tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 30-06-2016

  • Cập nhật : 30/06/2016

Rời bỏ EU, Anh có thể phá vỡ thế trận cô lập Nga

Brexit có thể khiến sự thống nhất của châu Âu suy yếu, tạo cơ hội cho Nga mở rộng ảnh hưởng để phá thế bị cô lập, cấm vận.

tong thong nga vladimir putin (phai) va chu tich uy ban chau au jean-claude juncker. anh: sputnik

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: Sputnik

Khi còn là một sĩ quan tình báo hoạt động ở Dresden, Vladimir Putin đã bất lực nhìn đồng minh Đông Đức của Liên Xô rời khỏi quỹ đạo của Moscow, thống nhất với Tây Đức và gia nhập nền dân chủ châu Âu. Trong gần ba thập kỷ tiếp theo, tổng thống Nga tương lai còn chứng kiến ​​sự tan rã của Liên Xô, và các đồng minh lần lượt trở thành thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, xu hướng này hiện nay bị đảo ngược, và quyết định của đa số người dân Anh rút khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đảo ngược này, theo Washington Post.

Bình luận viên Michael McFaul cho rằng trong khi châu Âu trở nên suy yếu, chia rẽ, Nga cùng các đồng minh và thiết chế đa phương của họ đang củng cố, thậm chí có thêm các thành viên mới. Các chính sách đối ngoại của ông Putin được hưởng lợi rất nhiều từ sự kiện này, theo McFaul.

Lợi ích đầu tiên là một trong những nước chỉ trích mạnh mẽ nhất các hành động của Nga sẽ không còn được bỏ phiếu tại Brussels.

Theo Marc Nexon, bình luận viên chính trị của Le Point, Brexit đã loại bỏ một trong những thành viên có năng lực nhất của EU. Với sức mạnh quân đội hàng đầu thế giới và đội ngũ ngoại giao dày dạn kinh nghiệm, Anh đã đóng góp rất lớn cho một loạt sứ mệnh của EU trong những năm qua, trong đó có sứ mệnh trừng phạt, cô lập Nga sau các sự kiện diễn ra ở Ukraine, Syria.

Trên thực tế, chắc chắn chính phủ Anh sẽ tiếp tục tham gia vào các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại mà họ và EU cùng quan tâm. Tuy nhiên, việc có chỗ ngồi tại bàn thảo luận cùng với quyền bỏ phiếu và phủ quyết khác hẳn với việc cố gắng gây ảnh hưởng để tác động đến những người ngồi tại chiếc bàn đó, Nexon nhận định.

Như vậy, công việc của các nhà ngoại giao EU theo trường phái hòa giải với Moscow sẽ thuận lợi hơn, trong khi quyết tâm nhằm chống lại hành động "khiêu khích" của Nga, đặc biệt là các nước Estonia, Latvia và Litva, sẽ trở nên khó khăn hơn.

"Nếu không có Anh trong EU, sẽ không còn ai sốt sắng bảo vệ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga", thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin từng dự đoán.

Thứ hai, Brexit sẽ tiếp thêm sức sống cho các phong trào bài EU trên toàn châu Âu, khiến sự thống nhất của khối này bị suy yếu và khó có thể đối phó được với Nga như trước.

Theo McFaul, thủ lĩnh Marine Le Pen và đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu của Pháp sẽ ăn mừng kết quả trưng cầu tại Anh. Các nhà lãnh đạo và đảng theo chủ nghĩa dân tộc, bài ngoại, và theo chủ nghĩa biệt lập trên lục địa, có chung quan điểm với bà Le Pen, đã bắt đầu kêu gọi tiến hành trưng cầu ý dân rút khỏi EU tại nước họ.

Thứ ba, những nghi ngờ mới xuất hiện về lợi ích từ tư cách thành viên EU cũng làm suy yếu các đối thủ của Nga ở Ukraine. Những người tham gia cuộc chính biến Maidan năm 2013 sẽ vô cùng thất vọng khi cử tri Anh từ chối mối quan hệ khăng khít với EU, điều mà phong trào Maidan luôn đòi hỏi.

Lập trường của những tiếng nói ủng hộ châu Âu tại Ukraine sẽ phải đối mặt với những hoài nghi ngày càng tăng về tính hiệu quả của liên minh. Họ sẽ đặt câu hỏi tại sao Ukraine phải tìm cách gia nhập một tổ chức mà những thành viên của nó đang muốn ra đi. Các cuộc tranh luận tương tự cũng sẽ diễn ra ở các nước khác dự định trở thành thành viên EU.

Một số chuyên gia phân tích Pháp cho rằng lời xin lỗi mà Thổ Nhĩ Kỳ vừa gửi đến Nga là minh chứng cho thấy Brexit đã tạo cơ hội tốt cho Nga như thế nào. Theo họ, Ankara buộc phải xuống nước để tránh đổ vỡ thêm quan hệ với Moscow khi Brexit khiến họ cảm thấy thất vọng và hoài nghi về tương lai của EU.

Thứ tư, tiếng nói của Anh, đồng minh thân cận nhất của Mỹ khi bỏ phiếu trong các diễn đàn đa phương, gây sức ép ngoại giao với Nga trong các vấn đề an ninh toàn cầu sẽ bị yếu đi do rời khỏi châu Âu.

Theo McFaul, cùng với những rạn nứt ở châu Âu, ông Putin đang ngày càng củng cố sức mạnh. Ông chủ Điện Kremlin đã ngăn NATO mở rộng bằng cuộc can thiệp vào Gruzia vào năm 2008 và làm chậm quá trình mở rộng EU với việc sáp nhập Crimea năm 2014. Tổng thống Nga cũng gia tăng vai trò kinh tế của Nga tại các khu vực thuộc Liên Xô trước đây bằng cách xây dựng Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU). Kết quả của chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria cũng giúp ông Putin tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông.

"Cuộc khủng hoảng Ukraine là cơ hội để Mỹ và các đồng minh châu Âu tiến hành các biện pháp bao vây, cấm vận Nga nhằm ngăn cản sự mở rộng ảnh hưởng của Moscow. Tuy nhiên, một mắt xích quan trọng của EU đã suy yếu, khiến thế trận này không còn được duy trì", ông Nexon nhận định.(VNEX)


Lo ngại Nga, NATO-EU cam kết thắt chặt quan hệ quốc phòng sau Brexit

NATO và EU cam kết thắt chặt quan hệ quốc phòng sau Brexit, lo ngại việc Anh rời EU sẽ tổn hại đến nỗ lực gìn giữ an ninh tại khu vực.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Bỉ ngày 28-6, các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU cam kết thắt chặt quan hệ quốc phòng nhằm đối phó quan ngại từ Nga và chống lại các tổ chức Hồi giáo cực đoan.

“Hợp tác giữa EU và NATO vốn đã rất quan trọng trước khi Anh trưng cầu dân ý Brexit. Giờ thì càng quan trọng hơn” - hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn lời Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp báo sau hội nghị.

NATO và EU là hai thể chế an ninh lớn nhất châu Âu. Theo Reuters, cam kết này thể hiện sự thống nhất sau Brexit.

22 trong 28 thành viên EU, trong đó Anh là thành viên hàng đầu của NATO. Anh là nước chi tiêu quân sự lớn nhất châu Âu, chiếm 1/4 chi tiêu quân sự châu Âu.

Châu Âu hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đe dọa về an ninh. Từ việc Nga ngày càng cứng rắn, quyết liệt sau khi sáp nhập Crime năm 2014, đe dọa từ Hồi giáo cực đoan đến cuộc khủng hoảng nhập cư bắt nguồn từ Bắc Phi và Trung Đông. Việc Anh rời EU dẫn tới lo ngại nỗ lực gìn giữ an ninh tại khu vực sẽ bị tổn hại.

tong thu ky nato jens stoltenberg (trai) va cao uy doi ngoai va an ninh eu federica mogherini tai hoi nghi o bi ngay 28-6. anh: ap

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Cao ủy Đối ngoại và An ninh EU Federica Mogherini tại hội nghị ở Bỉ ngày 28-6. Ảnh: AP

Tại hội nghị, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định dù không còn là thành viên EU nhưng Anh vẫn là thành viên quan trọng của NATO. Thủ tướng Cameron cam kết dù có ra đi nhưng Anh vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với EU về mặt quốc phòng. Trước giờ Anh chi trả 15% chi phí các chiến dịch quân sự EU dẫn đầu, chưa rõ điều này thay đổi thế nào sau khi Anh rời EU.

Cao ủy Đối ngoại và An ninh EU Federica Mogherini kêu gọi không để Brexit tác động xấu đến an ninh khu vực. Bà Mogherini trình bày chiến lược toàn cầu năm năm về chính sách đối ngoại và an ninh của EU với ông Stoltenberg và các lãnh đạo EU, trong đó có Thủ tướng Anh David Cameron.

EU và NATO sẽ ký hiệp ước hợp tác tại cuộc họp liên minh vào tháng 7 tới ở Ba Lan nhằm tăng cường niềm tin cũng như sức cạnh tranh, dù hai bên có những mục tiêu an ninh tương tự nhau.

NATO và EU hy vọng chiến lược chia sẻ thông tin và hợp tác hành động trong khu vực sẽ nâng cao sức mạnh quốc phòng vốn trước giờ lệ thuộc rất nhiều vào sự đóng góp khí tài và nhân lực của Anh.(PLO)


Máy bay Trung Quốc 'suýt' tấn công chiến đấu cơ Nhật

 Một chiến đấu cơ của Trung Quốc gần đây đã có hành động giống như thể sắp tấn công một máy bay của Lực lượng phòng không Nhật Bản ở không phận trên biển Hoa Đông.

Hãng tin Kyodo News (Nhật Bản) ngày 29-6 cho hay theo một bài viết của một cựu tư lệnh Nhật Bản đăng trên một trang báo mạng ngày 28-6, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã có hành động đe dọa giống như thể sắp tấn công máy bay của Lực lượng phòng không Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông và buộc máy bay Nhật Bản phải tìm cách tránh.

Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 28-6 đã lên tiếng xác nhận với hãng tin Kyodo rằng thông tin trên là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, cả quan chức này cũng như bài báo không nêu cụ thể thời điểm xảy ra vụ việc.

chien dau co f-15 cua nhat ban. anh: telegraph

Chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản. Ảnh: Telegraph

Được biết tác giả bài viết là ông Kunio Orita - cựu tư lệnh Bộ Chỉ huy hỗ trợ trên không thuộc Lực lượng phòng không Nhật Bản (ASDF). Bài báo có đoạn viết: “Máy bay của Trung Quốc đã có những hành động rất khiêu khích cùng với những diễn biến trên biển”.

“Những diễn biến trên biển” mà ông Orita ám chỉ chính là sự việc khi các tàu hải quân Trung Quốc có vũ trang lần đầu tiên đi vào lãnh hải Nhật Bản, gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) hôm 9-6.

Ngoài ra, vị quan chức trên còn muốn ám chỉ tới một vụ việc khác đó là tàu hải quân Trung Quốc đi vào vùng biển của Nhật Bản gần quần đảo Kuchinoerabu, phía nam Kyushu hôm 15-6.

Bài báo cho biết chiến đấu cơ Trung Quốc đã có hành động giống như chuẩn bị tấn công máy bay Nhật Bản. Máy bay của Nhật Bản buộc phải rời khu vực sau khi phi công lo ngại có thể xảy ra xung đột trên không với hậu quả khôn lường.

Ngoài ra, bài báo cho hay máy bay Nhật Bản cũng kích hoạt thiết bị phòng vệ để đề phòng một vụ tấn công bằng tên lửa. Thiết bị này được cho là pháo sáng, dùng để đánh lạc hướng bất cứ tên lửa dẫn đường nào.

“Trước kia máy bay Trung Quốc thường giữ một khoảng cách nhất định với máy bay của ASDF nhưng lần này mọi việc đã hoàn toàn thay đổi” - bài báo nhấn mạnh. Ông Orita cho rằng những vụ đối đầu kiểu này có thể dẫn đến một cuộc xung đột trên không do đó “chính phủ Nhật Bản cần nghiêm túc xem xét vụ việc và kêu gọi Trung Quốc tránh các hành động kiểu này”.

Ông Orita gia nhập ASDF sau khi tốt nghiệp Học viện Phòng vệ Nhật Bản năm 1974. Ông đảm nhiệm tư lệnh Bộ Chỉ huy hỗ trợ trên không thuộc ASDF vào năm 2006 và về hưu năm 2009.


Điều gì xảy ra khi Tòa Trọng tài Thường trực phán quyết?

Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực hoặc sẽ tức giận và gia tăng căng thẳng trên biển Đông.

Đây là hai kịch bản do GS Hugh White ở ĐH Quốc gia Úc nêu trong bài viết“Biển Đông sau phán quyết The Hague, chuyện gì xảy ra tiếp?”, đăng trên báoThe Straits Times (Singapore) ngày 28-6.

GS Hugh White đã nêu hai kịch bản. Một là Trung Quốc chẳng làm gì để phản ứng với phán quyết trọng tài và chỉ ra tuyên bố với từ ngữ mạnh mẽ phản đối. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không ngừng các hoạt động và không lập tức mở rộng sự hiện diện hoặc củng cố vị trí trên khu vực tranh chấp.

Trong trường hợp này, vì không có hành vi khiêu khích của Trung Quốc nên khó có thể biết Mỹ làm gì với lực lượng quân sự đã triển khai rầm rộ. Mỹ đã triển khai quân sự đến biển Đông, như gần đây điều động hai tàu sân bay đến Philippines để đề phòng Bắc Kinh gây bất ổn bằng quân sự.

Ở kịch bản thứ hai, Trung Quốc phản ứng mạnh hơn. Ví dụ Trung Quốc sẽ tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông hoặc khởi công xây đảo nhân tạo và lập căn cứ mới trên bãi cạn Scarborough (Philippines).

Mỹ đã nghiêm khắc cảnh cáo Trung Quốc chớ nên thực hiện các hành động này và Mỹ triển khai quân sự lớn rõ ràng nhằm chứng minh cho lời cảnh cáo đó. Xem ra Mỹ muốn phát thông điệp sẵn sàng phản ứng quân sự trước bất kỳ hành vi bành trướng nào của Trung Quốc ở biển Đông.

GS Hugh White nhận định kiểu dọa nạt công khai này từng có hiệu quả hồi 20 năm trước ở eo biển Đài Loan. Nhưng hồi ấy Trung Quốc không có khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ và khó xử lý cái giá kinh tế phải trả nếu đổ vỡ quan hệ Mỹ-Trung.

Thời thế nay đã khác, Trung Quốc đã mạnh về kinh tế và quân sự, bất kỳ xung đột quân sự nào giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ dẫn đến các nguy cơ chiến lược không thể tính toán được cùng cái giá phải trả về kinh tế.

Khó thể tưởng tượng Tổng thống Obama chấp nhận nguy cơ và tổn thất, đồng thời tân tổng thống mới ở Mỹ lại chấp nhận đem bất an đến Washington. Điều này có nghĩa chiêu triển khai quân sự của Mỹ chỉ có thể là đòn hù dọa.

Một câu hỏi được đặt ra: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh cáo buộc Mỹ bịp bợm và gia tăng hành động khiêu khích? Khi ấy Mỹ sẽ đối mặt với lựa chọn khó khăn: Hoặc rút sự hiện diện quân sự thì đấy là công nhận ưu thế trong khu vực của Trung Quốc và đi kèm là hành động yếu ớt của lãnh đạo Mỹ. Hoặc Mỹ lao vào một cuộc xung đột vũ trang có nguy cơ bùng nổ thành xung đột lớn.

Vậy liệu Bắc Kinh sẽ liều lĩnh gọi Mỹ bịp bợm? GS Hugh White kết luận: “Chúng ta hãy hy vọng là không nhưng vẫn có khả năng đó và vì thế khiến tình hình càng trở nên cực kỳ nguy hiểm”.


Thủ tướng Campuchia dọa bỏ tù lãnh đạo đối lập

Ông Hun Sen đe dọa bỏ tù lãnh đạo một đảng đối lập tại Campuchia trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng. 

thu tuong campuchia hun sen bi cao buoc dan ap phe doi lap. anh minh hoa:reuters.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen bị cáo buộc đàn áp phe đối lập. Ảnh minh họa:Reuters.

Theo AFP, Phó chủ tịch đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP), ông Kem Sokha đã trốn trong trụ sở đảng từ khi cảnh sát vũ trang cố gắng bắt ông vào cuối tháng 5.

Cảnh sát muốn thẩm vấn Kem Sokha trong cuộc điều tra mại dâm nhằm vào người phụ nữ tuyên bố là người tình của ông. Tuy nhiên, Kem Sokha từ chối thẩm vấn với lý do cuộc điều tra "mang động cơ chính trị", trước khi Campuchia tiến hành bầu cử vào năm 2018.

"Kem Shokha cho rằng tôi sợ thua trong cuộc bầu cử. Nhưng tôi muốn gửi tới ông ta một lời nhắn rằng ông ta có thể sẽ bị tù", Thủ tướng Hun Sen tuyên bố.

Ông Hun Sen bác bỏ cáo buộc cuộc điều tra về nạn mại dâm mang động cơ chính trị. Người đứng đầu chính phủ Campuchia cho rằng ông Kem Shokha đã tự tạo ra rắc rối bằng việc có tình nhân.

Hiện CNRP chưa đưa ra bình luận gì sau tuyên bố của ông Hun Sen. Lãnh đạo CNRP Sam Rainsy đang phải sống lưu vong để tránh lệnh truy nã và nhiều khả năng không tham gia tranh cử năm 2018.

Giới quan sát cho rằng trong 31 năm nắm quyền, ông Hun Sen đã lãnh đạo Campuchia thoát khỏi đói nghèo và trở thành nền kinh tế phát triển tương đối nhanh. Tuy nhiên, gần đây nhiều người dân tỏ ra bất mãn với nạn tham nhũng ở nước này.

Nghị viện Liên minh châu Âu đe dọa sẽ xem xét số tiền viện trợ gần 500 triệu USD nếu ông Hun Sen "tiếp tục đàn áp đối thủ". Liên Hiệp Quốc và Mỹ mới đây đã bày tỏ lo ngại về việc cảnh sát Campuchia cố gắng bắt giữ Kem Sokha.

Ông Hun Sen tuyên bố sẽ chống lại sự can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia. "Tôi không muốn các nhà ngoại giao nhại lại như vẹt về giọng điệu  của các đảng đối lập", ông nói và chỉ trích việc dùng "cái gọi là viện trợ" để xúc phạm hoặc đe dọa Campuchia.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục