Trung Quốc: “Hồng Kông không thể độc lập”
Thực ra, Mỹ đã đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông từ 3 năm trước
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, Hàn Quốc căng mình đối phó
EU hô hào các nước trừng phạt chống Nga
Korea Times chạy loạt bài bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Tin thế giới đọc nhanh chiều 18-03-2016
- Cập nhật : 18/03/2016
Trung Quốc cảnh báo các tay súng Duy Ngô Nhĩ gia tăng ở Indonesia
Mỹ nhắm đến công ty Trung Quốc để trừng phạt Triều Tiên
Ngày 16-3, Tổng thống Mỹ Obama ký một sắc lệnh trừng phạt Triều Tiên thử bom hạt nhân ngày 6-1 và thử tên lửa đạn đạo tầm xa dưới hình thức phóng vệ tinh ngày 7-2, theo hãng tin AP (Mỹ). Sắc lệnh trừng phạt mới này của Mỹ riêng biệt với nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ công bố ngày 2-3.
Tivi tại trạm tàu điện ngầm Seoul (Hàn Quốc) ngày 10-3 đưa hình ảnh Triều Tiên phóng tên lửa. (Ảnh: AP)
Đây là lệnh trừng phạt cấp độ 2, theo đó Mỹ phong tỏa tài sản thuộc chính phủ Triều Tiên ở Mỹ; cấm xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và công nghệ từ Mỹ sang Triều Tiên; cấm công dân Mỹ đầu tư vào Triều Tiên.
Sắc lệnh đưa các cá nhân có liên quan đến các lĩnh vực chính của kinh tế Triều Tiên (tài chính, khai thác mỏ, giao thông, năng lượng…) vào danh sách đen, bất kể cá nhân đó có là công dân Mỹ. Các cá nhân này sẽ bị cấm giao dịch tại hệ thống tài chính toàn cầu, thậm chí tại châu Âu và châu Á.
Sắc lệnh cho phép Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt 17 quan chức chính phủ Triều Tiên và cơ quan Triều Tiên, cấm đi lại 20 tàu vận tải Triều Tiên. Sắc lệnh cũng đưa ra một số tiêu chuẩn cho phép Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt Triều Tiên ở các lĩnh vực lạm dụng nhân quyền, kiểm duyệt, đe dọa an ninh mạng…
Sắc lệnh này cũng sẽ trừng phạt các công ty ngoài Mỹ làm ăn với Triều Tiên. Theo AP, lệnh trừng phạt này nhắm đến các công ty Trung Quốc nhằm tăng áp lực buộc Trung Quốc chấm dứt quan hệ kinh tế với Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo tại một cuộc diễn tập thử tên lửa đạn đạo. (Ảnh: KCNA công bố ngày 15-3)
Dù căng thẳng với Triều Tiên hàng thập niên nay nhưng Mỹ vẫn chưa ra lệnh cấm toàn diện thương mại với Triều Tiên như đã từng cấm với Myanmar và Iran. Công dân Mỹ vẫn được phép buôn bán giới hạn đến Triều Tiên.
Theo các chuyên gia, sở dĩ Mỹ không làm thế vì nghĩ rằng lệnh cấm thương mại toàn diện với Triều Tiên sẽ không mang lại hiệu quả nếu đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên là Trung Quốc không cùng quan điểm với Mỹ. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc thống nhất với các lệnh trừng phạt Triều Tiên của LHQ mới đây thì Mỹ có thể bắt đầu hy vọng vào khả năng này.
Dù trừng phạt nhưng Mỹ vẫn không từ bỏ hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Trong tháng 2, Mỹ tuyên bố sẽ chi 50 triệu USD trong năm năm tới để hỗ trợ phát triển công nghệ viễn thông và các chương trình nhân đạo của Triều Tiên.
Mỹ trừng phạt Triều Tiên trùng thời điểm Triều Tiên phạt công dân Mỹ Otto Warmbier 15 năm lao động khổ sai vì tội danh phá hoại nhà nước Triều Tiên.
Sợ khủng bố, Đức đóng cửa cơ quan ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ
Bộ Ngoại giao Đức hôm 17-3 cho biết nước này đã đóng cửa Đại sứ quán tại Ankara và Tổng lãnh sự quán ở Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ vì lo ngại nguy cơ sắp xảy ra một vụ tấn công khủng bố.
Sau khi nhận được thông tin về mối đe dọa khủng bố tiềm tàng, Đức đã tạm thời đóng cửa 2 cơ quan ngoại giao nói trên, đồng thời đình chỉ hoạt động của tất cả trường học dành cho công dân nước này ở TP Istanbul.
Hôm 17-3, chính quyền Berlin cũng ban hành cảnh báo tương tự cho công dân mình ở thủ đô Ankara. Trước đó, truyền thông địa phương cho biết người Kurd, bao gồm Đảng Công nhân người Kurd (PKK), đã lên kế hoạch tấn công khủng bố trên khắp lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 20-3.
Báo Cumhurriyet dẫn nguồn tin thực thi pháp luật tiết lộ PKK và Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD) muốn biến Thổ Nhĩ Kỳ thành biển máu bằng hàng loạt vụ đánh bom xe. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm 20 chiếc ô tô có khả năng được người Kurd sử dụng trong “các vụ đánh bom tự sát và khủng bố” sắp tới.
Căng thẳng ở thủ đô Ankara dâng cao sau vụ đánh bom xe hôm 13-3 (giờ địa phương) tại một nút giao thông đông đúc ở quận Kizilay, khiến 37 người thiệt mạng và 125 người bị thương.
Hôm 17-3, nhóm chiến binh Chim ưng Tự do người Kurd (TAK) đã nhận trách nhiệm vụ tấn công này. Họ cho biết mục tiêu là lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, không phải dân thường.
Mục đích vụ tấn công là trả thù chiến dịch quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Đông Nam, nơi chủ yếu là người Kurd sinh sống.
Chiến dịch này được Ankara tiến hành từ tháng 7 năm ngoái, giết chết hàng trăm dân thường và tay súng người Kurd.
Sau vụ đánh bom xe, các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ mở đợt không kíchvào thành trì người Kurd ở miền Bắc Iraq, bao gồm dãy núi Qandil, nơi các thủ lĩnh PKK đang trú ngụ. Tổng cộng 9 tiêm kích đa năng F-16 và 2 tiêm kích ném bom tầm xa F-4 được huy động, tấn công 18 mục tiêu của PKK.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt giữ ít nhất 35 người nghi ngờ liên hệ với PKK ở thành phố miền Nam Adana, theo hãng tin Dogan.
Ông Hun Sen quyết tâm cải tổ nội các
Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 17-3 công bố quyết định cải tổ nội các, vài tuần sau khi ông doạ "trảm" những bộ trưởng không chịu cải thiện cách làm việc.
Reuters dẫn lời ông Hun Sen cho biết quốc hội Campuchia sẽ bỏ phiếu vào ngày 4-4 để thông qua đề xuất thay đổi lãnh đạo của tổng cộng tám bộ.
Thủ tướng Campuchia không nêu rõ tên những người bị thay đổi trong đợt cải tổ nhưng trước đó ông đã dọa sẽ cách chức lãnh đạo những bộ làm việc quá chậm chạp, đặc biệt là các bộ giao thông vận tải và nông nghiệp.
“Điều này là để công việc hiệu quả hơn - ông Hun Sen phát biểu tại buổi lễ tội nghiệp của một trường đại học ở Phnom Penh - Không có bộ trưởng nào tệ nhưng nhiều bộ trưởng rất chậm chạp và chúng ta phải thay đổi”.
Tuy nhiên ông Hun Sen cho biết nhiều thành viên nội các đã đệ đơn từ chức trước khi bị sa thải và bốn lãnh đạo cấp tỉnh cũng đã bị cách chức.
Đây là đợt cải tổ nội các hiếm thấy trong thời gian cầm quyền của Đảng nhân dân Campuchia (CPP), trong đó nhiều bộ trưởng giữ chức trong hơn một thập kỷ. Nhiều nhân vật thân cận với ông Hun Sen thậm chí nắm quyền từ những năm 1980.
Đây cũng là đợt cải tổ đầu tiên kể từ khi CPP vượt qua cuộc bầu cử năm 2013. Theo Cambodia Daily, sau cuộc bầu cử, ông Hun Sen đã khuyên các bộ cải thiện cách làm việc theo các bước: tự soi gương, tắm rửa, kỳ cọ sạch sẽ và chữa các căn bệnh.
Nhưng đến tháng trước, ông cho biết nhiều bộ đã không nghe theo lời khuyên này. “Đây là lúc để trị các căn bệnh - ông nói - Nếu cứ giữ nhiều căn bệnh như vậy chắc tôi sẽ chết thôi”.
Reuters dẫn lời ông Kung Phoak, chủ tịch Viện nghiên cứu chiến lược Campuchia, tỏ ra hoài nghi về lý do thực sự của đợt cải tổ nhưng đồng ý rằng cần thay đổi nội các.
“Điều chúng ta cần là những bộ ngành mạnh mẽ, hiệu quả và chủ động hơn với những ý tưởng mới, năng lượng và quyết tâm để đem lại những điều tốt đẹp nhất trong các chính sách và chương trình” - ông Phoak nói.
Tổng thống Obama đề cử thẩm phán Tòa Tối cao
Ngày 16-3, Tổng thống Mỹ Obama đề cử thẩm phán Merrick B. Garland vào vị trí thẩm phán thứ 113 của Tòa Tối cao Mỹ thay cho thẩm phán Antonin Scalia vừa qua đời tháng trước.
Thẩm phán Merrick B. Garland 63 tuổi, là người theo chủ trương ôn hòa, khá nổi tiếng trong làng tư pháp và được cả hai đảng tôn trọng.
Theo báo New York Times (Mỹ), thẩm phán Merrick B. Garland từng làm việc trong Bộ Tư pháp thời Tổng thống Bill Clinton, nổi tiếng với việc xử lý vụ đánh bom tòa nhà liên bang Alfred P. Murrah ở TP Oklahoma năm 1995 làm 168 người chết. Bản thân ông đã đến tận hiện trường chứng kiến công tác cứu hộ và sau đó theo đuổi truy tố hai nghi can đánh bom. Đây là chi tiết Tổng thống Obama rất ấn tượng và góp phần để ông được lựa chọn.
Ông Merrick B. Garland là công tố viên tại tòa phúc thẩm thủ đô Washington từ năm 1997 và làm chánh án tòa này từ năm 2013.
Tổng thống Obama (trái) giới thiệu đề cử thẩm phán Merrick B. Garland (phải) vào Tòa Tối cao tại Nhà trắng. (Ảnh: ABC NEWS)
Trong danh sách lựa chọn của ông Obama ngoài ông Merrick B. Garland còn có hai thẩm phán Sri Srinivasan gốc Ấn Độ và Paul Watford gốc châu Phi. Nữ thẩm phán gốc Việt Jacqueline Nguyen làm việc tại Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực 9 San Francisco có tên trong danh sách ứng viên tiềm năng, tuy nhiên bà đã không lọt vào được danh sách ứng viên được phỏng vấn. Đích thân Tổng thống Obama đã phỏng vấn từng người trước khi ra quyết định.
Động thái đề cử này cho thấy Tổng thống Obama đã bất chấp áp lực từ đảng Cộng hòa nên để việc đề cử thẩm phán mới cho Tòa Tối cao cho tổng thống nhiệm kỳ tới.
Phe Cộng hòa nhanh chóng phản đối đề cử của Tổng thống Obama. Chủ tịch Thượng viện phe Cộng hòa Mitch McConnell tuyên bố không chấp nhận đề cử thẩm phán Merrick B. Garland vào Tòa Tối cao, không cần biết ông Merrick B. Garland có đủ tư cách, năng lực hay không. Ông Mitch McConnell còn gọi cho ông Merrick B. Garland tuyên bố Thượng viện sẽ không thông qua đề cử này.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ Cộng hòa trong đó có Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Charles E. Grassley có phần nhượng bộ với suy nghĩ nếu bà Hillary Clinton có lên làm tổng thống thì bà cũng sẽ chọn ông Merrick B. Garland vào Tòa Tối cao. Ông Charles E. Grassley cho biết sẽ gặp thẩm phán Merrick B. Garland tại Thượng viện.
Thẩm phán Merrick B. Garland sẽ có buổi trình diện với Quốc hội ngày 17-3 (giờ Mỹ).