhưng đó không phải là mối quan tâm chính của chúng tôi lúc này, thay vào đó là câu hỏi Hồng Kông có nên độc lập hay không”.

Bài viết còn cho rằng Hồng Kông cần có một chính quyền dân chủ được thành lập sau năm 2047 và một hiến pháp riêng. Hơn nữa, tác giả bài viết cũng lên án chính quyền đặc khu chỉ là “con rối” và hô hào bảo vệ tốt hơn “di sản” của Hồng Kông.

Sau khi được Anh trả về cho Trung Quốc năm 1997, Hồng Kông áp dụng chính sách “một nước, hai chế độ” trong vòng 50 năm. Theo đài BBC, sau những cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 2014 (Cách mạng dù), số người đòi quyền tự trị nhiều hơn cho đặc khu ngày càng tăng, hình thành phong trào “Người bản địa”.

Hồi tháng 2, bạo loạn bùng phát ở khu Mongkok (Vượng Giác) khi chính quyền dẹp những người bán đồ ăn vỉa hè không có giấy phép, vốn được phong trào “Người bản địa” ủng hộ. Sau vụ việc, một số người biểu tìnhvà thủ lĩnh phong trào đó bị buộc tội bạo động. Ông Michael Davis, giáo sư luật của Trường ĐH Hồng Kông, cho rằng “độc lập” trở thành đề tài gây tranh cãi kể từ khi các nhà chức trách không đáp ứng được đòi hỏi có thêm sự tự trị.


Thực ra, Mỹ đã đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông từ 3 năm trước

Nguyên Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận định: "Mỹ đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông bắt đầu từ 3 năm trước".

Kurt_Campbell_1803

Kurt Campbell, nguyên Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (Nguồn: AP)


Tờ Washington Post vừa có bài phỏng vấn ông Kurt Campbell, nguyên Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó ông này nhận định cuộc đối đấu giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông đã bắt đầu từ 3 năm trước khi Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, triển khai radar và tên lửa tại đây. 

Ông cho rằng cuộc đối đầu này đang ngày càng trở nên căng thẳng khi Bắc Kinh dường như không giữ lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Nhà Trắng về việc không quân sự hóa Biển Đông. 

Theo ông Campbell, căng thẳng này có thể sẽ lên cao trào vào tháng 4 hoặc tháng 5 tới, khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, một phán quyết nhiều khả năng sẽ ủng hộ lập trường của Manila. 

Trong trường hợp đó, phản ứng đầu tiên của Trung Quốc sẽ là bác bỏ quyết định của tòa như họ vẫn làm trong thời gian qua, tiếp đó sẽ là thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, một hành động khiêu khích nguy hiểm đối với Mỹ.

Thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã phải cố gắng đảm bảo rằng họ không thụ động trong việc đối phó với Trung Quốc, nhưng cũng phải tránh nguy cơ đối đầu quân sự với Bắc Kinh. Thế tiến thoái lưỡng nan này sẽ tiếp diễn một khi ADIZ được thiết lập ở Biển Đông. 

Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ đứng trước đòi hỏi phải đưa máy bay ném bom tiến vào vùng ADIZ mới này, giống như đã từng làm khi Trung Quốc thiết lập ADIZ tại Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, điều này chỉ khiến lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy mất mặt và đưa ra những phản ứng tồi tệ hơn. 

Theo ông Campbell, giải pháp khôn ngoan nhất trong trường hợp trên là khiến Trung Quốc nhận thấy nếu họ tiếp tục con đường này, họ sẽ đẩy các mối quan hệ vào tình huống xấu. 

Ông cũng nhấn mạnh Mỹ cần tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á thách thức tuyên bố của Trung Quốc, triển khai tàu chiến, máy bay của cả Australia, Singapore, Ấn Độ và các nước châu Âu. 

Tóm lại, Mỹ cần hết sức thận trọng, tránh những tính toán sai lầm khiến căng thẳng bị đẩy đi xa hơn.


Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, Hàn Quốc căng mình đối phó

Triều Tiên vừa bắn một tên lửa đạn đạo tại bờ biển phía đông bán đảo Triều Tiên ra biển Nhật Bản, hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) ngày 18-3 cho biết.

Quân đội Hàn Quốc cho hay họ đã theo dõi sát và giám sát tình hình, đồng thời duy trì trạng thái sẵn sàng đáp trả bất cứ hành động nào từ phía Bình Nhưỡng.

Theo CNN, giới chức Mỹ cũng xác nhận vụ bắn tên lửa đạn đạo này.

ten lua duoc phong luc 5 gio 55. anh: reuters

Tên lửa được phóng lúc 5 giờ 55. Ảnh: Reuters

Tên lửa được phóng lúc 5 giờ 55, theo giờ địa phương, gần quận Sukchon thuộc tỉnh Nam Pyongan (phía Tây Triều Tiên) và bay vắt ngang bán đảo trước khi rơi xuống biển ở phía Đông nước này. Sau khi tên lửa phóng ra đã bay một khoảng cách khoảng 800 km, theo Bộ Tổng tham mưu Hàn Quốc.

Cơ quan trên không cho biết loại tên lửa mà Triều Tiên phóng song theoReuters, 800 km có vẻ vượt ra khỏi tầm bắn của hầu hết tên lửa tầm ngắn trong khu vũ khí Triều Tiên.

Vụ bắn tên lửa diễn ra chỉ 1 tuần sau khi Triều Tiên bắn 2 tên lửa từ tỉnh Bắc Hwanghae, phía Nam thủ đô Bình Nhưỡng, ra biển Nhật Bản.

Những vụ bắn tên lửa liên tiếp này là đợt phô diễn sức mạnh quân sự mới nhất trên bán đảo Triều Tiên vốn đã lún sâu trong căng thẳng. Vụ thử tên lửa tuần trước thậm chí còn được chính hãng thông tấn trung ương của Triều Tiên KCNA xác nhận.

Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên lần đầu tiên xác nhận Bình Nhưỡng đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân gắn vừa với tên lửa đạn đạo, theo KCNA.

Đồng thời, hãng thông tấn này còn phát tuyên bố rằng “tất cả các thỏa thuận hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã vô hiệu”.


EU hô hào các nước trừng phạt chống Nga

Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/3 kêu gọi thêm các quốc gia áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến việc Moskva sáp nhập bán đảo Crimea cách đây 2 năm.

nguoi dan gio cao anh chan dung tong thong nga tai cuoc tuan hanh nhan ky niem ngay ve quoc o sevastopol thuoc ban dao crimea ngay 23/2. anh: afp/ttxvn

Người dân giơ cao ảnh chân dung Tổng thống Nga tại cuộc tuần hành nhân kỷ niệm Ngày Vệ quốc ở Sevastopol thuộc bán đảo Crimea ngày 23/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài ra, trong một tuyên bố được Hội đồng châu Âu vốn đại diện cho chính phủ các nước EU, đưa ra vào dịp kỷ niệm ngày Nga chính thức sáp nhập Crimea, EU cho biết sẽ duy trì các lệnh trừng phạt của mình, vốn cấm các công ty EU đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu khí ở Biển Đen của Nga. 

Trước đó, EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt Crimea vào tháng 7/2014 và sau đó siết chặt các biện pháp này vào tháng 12/2014, theo đó cấm các công dân EU mua hoặc cấp vốn cho các công ty ở Crimea.

Các hãng thông tấn Nga dẫn nguồn Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm bán đảo Crimea trong ngày 18/3.

Theo Điện Kremlin, trong chuyến thăm này, ông Putin sẽ thị sát công trường xây dựng cây cầu nối Nga với bán đảo Crimea qua Eo biển Kerch.

Korea Times chạy loạt bài bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Korea Times khẳng định yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn tùy tiện và không có cơ sở.

anh bai viet tren bao korea times (ban online) ngay 14/3.

Ảnh bài viết trên báo Korea Times (bản online) ngày 14/3.

Tờ "Thời báo Hàn Quốc" (Korea Times) phiên bản tiếng Anh, số ra ngày 14 và 17/3, đã đăng loạt bài về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới góc độ luật pháp quốc tế, trong khẳng định yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “đường chữ U”) của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn tùy tiện và không có cơ sở, trong khi Việt Nam có đầy đủ chủ quyền về mặt pháp lý đối với hai quần đảo này.

Báo trên cho rằng dưới góc độ luật quốc tế hiện đại, “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra không có tính ổn định và xác định. Theo các án lệ quốc tế, đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế là “tính ổn định và dứt khoát”, vì vậy “đường lưỡi bò” không thể được coi là “biên giới quốc gia”. Mặt khác, cho dù Trung Quốc có tự cho rằng tất cả các thực thể trong “đường lưỡi bò” là thuộc về nước này thì những đảo hay thực thể nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển đều không thuộc về Trung Quốc, kể cả trong trường hợp các thực thể trong quần đảo tranh chấp là đảo và được hưởng các vùng biển như quốc gia đất liền.
 

anh bai viet tren bao korea times (ban in) ngay 17/3.

Ảnh bài viết trên báo Korea Times (bản in) ngày 17/3.

Cũng theo tờ "Thời báo Hàn Quốc", Trung Quốc cũng không đưa ra được bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ khu vực Biển Đông một cách liên tục, hoà bình từ xa xưa. Thực tế cũng cho thấy yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Tại Hội nghị San Francisco hồi tháng 9/1951, các quốc gia tham gia đã khước từ đề nghị trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo này. Trong chuyến thăm Đức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 3/2014, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã “tặng” nhà lãnh đạo này một bản đồ Trung Quốc cổ thế kỷ XVIII, do họa sĩ người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ năm 1735, cho thấy biên giới phía Nam của Trung Quốc kéo dài đến sát đảo Hải Nam chứ không hề có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tờ báo cũng cung cấp các tư liệu lịch sử cho thấy quá trình Trung Quốc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam. Theo tờ báo này, với tính chất phi lý và ngang ngược của yêu sách “đường lưỡi bò” cùng những hành động khiêu khích, gây hấn và đánh chiếm của Trung Quốc, nhiều quốc gia trong khu vực đã có hành động đáp trả. Tiêu biểu như việc Ấn Độ ngày 24/11/2012 đã cho áp dụng thị thực có in hình bản đồ của mình lên hộ chiếu của khách nhập cảnh từ Trung Quốc, sau khi phát hiện Bắc Kinh in hình hai khu vực Arunachal Pradesh và Aksai Chin (mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền) lên hộ chiếu mới như là một phần lãnh thổ hiển nhiên của Trung Quốc. Philippines cũng đã nộp đơn kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông bất chấp việc Bắc Kinh tìm mọi cách vận động, cô lập Manila và ngăn chặn vụ kiện…


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục