Malaysia cân nhắc cho máy bay do thám Mỹ xuất phát từ nước này để tuần tra Biển Đông, đối phó với hoạt động gia tăng của Trung Quốc.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 07-03-2016
- Cập nhật : 07/03/2016
Thủ tướng Israel có nguy cơ bị "lật đổ"
Theo sáng kiến này, thủ lĩnh các đảng phái trung hữu sẽ không đề xuất ông Netanyahu làm thủ tướng trong các cuộc bầu cử tiếp theo nhằm ngăn ông có cơ hội thành lập chính phủ.
Truyền thông Israel ngày 5/3 cho biết các thủ lĩnh của những đảng trung hữu đang có kế hoạch "đảo chính", theo đó ép đảng Likud không lựa chọn Thủ tướng Benjamin Netanyahu làm người đứng đầu chính phủ kế tiếp.
Họ sẽ thông báo với tổng thống sau các cuộc bầu cử sắp tới về việc không đồng ý tham gia chính phủ do ông Netanyahu thành lập, nhưng sẽ cởi mở với bất kỳ ứng viên nào khác từ đảng Likud cho chức thủ tướng. Bằng cách này, họ hy vọng đảng Likud sẽ giáng chức ông Netanyahu để duy trì sự kiểm soát và được phép thành lập chính phủ liên minh.
Sáng kiến này được đưa ra sau khi đồng minh cũ của ông Netanyahu là thủ lĩnh đảng Yisrael Beytenu, nghị sỹ Avigdor Liberman, tuyên bố sẽ không tham gia chính phủ cánh tả và có thể cả với chính phủ của ông Netanyahu trong những điều kiện hiện nay. Ông Netanyahu hiện đang trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư và là nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp kể từ năm 2009.
Hàn Quốc sắp áp đặt lệnh trừng phạt riêng với Triều Tiên
Các lệnh trừng phạt có thể bao gồm cấm tàu thuộc bên thứ ba đã tới Triều Tiên cập cảng Hàn Quốc, đưa thêm cá nhân cùng tổ chức có liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Bình Nhưỡng vào danh sách đen, Yonhap dẫn lời một quan chức Hàn Quốc hôm nay cho biết.
Theo quan chức trên, Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc đầu tuần sau sẽ công bố các lệnh trừng phạt này.
Hàn Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp có thể để ép Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, đáng chú ý nhất là tạm ngừng khu công nghiệp chung Kaesong giữa hai miền tháng trước. Tăng cường trừng phạt có thể giúp có thêm quốc gia cắt đứt thương mại với Triều Tiên, quan chức cho biết thêm.
Biện pháp cấm tàu thuộc bên thứ ba đã qua Triều Tiên vào Hàn Quốc được lựa chọn sau khi Nhật Bản ngày 10/2 cũng có động thái tương tự. Hàn Quốc còn dự định áp đặt lệnh trừng phạt tài chính với Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và Hwang Pyong-so, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 2/3 tại New York, Mỹ, thông qua nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên vì Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần 4 hồi tháng 1 và phóng tên lửa tầm xa vào tháng trước.
Theo đó, tất cả hàng hóa vận chuyển bằng tàu đến và rời khỏi Triều Tiên đều bị kiểm tra. Trước đây các nước chỉ kiểm tra nếu họ có cơ sở hợp lý tin rằng chúng chứa hàng bất hợp pháp. Dự thảo còn đưa 16 cá nhân cùng 12 tổ chức của Triều Tiên vào "danh sách đen".
Syria tung bằng chứng khủng bố vào nước này từ Thổ Nhĩ Kỳ
Hãng thông tấn Syria SANA ngày 5-3 thông tin các phần tử khủng bố tiến vào nước này từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời SANA còn cung cấp đoạn video chứng minh cáo buộc của mình.
Đoạn video khoảng 20 giây, dường như tổng hợp hình ảnh từ vệ tinh, cho thấy một số xe tiến vào con đường bao phủ cây cối dày đặc, có thể là rừng phía Bắc Syria. “Khủng bố đang băng ngang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria” – SANA thông tin nhưng không nói rõ chi tiết vụ việc.
Ảnh chụp màn hình đoạn video mà SANA tung ra cáo buộc khủng bố xâm nhập Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: SANA
Đoạn video này xuất hiện giữa lúc căng thẳng leo thang ở miền Bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cáo buộc đã pháo kích vào Lực lượng dân quân người Kurd (YPG) gần tỉnh al-Qamishli thuộc Syria vào ngày 5-3.
Bộ trưởng quốc phòng Nga cùng ngày cho biết Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục pháp kích chống lại người Kurd ở Syria, cản trở hoạt động của họ chống lại nhóm khủng bố Nusra Front có liên kết với al-Qaida. Trong thông cáo, YPG nói rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã pháo kích vị trí của họ vài lần trong tháng 2. Các cuộc pháo kích của Thổ Nhĩ kỳ khiến thường dân cũng bị ảnh hưởng và đến nay có 2 người thiệt mạng.
Hiện phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa lên tiếng trước cáo buộc và bằng chứng SANA tung ra.
Myanmar tịch thu số ma túy lên đến hơn 30 triệu USD
Cảnh sát Myanmar vừa tịch thu số ma túy đá, thuốc phiện và thuốc kích thích các loại trị giá hơn 30 triệu USD dù nghi phạm chính trong vụ này vẫn chưa bị bắt giữ.
Thông tin được một điều tra viên cấp cao của Myanmar tiết lộ ngày 6-3.
“Tổng số ma túy trị giá 37 tỉ kyat (hơn 30 triệu USD). Đây là vụ thu giữ ma túy lớn nhất từ đầu năm đến nay” - điều tra viên giấu tên nói.
Theo AFP, cảnh sát đã phát hiện số ma túy trên trong một xe chở container ở một khu công nghiệp ở thành phố Mandalay. Số ma túy bao gồm 82kg ma túy dạng đá, 24kg ma túy thông thường, 6,8 triệu viên thuốc kích thích và 15kg thuốc phiện.
Thời gian qua, Myanmar chật vật kiềm chế ma túy đổ về từ các vùng hẻo lánh và khu vực biên giới, nhưng hiện đây vẫn là nơi sản xuất thuốc phiện lớn thứ 2 thế giới (sau Afghanistan) trong khi sản xuất ma túy đá ngày càng tăng.
Liên Hiệp Quốc cho hay hiện ma túy đá đang thống lĩnh trị trường ma túy toàn cầu và đang bành trướng đáng kể ở Đông Nam Á và Đông Á.
Tháng 7-2015, Myanmar đã thu giữ các viên thuốc kích thích trị giá hơn 100 triệu USD từ một xe chở hàng tư nhân ở phía bắc Yangon.
“Thật kinh khủng khi buôn lậu ma túy ngày càng tăng và lan rộng khắp cả nước” - điều tra viên này nói.
Ông Ban Ki-moon cảnh báo IS đang mở rộng ảnh hưởng tại Libya
Các tay súng thuộc tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang mở rộng ảnh hưởng tại Libya và bên ngoài lãnh thổ nước này.
Cảnh báo trên được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra ngày 5/3 tại Mauritania trong chuyến công du các nước Tây và Bắc Phi.
Ông Ban Ki-moon nêu rõ tương lai của Libya và sự ổn định của cả khu vực Sahel đang đối mặt với mối đe dọa khủng khiếp từ IS.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh việc trì hoãn giải quyết vấn đề Libya sẽ chỉ làm cuộc khủng hoàng nhân đạo ở đây thêm trầm trọng.
Ông Ban Ki-moon kêu gọi các lực lượng tại Libya phối hợp nhằm thúc đẩy thành lập một chính phủ Libya thống nhất.
Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Lợi dụng tình hình này, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cũng đã bành trướng tại Libya, gây lo ngại cho Mỹ và các nước châu Âu.
Các nước phương Tây đã nhất trí rằng cần phải có các hoạt động quân sự để tiêu diệt IS ở quốc gia Bắc Phi này, song các cường quốc thế giới lại muốn thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc trước khi chính thức can thiệp quân sự chống khủng bố tại Libya.
Tháng trước, Hội đồng Tổng thống, được thành lập hồi tháng 12/2015 theo một thỏa thuận giữa đại diện các bên đối địch tại Libya do Liên hợp quốc làm trung gian, đã đề xuất một chính phủ đoàn kết dân tộc của Libya gồm có 18 thành viên, bao gồm 13 bộ trưởng và 5 quốc vụ khanh.
Nội các được đề xuất trước đó với 32 bộ trưởng đã bị Quốc hội ở Tobruk bác bỏ vì có quá nhiều ghế bộ trưởng.