Tư lệnh Hải quân Mỹ bác bỏ tuyên bố 'Biển Đông là của Trung Quốc'
Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson khẳng định Biển Đông là biển quốc tế chứ không của riêng ai, phản bác lại tuyên bố ngang ngược của Đô đốc Hải quân Trung Quốc Viên Dự Bái rằng “Biển Đông là của Trung Quốc”, theo Defense News.
Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ phản bác tuyên bố ngang ngược về chủ quyền Biển Đông của Đô đốc Hải quân Trung Quốc - Ảnh: Hải quân Mỹ
Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ, ngày 22.10 đã có bài trả lời phỏng vấn trang tin quân sự Defense News liên quan đến vấn đề Biển Đông. Câu trả lời của Tư lệnh Hải quân Mỹ đã phản bác lại những tuyên bố mà Chỉ huy Hạm đội Bắc Hải (Trung Quốc), đô đốc hải quân Viên Dự Bái ngang ngược đưa ra hồi tháng 9.
Tại hội nghị thiết bị và an ninh quốc phòng quốc tế (DSEI) diễn ra ở London (Anh) ngày 14.9, ông Viên Dự Bái đưa ra lập luận phi lý rằng: “Biển Nam Trung Hoa (tên Trung Quốc gọi Biển Đông) như tên gọi của nó ám chỉ, là một vùng biển thuộc về Trung Quốc”. Ông ta còn mạnh miệng nói rằng người Trung Quốc đã đánh bắt cá ở Biển Đông từ thời nhà Hán.
Đô đốc Richardson hoàn toàn không chấp nhận lập luận ngang ngược của ông Viên. Ông Richardson nói: Biển Đông “là biển của mọi người. Bạn biết đấy, 30% thương mại thế giới lưu chuyển qua Biển Đông. Biển Đông không của riêng ai. Đó là vùng biển mở và là biển quốc tế”.
Liên quan tới thông tin Mỹ sắp triển khai tàu đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Tư lệnh Hải quân Mỹ không đề cập chi tiết kế hoạch này; tuy nhiên ông nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng vận chuyển cũng như đi lại ở các vùng biển quốc tế và tuân theo các quy tắc quốc tế.
Trước đó, hôm 15.10, ông Richardson cũng phản bác cáo buộc của Trung Quốc cho rằng Mỹ gây hấn "châm dầu vào lửa" ở Biển Đông; Tư lệnh Richardson nói rằng hoạt động của Mỹ ở vùng biển quốc tế, trong khu vực Biển Đông là chuyện thường ngày, không phải khiêu khích như Trung Quốc nói, theo Reuters.
Dù không có tranh chấp trực tiếp tại Biển Đông nhưng Mỹ luôn chú trọng đến những lợi ích hàng hải và các lợi ích khác của mình tại vùng biển trù phú này. Trước một Trung Quốc với những hành động và yêu sách ngang ngược tại Biển Đông, giới chức Mỹ đã liên tục lên tiếng phản đối và khẳng định Trung Quốc đang đi ngược lại những quy định của luật pháp quốc tế.
Nga xây căn cứ quân sự trên đảo tranh chấp với Nhật
Nga đang xây dựng một căn cứ quân sự trên quần đảo Kuril, nhóm đảo thuộc Thái Bình Dương, khu vực đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.
Quần đảo Kuril - Ảnh: Business Insider
Theo Business Insider ngày 22-10, Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết thông tin trên.
Động thái này chắc chắn sẽ gây căng thẳng thêm cho mối quan hệ vốn đã rất khó chịu giữa Nga và Nhật Bản. Tokyo tuyên bố chủ quyền của họ với vùng quần đảo mà người Nga gọi là Nam Kuril còn người Nhật gọi là vùng lãnh thổ phía bắc.
Tranh chấp chủ quyền giữa hai nước về quần đảo này gay gắt tới độ Matxcơva và Tokyo vẫn chưa ký với nhau một hiệp định hòa bình chính thức kể từ sau chiến tranh.
Trong thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu mà Hãng Interfax dẫn lại cho biết Nga cũng đang xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng một loạt căn cứ quân sự ở vùng Bắc cực. Bao gồm ở đảo Wrangel, đảo Kotelny và tại Cape Schmidt.
Ông Shoigu nói: “Chúng tôi không giữ bí mật việc này, thực tế là chúng tôi đã xây dựng một căn cứ quân sự trên đảo Kotelny thuộc quần đảo Novosibirsk. Đây là một căn cứ quân sự lớn, chưa từng có một căn cứ quy mô như thế ở thời Xô viết”.
Cựu thủ tướng Malaysia bị điều tra
Cảnh sát Malaysia đã mở cuộc điều tra nhằm vào cựu thủ tướng Mahathir Mohamad với cáo buộc bôi nhọ danh dự người khác khi ông Mahathir liên tục gây sức ép đòi đương kim Thủ tướng Najib Razak từ chức.
Cựu thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad - Ảnh: AFP
Hãng tin Bloomberg dẫn lời Phó thủ tướng Malaysia, ông Zahid Hamidi ngày 22.10 cho biết cuộc điều tra được tiến hành theo sau các đơn tố cáo nhằm vào ông Mahathir. Phó thủ tướng Zahid cho hay hồ sơ sẽ được chuyển tới các công tố viên xem xét sau khi quá trình điều tra hoàn tất.
Động thái trên diễn ra sau khi ông Tan Kok Wai, nghị sĩ thuộc đảng Hành động Dân chủ đối lập ở Malaysia, đặt câu hỏi về việc chính phủ đã có hành động gì đối với ông Mahathir sau khi cựu lãnh đạo này liên tiếp chỉ trích Thủ tướng Najib Razak.
Theo phát ngôn viên của ông Mahathir, cựu thủ tướng chưa bình luận về tuyên bố của Phó thủ tướng.
Theo truyền thông Malaysia, cựu thủ tướng Mahathir hồi tháng 8.2014 tuyên bố rằng ông đã ngưng ủng hộ Thủ tướng Najib vì cho rằng môi trường kinh doanh trong nước trở nên khó khăn hơn kể từ khi ông Najib lên nắm quyền vào năm 2009. Kể từ đó, ông Mahathir tham gia vào chiến dịch chống thủ tướng, cảnh báo đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Malaysia (UMNO) cầm quyền có nguy cơ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử tới nếu ông Najib vẫn đương chức.
Mỹ xem xét đưa Triều Tiên trở lại danh sách tài trợ khủng bố
Mỹ đang nghiên cứu các thông tin tình báo trước khi quyết định có đưa Triều Tiên trở lại danh sách những nước tài trợ cho khủng bố hay không, hãng tin Yonhap cho hay.
Mỹ xem xét đưa Triều Tiên trở lại danh sách tài trợ khủng bố - Ảnh minh họa: Reuters
Đại sứ Sung Kim, đại diện đặc biệt về chính sách Triều TIên, đã cho biết thông tin này trong một bản báo cáo đệ trình Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Mỹ trong một buổi điều trần của tiểu ban chống khủng bố hôm 22.10 (theo giờ Mỹ) xem xét đối sách của Washington với Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi tiếp tục xem xét thông tin tình báo để quyết định xem có áp dụng những biện pháp bổ sung đối với Triều Tiên, với những thông tin cho thấy nước này là quốc gia tài trợ khủng bố”, ông Kim nói. Tuy nhiên, Yonhap không đề cập những thông tin tình báo mà dựa vào đó Washignton xem xét đưa Bình Nhưỡng trở lại danh sách.
Triều Tiên bị liệt vào danh sách này của Mỹ hồi năm 1987 sau sự kiện đánh bom máy bay của Korean Air xảy ra cùng năm làm tất cả 115 người trên chuyến bay thiệt mạng. Tuy nhiên, cựu tổng thống George W.Bush đã đưa Triều Tiên khỏi danh sách này hồi năm 2008 để đổi lại việc Bình Nhưỡng đồng ý tham gia vào đối thoại phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên bắt đầu hồi năm 2008 đã thất bại, dù có nhiều nỗ lực nối lại đàm phán này từ các nước tham gia gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc. Triều Tiên nhiều lần tuyên bố không từ bỏ chương trình hạt nhân và không tham gia đàm phán về vấn đề này với bất kỳ quốc gia nào.
Hồi đầu năm 2015, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đề nghị đưa Triều Tiên vào danh sách tài trợ khủng bố sau khi kết luận Bình Nhưỡng tấn công tin tặc nhắm vào hãng Sony Pictures. Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp thuận.
Theo ông Hillary Johnson, phó điều phối bộ phận chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, việc liệt vào danh sách khủng bố một quốc gia chỉ có thể xem xét khi chính phủ của quốc gia này tài trợ cho hành động khủng bố quốc tế và Bộ Ngoại giao là cơ quan quyết định vấn đề này. Dù Triều Tiên chưa bị đưa trở lại danh sách này nhưng Bình Nhưỡng cũng bị liệt vào danh sách "dự bị" vì những hoạt động như sở hữu chương trình hạt nhân, thử tên lửa đạn đạo...
Putin: 'Nếu đánh nhau là không tránh khỏi, hãy tung cú đấm đầu tiên'
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua nói về tuổi thơ tại Leningrad và bài học ông áp dụng với chiến dịch chống khủng bố ở Syria.
Ông Putin phát biểu tại phiên khai mạc Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ở Sochi. Ảnh: Reuters
Tổng thống Putin hôm qua so sánh chiến dịch chống khủng bố ở Syria với tuổi thơ của ông ở Leningrad. "Cách đây 50 năm, những con phố Leningrad dạy tôi một điều: Nếu một trận đánh là không thể tránh khỏi, hãy tung cú đấm đầu tiên", Pravda dẫn lời tổng thống Nga nói. Tuyên bố của ông Putin được đưa ra tại Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai tại thành phố Sochi.
Tuy nhiên, ông đảm bảo rằng Nga không định mở rộng chiến dịch ra Iraq. "Không có kế hoạch đó, bởi chúng tôi không nhận được yêu cầu của chính phủ Iraq", ông nói.
Theo Business Insider, ông Putin có tuổi thơ khó khăn tại Leningrad. Do đó, tuổi thơ vẫn theo ông và đến nay tiếp tục định hình quan điểm với các cuộc chiến, trong đó có cuộc chiến chống khủng bố.
Nga bắt đầu không kích nhằm vào Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria từ ngày 30/9, theo yêu cầu của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, phương Tây nghi ngờ Nga tấn công các nhóm đối lập với chính quyền Assad để hỗ trợ đồng minh, điều Moscow bác bỏ.
(
Tinkinhte
tổng hợp)