Nghi phạm vụ khủng bố Paris bị bắt tại Bỉ
Salah Abdeslam, nghi phạm tham gia vụ khủng bố tại Paris (Pháp) hồi tháng 11.2015 đã bị bắt giữ trong cuộc đột kích của lực lượng chức năng Bỉ tại thành phố Brussels ngày 18.3.
Salah Abdeslam (26 tuổi) bị thương và bị bắt trong vụ nổ súng chiều ngày 18.3 ở thủ đô Brussels (Bỉ), theo đài France24 ngày 18.3. Cảnh sát Bỉ bắt giữ tổng cộng 5 người, ngoài Abdeslam còn có Monir Ahmed Alaaj (hay còn gọi là Amine Choukri) là kẻ có liên quan đến vụ khủng bố Paris; và 3 người trong gia đình đã cho 2 nghi phạm này ẩn náu.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng xác nhận thông tin tên Salah Abdeslam bị bắt. Cảnh sát Pháp trước đó thông báo nghi phạm này bị thương ở chân trong vụ đấu súng. Tổng thống Hollande tuyên bố các công tố viên sẽ yêu cầu dẫn độ Abdeslam về Pháp, đồng thời tiết lộ vẫn còn nhiều người liên quan đến vụ khủng bố Paris khiến 130 người thiệt mạng.
Sau khi nhận được điện thoại thông báo Abdeslam đang có mặt trong một căn hộ ở đường Quatre-Vents, Molenbeek, cảnh sát Bỉ bắt đầu chiến dịch vây bắt vào lúc 16 giờ 30 ngày 18.3. Chỉ 10 phút sau, Abdeslam bị bắt giữ cùng Choukri. Chiến dịch kết thúc vào 20 giờ 40 cùng ngày, theo tờ Le Soir.
Salah Abdeslam, nghi phạm vụ khủng bố Paris hồi tháng 11.2015 khiến 130 người thiệt mạng - Ảnh: AFP
Tiếng súng nổ liên hồi trong cuộc đột kích chiều ngày 18.3 tại khu Molenbeek ở ngoại ô Brussels. Các đoạn video trên truyền hình cho thấy lực lượng an ninh còng tay một người đội mũ trùm đầu và đưa ra khỏi toà nhà. Trước đó, các công tố viên Bỉ thông báo đã tìm thấy dấu vân tay của Salah Abdeslam tại hiện trường của một vụ nổ súng ngày 15.3 cũng tại Brussels.
Cơ quan điều tra tin rằng vụ khủng bố được lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng hồi tháng 11.2015 tại Paris được một nhóm thanh niên quốc tịch Pháp và Bỉ thực hiện. Việc lên kế hoạch được tiến hành tại Brussels và một số trong nhóm này từng chiến đấu cho IS tại Syria.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel phát biểu trong cuộc họp báo có mặt Tổng thống Pháp chiều ngày 18.3 rằng đây là một kết quả quan trọng trong cuộc chiến cho nền dân chủ. Ông Michel cho hay Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng gọi điện chúc mừng các lãnh đạo Bỉ và Pháp, theo Reuters.
Cảnh sát Bỉ lập bao vây khu vực Molenbeek chiều ngày 18.3 - Ảnh: Reuters
Cuộc đột kích ngày 15.3
Trước đó ngày 15.3, lực lượng an ninh Bỉ đến kiểm tra tại một căn hộ ở Forest, vùng ngoại ô phía nam Brussels để điều tra về chuỗi tấn công liên hoàn tại Paris. Khi cảnh sát vửa mở cửa thì ít nhất 2 người trong nhà nổ súng làm 3 cảnh sát bị thương. Một người tên Mohamed Belkaid, quốc tịch Algeria bị bắn chết nhưng 2 người khác đã kịp tẩu thoát. Các công tố viên ngày 18.3 cho rằng có thể đó là Abdeslam và Choukri.
Belkaid là một tội phạm bị truy nã, lấy tên giả là Samir Bouzid. Camera an ninh từng quay được cảnh người này rút tiền cho người phụ nữ tên Hasna Ait Boulahcel sau vụ khủng bố Paris. Người phụ nữ này là em họ của Abdelhamid Abbaoud (quốc tịch Bỉ). Abbaoud được xem là “đạo diễn” của vụ khủng bố Paris. Abbaoud và người phụ nữ trên thiệt mạng trong cuộc đấu súng tại ngoại ô Paris ngày 18.11.2015.
Cũng trong cuộc đột kích ngày 15.3, cảnh sát tìm thấy dấu vân tay của Salah Abdeslam, một cuốn hộ chiếu Bỉ giả của Choukri và một hộ chiếu Syria giả cũng của tên này nhưng lấy tên Monir Ahmed Alaaj. Choukri từng bị cảnh sát Đức chặn xe và lấy dấu vân tay khi cùng Abdeslam xuất hiện tại Đức vào tháng 10.2015. Dấu vân tay của Choukri một lần nữa xuất hiện vào tháng 1.2016 tại căn nhà ở một thị trấn nhỏ miền nam Brussels được các nghi phạm dùng làm nơi ẩn náu.
Và chỉ sau 3 ngày từ vụ nổ súng ngày 15.3, cảnh sát Bỉ đã tóm được tên Abdeslam ngay tại thủ đô Brussels.
Thực chất việc Canada trừng phạt Nga
Người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của Duma Quốc gia Nga Aleksei Pushkov nhận định việc Canada tăng cường biện pháp trừng phạt chống Nga thực ra chỉ là chiêu trò thu hút sự chú ý.
"Canada không chỉ hoàn thành, mà còn làm quá mức nhiệm vụ của Mỹ về trừng phạt chống Nga, bởi đó là cách duy nhất để Ottawa nhằm thu hút sự chú ý", ông Pushkov viết trên tài khoản mạng xã hội cá nhân Twitter.
Trước đó có thông báo rằng Canada đã mở rộng lệnh trừng phạt chống Nga với nguyên cớ Ukraine. Cụ thể, 14 công ty và 5 cá nhân rơi vào hai danh sách trừng phạt riêng rẽ. Canada dự định phong tỏa khoản có tài sản và cấm những cá nhân này không được nhập cảnh vào lãnh thổ nước mình.
Nga thử nghiệm tên lửa hành trình bội siêu thanh
Nga đang thực hiện các cuộc thử nghiệm đầu tiên của tên lửa hành trình bội siêu thanh diệt hạm Zircon.
Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga. Ảnh: Sputnik
Đại diện cấp cao của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đã tiết lộ cho phóng viên RIA Novosti về thông tin này. Các chiếc tên lửa Zircon đầu tiên đã được chế tạo và đang trải qua thử nghiệm trên các bệ phóng trên mặt đất.
Cơ sở phụ trách phát triển tổ hợp tên lửa bội siêu thanh diệt hạm Zircon là Tập đoàn tên lửa chiến lược. Zircon được dự đoán sẽ có tốc độ gấp 5 — 6 lần vận tốc âm thanh và sẽ có khả năng đánh chặn mục tiêu trong bán kính khoảng 300-400 km.
Tên lửa Zircon có thể được trang bị trên tàu ngầm hạt nhân đa năng thế hệ thứ năm Husky. Cơ sở đảm trách phát triển loại tàu ngầm này là Viện thiết kế hàng hải "Malachite".
Có giả thiết, Zircon là phiên bản bội siêu thanh của tên lửa hành trình có cánh "BrahMos", mà Nga và Ấn Độ đã phát triển trên cơ sở tên lửa P-800 Onyx.
Vào tháng Hai, công ty BrahMos Aerospace đã cho biết khá rõ rằng, phiên bản bội siêu thanh của "BrahMos" dự kiến sẽ xuất hiện trong vòng 3-4 năm tới.
Triều Tiên phóng tên lửa đặt Hàn, Nhật vào tầm ngắm
Một đợt phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên - Ảnh: Reuters
Hàn Quốc cáo buộc CHDCND Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo với tầm bắn vươn tới toàn bộ lãnh thổ nước này và phần lớn Nhật Bản.
Ngày 18.3, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) loan báo vào lúc 5 giờ 55 sáng cùng ngày (giờ địa phương), CHDCND Triều Tiên đã bắn một quả tên lửa đạn đạo từ khu vực phía tây, theo Yonhap.
Hỏa tiễn được cho là tên lửa tầm trung mang tên Rodong đã bay khoảng 800 km trước khi rơi xuống ngoài khơi bờ biển phía đông Triều Tiên thuộc vùng biển nằm giữa nước này và Nhật Bản. “Tên lửa đã rơi xuống vùng biển trong Vùng nhận diện phòng không của Nhật Bản”, JCS khẳng định.
Khoảng 22 phút sau đợt phóng đầu tiên, radar quân sự Hàn Quốc tiếp tục phát hiện một vật thể được cho là tên lửa Rodong thứ 2 bay từ khu vực nói trên. Nhưng radar sau đó đã mất dấu mục tiêu khi tên lửa bay được tầm 17 km. “Kết quả phân tích cho thấy đó cũng là tên lửa, nhưng chúng tôi cần phải kiểm tra thêm dữ liệu”, JCS lưu ý. Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc cho rằng tên lửa thứ 2 đã nổ tung giữa không trung nên không thể đến được khu vực đã định. Ngoài ra, theo Seoul, cả hai hỏa tiễn đều được phóng từ bệ phóng di động.
Nếu thông tin trên được xác nhận, đây là lần thứ hai Triều Tiên phóng tên lửa Rodong trong vòng 2 năm qua. Động thái mới được tiến hành vài ngày sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ sớm thử đầu đạn hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo có thể mang loại đầu đạn này.
Theo các chuyên gia phương Tây, tên lửa Rodong có thể mang đầu đạn chứa hàm lượng chất nổ cao hoặc đạn hóa học. Với tầm bắn tối đa 1.300 km, vũ khí này đặt toàn bộ Hàn Quốc và phần lớn lãnh thổ Nhật Bản trong tầm ngắm, Yonhap dẫn lời giới chức Seoul cho biết.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố Seoul sẽ tiến hành “các bước cần thiết” ngay lập tức với HĐBA LHQ và cộng đồng quốc tế để đáp trả “hành động khiêu khích mới nhất” của miền Bắc.
Một quan chức nước này nhận định với Yonhap rằng Triều Tiên “có nguy cơ đẩy căng thẳng liên Triều lên mức khủng hoảng thông qua những hành động khiêu khích mạnh bạo hơn” và cho hay quân đội Hàn Quốc đang theo dõi sát sao tình hình. Về phần mình, Đài NHK dẫn lời Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lên án việc Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo là hành động gây nguy cơ lớn đối với sự an toàn của máy bay và tàu bè trong khu vực.
Theo nhiều nguồn tin, Triều Tiên đã không tuyên bố vùng cấm tàu hay máy bay qua lại đối với khu vực phóng tên lửa. Thủ tướng Abe cho biết thêm Tokyo đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với Bình Nhưỡng về vụ phóng tên lửa thông qua Bộ Ngoại giao, đồng thời chính phủ của ông sẽ phối hợp với Hàn Quốc, Mỹ cùng các nước liên quan khác để có động thái ứng phó thích hợp. Mới nhất, một số nguồn tin từ Tokyo tiết lộ với NHK rằng chính phủ Nhật đã ra lệnh cho Lực lượng phòng vệ bắn hạ bất kỳ tên lửa hay mảnh vỡ nào từ Triều Tiên bay qua không phận nước này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Bình Nhưỡng kiềm chế mọi hành động “làm leo thang căng thẳng” còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên tuân theo các nghị quyết của LHQ cũng như cho rằng tất cả các bên liên quan cần “bình tĩnh, tránh làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”, theo Yonhap.
3 tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập Senkaku/Điếu Ngư
Ngày 19/3, ba tàu thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG) đã đi vào vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp với Nhật Bản mà Tokyo gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Theo hãng tin Kyodo, Sở Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ bờ biển (JCG) khu vực số 11 tại Naha, tỉnh Okinawa thông báo vụ xâm nhập trên xảy ra vào khoảng 9h30 sáng (giờ địa phương) và kéo dài trong hai tiếng.
Một tàu hải cảnh của Trung Quốc tại vùng biển gần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông ngày 3/3/2014. Ảnh: AFP/ TTXVN
Ba tàu trên gồm Hải cảnh 31239 được trang bị pháo, Hải cảnh 2102 và Hải cảnh 2401. Tàu tuần tra Nhật Bản đã cảnh báo các tàu này rời khỏi vùng biển Nhật Bản.
JCG cho biết đây là lần thứ 7 tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản từ đầu năm tới nay.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa của Nhật Bản khoảng 400 km về phía Tây và hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này.
Tranh chấp chủ quyền đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước suốt thời gian qua, đặc biệt sau khi Tokyo tiến hành quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo tại đây hồi tháng 9/2012.
(
Tinkinhte
tổng hợp)