Tư lệnh Mỹ: Tên lửa Trung Quốc không ngăn được máy bay Mỹ tuần tra Biển Đông
Máy bay tuần biển và săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ
Tên lửa phòng không của Trung Quốc triển khai ở Hoàng Sa không đe dọa cũng như không ngăn cản được máy bay của Mỹ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông, theo Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ.
Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Joseph Aucoin khẳng định, việc triển khai tên lửa phòng không của Bắc Kinh ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng) không ảnh hưởng đến kế hoạch tuần tra của Mỹ ở vùng biển này trong thời gian tới, AP cho hay.
“Chúng tôi sẽ bay, điều tàu và hoạt động ở tất cả khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép, kể cả Biển Đông”, Phó đô đốc Aucoin phát biểu ở Sydney ngày 22.2 với các nhà báo khi đang thăm Úc.
Tư lệnh Aucoin cho rằng tên lửa mà Trung Quốc triển khai ở Biển Đông là “nỗ lực gây bất ổn” cho cả khu vực, đồng thời thúc giục Bắc Kinh minh bạch các dự định của mình.
Tư lệnh Hạm đội 7, hạm đội theo dõi vùng biển từ Ấn Độ đến vùng biển quốc tế ở Thái Bình Dương, nói: “Tôi mong rằng tranh chấp ở Biển Đông không bị xem là cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, và sự hiện diện quân sự của Mỹ không phải sự khiêu khích. Điều chúng tôi muốn làm là đảm bảo các nước bất kể lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu có thể theo đuổi lợi ích của mình dựa trên luật pháp quốc tế”.
Trong hai tháng có đến 42 vụ xả súng kinh hoàng tại Mỹ
Vụ nổ súng mới nhất đã giết chết sáu người và làm bị thương hai người khác ở tiểu bang Michigan (Mỹ).
Đây là vụ thảm sát lần thứ 42 xảy ra tại Mỹ trong năm 2016.
Vụ việc xảy ra vào thứ Bảy (20-2). Jason Dalton, 45 tuổi, bị bắt giữ vì tình nghi nổ súng vào thực khách trong một bữa tiệc buffet. Ngoài ra, trong suốt năm giờ điên loạn, hắn còn bắn súng vào nhà dân và một đại lý xe hơi.
Cuộc tấn công đã trở thành vụ thảm sát lần thứ 24 chỉ riêng trong tháng 2 và là lần 42 trong năm nay (2016) theo Shooting Tracker Mass. Có tổng cộng 30 người đã bị giết chỉ trong năm 2016.
Lực lượng cảnh sát hiện đang điều tra nhà nghi phạm để xác định động cơ vụ thảm sát này. Ảnh minh họa
Xả súng hàng loạt được định nghĩa là tai nạn trong đó bốn người trở lên, bao gồm các tay súng, chết vì súng.
Dalton, được cho là một tài xế Uber, bị cáo buộc giết chết bốn người tại nhà hàng Cracker Barrel và hai người khác tại đại lý xe Seelye Kia. Một nạn nhân còn lại bị thương nghiêm trọng nhưng có hy vọng sống sót.
Lực lượng chức năng hiện đang điều tra tìm kiếm bằng chứng tại nhà Dalton (ở phía tây bắc thành phố Kalamazoo, Michigan) để xác định động cơ đằng sau vụ nổ súng hàng loạt này.
Mỹ - Hàn tập trận giả định chống vũ khí hạt nhân Triều Tiên
Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 24.2 tại căn cứ không quân Mỹ ở bang California - Ảnh minh hoạ: Reuters
Mỹ và Hàn Quốc sẽ tập trận chung tại bang California (Mỹ) từ ngày 24.2 nhằm nâng cao khả năng răn đe chống mối đe doạ từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Đây là cuộc tập trận hằng năm do Uỷ ban chiến lược răn đe (DSC) của 2 nước giám sát. Cuộc tập trận năm nay kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 24.2 tại căn cứ không quân Vandenverg ở bang California, theo Yonhap ngày 22.2 dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, cuộc tập trận sắp tới là dịp để hai nước nghiên cứu kỹ các mối đe doạ tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên nghiêm trọng đến mức nào, qua đó tìm cách đối phó trong thực chiến. Cuộc tập trận này được tiến hành từ khi 2 nước thành lập Uỷ ban chính sách răn đe mở rộng vào năm 2011.
Uỷ ban này được gộp chung cùng Uỷ ban năng lực chống tên lửa để thành lập DSC vào năm 2015. Mục tiêu của DSC là nâng cao khả năng răn đe chống lại mối đe doạ từ vũ khí huỷ diệt hàng loạt, tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên.
Trước việc Triều Tiên gia tăng mối đe doạ từ tên lửa và hạt nhân, Hàn Quốc và Mỹ đã mở rộng quy mô của các cuộc tập trận chung hằng năm, đẩy chúng thành các cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay.
Chuyên gia quốc tế: Trung Quốc sẽ sớm áp đặt ADIZ ở Biển Đông
Trung Quốc ngang ngược bố trí tên lửa phòng không ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị nước này chiếm đóng - Ảnh minh họa: GoogleEarth/FoxtrotAlpha
Sau khi triển khai tên lửa đến Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ làm tương tự với Trường Sa để thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông đúng như kế hoạch của Bắc Kinh đã làm ở biển Hoa Đông.
Giới chức ngoại giao và các chuyên gia an ninh quốc tế đã nhận định như thế về tham vọng của Trung Quốc sau khi triển khai hệ thống tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Theo họ, Bắc Kinh sẽ thực hiện kế hoạch tương tự, tức triển khai hệ thống tên lửa phòng không trên các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo Reuters hôm 21.2.
Trung Quốc sẽ sử dụng các cơ sở phi pháp ở hai quần đảo này như những căn cứ để thực hiện các hoạt động quân sự, đồng thời tăng cường đưa dân đến sinh sống để khẳng định đòi hỏi chủ quyền phi lý của mình.
Trung Quốc làm tất cả những điều đó để tiến tới việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông như đã làm hồi năm 2013 với biển Hoa Đông, nơi họ từng tạo ra tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, Reuters nhận định.
Ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông ở Học viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore, cho biết ông tin chắc rằng loại vũ khí tương tự sẽ được Trung Quốc triển khai ở Trường Sa trong vòng 1 đến 2 năm tới. “Trung Quốc đang muốn khẳng định những cảnh báo của mình (đưa ra trước đây) bằng những khả năng thực tế”, ông Storey nhận xét.
Còn bà Bonnie Glaser, nhà phân tích quân sự ở trung tâm CSIS của Mỹ cũng có nhận định tương tự như ông Storey, và nói thêm rằng chính quyền Bắc Kinh lấy sự hiện diện quân sự của Mỹ như một cái cớ để thúc đẩy và hợp thức hóa kế hoạch của mình. “Kế hoạch đã được sắp đặt, chỉ chờ thực hiện”, bà Glaser phát biểu.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 là vũ khí phòng vệ có ý nghĩa nhất của Trung Quốc được triển khai ở Hoàng Sa, sẽ gây rắc rối cho những cuộc tuần tra của máy bay Mỹ và Nhật, kể cả máy bay ném bom B-52 của Mỹ, các chuyên gia quân sự trong khu vực nhận định. Nó cũng thách thức luôn cả kế hoạch tăng cường phòng thủ quân sự của Việt Nam với đội tiêm kích Su-30 do Nga chế tạo.
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm từ năm 1974 và biến nơi đây thành căn cứ quân sự. Hệ thống phòng thủ trên các đảo ở đây còn bảo vệ cho đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ở đảo Hải Nam. Trong khi đó, các bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa được Bắc Kinh xem như căn cứ quân sự để kiểm soát toàn bộ vùng biển trung tâm của Đông Nam Á.
Wu Shicun, người đứng đầu Học viện quốc gia nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, nói rằng các bài học kinh nghiệm từ việc mở rộng Hoàng Sa sẽ được triển khai ở Trường Sa. Ông ta còn ngang ngược nói rằng “Không có tranh chấp ở Hoàng Sa (?), vì vậy việc triển khai kế hoạch phát triển trên Hoàng Sa diễn ra nhanh hơn và gần như đã hoàn tất”, theo Reuters.
Còn Yanmei Xie, nhà phân tích an ninh ở Bắc Kinh nhận định, với Trường Sa, Trung Quốc thận trọng hơn vì phản ứng của nhiều nước tranh chấp. Tuy nhiên trên thực tế, Bắc Kinh đã triển khai nhiều hệ thống radar và xây đường băng, bất chấp phản đối của các nước.
SIPRI: Mỹ đứng đầu xuất khẩu vũ khí, Việt Nam đứng 8 về nhập khẩu
Giao dịch vũ khí toàn cầu tăng lên trong 5 năm gần đây, từ 2011 - 2015, theo SIPRI. Mỹ vẫn giữ vị trí số 1 về xuất khẩu vũ khí, kế đến là Nga và Trung Quốc. Việt Nam xếp thứ 8 về nhập khẩu vũ khí.
Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thuỵ Điển) ngày 21.2 công bố báo cáo về số lượng buôn bán vũ khí toàn cầu giai đoạn 2011-2015. Theo đó, số lượng vũ khí được buôn bán và trợ cấp tăng 14% so với 5 năm trước đó. Mỹ vẫn là nước xuất khẩu số 1, chiếm 33% tổng khối lượng giao dịch toàn cầu. Nga và Trung Quốc lần lượt xếp sau với 25% và 5,9%.
Vũ khí của Mỹ đã được xuất sang ít nhất 96 nước trong vòng 5 năm qua, 41% trong đó chuyển đến Ả Rập Xê Út và các nước Trung Đông. Giám đốc chương trình nghiên cứu chi tiêu vũ khí và quân sự của SIPRI, bà Aude Fleurant cho rằng trong khi các cuộc xung đột khu vực vẫn tiếp tục gia tăng, Mỹ vẫn giữ vị trí là nhà sản xuất vũ khí dẫn đầu toàn cầu với doanh thu lớn.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu cao cấp Pieter Wezeman của SIPRI cho hay, dù cho giá dầu giảm thấp, lượng lớn vũ khí vẫn được chuyển đến Trung Đông trong 5 năm qua.
Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng (tàu tên lửa lớp Gepard 3.9 do Nga đóng) của Hải quân Việt Nam - Ảnh: Mai Thanh Hải
Nga giữ vị trí số 2 về xuất khẩu vũ khí nhưng mức độ đã giảm trong 2 năm 2014 và 2015, trùng với khoảng thời gian nước này bị phương Tây áp lệnh trừng phạt xung quanh tình hình Ukraine, theo AFP. Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí từ Nga lớn nhất. Ấn Độ cũng là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 14% tổng số lượng giao dịch, gấp đôi nước đứng thứ 2 là Ả Rập Xê Út. Trung Quốc xếp thứ 3 với 4,7%.
Đáng chú ý, Trung Quốc đã vượt qua cả Pháp và Đức trong 5 năm qua (tăng 88% so với 5 năm trước đó) để chiếm vị trí số 3 về xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Phần lớn vũ khí Trung Quốc được bán cho các nước châu Á, và Pakistan là bạn hàng chính. Cùng khoảng thời gian này, lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 25%, đánh dấu sự vươn lên của các sản phẩm “cây nhà lá vườn” Trung Quốc, theo SIPRI.
Việt Nam xếp vị trí thứ 8 trong danh sách nhập khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn 2011-2015, chiếm 2,9% tổng khối lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu, tăng 699% so với 5 năm trước đó. Trong giai đoạn từ năm 2006-2010, Việt Nam chỉ xếp vị trí 43 với 0,4%.
Nhà cung cấp vũ khí chính của Việt Nam trong 5 năm 2011 - 2015 là Nga (93%) với 8 máy bay chiến đấu, 4 tàu tên lửa tấn công nhanh và 4 tàu ngầm trang bị tên lửa tấn công mặt đất. Số tàu chiến và tàu ngầm chiếm 44% tổng số lượng vũ khí Việt Nam nhập khẩu, máy bay chiếm 37%. Báo Đức DW ngày 21.2 nhận xét rằng Việt Nam tăng chi tiêu quốc phòng để bảo vệ chủ quyền biển đảo và đối phó mối đe doạ từ Trung Quốc trên Biển Đông.
(
Tinkinhte
tổng hợp)