Phi công Không quân Ấn Độ (IAF) cho biết chiến đấu cơ Su-30MKI đã ăn đứt chiếc Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) trong một cuộc tập trận chung mới đây.
Tin thế giới đọc nhanh sáng 06-06-2016
- Cập nhật : 06/06/2016
Trung Quốc tuyên bố không sợ rắc rối trên Biển Đông
"Các nước bên ngoài cần đóng vai trò mang tính xây dựng về vấn đề này, không phải ngược lại", AFP dẫn lời ông Tôn hôm nay nói tại Đội thoại Shangri-La ở Singapore. Ông này cho rằng vấn đề Biển Đông trở nên "quá nóng" do sự "khiêu khích của một số nước nhất định vì lợi ích vị kỷ của riêng họ".
Ông Tôn phát biểu một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo nếu Trung Quốc xây dựng tại bãi cạn Philipines tuyên bố chủ quyền, Mỹ và các nước khác sẽ "hành động".
"Chúng tôi không gây rắc rối nhưng chúng tôi chẳng sợ rắc rối", Đô đốc Trung Quốc ngang nhiên nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Nước này ồ ạt bồi đắp, cải tạo 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở phi pháp trên đó. Bắc Kinh từ đầu năm nay còn lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm qua cũng cho rằng Bắc Kinh có nguy cơ xây "Vạn Lý Trường Thành tự cô lập" khi bành trướng quân sự ở vùng biển tranh chấp. Ông cũng đề xuất hợp tác an ninh song phương mạnh mẽ hơn với Trung Quốc nhằm giảm nguy cơ tai nạn.
Đô đốc Tôn hôm nay nhắc lại cam kết của Trung Quốc trong việc tìm kiếm giải pháp hoà bình, nhưng cáo buộc Washington giữ tinh thần "Chiến tranh Lạnh". "Bất cứ nước nào không trực tiếp liên quan không được phép vì lợi ích vị kỷ mà phá hoại con đường tiến tới hoà bình của chúng tôi", ông Tôn tuyên bố.
Trung Quốc đang tăng cường phát ngôn khoa trương trước khi Toà trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan ra phán quyết về vụ kiện "đường lưỡi bò" của Philippines. Bắc Kinh không tham gia phiên xử và nói họ sẽ không công nhận bất cứ phán quyết nào.
Tại sao Tổng thống Putin không cười?
Theo Indy100, có người cho rằng sở dĩ không cười là do người nơi đó luôn trong tình trạng bất an, cảm thấy lo lắng về mọi thứ xung quanh, khiến họ không thể nở nụ cười. Đây là đặc trưng ngày xuất hiện càng nhiều hơn trong xã hội nhiều áp lực, căng thẳng hơn như hiện nay.
Tuy nhiên, nhà tâm lý học Kuba Krys thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan cho rằng cách nhìn nhận trên là phiến diện và người ta không cười cũng là có lý do của nó.
Người ta gần như không nhìn thấy Tổng thống Putin cười mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Nguồn: Indy100
Nhà tâm lý học Kuba Krys đã tổ chức cuộc khảo sát tại 44 nước với hàng nghìn người về chủ đề liên quan đến nụ cười trên gương mặt.
Kết quả cho thấy, người ở một số nước như Nga, Nhật và Iran đánh giá rằng bạn sẽ trông có vẻ “kém thông minh” khi cười.
Trong khi đó, một số nước cho rằng cứ nở nụ cười trên môi sẽ làm giảm đi mức độ trung thực ở con người theo như quan niệm ở các nước Argentina, Zimbabwe, Iran và Nga, theo báo cáo trên chuyên san Nonverbal Behaviour số ra tháng 6-2016.
Có lẽ vì lẽ đó, người ta không mấy khi nhìn thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin nở nụ cười. Và ông chủ Điện Kremlin luôn giữ gương mặt “sắt” là điều đương nhiên.(PLO)
Trung Quốc "than" bị các nước nhỏ gây hấn chứ không áp bức ai
Ngày 5-6, tại Đối thoại Shangri-la, Đô đốc hải quân Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Trung Quốc, tiếp tục biện bạch vô lý chủ quyền của nước này đối với Biển Đông.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc (ngoài cùng bên phải) bao biện về chủ quyền của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 5-6 - Ảnh: QUỲNH TRUNG
Điều này một lần nữa khiến các cử tọa thất vọng vì không trả lời đúng trọng tâm câu hỏi của họ.
Lại bao biện về tranh chấp
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Đô đốc Tôn cho rằng từ nhiều năm qua với sự nỗ lực của các bên, tình hình Biển Đông vẫn tương đối ổn định và an ninh hàng hải không bị ảnh hưởng bởi tranh chấp giữa các bên và Trung Quốc kiên định bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhấn mạnh giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại, tham vấn và “sự khác biệt phải được kiểm soát thông qua các cơ chế và luật pháp”.
“Chúng tôi cho rằng lợi ích chung chỉ có thể đạt được thông qua hợp tác. Chúng tôi sẽ hoàn toàn bảo đảm an ninh hàng hải, hàng không và hòa bình ở Biển Đông. Chúng tôi đã được đồng thuận thông qua đối thoại song phương và thương thuyết với ASEAN. Trung Quốc và ASEAN có khả năng đảm bảo hòa bình và ổn định thông qua hợp tác ở Biển Đông,” ông Tôn nói.
Đô đốc Tôn mạnh miệng cảnh báo các quốc gia bên ngoài phải đóng vai trò xây dựng đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và vu cáo rằng “vấn đề Biển Đông trở nên căng thẳng bởi các hành động khiêu khích của các quốc gia bên ngoài vì quyền lợi hẹp hòi của họ”.
Liên quan đến phán quyết sắp tới của Tòa thường trực trọng tài La Haye (PCA), Đô đốc Tôn cho rằng việc này Philippines đưa ra dưới chiêu bài luật pháp quốc tế nhằm “từ chối quyền, chủ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông”.
“Tòa trọng tài không giải quyết được vì hai bên đã ký thỏa thuận song phương. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC). Vấn đề chủ quyền lãnh thổ nằm ngoài phạm vi của Công ước Liên hiệp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS). Các tranh chấp mà Philippines đưa ra nằm ngoài tuyên bố của chính phủ Trung Quốc", Đô đốc Trung Quốc nói và trơ tráo bảo: “Bằng cách đơn phương khởi kiện, Philippines đã vi phạm thỏa thuận song phương với Trung Quốc, vi phạm UNCLOS”.
Đô đốc Tôn ngang nhiên khẳng định chính phủ Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận tham gia phiên tòa này và sẽ không tôn trọng phán quyết. Ông Tôn còn trơ tráo cho rằng việc không công nhận phán quyết của tòa án mới chính là tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế.
“Chúng tôi không phải bên gây ra rắc rối và chúng tôi không sợ rắc rối. Chúng tôi không cho phép bất cứ xâm phạm nào đối với chủ quyền quốc gia cũng như các lợi ích an ninh đất nước. Chính sách của chúng tôi ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) sẽ không thay đổi. Trung Quốc đủ khôn ngoan và bình tĩnh để giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình. Người dân Trung Quốc tin vào sự thật chứ không phải những lời bịa đặt,” Đô đốc họ Tôn lớn tiếng tại Đối thoại Shangri-La.
Đô đốc họ Tôn còn khuyên các nước khác, ám chỉ Mỹ, rằng: “Mong các quốc gia khác có sự thông minh và kiên nhẫn như vậy để cùng hòa bình. Bất kỳ quốc gia nào không liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông đừng nên can thiệp để dành những lấy những lợi ích vị kỷ”.
Tiếp tục né tránh câu hỏi
Trong phần trả lời câu hỏi, như thường lệ đại diện Trung Quốc nhận được rất nhiều câu hỏi từ cử tọa, và hầu hết liên quan đến vấn đề Biển Đông, chẳng hạn như về trách nhiệm của Trung Quốc trong UNCLOS, tự do hàng hải, thúc đẩy COC, đặc biệt là phán quyết sắp tới của PCA.
Tuy nhiên, một lần nữa Đô đốc Tôn lại tránh né trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, thay vào đó tận dụng điều này để trình bày những luận điệu dối trá xuyên tạc với Biển Đông.
Đô đốc Tôn cho rằng về tranh chấp ở Biển Đông, các bên nên tiếp cận vấn đề một cách hệ thống và toàn thể. Ông Tôn trơ tráo nói Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) là của Trung Quốc.
“Những gì xảy ra ở Nam Hải đang gây lo ngại cho Trung Quốc. Khi chúng ta nói về Nam Hải cần nhìn vào bằng chứng lịch sử. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện, đặt tên và phát triển các vùng biển đảo ở Nam Hải cho nên chúng tôi có quyền từ rất lâu rồi. Trung Quốc đã tuyên bố đường chín đoạn. Đây là một tuyên bố mang tính chất trang trọng, có hiệu lực quốc tế,” Đô đốc Tôn trơ tráo nói.
Ông Tôn cho rằng trong những năm qua, một số nước nhỏ than phiền bị áp bức bởi các nước lớn nhưng Trung Quốc tuyệt nhiên không áp bức một nước nào mà chỉ có nước nhỏ gây hấn với Trung Quốc.
Đô đốc Trung Quốc cũng bao biện rằng các hoạt động xây dựng của nước này ở 7 thực thể tại Biển Đông là việc cần thiết và không làm thay đổi hiện trạng vì hoạt động xây dựng này nằm trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc.
Đại diện Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông không bao giờ ảnh hưởng đến tự do hàng hải.
Ấn Độ phát hiện giáo phái có chính phủ, quân đội riêng
Giáo phái này có tên là Swadhin Bharat Vidhik Satyagrah. Khoảng 3.000 tín đồ của giáo phái trên đã đụng độ với cảnh sát bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Đô trong một hoạt động thu hồi đất của chính phủ hôm 2-6 khiến 24 người chết, trong đó có hai sĩ quan cấp cao.
Giáo phái bí mật trên đã chiếm đóng một phần đất công viên gần 109 ha kể từ cuối năm 2014. Từ đó, địa điểm này gần như “bế quan tỏa cảng” với thế giới bên ngoài, Tổng thanh tra cảnh sát khu vực D.C Mishra cho biết.
“Họ đã lập ra một thị trấn với nhiều tộc người sinh sống. Dần dần, họ bắt đầu điều hành một chính phủ tự trị” - D.C Mishra nói. Các sĩ quan cảnh sát hiện đã thu giữ các tài liệu và những bằng chứng khác từ “khu trại” trên.
Nhà cửa các thành viên giáo phái bí mật Swadhin Bharat Vidhik Satyagrah tại Ấn Độ cháy trong một cuộc đụng độ với cảnh sát hôm 2-6. Ảnh: AFP
“Họ lập một tòa án nơi có nhiệm vụ tuyên án phạt và các trại tù nơi các tù nhân bị tra tấn. Trẻ em ở độ tuổi tám sẽ được huấn luyện để chiến đấu” - The Daily Star ngày 4-6 dẫn lời vị quan chức.
Cảnh sát TP Mathura hôm 2-6 đã bị các thành viên của giáo phái trên tấn công. Những người này được trang bị vũ khí tự động và thiết bị nổ trong suốt vụ đụng độ.
Mishra cho biết giáo phái được điều hành bởi những người Hindu, với mục đích đưa các tín đồ tới một loại “chủ nghĩa khủng bố tôn giáo”. “Họ cũng lên kế hoạch sớm phát đồng tiền riêng và họ không tin vào hiến pháp Ấn Độ” - theo ông Mishra.
Giáo phái này được dẫn dắt bởi một người đàn ông có tên gọi Ram Vraksha Yadav. Phía cảnh sát cho biết người này cho đến nay không tham gia các vụ bạo lực để tránh bị bắt giữ.
Trong bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội, các tín đồ của giáo phái trên tự coi mình là những nhà cách mạng chính trị và xã hội. Yêu cầu của họ bao gồm bãi bỏ các cuộc bầu cử và cung cấp nhiên liệu rẻ hơn cho tất cả mọi người.
Trong một số đoạn video được đăng trên YouTube, giáo chủ Yadav cam kết trung thành với người anh hùng Subhash Chandra Bose và Azad Hind Fouj của Ấn Độ, những người đã tham gia phong trào chống thực dân Anh.
“Các nhà lãnh đạo giáo phái đã lừa các tín đồ họ tin rằng họ sẽ được lên cõi niết bàn và sẽ được gặp hiện thân của anh hùng Bose” - Mishra nói. Người anh hùng Bose đã biến mất một cách bí ẩn vào năm 1945.
Cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ hơn 300 người sau các cuộc tấn công đẫm máu, mặc dù bốn nhà lãnh đạo chính của giáo phái này vẫn đang chạy trốn. Ấn Độ là nơi có hàng trăm giáo phái bán tôn giáo thường được dẫn dắt bởi những người tự xưng là “con chúa trời”.
Hồi năm 2014, hàng trăm người ủng hộ có vũ trang từ một giáo phái khác đã có cuộc đụng độ với cảnh sát ở bang Haryana, miền bắc Ấn Độ trong một cuộc đột kích bắt giữ lãnh đạo của giáo phái này, người phải đối mặt với các cáo buộc giết người. Ít nhất sáu người đã thiệt mạng trong vụ đụng độ.
Malaysia kêu gọi ASEAN giải quyết khác biệt trong vấn đề Biển Đông
"Trong ASEAN có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Chúng ta không thể chỉ tiếp tục đổ lỗi cho Trung Quốc hoặc Mỹ, cho đến khi chúng ta đưa chính 'nhà' của mình vào khuôn khổ trật tự", Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hussein Hishammuddin hôm nay nói với các phóng viên bên lề Đối thoại Shangri-la, theo Straits Times.
Trước đó, tại phiên họp với chủ đề kiểm soát cạnh tranh quân sự ở châu Á có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và người đồng nhiệm Ấn Độ Manohar Parrikar, ông Hishammuddin cũng kêu gọi ASEAN đoàn kết.
"Điều quan trọng đối với các nước nhỏ như các thành viên ASEAN là đảm bảo rằng bất cứ điều gì chúng ta làm, và bất cứ điều gì được quyết định bởi các cường quốc không khiến chúng ta mắc cạn khi thủy triều rút".
Tuy là bên tranh chấp ở Biển Đông, Malaysia đã không để cho vấn đề này ảnh hưởng đến mối quan hệ ấm lên của nước này với Trung Quốc, theoStraits Times. Thủ tướng Malaysia Najib Razak tháng trước cũng kêu gọi các bên ASEAN giải quyết vấn đề với nhau một cách hòa bình.
Ông Hishammuddin hôm nay cũng đánh giá rằng việc đội tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển Malaysia không quá nghiêm trọng, nói rằng vụ việc xảy ra trong Vùng Đặc quyền Kinh tế chứ không phải lãnh hải Malaysia.
Khi được hỏi liệu Malaysia có tăng cường khả năng hàng hải, sau vụ xâm nhập vùng biển của đội tàu cá Trung Quốc được hộ tống bởi tuần duyên Trung Quốc, ông nói rằng: "Dù thế nào chúng tôi cũng sẽ tăng cường năng lực hải quân. Nhưng chúng tôi phải nhìn nhận một cách thực tế. Dù có tăng cường khả năng thế nào, thì hải quân của chúng tôi cũng chẳng thể lớn mạnh như Trung Quốc hay Mỹ.
"Vì vậy, chúng tôi sẽ phải căn cứ vào nhu cầu về mối quan tâm trước mắt, và vấn đề đó phải để hải quân quyết định, không phải là tôi".
Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Trung Quốc là các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông với yêu sách "đường 9 đoạn", bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Bắc Kinh còn ồ ạt bồi đắp, cải tạo trái phép 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo phi pháp. Bắc Kinh từ đầu năm nay lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông. Tại các kỳ Đối thoại Shangri-la gần đây, hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước, trong đó có Mỹ.