Trung Quốc xử phạt gần 300.000 quan chức tham nhũng trong 2015
Mỹ bất ngờ xây sân bay quân sự tại Syria
Tướng lĩnh Trung Quốc thất vọng về ngân sách quốc phòng
IS tung video hành quyết, dọa tấn công ông Putin
Sau Đài Loan, đến lượt Hồng Kông bị Trung Quốc răn đe
Tin thế giới đọc nhanh trưa 07-03-2016
- Cập nhật : 07/03/2016
Khó khăn chất chồng chờ Trung Quốc
Bắc Kinh chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5%-7% trong năm 2016, thấp hơn so mức “trên 7%” được đề ra vào các năm trước đó
Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) của Trung Quốc được kỳ vọng đưa ra các bước ứng phó với khó khăn của nền kinh tế, dập tắt lo lắng sau khủng hoảng tài chính và tình trạng lao động bất ổn do cắt giảm mục tiêu tăng trưởng.
Gánh nặng nợ công
Tại phiên khai mạc ngày 5-3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trình bày Dự thảo phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (từ 2016-2020) lần thứ 13, bao gồm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 và cả giai đoạn 5 năm, hướng đến “một xã hội khá giả” toàn diện.
Cụ thể, Bắc Kinh chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5%-7% trong năm 2016, thấp hơn so với mức trên 7% được đề ra vào các năm trước. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình cho cả giai đoạn 5 năm tới cũng chỉ ở mức trên 6,5%. Bên cạnh đó, chính quyền cam kết sẽ tạo ra hơn 50 triệu việc làm tại các đô thị và số cư dân đô thị chiếm 60% dân số Trung Quốc vào năm 2020.
Tuy nhiên, ông Lý Khắc Cường thừa nhận cần chuẩn bị cho một trận chiến nhiều khó khăn. Hiện Bắc Kinh cố gắng cân bằng giữa tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp yếu kém, trong đó có việc xử lý nợ nần của các công ty “ma” do nhà nước quản lý, hạ tỉ lệ thất nghiệp xuống 4,5% trong năm 2016, đón chào các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân trong một số lĩnh vực.
Để cải thiện môi trường, Bắc Kinh đưa ra tổng mức tiêu thụ năng lượng vào khoảng 5 tỉ tấn than đến năm 2020, cải thiện hiệu quả sử dụng nước. Thế nhưng, các cuộc biểu tình của công nhân bị sa thải dấy lên nghi ngờ liệu Bắc Kinh có thể thành công trong quá trình chuyển đổi kinh tế đầy tham vọng của mình hay không.
Các nhà phân tích cho rằng 6,5% là mức tăng trưởng tối thiểu cần thiết để Trung Quốc đáp ứng mục tiêu tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 2010-2020.
Theo bà Diêu Vĩ, nhà kinh tế học của Ngân hàng Société Generale SA (Pháp), việc đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn để nền kinh tế không bị “sốc” trong ngắn hạn, đồng thời cũng cho thấy các nhà hoạch định chính sách hiểu sự nguy hiểm của tình trạng nợ công quá nhiều. Chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ được sử dụng nhiều hơn nhưng có lẽ cũng chỉ đủ tạm thời ngăn chặn tình trạng kinh tế giảm tốc.
Dư thừa công suất
Trong lúc này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc Trung Quốc công bố mục tiêu tăng trưởng đều đặn mỗi năm là không cần thiết và nên chấm dứt. Lý do, theo họ, là những mục tiêu đó trên thực tế lại gây hại cho nền kinh tế và khuyến khích các quan chức làm sai lệch dữ liệu. Mục tiêu đó chỉ cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghĩ sao về sức khỏe kinh tế đất nước chứ không hề chỉ ra cách thức hoặc các chính sách để chinh phục cột mốc đề ra.
Mặc dù lĩnh vực dịch vụ đang phát triển, Bắc Kinh vẫn phải vật lộn với các khoản nợ công ngày càng chồng chất và tình trạng dư thừa công suất - một di sản của việc chính phủ bơm tiền vào nền kinh tế trong nhiều năm qua để duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Suy yếu của kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trong lúc dòng tiền “chảy” khỏi nước này ngày càng nhiều. Trong bối cảnh đó, mục tiêu tăng trưởng càng khiến những vấn đề này trở nên tồi tệ hơn, như đầu tư lãng phí và gánh thêm nợ nần.
Đề cập mục tiêu GDP, vấn đề trọng tâm của Quy hoạch phát triển 5 năm tới, ông Hàn Manh thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói: “Quá chú trọng vào GDP đã trở thành một thói quen và cần phá bỏ điều đó”. Còn theo chuyên gia kinh tế Kỳ Nguyên Mai của Trung tâm Thông tin nhà nước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên tập trung hơn vào các phép đo giúp cung cấp một bức tranh tổng thể về sức khỏe kinh tế đất nước, như đo chất lượng cuộc sống hoặc sức mua của các hộ gia đình.
Vẫn phải cảnh giác với mưu đồ quân sự hóa Trung Quốc
• Trọng tâm dịch chuyển: TQ tiếp tục xem hải quân và không quân là hai mũi chính đối phó với các mối đe dọa hữu hình đối với các lợi ích TQ như xung đột về quyền kiểm soát ở biển Đông, lãnh thổ Đài Loan có xu hướng độc lập.
Động thái chuyển trọng tâm sang hải quân và không quân đã giải thích phần nào quyết định ngày 3-9-2015 về cắt giảm 300.000 quân của Chủ tịch Tập Cận Bình. Các đối tượng bị cắt giảm chủ yếu từ các đơn vị không chiến đấu và các đơn vị vận hành vũ khí lỗi thời.
• Kiểm soát bầu trời: TQ đã mạnh tay chi tiền mua máy bay tiêm kích Su-27 của Nga, sau đó sao chép công nghệ và chế tạo phiên bản trong nước J-11. Bắc Kinh đã giới thiệu máy bay J-10 do các kỹ sư trong nước thiết kế và chế tạo cũng như nâng cấp và kéo dài thời gian hoạt động của máy bay ném bom H-6.
Hai nguyên mẫu tiêm kích tàng hình cũng đã được thử nghiệm. TQ còn chế tạo các thiết bị bay không người lái có thể ngang ngửa với Predator và Reaper của không quân Mỹ về tốc độ cao, thời gian hoạt động lâu và tấn công các mục tiêu mặt đất bằng tên lửa.
• Lột xác hải quân: Hải quân TQ từ lực lượng tuần tra ven bờ đã dần dần trở thành lực lượng hoạt động xa căn cứ. Dù tàu sân bay Liêu Ninh chưa đủ biên đội máy bay trên boong, tháng 12 năm ngoái TQ công bố đang chế tạo tàu sân bay thứ hai. Trong năm qua, Bắc Kinh cũng đã đóng mới và bổ sung tàu hộ vệ, tàu khu trục, tàu ngầm hạt nhân nhiều hơn hết.
• Bổ sung thêm tên lửa: Bên cạnh lực lượng hạt nhân, TQ đang sở hữu ít nhất 1.200 tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thông thường, tên lửa hành trình đất đối đất và đất đối không, tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đạn đạo có khả năng đánh chìm tàu sân bay. Đây là một trong những mối lo ngại lớn nhất của hải quân Mỹ. Bắc Kinh cũng tiếp tục xây dựng các căn cứ tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở các vị trí chỉ cách eo biển Đài Loan hơn 160 km.
• Chiến thuật đang thay đổi: Cùng với động thái giảm chuẩn bị nguy cơ chiến tranh trên bộ ở châu Á, quân đội TQ đã phát triển hệ thống ngăn chặn can thiệp từ bên ngoài chủ yếu bằng lực lượng tên lửa, tàu ngầm và tác chiến mạng.
Quân đội đã tổ chức lại cơ cấu theo hướng tối ưu hóa hợp đồng binh chủng. Thậm chí TQ đã thay đổi nguyên tắc chính trị khi xây dựng một căn cứ hậu cần hải quân ở Djibouti.
Quá trình hiện đại hóa nêu trên nhằm phục vụ cho cái gọi là yêu sách chủ quyền của TQ trên biển Đông và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Từ đó dẫn tới gia tăng căng thẳng với các nước như Nhật, Mỹ và các nước trong khu vực.
Mỹ sắp có vũ khí đa năng
Nếu kế hoạch diễn ra theo đúng tiến độ, quân đội Mỹ sẽ triển khai vũ khí laser vào năm 2023, mang lại sức mạnh chiến đấu “chưa từng có” cho các lực lượng vũ trang nước này.
Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ mới đây, bà Mary J. Miller - Phó trợ lý Bộ trưởng Lục quân, phụ trách nghiên cứu và công nghệ - cho biết quân đội nước này đang tiến rất gần loại vũ khí laser có sức hủy diệt cao để sử dụng vào mục đích tấn công và phòng thủ.
Theo bà Miller, quân đội Mỹ đang tiến hành thử nghiệm loại vũ khí trên để hiểu rõ về tính năng của chúng trước khi đưa vào sử dụng trong thực tế. “Chúng ta phải chắc chắn rằng vũ khí laser hoạt động hiệu quả và chống lại các mối đe dọa, như rốc két, đạn pháo, máy bay không người lái và tên lửa hành trình” - nữ quan chức này giải thích.
Điểm đặc biệt của loại công nghệ laser này là không chỉ giới hạn trong các hoạt động trên bộ. Hải quân Mỹ đã triển khai một vũ khí laser trên tàu USS Ponce, có khả năng tấn công tàu nhỏ, máy bay không người lái và máy bay nhỏ… Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ cũng cho thử nghiệm loại vũ khí laser dùng trên trực thăng để bảo vệ nó trước mối đe dọa của tên lửa vác vai.
Trong khi đó, Không quân Mỹ dự định trang bị vũ khí laser trên máy bay sớm nhất là vào năm 2020. Vũ khí này, gọi là hệ thống phòng thủ khu vực bằng chùm laser năng lượng cao (HELLADS), đang được phát triển theo sau các cuộc thử nghiệm thành công một nguyên mẫu do hãng General Atomics phát triển. Không dừng lại ở đó, phòng thí nghiệm của lực lượng này còn bắt tay với Tập đoàn Lockheed Martin, Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) và Bộ Quốc phòng Mỹ để phát triển loại “bong bóng” laser phòng thủ 360 độ bao phủ máy bay chiến đấu, giúp chúng trở nên gần như bất khả chiến bại.
“Chúng ta đang chứng kiến công nghệ vũ khí laser đang phát triển và hoàn thiện đến giai đoạn có thể được đưa vào sử dụng trong thực tế” - bà Kelly Hammett, kỹ sư trưởng tại Phòng Nghiên cứu Không quân Mỹ, nhận định. Hãng tin Sputnik (Nga) dẫn lời bà Hammett cho rằng việc sử dụng vũ khí laser báo hiệu sự thống trị của Mỹ trong cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu trong nhiều năm tới. Washington hy vọng những vũ khí thế hệ mới này sẽ làm thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh. Khi đó, chỉ cần một chiến đấu cơ được trang bị vũ khí laser là đủ để tiêu diệt vô số mục tiêu mà không cần tiếp tế đạn dược.
Trung Quốc phản đối Đài Loan “ly khai”
Hôm qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố nước này sẽ phản đối các hoạt động “ly khai” đòi độc lập của Đài Loan cũng như bảo vệ hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan.
Phát biểu tại lễ khai mạc cuộc họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, ông Lý cho biết Trung Quốc vẫn duy trì “chính sách lớn” với Đài Loan.
“Chúng tôi sẽ phản đối các hoạt động ly khai đòi độc lập của Đài Loan, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, duy trì sự phát triển hòa bình của mối quan hệ qua eo biển này và bảo vệ hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan” - ông Lý tuyên bố.
Reuters cho biết ông Lý đã không nhắc trực tiếp đến lãnh đạo mới của Đài Loan sẽ nhậm chức vào tháng 5 là bà Thái Anh Văn. Thủ tướng Lý cho biết Trung Quốc sẽ “phấn đấu để đạt được tiến bộ trong hội nhập kinh tế giữa hai bờ eo biển” và tăng cường giao lưu giữa những người bình thường và thế hệ trẻ.
Trước đó, Bắc Kinh đã nhiều lần đưa ra cảnh báo chống lại bất kỳ động thái nào hướng đến độc lập của Đài Loan kể từ sau chiến thắng vang dội hồi tháng 1 của bà Thái Anh Văn và Đảng Dân tiến (DPP) của bà trong cuộc bầu cử Đài Loan.
Bà Thái nói rằng bà sẽ duy trì hòa bình với Bắc Kinh và phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng lưu ý bà Thái về cam kết duy trì “nguyên trạng” với Trung Quốc.
Reuters cho biết trong suốt 8 năm qua, Đài Loan và Trung Quốc đã duy trì mối quan hệ ổn định sau cuộc bầu cử lãnh đạo thân Trung Quốc Mã Anh Cửu năm 2008 và nhiệm kỳ tái tranh cử của ông.
Hàn - Mỹ hòan thành kịch bản "đánh đòn phủ đầu" Triều Tiên
Hàn Quốc và Mỹ sẽ đưa Kế hoạch tác chiến (OPLAN) 5015 với kịch bản phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt và "đánh đòn phủ đầu" Triều Tiên vào nội dung cuộc tập trận thường niên lớn nhất từ trước tới nay từ ngày 7/3-30/4 tới.
Thông tin trên được một quan chức quốc phòng Hàn Quốc thông báo cho hãng thông tấn Yonhap ngày 6/3, theo đó lần đầu tiên OPLAN 5015, vốn thuộc nội dung cuộc tập trận Người bảo vệ Tự do Ulchi (UFG) hồi năm ngoái, sẽ là một nội dung trong cuộc tập trận Giải pháp Then chốt năm nay.
Ngoài ra, cuộc tập trận đổ bộ Ssangyong (Song Long) diễn ra từ ngày 7-18/3 cũng sẽ được tiến hành với quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của 5.000 lính hải quân và thủy quân lục chiến Hàn Quốc cùng 7.000 lính thủy quân lục chiến Mỹ và 5 tàu đổ bộ.
Quan chức trên cũng cảnh báo trong quá trình diễn ra cuộc tập trận, quân đội Hàn Quốc sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các động thái của quân đội Triều Tiên và "nếu Triều Tiên có các hành động khiêu khích trong quá trình diễn ra cuộc tập trận thì chúng tôi sẽ có hành động đáp trả mạnh gấp 10 lần."
Trong phản ứng mới nhất được cho là nhằm vào cuộc tập trận trên, Yonhap dẫn tuyên bố trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 6/3 cho biết Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ "phá hủy" lãnh thổ Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.
Tờ báo tuyên bố: "Mục tiêu của chúng ta là các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như lãnh thổ Mỹ. Chúng ta (Triều Tiên) có các vũ khí tiên tiến mà không một nước nào trên thế giới có thể sở hữu cho phép tấn công Mỹ theo bất kỳ cách nào mà chúng ta muốn".