Trung Quốc thất bại tại hội nghị Côn Minh
Kiện Facebook, Google và Twitter vì "hỗ trợ khủng bố"
Mỹ cần tấn công quân sự vào Syria
Chưa thống nhất thời điểm, phương thức công bố tuyên bố chung ASEAN
Thụy Sĩ đồng thuận hủy bỏ đơn xin gia nhập EU
Tin thế giới đọc nhanh sáng 17-06-2016
- Cập nhật : 17/06/2016
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc liên tiếp đụng độ tại biên giới
Theo Times Of India, vụ việc xảy ra tại "Shankar Tikri" trên Đường kiểm soát thực tế (LAC) tại khu vực Yangtse ở bang Arunachal Pradesh, nơi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Khu vực Yangtse là một trong những khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Ấn Độ và Trung Quốc và là nơi quân đội Ấn Độ đang kiểm soát.
Khu vực trên ngay lập tức được phong tỏa và quân đội Ấn Độ đã tăng cường thêm binh sĩ để đề phòng các đơn vị của PLA tiến sâu vào khu vực này hơn nữa.
Times Of India cho hay khoảng 215 binh sĩ Trung Quốc được cho là tìm cách tiến vào khu vực "Shakar Tikri" và khoảng 20 người trong mỗi nhóm tiến vào khu vực "Thang La" và "Mera Gap", trong khi 21 binh sĩ Trung Quốc khác ở "Yanki-I" cũng thực hiện nhiệm vụ tương tự.
Nguồn tin cho hay binh sĩ PLA đã có những hành động hung hăng nhằm cố tấn công binh sĩ Ấn Độ song ngay lập tức đã bị quân đội Ấn Độ chế ngự. Nguồn tin cũng cho biết quân đội Ấn Độ đã chính thức báo cáo lên cấp trên về vụ việc, cũng như cho biết chỉ có một “vụ đụng độ nhỏ” giữa quân đội hai nước ở phía đông "Shankar Tikri".
Căng thẳng tại các khu vực biên giới giữa hai nước chỉ hạ xuống khi bốn sĩ quan của quân đội Trung Quốc cùng với phiên dịch đã tới Chỉ huy Văn phòng Thông tin quân đội Ấn Độ trong khu vực.
Tuy nhiên, theo Daily Sun ngày 16-6, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc cho rằng quân đội nước này xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ ở bang Arunachal Pradesh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng biên giới Trung Quốc - Ấn Độ vẫn chưa được phân định rõ ràng và binh sĩ của PLA đang tiếng hành “tuần tra thông thường” ở phía biên giới Trung Quốc.
Ông Lục nói rằng một số lượng lớn binh sĩ Trung Quốc ở lại khu vực này khoảng vài giờ và đã rời khỏi khu vực này.
Theo giới quan sát, rào cản chính trong việc giải quyết vấn đề biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc là do hai bên có quan điểm khác nhau trong việc phân định 3.488 km đường biên giới thuộc LAC. Mặc dù cho đến nay hai bên đã tổ chức 19 vòng đàm phán về biên giới cấp đặc phái viên nhưng các vụ xâm nhập và đụng độ ở LAC giữa quân đội hai nước vẫn thường xuyên xảy ra.
ASEAN bàn bạc việc công bố tuyên bố chung về Biển Đông
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc hôm 14/6. Ảnh: Reuters
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm nay cho hay tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc diễn ra hôm 14/6 tại Côn Minh, Trung Quốc, các nước ASEAN đã đồng thuận về nội dung tuyên bố báo chí của các Ngoại trưởng ASEAN.
Tuyên bố thể hiện những đánh giá của ASEAN về kết quả hội nghị và các vấn đề quan trọng được trao đổi, trong đó có lập trường chung của các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Các nước ASEAN đã nhất trí một trong các hình thức công bố tuyên bố này là Ngoại trưởng Singapore, nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, sẽ sử dụng khi họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc sau hội nghị.
Các nước ASEAN đang trao đổi về việc công bố tuyên bố báo chí này.
Ông Lê Hải Bình cho biết hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc được tổ chức nhằm thảo luận về tình hình Biển Đông và quan hệ giữa hai bên, đồng thời chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN – Trung Quốc, dự kiến vào tháng 9 tại Lào.
Tại hội nghị, hai bên đã nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, giáo dục và giao lưu nhân dân.
Đối với vấn đề Biển Đông, các nước ASEAN đã trực tiếp nêu quan ngại về những diễn biến phức tạp thời gian qua.
ASEAN khẳng định lập trường chung và các nguyên tắc của hiệp hội, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, kiềm chế, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm thông qua COC.
Hai bên cũng thống nhất sẽ hoàn tất việc chuẩn bị để sớm triển khai đường dây nóng giữa các quan chức ngoại giao ASEAN – Trung Quốc về các sự cố trên biển và ra Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về thực hiện Bộ quy tắc để tránh va chạm bất ngờ trên biển ở Biển Đông trong dịp hội nghị cấp cao.
Trước đó, các ngoại trưởng ASEAN từng đưa ra một văn kiện mà phía Malaysia gọi là "tuyên bố chung" bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, Ban Thư ký ASEAN đã quyết định rút lại tuyên bố này.
Trong khi Malaysia nói rằng văn kiện được rút lại để "chỉnh sửa khẩn cấp", Indonesia lại nói rằng đã có sự "nhầm lẫn" và văn bản này không phải là tuyên bố chung của ASEAN sau hội nghị. Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta cũng nói rằng không có tuyên bố chính thức được đưa ra sau cuộc họp.
Giới chuyên gia nhận định có thể ASEAN rút lại tuyên bố do chịu áp lực từ Trung Quốc.
Cảnh sát Thái ra tối hậu thư, chuẩn bị bắt sư trụ trì tham nhũng
Theo hãng tin Reuters, Bộ Tư pháp Thái Lan tiết lộ cảnh sát nước này đang chuẩn bị cho một cuộc đột kích vào ngôi chùa nổi tiếng Dhammakaya, phía bắc thủ đô Bangkok, nhằm bắt giữ sư trụ trì 72 tuổi Phra Dhammachayo. Ông bị cáo buộc là đồng phạm rửa “tiền đen” từ một liên minh tín dụng.
Giám đốc Cơ quan Điều tra Đặc biệt (DSI), Trung tá Somboon Sarasit ngày 14-6 cho biết: "Lệnh bắt giữ vị trụ trì đã được thông qua. Các cơ quan chức trách có thể đột kích vào ngôi chùa và bắt giữ ông để thực thi lệnh bắt giữ". Tuyên bố này được đưa ra sau khi các nỗ lực thuyết phục ông Dhammachayo tự đầu hàng bị thất bại, theo tờ Strait Times.
Kế hoạch đột kích vừa được tiết lộ này là diễn biến mới nhất trong cuộc đối đầu căng thẳng giữa các điều tra viên tham nhũng và giới Phật giáo Thái Lan. Những người ủng hộ ông Dhammachayo cho rằng các cáo buộc của cơ quan điều tra có động cơ chính trị. Tháng trước, sư trụ trì 72 tuổi đã từ chối đến cơ quan cảnh sát giải trình với lý do sức khỏe kém.
Theo Reuters, rạng sáng 16-6, cổng phía nam ngôi chùa Dhammakaya đã bị đóng chặt. Tuy nhiên, cánh cổng không còn bị nhà chức trách phong tỏa bởi xe ủi đất như những ngày qua.
Trong khi đó, hàng trăm người ủng hộ ngôi chùa Dhammakaya đã mặc trang phục màu trắng và ngồi tọa ở sân tháp chính của ngôi chùa. Không có một binh lính nào được phát hiện ở gần ngôi chùa. Tuy nhiên, nhiều đơn vị cảnh sát chống bạo động được phát hiện tập trung ở một cơ quan chính phủ gần đó. Hãng Reuters cho biết các đơn vị này được trang bị khiên và giáp nhưng không có vũ khí.
Thiếu tá Suriya Singhakamol, Phó Giám đốc DSI, cho biết: “Chúng tôi được chỉ thị rằng chiến dịch phải được tiến hành một cách có trật tự và không được gây ra bất kỳ thương tích nào”. Trực thuộc Bộ Tư pháp, DSI hoạt động độc lập với cơ quan cảnh sát Thái Lan và chỉ giải quyết các vụ điều tra liên quan đến quan chức cấp cao.
Nation dẫn nguồn tin từ Cục Điều tra Đặc biệt Thái Lan (DSI) hôm 29-5 cho biết hơn 2.200 cảnh sát và sĩ quan quân sự đã được triển khai để canh gác 15 lối vào chùa trong chiến dịch bắt giữ sư trụ trì Phra Dhammajayo. Cảnh sát đã dùng thiết bị bay điều khiển từ xa, trực thăng để khảo sát đường vào, lối đi xung quanh chùa Dhammakaya ở tỉnh Pathum Thani, phía bắc Bangkok.
Trước đó, vào ngày 17-5, Các quan chức Bộ Tư pháp Thái đã ra lệnh bắt giữ sư trụ trì Dhammachayo vì cáo buộc rửa tiền và nhận tài trợ bất hợp pháp. Vị cao tăng 72 tuổi bị cáo buộc đồng lõa với âm mưu rửa tiền, khi ông nhận tiền bị đánh cắp từ một chương trình tín dụng. Trong khi đó, hàng ngàn Phật tử ủng hộ nhà chùa thì khẳng định đây là một âm mưu nhằm làm hoen ố thanh danh của chùa, theo Nation.
Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan Paiboon Koomchaya hé lộ DSI đã xác lập năm bước nhằm bắt giữ ông này, dù ngày chính xác sẽ do giới chức xác định để ngăn căng thẳng leo thang.
DSI cũng gửi đề nghị đến Hội đồng Cao tăng để nhờ sự giúp đỡ của các vị cao tăng khác tại Thái Lan nhằm giúp giải quyết sự việc. Bộ trưởng Koomchaya khẳng định mọi rắc rối sẽ kết thúc nếu vị sư trụ trì chịu ra trình diện cơ quan công tố để họ quyết định truy tố nhà sư hay không.
Nhà sư Phra Dhammachayo là trụ trì của chùa Dammakaya, một trong những ngôi đền lớn nhất đất nước với khoảng 2.000 nhà sư sinh sống.
Đối phó Trung Quốc ở Biển Đông, Hillary Clinton sẽ rắn hơn Obama
Theo Forbes, giới chức Trung Quốc đã lo ngại trong vài năm qua rằng Tổng thống Barack Obama muốn kìm hãm Trung Quốc. Cây bút chuyên về châu Á Ralph Jennings cho rằng Trung Quốc sẽ còn lo ngại hơn nếu ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton được bầu làm tổng thống Mỹ vào cuối năm nay.
Bà Clinton từng giữ chức ngoại trưởng Mỹ năm 2009 - 2013. Bà ít nhất sẽ tiếp nối các chính sách của Tổng thống Obama về vấn đề Biển Đông và có lẽ sẽ có lập trường cứng rắn hơn, các nhà phân tích chuyên về chính sách Mỹ ở châu Á nhận định.
Nếu trở thành tổng thống, bà Clinton sẽ là Obama "cộng" trong vấn đề Biển Đông, thậm chí còn cứng rắn hơn, ông Sean King, phó chủ tịch cao cấp của hãng tư vấn Park Strategies ở New York, nhận xét. "Bắc Kinh hẳn là lo lắng trước khả năng bà ấy tiến vào Nhà Trắng".
Nước Mỹ dưới sự dẫn dắt của bà Clinton sẽ không bắt đầu một cuộc đối đầu thực sự ở Biển Đông. Họ sẽ tiếp tục thúc đẩy mục tiêu của ông Obama là duy trì tự do hàng hải và phát huy hợp tác quân sự với các chính phủ Đông Nam Á đang lo lắng về sự bành trướng của Trung Quốc.
Chính quyền Clinton còn có thể đi xa hơn bằng cách kiềm chế Trung Quốc thông qua các cơ quan quốc tế hoặc các hiệp định mà cả hai bên đều thuộc hoặc mong muốn tham gia. Mỹ cũng có thể làm sâu sắc thêm quan hệ với Việt Nam và Philippines, hai nước đã lên tiếng nhiều nhất về tranh chấp ở Biển Đông.
"Những việc bà Clinton đã làm cho thấy nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của bà sẽ có phản ứng quyết đoán hơn", Ben Reilly, hiệu trưởng trường chính sách công và các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Murdoch ở Australia nói. "Mỹ sẽ không lâm vào xung đột vì các đá và rạn san hô, mà sẽ làm tăng những tổn thất Trung Quốc có thể phải chịu trong việc tham gia vào các tổ chức quốc tế và các vấn đề toàn cầu nói chung".
Bà Clinton đã giữ chức ngoại trưởng Mỹ khi ông Obama tuyên bố chính sách xoay trục tới châu Á. Bà đã lên tiếng ủng hộ việc lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở cho các tuyên bố chủ quyền trên biển, trong cuộc họp với các ngoại trưởng nước khác tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội năm 2010. Đây được cho là một "cú giáng" vào Trung Quốc, nước đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông.
James Mann, tác giả của nhiều cuốn sách về Trung Quốc và chính sách đối ngoại của Mỹ, cho rằng Bắc Kinh không thích xu hướng hành động chuẩn xác như một luật sư của bà Clinton, cũng như bề dày kinh nghiệm nhiều thập kỷ xử lý chính sách đối ngoại nói chung và Trung Quốc nói riêng của cựu ngoại trưởng. Những yếu tố này khiến bà trở thành một đối thủ đáng gờm.
"Bà Hillary có cá tính khá cứng rắn và biết rõ mình muốn gì. Trung Quốc luôn thấy khó ứng phó với các luật sư. Bản năng của luật sư là đề ra các nguyên tắc. Và bà ấy nhiều khả năng sẽ không chấp nhận lập luận rằng Trung Quốc là trường hợp đặc biệt, cần được đối xử khác với các quốc gia khác", ông Mann bình luận.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng sự khó lường của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump nhiều khả năng làm Trung Quốc bối rối hơn.
"Người Trung Quốc quan ngại về thái độ của bà Clinton đối với họ", Alan Romberg, giám đốc chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson, Mỹ, nói. "Tuy nhiên, họ biết bà ấy có nhiều kinh nghiệm và dễ đoán hơn Donald Trump. Xét về mặt đó thì có khi họ lại an tâm khi thấy bà ấy chiến thắng".
Nga nói 'bị ép buộc' vào thế đối đầu với phương Tây
"Nga không có ý định dính líu tới cuộc đối đầu vốn bị áp đặt lên mình, không phải với Mỹ hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Liên minh châu Âu (EU)" - Tân Hoa xã dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov phát biểu tại Duma Quốc gia Nga ngày 15-6.
Ngoại trưởng Nga đồng thời cáo buộc "các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu" đang cố gắng để giành thế thống trị toàn cầu bằng cách lợi dụng mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố hiện nay, từ đó làm sâu sắc thêm những xung đột khu vực cũng như tình trạng bất ổn của nền kinh tế thế giới.
Ông lưu ý rằng các mối quan hệ quốc tế đang trải qua một bước ngoặt và kêu gọi thành lập một cấu trúc đa trung tâm mới.
"Không một nước đơn lẻ hay một nhóm nước nào, dù mạnh mẽ đến đâu đi chăng nữa, có thể tự mình giải quyết hàng loạt vấn đề của thời đại mới" - ông nói - "Tình thế hiện nay yêu cầu nỗ lực ngoại giao tập thể... nhằm tìm ra cách phản ứng tối ưu cho những thách thức và mối đe dọa chung".
Ông Lavrov cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra thế cân bằng trên chính trường thế giới dựa vào các cơ cấu như Liên Hiệp Quốc, Nhóm Các nền kinh tế mới nổi BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hay G20.