Nhật Bản: Vươn ra xa để cạnh tranh gần
Tất cả 6 quốc gia mà Thủ tướng Shinzo Abe tới thăm trong chuyến công du đang diễn ra đều không quan trọng đối với Nhật Bản về phương diện thị trường xuất khẩu bằng phương diện hợp tác đầu tư và ảnh hưởng chính trị.
Thủ tướng Shinzo Abe bắt đầu chuyến thăm 6 nước châu Á, từ ngày 23.10 - Ảnh: AFP
Các điểm đến bao gồm Mông Cổ và 5 quốc gia vùng Trung Á Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan. Ông Abe còn là Thủ tướng Nhật đầu tiên thăm Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan. Nhìn từ giác độ địa chiến lược thì có thể thấy chủ ý của ông Abe là cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc.
Ở khu vực này, ảnh hưởng của Trung Quốc đặc biệt sâu đậm và đang có phần vượt qua Nga. Về địa lý, tất cả những nước nói trên đều gần Trung Quốc hơn Nhật Bản.
Thời gian qua, Trung Quốc đã tận dụng triệt để tiềm lực kinh tế - tài chính của mình để thiết lập những thể chế tài chính đa phương mới cũng như nhiều cơ chế hợp tác mới để tập hợp và tranh thủ các đối tác ở khu vực. Đặc biệt là những nước có nhu cầu lớn về viện trợ và hỗ trợ tài chính để phát triển như 6 nước mà Thủ tướng Abe tới thăm.
Trong đó, phải kể đến việc đẩy mạnh thể chế hóa, mở rộng phạm vi hoạt động và kết nạp thành viên mới vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của Nhóm BRICS và Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB).
Nhật Bản không hề thua kém Trung Quốc về tiềm lực kinh tế - tài chính nhưng chỉ có mỗi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) làm công cụ. Vì thế mà Thủ tướng Abe phải cất công đi xa, tới những đối tác bị xao nhãng ở thời trước để ganh đua với đối tác ở gần mình.
IMF cảnh báo Ả Rập Saudi có thể phá sản trước 2020
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho biết: Ả Rập Saudi có thể phá sản trong vòng năm năm tới nếu chính phủ không thay đổi thói quen chi tiêu hiện tại.
Là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, Ả Rập Saudi vừa lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu nhằm giảm thâm hụt ngân sách do giá dầu thô bị giảm.
Các quan chức Saudi đã nhiều lần khẳng định rằng nền kinh tế của vương quốc này đủ mạnh để vượt qua sự khủng hoảng giá dầu thô như đã từng trong cuộc khủng hoảng tương tự.
Nhưng IMF cho biết các biện pháp ấy "không đủ để kịp thời củng cố tài chính và Saudi sẽ phá sản trong năm năm tới vì sự thâm hụt ngân sách lớn".
Sự sụt giảm của giá dầu - chiếm 80% nền kinh tế của Ả Rập Saudi, đã tiêu tốn hàng trăm tỉ đô la vương quốc đã tích lũy được trong thập kỷ qua.
Ả Rập Saudi có thể bị vỡ nợ trước 2020.
Sự sụt giảm giá dầu đã khiến chính phủ phải bán trái phiếu lần đầu tiên từ năm 2007, tài chính của vương quốc này tiếp tục trong tình trạng căng thẳng vì chiến tranh ở Yemen.
IMF dự kiến mức thâm hụt ngân sách của Saudi sẽ tăng lên hơn 20% GDP trong năm nay, sau khi vua Salman công bố tiền thưởng cho người lao động công cộng sau lên nhận chức hồi tháng 1.
Trong một cuộc phỏng vấn tại Dubai, giám đốc IMF khu vực Trung Đông và Trung Á phát biểu: "Mức thâm hụt ngân sách ở Saudi Arabia vẫn còn cao trong thời gian này, nguyên nhân chủ yếu là do cấp quản lý" - anh ta đã nói.
David Butter, đồng sự tại Chatham House ở London nói rằng “Cuộc khủng hoảng này không cấp bách nhưng nếu chính phủ không quản lý doanh thu phi dầu chặt chẽ trong 10 năm tới thì dĩ nhiên, họ sẽ gặp rắc rối to”.
Nga tăng cường quân sự trên đảo tranh chấp với Nhật
Nga sẽ xây dựng căn cứ quân sự mới trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trong kế hoạch tăng cường hiện diện tại đây.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thăm một trung đoàn ở Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc hồi tháng 8 - Ảnh: Reuters
Đài TV Zvezdad của Nga ngày 23.10 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu thông báo căn cứ mới sẽ sớm được xây dựng trên quần đảo Kuril.
Ông Shoigu không cho biết thời điểm cụ thể nhưng khẳng định cơ sở mới sẽ bao gồm nhiều tiện ích như công trình giải trí cho binh sĩ và gia đình, khu nhà ở hiện đại, bệnh viện và các con đường mới.
Quần đảo Kuril gồm nhiều đảo nhỏ nằm trải dài từ bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông của Nga đến Hokkaido, đảo cực bắc của Nhật. Trong đó, 4 đảo phía nam là Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai đang là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Moscow và Tokyo từ sau Thế chiến 2. Nga gọi đó là nhóm đảo Nam Kuril còn Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phương bắc.
Hồi tháng 7, Bộ trưởng Shoigu cũng tuyên bố thành lập 2 đơn vị đồn trú mới ở Iturup và Kunashir. Ngoài ra, từ báo mạng tiếng Nga Gazeta đưa tin cho hay Nga đã triển khai đến quần đảo Kuril một sư đoàn 3.500 binh sĩ, được trang bị nhiều xe tăng T-80 và tên lửa chống máy bay Buk M-1. Tại quần đảo này còn có một căn cứ tàu ngầm được Gazeta mô tả là “thành tố quan trọng nhất đối với Nga trong chiến lược ứng phó nguy cơ tiềm ẩn từ tàu ngầm nước ngoài ở biển Okhotsk”.
Hiện chưa rõ căn cứ mới sẽ được xây ở Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương bắc hay nơi khác của quần đảo Kuril nhưng giới quan sát cho rằng dù ở đâu thì cơ sở này cũng nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của Nga ở khu vực. Cũng trong ngày 23.10, tờ Sankei Shimbun dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước ông đang xác nhận về thông tin trên và sẽ phản đối mạnh mẽ nếu đây là sự thật.
Trước đó, Tokyo đã chỉ trích dữ dội chuyến thăm đến Iturup và Kunashir của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hồi tháng 8. Mới đây, một quan chức cấp cao thuộc Văn phòng Thủ tướng Nhật tiết lộ với tờ Asahi Shimbun rằng kế hoạch tổ chức chuyến công du chính thức đến Nhật trong năm nay của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị hoãn vô thời hạn do hai bên chưa vượt qua được bất đồng liên quan đến vấn đề tranh chấp.
Tuy nhiên, quan chức trên khẳng định Tokyo và Moscow vẫn đang nỗ lực xúc tiến chuyến thăm đồng thời sắp xếp cho lãnh đạo hai nước gặp nhau bên lề các hội nghị quốc tế, trong đó có Hội nghị G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hội nghị APEC ở Philippines, cả hai dự kiến diễn ra vào tháng tới.
Quân đội Syria bắn chết thủ lĩnh nhóm khủng bố Al-Nusra
Lực lượng quân đội chính phủ Syria đã bắn hạ Abu Suleiman al-Masri, được cho là thủ lĩnh Mặt trận Al-Nusra, vây cánh của tổ chức khủng bố Al Qaeda tại Syria, theo tiết lộ từ một nguồn tin của hãng tin Sputnik (Nga) ngày 24.10.
Các tay súng thuộc tổ chức Mặt trận Al-Nusra xuất hiện tại ngoại ô thành phố Idlib (Syria) hồi tháng 12.2014 - Ảnh: Reuters
Nguồn tin giấu tên của Sputnik khẳng định al-Masri đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ giữa quân chính phủ và phe Mặt trận Al-Nusra tại một địa điểm gần làng Tal-al-Karsani, ngoại ô thành phố Aleppo, đông bắc Syria.
Trang tin Nga cũng dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga trong tuần này cho hay tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đang thương thuyết với các nhóm phiến quân khác tại Syria để cùng bắt tay hình thành một liên minh chống chính phủ Syria, Nga và liên quân Mỹ.
“Thông tin do thám từ liên lạc vô tuyến cho thấy chỉ huy các đơn vị lớn thuộc Mặt trận Al-Nusra đã gặp gỡ các thủ lĩnh IS để bàn về chuyện liên minh”, ông Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 21.10.
Theo AFP, liên quân do Mỹ dẫn đầu trong một năm qua đã tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào lực lượng IS tại Syria, cũng như cả Mặt trận Al-Nusra.
“Tình hình này đã khiến chúng tôi đoàn kết lại… Và giờ đây, chúng tôi, Jaish al-Muhajireen wal Ansar, tuyên bố là đồng minh của Mặt trận Al-Nusra”, tổ chức này công bố.
Mặt trận Al-Nusra hiện được đánh giá là một trong những lực lượng nổi dậy mạnh nhất tại Syria, AFP cho hay. Cùng với những nhóm phiến quân khác, phong trào này kiểm soát tỉnh Idlib, tây bắc Syria, đồng thời cũng là lực lượng đang chiến đấu tại một số khu vực ở miền bắc và trung Syria.
Xung đột tại Syria bắt đầu hồi tháng 3.2011, ban đầu là một cuộc nổi dậy đòi thay đổi chế độ, sau đó đã leo thang thành một cuộc nội chiến, thu hút nhiều chiến binh Hồi giáo từ các nước đổ sang gia nhập Al-Nusra và IS.
Đối thoại Nga - Mỹ về Syria: vẫn bất đồng và bế tắc
Cuộc đối thoại giữa Nga và Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ về vấn đề Syria không đạt được kết quả nào cho tương lai của quốc gia này.
Đối thoại Nga, Mỹ về Syria vẫn bất đồng và bế tắc - Ảnh minh họa: AFP
Cuộc đàm phán được trông đợi giữa các ngoại trưởng Nga, Mỹ, Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria kết thúc hôm 23.10 ở thành phố Vienna, Áo mà không có kết quả gì đáng kể, AFP cho hay.
AFP mô tả không khí cuộc họp giữa các ngoại trưởng nặng nề ngay từ đầu khi cả ngoại trưởng Mỹ, Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự phản đối trước mặt ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về việc Tổng thống Vladimir Putin tiếp đón Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người mà Mỹ và đồng minh muốn lật đổ.
Không khí băng giá kéo dài làm cuộc đối thoại giữa các ngoại trưởng muốn tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của Syria trở nên phá sản. Thay vào đó các nước tham gia đàm phán đưa ra những tuyên bố của riêng mình.
Nga có vẻ như đã tìm kiếm thêm đồng minh đứng về phía mình trong vấn đề của Syria khi cho biết chiến dịch không kích của Moscow sắp tới sẽ co thêm Jordan tham gia, theo AFP.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Mỹ muốn cuộc đối thoại mở rộng với sự tham gia của nhiều nước cùng tìm giải pháp cho vấn đề ở Syria, và ông hy vọng đối thoại đó sẽ diễn ra vào cuối tháng 10.2015.
“Điều mà chúng tôi thống nhất đạt được với nhau là thông tin những vấn đề cần thiết và đồng ý sẽ có một cuộc gặp khác, hy vọng vào thứ sáu tuần tới với cuộc họp có nhiều bên tham gia”, Ngoại trưởng Kerry nói với các nhà báo.
Liên quan đến ông Assad, Ngoại trưởng Nga khẳng định cuộc đối thoại không đề cập đến việc giải quyết số phận của Tổng thống Assad như những đồn đoán trước khi cuộc đối thoại diễn ra, theo TASS. Ông Lavrov khẳng định các bên đối thoại về tương lai của Syria.
Ngoại trưởng Lavrov đồng ý nhóm đối thoại mở rộng cho nhiều nước và đề nghị Iran, Ai Cập thậm chí cả Tổng thống Assad. Moscow cho rằng vấn đề của Syria phải có sự tham gia và quyết định của người Syria.
Tuy nhiên, ông Kerry từ chối sự tham gia của Tehran và cả ông Assad vì cho rằng “ông Assad không thể tạo ra động lực cho hòa bình”.
(
Tinkinhte
tổng hợp)