Chính sách ngoại giao của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đang thất bại bởi chính thái độ và cách hành xử của nước này.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 20-03-2016
- Cập nhật : 20/03/2016
Nhật sẽ đưa tranh chấp biển Hoa Đông ra tòa án quốc tế
Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) gồm tám đảo không người ở thuộc khu vực nhiều mỏ dầu khí và Trung Quốc đã xây dàn khoan khai thác ở đây. Nghị sĩ Yoshiaki Harada cho biết LDP đã chuẩn bị cho giai đoạn đưa vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku ra tòa án quốc tế.
Trang web Breitbart News (Mỹ) ngày 17-3 nhận định Nhật đang mong muốn tìm kiếm sự ủng hộ từ các kênh pháp lý quốc tế để ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc. Sách trắng quốc phòng Nhật đã chỉ rõ Trung Quốc không chỉ tìm cách khai thác tài nguyên ở quần đảo Senkaku mà còn có ý đồ sử dụng các dàn khoan làm trạm cảnh giới.
Báo Defense News (Mỹ) ngày 17-3 đưa tin Nhật sẽ đưa một trạm radar quan sát đi vào hoạt động vào ngày 28-3 để mở rộng mạng lưới giám sát vùng biển Hoa Đông quanh quần đảo Senkaku.
Đại tá Masashi Yamamoto, tùy viên quân sự đại sứ quán Nhật tại Mỹ, giải thích: “Xem xét đến hoạt động của CHDCND Triều Tiên và tình hình Trung Quốc thường xuyên xâm nhập quanh các đảo Senkaku, chúng tôi nghĩ rằng phải củng cố năng lực tình báo để Nhật có thể hành động tốt hơn”.
Trạm radar mới được đặt trên đảo Yonaguni cách lãnh thổ Đài Loan 90 hải lý. Đây là đảo có dân cư trú (1.800 người) và Nhật sẽ bố trí 150 binh sĩ bảo vệ trên đảo.
Trong khi đó, Reuters đưa tin ngày 17-3, Đô đốc John Richardson tư lệnh hải quân Mỹ cho biết quân đội Mỹ quan sát thấy Trung Quốc đang tiến hành hoạt động ở bãi cạn Scarborough (ảnh). đây có thể là dấu hiệu Trung Quốc chuẩn bị bồi đắp trên đó. Trung Quốc chiếm cứ bãi cạn Scarborough của Philippines cách đây gần bốn năm. Bãi cạn chỉ cách căn cứ Subic khoảng 200 km.
Khi được hỏi Trung Quốc có thể lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông nhằm phản ứng khi Tòa Trọng tài thường trực đưa ra phán quyết trong vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc hay không, Đô đốc John Richardson khẳng định: “Chắc chắn đây là vấn đề đáng quan tâm”.
Thổ Nhĩ Kỳ: Đánh bom tự sát ngay trung tâm Istanbul
5 người chết, khoảng 20 người bị thương trong vụ đánh bom tự sát vừa diễn ra ngày 19-3 tại trung tâm TP Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ.
Khu vực bị đánh bom là đường Istiklal Caddessi, gần quảng trường Taskim, vốn rất đông đúc dịp cuối tuần. Nơi đây tập trung nhiều cửa hàng quốc tế và trung tâm mua sắm, đồng thời chỉ cách khu vực thường có xe buýt của cảnh sát đậu chỉ vài trăm mét, theo một nhân chứng nói với Reuters.
Hình ảnh trên mạng xã hội Twitter cho thấy nhiều người bị thương nằm trên vỉa hè. Trong số 20 người bị thương, có một số nguy kịch.
Còn theo đài CNN, kẻ đánh bom cũng thiệt mạng. Các quan chức tiết lộ kẻ đánh bom định kích nổ ở địa điểm đông người hơn song bị ngăn chặn.
Cảnh sát nhanh chóng phong tỏa hiện trường trong khi xe cứu thương vội vàng tới ứng cứu.
Mới tối 13-3 vừa qua, một vụ đánh bom tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ đã giết chết 37 người. Tháng trước, một đoàn xe quân sự bị đánh bom cũng tại Ankara, khiến 28 người thiệt mạng.
Nhóm Chim ưng tự do người Kurd (TAK) nhận trách nhiệm cả 2 vụ và nói đó là sự trả thù dành cho các chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd. Tính từ tháng 7-2015 đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã hứng chịu 5 vụ đánh bom lớn.
Trước tình trạng bạo lực liên tiếp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định các nhòm khủng bố nhằm vào thường dân vì không thể chống cự với lực lượng an ninh. Đồng thời, ông nhấn mạnh quyết tâm chống khủng bố.
Ngoài người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ còn có nhiều "ân oán" với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Mỹ tiếp tục phá đường dây mua quan bán chức ở Liên Hiệp Quốc
Ngày 18-3, các công tố viên Mỹ bắt thêm một phụ nữ gốc Trung Quốc trong vụ án mua quan bán chức có liên quan đến một cựu chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Theo Reuters, bà Julia Vivi Wang, 55 tuổi, bị khởi tố ra tòa án liên bang ở Manhattan vì tội đưa hối lộ ít nhất 500.000 USD để mua chức danh ngoại giao của đảo quốc Antigua and Barbuda cho người chồng quá cố và một doanh nhân Trung Quốc khác.
Vụ đưa hối lộ được gợi ý và tạo điều kiện bởi John Ashe, cựu đại sứ Antigua and Barbuda tại Liên Hiệp Quốc khi đó đang giữ chức chủ tịch Đại hội đồng (2013-2014).
John Ashe là một trong sáu người bị bắt giữ hồi tháng 10 do liên can đến âm mưu ăn hối lộ hơn 1,3 triệu USD từ các doanh nhân Trung Quốc, trong đó có tỉ phú Macau Ng Lap Seng.
Vụ bắt giữ mới nhất diễn ra sau khi một nghi can của vụ án, cựu phó đại sứ nước CH Dominica tại Liên Hiệp Quốc Francis Lorenzo, nhận tội và đồng ý hợp tác với nhà chức trách Mỹ.
Người phụ nữ gốc Trung Quốc tên Wang còn bị buộc tội rửa tiền và âm mưu rửa tiền.
Lorenzo khai với cơ quan điều tra rằng Wang và chồng bà ta muốn các vị trí ngoại giao vì chúng có thể giúp họ kiếm tiền bằng cách dàn xếp các thương vụ mua bán hoặc giúp người khác kiếm quốc tịch thông qua đầu tư vào một quốc gia khác.
Wang là phó chủ tịch của South-South News và Tổ chức quốc tế vì hợp tác Nam - Nam (IOSSC), còn Lorenzo là chủ tịch. Cả hai tổ chức này đều tự nhận hoạt động vì các mục tiêu phát triển của Liên Hiệp Quốc.
Bà Wang được tại ngoại ngày 18-3 sau khi đóng 1,5 triệu USD.
Nhật mở rộng việc tuần thám trên biển Hoa Đông
Viện dẫn nguy cơ từ Trung Quốc và Triều Tiên, Nhật Bản công bố kế hoạch mở rộng các hoạt động tuần thám trên khu vực biển Hoa Đông.
Trang tin Defense News ngày 18.3 dẫn lời Đại tá Masashi Yamamoto, tùy viên quân sự Đại sứ quán Nhật Bản tại thủ đô Washington cho hay dựa trên các hoạt động của Triều Tiên, hành vi xâm phạm lãnh hải thường xuyên của Trung Quốc xung quanh các hòn đảo mà Nhật tuyên bố chủ quyền tại biển Hoa Đông, đã đến lúc Tokyo tăng cường năng lực tình báo để phản ứng kịp thời trước các nguy cơ.
Cái gọi là các hoạt động của Triều Tiên được cho là những vụ phóng tên lửa đạn đạo mới đây của Bình Nhưỡng, tất cả đều rơi xuống Biển Nhật Bản.
Đại tá Yamamoto dẫn một số trường hợp tàu hải quân Trung Quốc đi qua phạm vi 12 hải lý xung quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà theo tùy viên Nhật cho rằng phía Bắc Kinh đang muốn dò xét giới hạn của Nhật Bản.
Ông này thêm rằng Tokyo nắm trong tay chứng cứ cho thấy “ngư dân” do lính Trung Quốc giả dạng đã đổ bộ lên nhóm đảo đang tranh chấp.
Nỗ lực nâng cấp khả năng do thám của Nhật Bản bao gồm việc xây dựng đài quan sát radar mới ở đảo Yonaguni, đảo cực tây có người ở của nước này. Khi hoàn tất, phạm vi quan sát của quân đội Nhật sẽ được tăng thêm 200 hải lý.
Được dự kiến sẽ kết nối trực tuyến vào ngày 28.3, trạm radar sẽ được điều hành bởi một đơn vị gồm 150 lính thuộc Lực lượng Phòng vệ trên bộ của Nhật Bản.
Trong khi tạm thời vẫn chưa có kế hoạch đưa quân đội Nhật lên nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, đại tá Yamamoto cho hay điều này có thể được triển khai nếu hệ thống radar mới phát hiện lính Trung Quốc tại các hòn đảo đang tranh chấp. Đại tá Yamamoto gọi đây là “giai đoạn hai”, theo đó các đơn vị đổ bộ sẽ được triển khai để đẩy lùi lính Trung Quốc khỏi những hòn đảo trên.
Tổng thống Poroshenko không thể kiểm soát tình hình Ukraine
Những nỗ lực gây áp lực lên Tổng thống Ukraine P.Poroshenko để thực hiện nghiêm Thỏa thuận Minsk sẽ không đem lại kết quả gì vì Tổng thống Ukraine đã không thể kiểm soát tình hình Ukraine.
Tuyên bố này được Người đứng đầu nước cộng hòa tự xưng Donetsk Aleksandr Zakharchenko đưa ra.
"Tôi nghĩ rằng Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đã cố gắng gây áp lực lên Tổng thống Ukraine Poroshenko nhằm thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận Minsk.
Tuy nhiên, thật đáng tiếc là các nỗ lực này sẽ chẳng dẫn đến kết quả gì vì Tổng thống Poroshenko hiện đã thực sự đánh mất khả năng kiểm soát tình hình trong Chính phủ và Quốc hội Ukraine.
Do đó, điều cần thiết hiện nay là phải "thay ngựa giữa dòng" vì nếu như không thực hiện được chức trách của mình thì bạn nên nghỉ để người khác làm. Có lẽ, kết quả bầu cử Tổng thống Ukraine (ám chỉ bầu cử bầu ông Poroshenko làm Tổng thống) đã bị gian lận"- Aleksandr Zakharchenko phát biểu trong cuộc họp báo.
Được biết, chính quyền Ukraine đã bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự từ tháng 1.2014 để chống lại Donetsk và Lugansk, hai khu vực tuyên bố tự trị sau cuộc đảo chính Maidan vào tháng 2.2014.
Theo các số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột này đã khiến hơn 9.000 người thiệt mạng.
Sau nhiều nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, ngày 12/2/2015, lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraine đã cùng ký kết vào Thỏa thuận Minsk-2 với 13 nội dung quan trọng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó đáng chú ý nhất là việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn, tiến hành cải cách Hiến pháp Ukraine, tổ chức các cuộc bầu cử địa phương tại Lugansk và Donetsk để tiến tới trao quy chế đặc biệt cho hai khu vực này.
Dù đã ký vào thỏa thuận nhưng phía Ukraine liên tục có những động thái làm trì hoãn việc thực thi các nội dung của Thỏa thuận Minsk như không chấp nhận đối thoại với đại diện Lugansk và Donetsk, không tiến hành cải cách Hiến pháp cũng như không chấp nhận để Donetsk và Lugansk tổ chức bầu cử như thỏa thuận.
Mới đây nhất, trong cuộc gặp cấp Ngoại trưởng của "Bộ tứ Normady" vào ngày 3/3 vừa qua tại Paris, Pháp, phía Ukraine vẫn kiên quyết từ chối chấp nhận để Donbass tổ chức bầu cử.
Giới phân tích chính trị nhận định rằng, trong bối cảnh này, tuyên bố trên của Aleksandr Zakharchenko có thể coi là lời ám chỉ rằng phương Tây dường như đang bất lực trước chính quyền Ukraine.
Do đó, không loại trừ khả năng Donetsk và Lugansk sẽ vẫn tổ chức các cuộc bầu cử của mình theo kế hoạch, bất chấp việc có được chính quyền Ukraine đồng ý cho phép tổ chức các cuộc bầu cử này hay không.