tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 29-06-2016

  • Cập nhật : 29/06/2016

Quân đội Triều Tiên đang ‘sẵn sàng chờ lệnh hành động’

Triều Tiên cho hay quân đội nước này giờ chỉ “chờ lệnh hành động”, thông báo đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Bình Nhưỡng bắn tên lửa đạn đạo tầm trung ra biển.

Theo hãng tin UPI (Mỹ), cơ quan tuyên truyền của Triều Tiên DPRK Today ngày 28-6 (giờ địa phương) cho hay Mỹ và Hàn Quốc đang làm căng thẳng leo thang và những đe dọa đó đã đặt toàn bộ Quân đội Nhân dân Triều Tiên vào tình thế sẵn sàng chiến đấu.

“Hiện tại các binh sĩ của Quân đội Nhân dân Triều Tiên không thể kìm nén cơn giận giữ khi đối mặt với các hành động khiêu khích quân sự của Mỹ và Hàn Quốc, những kẻ đang làm gia tăng căng thẳng từ biển đến cửa sông Hán” - DPRK Today viết.

quan doi trieu tien dang san sang cho lenh. anh: upi

Quân đội Triều Tiên đang sẵn sàng chờ lệnh. Ảnh: UPI

Triều Tiên không cung cấp thêm thông tin chi tiết, song có khả năng cơ quan tuyên truyền DPRK Today đang muốn nhắc tới các hành động của Bộ Chỉ huy Liên Hiệp Quốc (UNC) trong vùng biển Triều Tiên hồi giữa tháng 6 vừa qua.

Trước đó, hôm 10-6, UNC đã tiến hành hoạt động chung cùng với giới chức Hàn Quốc, triển khai một đơn vị cảnh sát quân sự và bốn tàu cao tốc gần biên giới giáp Triều Tiên, nhằm xua đuổi các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển Hàn Quốc và vùng biển trung lập.

DPRK Today cũng công bố những hình ảnh về vụ phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-10, kèm theo dòng tuyên bố: “Những kẻ xâm lược không bao giờ hiểu được lời nói".

“Chúng tôi có thừa khả năng để tấn công kẻ thù nằm trong Vùng hoạt động Thái Bình Dương” - Bình Nhưỡng cho hay trong một tuyên bố.

Hwasong-10  hay còn được biết đến là tên lửa Musudan, có tầm bắn đạt từ 1.800-2.500 dặm.


Nga nghi Mỹ vẫn cố tình "đầu độc" quan hệ song phương

Cơ quan đại diện ngoại giao của Nga tại Mỹ đang tiếp tục phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng.

dai su quan my tai moskva. anh: sputnik

Đại sứ quán Mỹ tại Moskva. Ảnh: Sputnik

Hãng tin Sputnik đã dẫn nhận xét trên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 28/6.

Bà Zakharova nói: "Washington liên tục nghĩ ra những hạn chế mới đối với các nhà ngoại giao của chúng tôi. Các nhà ngoại giao Nga thường xuyên bị FBI và CIA khiêu khích, họ không ngại áp dụng những hành động chèn ép..., ráo riết chống phá chúng tôi không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước thứ ba". 

Bà nói thêm: "Trước đó báo The Washington Post đã đăng bài viết về những vụ quấy rối hư ảo mà chúng tôi áp dụng với các nhà ngoại giao Mỹ - thêm nữa không chỉ ở Nga, mà ngay cả bên ngoài đất nước chúng tôi. Chủ đề này có sự tung hứng của Bộ Ngoại giao Mỹ, có thể thấy đó chính là nơi đã khởi xướng việc công bố những bài báo như vậy".

Đại diện của Bộ Ngoại giao Nga cũng lưu ý sự xuất hiện của một trong những "chuyên gia" hàng đầu trong bài viết là cựu Đại sứ Mỹ ở Moskva Michael McFaul. Theo quan điểm của bà Zakharova, cựu Đại sứ này bộc lộ rõ là người "hoàn toàn thiếu khả năng nghề nghiệp và đã thất bại trong sứ mệnh ngoại giao".

Trong khi đó, ngày 27/6, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các nhân viên ngoại giao nước này tại Moskva bị sách nhiễu và theo dõi với tần suất gia tăng đáng kể. Ngoại trưởng John Kerry gần đây đã nêu vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Người phát ngôn bộ trên Elizabeth Trudea cho biết, ông Kerry đã đề cập đến vấn đề này với Tổng thống Putin hôm 24/3 vừa qua và phía Mỹ coi việc này là nghiêm trọng. 

Theo bà Trudeau, nạn quấy rối của các nhân viên an ninh và cảnh sát giao thông Nga nhằm vào các nhân viên ngoại giao Mỹ đã trở thành một vấn nạn trong 2 năm qua, nhưng không cho biết chi tiết về các vụ việc cũng như lý do Mỹ nêu vấn đề này với Tổng thống Putin.


20 nghị sĩ từ chức, chính trường Anh thêm hỗn loạn sau Brexit

Chính trường Anh thêm hỗn loạn khi lại có thêm nhiều nghị sĩ Công đảng tuyên bố từ chức để phản đối chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn đầu tuần này.

thu linh cong dang anh, jeremy corbyn - anh: bbc

Thủ lĩnh Công đảng Anh, Jeremy Corbyn - Ảnh: BBC

Theo Foxnews, hơn 20 thành viên kỳ cựu, cao cấp thuộc “nội các ngầm” của ông Corbyn, chủ tịch Công đảng Anh, tuyên bố từ chức để phản đối ông Jeremy Corbyn sau khi ông này không thể ngăn cản quyết định rời EU của nước Anh.

Trong số các nghị sĩ từ chức, có những chuyên gia trong các lĩnh vực cụ thể như chăm sóc sức khỏe và kinh tế.

Một đồng minh thân cận của ông Corbyn cho rằng những thành viên đối lập trong đảng đã âm mưu một “cuộc đảo chính” chống lại ông Corbyn trong nhiều tháng qua.

Tuy nhiên không giống Thủ tướng Anh David Cameron của đảng Bảo thủ, dù là nhà lãnh đạo một đảng phái chủ trương ở lại trong cuộc trưng cầu vừa qua nhưng ông Corbyn tuyên bố không từ chức, ngay cả khi bị các thành viên trong đảng yêu cầu.

Giới chức sắc Công đảng lo sợ đảng của họ tổn thất nghiêm trọng nếu ông Corbyn tiếp tục dẫn dắt đảng này trong cuộc bầu cử sớm có thể được tiến hành.

Bà Angela Eagle, phát ngôn viên Công đảng về Sáng kiến và các kỹ năng kinh doanh, đã rời khỏi cương vị thành viên cao cấp trong đảng sau cuộc trưng cầu.

Là thành viên cao cấp nhất trong nhóm trợ thủ thân cận của ông Corbyn từ chức, bà Eagle cho rằng Công đảng cần một nhà lãnh đạo “có khả năng đoàn kết chứ không phải chia rẽ” nội bộ.

Ông Corbyn đã bổ nhiệm các nghị sĩ khác trung thành với ông thế vào những vị trí bị trống. Ông cũng khẳng định sẽ tiếp tục tranh cử trong bất cứ cuộc thử thách nào khác và tuyên bố ông vẫn nhận được sự ủng hộ từ các thành viên bình thường khác trong đảng.

Trong khi đó, báo Sun của Anh ngày 27-6 cho biết Thủ tướng David Cameron và nội các Anh bác bỏ khả năng có một cuộc trưng cầu lại.

Người phát ngôn của ông Cameron nói rõ kết quả cuộc trưng cầu ngày 23-6 đã mang tính quyết định và lúc này, chính phủ Anh chỉ tập trung vào công việc tuyên bố quyết định đó. 


Phó Chủ tịch Cuba thăm Triều Tiên và Trung Quốc

Ngày 28/6, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Salvador Valdes Mesa đã đến Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm CHDCND Triều Tiên.

pho chu tich hoi dong nha nuoc cuba salvador valdes mesa. anh: epa/ttxvn

Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Salvador Valdes Mesa. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo hãng tin Kyodo, ông Mesa tới sân bay quốc tế Bình Nhưỡng 1 ngày trước khi Triều Tiên tiến hành kỳ họp quốc hội. 

Hiện chưa có thông tin chi tiết về nội dung chuyến thăm. Triều Tiên và Cuba có quan hệ ngoại giao mật thiết từ năm 1960.

Trước khi sang Triều Tiên, ngày 27/6, ông Mesa đã tới Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, tại thủ đô Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Mesa, đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cuba, đã hội đàm với Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều. 

Hai bên đã tuyên bố ủng hộ và học hỏi lẫn nhau trong sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, đồng thời khẳng định quan hệ giữa hai đảng Cộng sản đóng một vai trò hàng đầu trong quan hệ giữa hai nước. 

Trung Quốc ủng hộ Cuba đi theo con đường phát triển xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện quốc gia. Về phần mình, ông Mesa thông báo với giới chức Trung Quốc về kết quả Đại hội Đảng Cộng sản Cuba, đồng thời bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác thiết thực với phía Trung Quốc.


Hong Kong xuất hiện phong trào đòi trở lại thuộc Anh

 Ông Billy Chiu, người thành lập đảng phái mới và khởi xướng phong trào đưa Hong Kong trở lại là một phần lãnh thổ thuộc Anh, cho rằng đây là bước đầu để giành độc lập.

mot nguoi bieu tinh o hong kong phat co cua hong kong thoi la thuoc dia anh tai mot cuoc bieu tinh - anh: shanghaiist

Một người biểu tình ở Hong Kong phất cờ của Hong Kong thời là thuộc địa Anh tại một cuộc biểu tình - Ảnh: Shanghaiist

Theo Telegraph, ông Billy Chiu gây chú ý với dư luận Hong Kong khi ba năm trước, ông từng phất cờ của Hong Kong thời là thuộc địa Anh tại các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Tuy nhiên mới đây, nhà hoạt động chính trị này lại tiến thêm một bước nữa trong chiến dịch đấu tranh đòi độc lập, chống lại chính sách quản lý của chính quyền Trung Quốc đại lục khi thành lập một đảng phái mới với tôn chỉ đưa Hong Kong trở lại là thuộc Anh.

Quan điểm này có thể khiến chính một số người ở Hong Kong cảm thấy buồn cười. Nhưng ông Chiu cho rằng việc trở về thuộc Anh chỉ được xem như bước chuyển giao, bởi vì việc giành độc lập cho Hong Kong từ Anh theo ông Chiu dễ hơn từ Trung Quốc.

Đảng mới thành lập của ông Chiu có tên Liên minh khôi phục chủ quyền của Anh với Hong Kong và độc lập.

Trao đổi với AFP, ông Billy Chiu nói: “Độc lập là mục đích tối thượng, trở về là thuộc Anh chỉ là giai đoạn chuyển giao”.

Tuy nhiên có vẻ như đây là thời điểm không thích hợp nếu ông Billy Chiu cũng như những người tham gia đảng phái mới của ông muốn có bất cứ cuộc đối thoại nào với Vương quốc Anh về vấn đề này khi nước Anh đang lấn cấn với rất nhiều việc cần giải quyết sau ngày trưng cầu ý dân ngày 23-6


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục