Khẩu súng lục huyền thoại Serdyukov sắp được nâng cấp để tiếp tục đảm đương trọng trách bảo vệ các yếu nhân của Nga.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 24-02-2016
- Cập nhật : 24/02/2016
Mỹ có thể triển khai pháo di động đến biển Đông
Trang tin Scout dẫn nguồn thông tin cho biết các nhà chiến lược và nhà hoạch định cấp cao của Lầu Năm Góc đang cân nhắc triển khai các đơn vị pháo di động ở biển Đông nếu cần thiết với chức năng làm vũ khí phòng không sẵn sàng khóa các mục tiêu là tên lửa tầm xa và tên lửa hành trình đe dọa khu vực.
Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin chính thức về các toan tính chiến lược này, cũng như không rõ nếu thật sự được triển khai thì các đơn vị pháo di động của Mỹ sẽ được bố trí ở những nơi nào.
Ngoài biển Đông, giới chức Mỹ cũng cân nhắc sử dụng các vũ khí phòng không này ở các khu vực như Trung Đông và Đông Âu.
Riêng ở Biển Đông, do mối quan hệ phức tạp vừa hợp tác vừa đối đầu với Trung Quốc, nên các nhà hoạch định của Lầu Năm Góc phải cân nhắc nhiều phương án khác nhau.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ nói rằng tất cả những phương án trên mới chỉ đang được cân nhắc và chưa có quyết định chính thức. Giới chức Lầu Năm Góc phản đối việc quân sự hóa hơn nữa khu vực biển Đông, đồng thời nhấn mạnh các tranh chấp ở đây nên giải quyết bằng giải pháp ngoại giao và hòa bình.
Bên cạnh đó, giới chức Lầu Năm Góc cũng công khai tuyên bố rằng Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động “tự do hàng hải”, các tàu hải quân Mỹ tiếp tục đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở biển Đông. Cùng với hoạt động này, Mỹ có thể sẽ tìm cách triển khai thêm các vũ khí phòng vệ và tấn công ở khu vực.
Rõ ràng, một động thái như vậy sẽ cần đến sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ ở khu vực bởi Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Theo giới chức Mỹ, hệ thống vũ khí có thể được Mỹ triển khai là khẩu pháo M777 Howitze hay Paladin, loại vũ khí có cỡ nòng 155mm.
“Chúng tôi có thể sử dụng Howitzers và loại pháo có thể khóa các mối đe dọa đang tiếp cận từ tên lửa tầm xa hay tên lửa hành trình”, một quan chức quân đội cấp cao của Mỹ cho biết.
Theo quan chức này, loại pháo này có thể chặn các tên lửa đang tìm cách tiếp cận và có ưu điểm là di chuyển hoặc thay đổi mục tiêu một cách nhanh chóng.
Hệ thống phòng không như Army M777 hay Paladin Howitzer có thể sử dụng công nghệ kiểm soát bắn và ngắm bắn chính xác để phá hủy các mối đe dọa như trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa của đối phương.
Hệ thống này đem lại lợi thế chiến thuật di động trội hơn so với Patriot hay hệ thống phòng không THAAD. M777 từng được sử dụng ở chiến trường Iraq và Afghanistan.
Mặc dù Lầu Năm Góc chưa chính thức xác nhận về triển vọng phối hợp với đồng minh để triển khai các vũ khí như Howitzer ở biển Đông nhưng họ nói rằng Mỹ đang thúc đẩy hợp tác với các đồng minh trong khu vực.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác và đồng minh để nâng cao năng lực an ninh hàng hải”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bill Urban nói.
Những thông tin trên bắt đầu xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc mới đây đã ngang nhiên đưa hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Bắc Kinh mặc dù không xác nhận cũng không phủ nhận nhưng lớn tiếng nói rằng động thái này là nhằm “phòng vệ” và “bảo vệ chủ quyền” ở khu vực này.
Tại sao tàu chiến Trung Quốc thăm Thái Lan và Campuchia?
Hai tàu này cùng tàu hậu cần Thanh Hải Hồ đã rời Trung Quốc vào tháng 8-2015 để tham gia hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden. Trên đường trở về Trung Quốc, các tàu đã thực hiện chuyến thăm thiện chí đến Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, và giờ là Campuchia.
Trước khi tới Campuchia, hai tàu chiến Liễu Châu và Tam Á của Trung Quốc đã cập cảng Chabang Laem trong chuyến thăm kéo dài năm ngày tới Thái Lan, bắt đầu từ ngày 17-2.
Trong chuyến thăm này, chỉ huy của Đội tàu hộ tống Hải quân Trung Quốc đã hội kiến các quan chức Hải quân Thái Lan, trao đổi quân sự. Hai bên đã tổ chức diễn tập chung ngoài khơi bờ biển Thái Lan bao gồm những nội dung như trao đổi thông tin liên lạc, di chuyển theo đội hình và các trận giao hữu bóng đá.
Hai tàu chiến đã rời Thái Lan vào ngày 22-2 và cập cảng Sihanoukville Autonomous của Campuchia trong cùng ngày, bắt đầu chuyến thăm kéo dài năm ngày. Theo Tân Hoa xã, các hoạt động trong chuyến thăm này cũng tương tự chương trình giao lưu tại Thái Lan.
Trước đây, Campuchia từng đón các tàu hải quân Trung Quốc nhưng đây là lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc cập cảng Campuchia. Hai chuyến thăm trước đó là của các tàu hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), bao gồm một tàu huấn luyện vào năm 2008 và một tàu y tế hồi năm 2013.
Báo The Diplomat (Nhật Bản) nhận định việc Trung Quốc chọn Thái Lan và Campuchia làm điểm dừng cho các lực lượng đặc biệt của nước này ở khu vực Đông Nam Á là động thái có mục đích.
Campuchia là quốc gia không có các yêu sách lãnh thổ ở biển Đông và cũng là một đối tác thân cận của Trung Quốc. Trong khi đó, Thái Lan, nước không có các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, cũng dần xích lại gần Trung Quốc sau cuộc đảo chính hồi năm 2014.
Theo thông tin từ China Military Online, sau chuyến thăm kéo dài năm ngày tại Campuchia, các tàu Trung Quốc sẽ thực hiện chuyến hành trình về hướng quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) để “tiến hành các hoạt động tuần tra”. Tuy nhiên, tờ báo không nêu chi tiết.
Sĩ quan Triều Tiên cảnh báo căng thẳng gia tăng ở khu phi quân sự
"Điều gì đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào", AP dẫn lời Trung tá Nam Dong Ho của quân đội Triều Tiên hôm qua nói tại Bàn Môn Điếm, ngôi làng giới tuyến phân cách Triều Tiên và Hàn Quốc. Nam cho biết ông không thể bình luận chi tiết về các hoạt động, nhưng nói thêm rằng thực tế "rất không chắc chắn".
Sĩ quan Triều Tiên cho biết căng thẳng đang gia tăng giữa Bình Nhưỡng, Seoul và Washington. Hàng nghìn lính Mỹ đang được triển khai tại Hàn Quốc và các đơn vị đóng quanh DMZ có khẩu hiệu: "Sẵn sàng chiến đấu đêm nay".
"Mọi người đến đây và nghĩ nó như một khu nghỉ dưỡng. Nhưng nếu bạn biết rõ nó hơn, bạn sẽ hiểu nó nguy hiểm đến mức nào", ông Nam nói.
Dù một số phần của khu biên giới trang bị vũ khí dày đặc nhất thế giới này thu hút nhiều khách tham quan mỗi năm, khu vực phi quân sự dài 257 km là nơi sự cố luôn chực chờ xảy ra. Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn thay vì hiệp ước hòa bình, vì vậy về kỹ thuật, hai nước vẫn ở trong tình trạng chiến tranh.
Căng thẳng gia tăng sau khi Triều Tiên thử hạt nhân, phóng tên lửa hồi tháng một và hai này, còn Mỹ và Hàn Quốc đang chuẩn bị tập trận thường niên đầu tháng ba.
Khoảng 15.000 lính Mỹ dự kiến tham gia cuộc tập trận hai giai đoạn Key Resolve (Giải pháp Then chốt) và Foal Eagle (Đại bàng Non). Bình Nhưỡng coi các cuộc diễn tập quân sự Mỹ - Hàn là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh và là hoạt động luyện tập chuẩn bị chiến tranh xâm lược.
Saudi Arabia quyết lật đổ tổng thống Syria
Ngoại trưởng Saudi Arabia khẳng định nước này quyết lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và sẵn sàng cung cấp cho phe nổi dậy tên lửa đất đối không để đối phó với máy bay chiến đấu Nga.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Đức Der Spiegel, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir tuyên bố mục tiêu của Saudi trong cuộc xung đột Syria là loại bỏ Tổng thống Assad.
“Assad nắm quyền càng lâu thì tình hình càng tồi tệ. Chúng tôi đã lên tiếng cảnh báo điều này khi khủng hoảng nổ ra năm 2011. Đáng buồn là cảnh báo đó đã trở thành sự thực” - ông Jubeir khẳng định.
Ngoại trưởng Saudi cho rằng chỉ có hai cách giải quyết khủng hoảng Syria và đều có chung kết quả là ông Assad phải ra đi. Thứ nhất là nhóm các cường quốc đang nỗ lực xây dựng thỏa thuận ngừng bắn, lập chính quyền mới, mở đường cho bầu cử tại Syria.
“Điều quan trọng là Assad phải ra đi ngay từ đầu. Điều đó sẽ giúp cho quá trình chuyển đổi chính trị diễn ra mà ít có chết chóc và tàn phá hơn - ông Jubeir nhấn mạnh - Lựa chọn thứ hai là chiến tranh tiếp diễn và Assad bị đánh bại”.
Ông Jubeir cũng tiết lộ Saudi sẵn sàng cung cấp cho lực lượng nổi dậy Syria các loại tên lửa đất đối không để họ đối phó với máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu của quân đội Syria và Nga. “Chúng tôi tin rằng tên lửa đất đối không sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực ở chiến trường” - ông Jubeir quả quyết.
Tuy nhiên ngoại trưởng Saudi thừa nhận nước này cần tính toán cẩn trọng nước cờ này để đảm bảo tên lửa đất đối không không rơi vào tay nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Đây là điều đáng lo ngại nhất đối với Saudi cũng như Mỹ.
Trong thời gian qua, Saudi đã cung cấp một số lượng lớn tên lửa chống tăng cho quân nổi dậy Syria để chống đỡ những cuộc tấn công của quân đội chính quyền Assad. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu Nga, lực lượng Assad đang dần nắm thế chủ động trên chiến trường.
Theo Reuters, bất chấp việc Mỹ và Nga tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn Syria có hiệu lực từ ngày 27-2, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt tại nước này. Các tay súng IS mới tấn công tuyến đường tiếp tế của quân chính phủ từ Damascus tới thành phố Aleppo.
Các nhóm nổi dậy đang giao tranh với quân đội chính phủ ở Aleppo cũng khẳng định không hề có dấu hiệu cho thấy chiến tranh hạ nhiệt. Một số thủ lĩnh nổi dậy bày tỏ sự lo ngại kể cả khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, không quân Nga có thể vẫn sẽ không kích dữ dội vì lấy lý do là tấn công IS và nhóm khủng bố Al-Nusra.
Ông Kim Jong Un trước nguy cơ bị quân đội chống đối
Theo đặt hàng của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Quỹ Hợp tác Công nghiệp -Học thuật và ĐH Giáo dục Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa đảng Lao động Triều Tiền và quân đội nước này dưới thời ông Kim Jong Un. Bản báo cáo cảnh báo rằng nếu như tình hình kinh tế Triều Tiên không tiến triển tốt, tính chính danh của đảng Lao động Triều Tiên của ông Kim Jong Un sẽ bị suy yếu.
Theo bản báo cáo này, tăng trưởng kinh tế được đánh giá là có ý nghĩa rất quan trọng đối với chính quyền Triều Tiên để giữ được sự ủng hộ của nhân dân và củng cố tính chính danh của chính quyền ông Kim Jong Un.
Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng chính sự “đồng thuận của quân đội” đã giúp quá trình chuyển giao lên nắm quyền của ông Kim Jong Un được diễn ra suôn sẻ. Cũng nhờ sự đồng thuận này, dưới thời ông Kim Jong Un quyền lực trung ương của Triều Tiên dịch chuyển từ quân đội về lại đảng cầm quyền Lao động Triều Tiên.
Tuy nhiên, quân đội Triều Tiên vẫn có khả năng thay đổi trật tự chính trị nước này có lợi hơn cho mình. Điều này có khả năng xảy ra nếu như ông Kim không thể giúp cho nền kinh tế đất nước khởi sắc và duy trì các chi tiêu quốc phòng hiện nay.
Sự chuyển giao quyền lực cho ông Kim Jong Un diễn ra suôn sẻ là do có được sự đồng thuận của quân đội Triều Tiên (Ảnh: AFP)
“Sự ổn định của chính quyền ông Kim và mối quan hệ Đảng - Quân đội phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế và việc duy trì các chi tiêu cho quân đội” - bản báo cáo cho biết. “Trong trường hợp chính sách kinh tế thất bại, chính quyền của ông Kim sẽ có sự chuyển biến. Quân đội có thể yêu cầu tập trung quyền lực về phía quân đội”.
Dưới chính quyền của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, quân đội Triều Tiên được xem là trụ cột sức mạnh trong chính trị nước này. Nhà cố lãnh đạo trao nhiều quyền hơn cho quân đội nhằm dễ dàng huy động lực lượng cho các dự án quan trọng cấp nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn Triều Tiên lâm vào cảnh nghèo đói vì thiên tai và cấm vận.
Nếu như kinh tế Triều Tiên sụp đổ, các chi tiêu cho quân đội không được tiếp tục, sự ủng hộ dành cho ông Kim Jong Un từ quân đội sẽ mất đi (Ảnh: Reuters)
Theo hãng tin Yonhap News, kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2011, ông Kim Jong Un đã tăng cường vai trò của đảng Lao động Triều Tiên trong các vấn đề quốc gia. Ông cũng đồng thời bổ nhiệm nhiều quan chức cấp cao của đảng vào các vị trí lãnh đạo quân đội. Các động thái này được đánh giá nhằm tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với quân đội Triều Tiên.
Bản báo cáo của Hàn Quốc cũng đánh giá bài toán “hồi sinh” nền kinh tế Triều Tiên cũng đặc biệt quan trọng đối với ông Kim Jong Un khi nước này đang chuẩn bị tổ chức đại hội đảng toàn quốc lần thứ 7 - đại hội đầu tiên của Triều Tiên sau 36 năm qua.