Bắc Kinh đang tuyển ngư dân giúp sức thực hiện mưu đồ tiếp tục xâm chiếm Biển Đông. Đây là động thái cho thấy dã tâm ngày càng lớn của nước này trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển.
Tin thế giới đọc nhanh 09-03-2016
- Cập nhật : 09/03/2016
Trung Quốc bị nghi mở rộng bồi đắp trái phép ở Hoàng Sa
Ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc tại Đảo Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: The Diplomat.
Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 2/3 cho thấy Trung Quốc đang nạo vét và bồi đắp trái phép Đảo Bắc, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, The Diplomat hôm qua đưa tin.
Dải đất mới hình thành kết nối Đảo Bắc với Đảo Trung cùng một cấu trúc đá ngầm dài và thẳng. Nó đủ rộng để xây một đường băng và đường lăn song song với nhau, kích cỡ tương đương đường băng và đường lăn mà Trung Quốc xây phi pháp trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Khu vực bồi đắp ở Đảo Bắc cách đảo Phú Lâm khoảng 12 km về phía bắc. Đảo Phú Lâm là nơi Trung Quốc đã xây căn cứ quân sự và đường băng phi pháp. Truyền thông Mỹ tháng trước tố Trung Quốc điều hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 có tầm bắn 200 km đến Phú Lâm, tạo ra mối đe dọa cho mọi loại phi cơ, dù là dân sự hay quân sự, bay gần khu vực.
Hoạt động bồi đắp Đảo Bắc, lần đầu quan sát được trên ảnh vệ tinh ngày 9/1, bao gồm cả nạo vét đá ngầm để tạo vũng tàu đậu. Các tàu nạo vét trong ảnh chụp tháng 1 không còn xuất hiện trong ảnh vệ tinh gần đây nhưng các đường ống hút bùn vẫn còn nguyên. Các tàu không xuất hiện không có nghĩa hoạt động bồi đắp đã dừng lại do dải đất mới vẫn chưa được kiên cố hóa để chống bão.
Hiện vẫn chưa thể xác định mục đích của Trung Quốc trong hoạt động bồi đắp mới, Diplomat cho biết. Nằm ở rìa phía bắc quần đảo Hoàng Sa và cách căn cứ hải quân Yulin, đảo Hải Nam, của Trung Quốc khoảng 300 km về phía đông nam, Đảo Bắc có vị trí thích hợp để đặt các cảm biến giám sát một khu vực mà các tàu nổi và tàu ngầm tại Yulin thường xuyên đi qua.
Bãi đá ngầm gồm Đảo Bắc và Đảo Trung còn có kích thước và vị trí được cho là phù hợp để xây một đường băng. Nó rộng khoảng 5 km2, chỉ nhỏ hơn đảo Phú Lâm một chút. Tuy nhiên, khả năng này có thể không xảy ra do Đảo Bắc khá gần Phú Lâm, nơi đã có một đường băng.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974. Nước này còn thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm chiếm giữ các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đồng thời gửi lên Liên Hợp Quốc. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trung Quốc dọa Mỹ sẽ phải trả giá đắt ở biển Đông
Phát biểu bên lề phiên họp quốc hội tại Bắc Kinh, ông Thôi nói rằng cả Mỹ và Trung Quốc cần phải tránh những phán xét sai lầm về mặt chiến lược. Vị quan chức nhấn mạnh Mỹ từng mắc những sai lầm như vậy trước đây và phải trả cái giá rất đắt trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
"Đây là một ví dụ khác về việc phán xét sai lầm. Tôi kêu gọi Mỹ không lặp lại những sai lầm của nước này trong quá khứ" - ông Thôi nói.
Theo ông Thôi, ở Mỹ hiện tồn tại một quan điểm cho rằng Trung Quốc muốn thách thức quyền bá chủ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương thông qua loạt hành động ở biển Đông. Những hành động này của Trung Quốc bao gồm xây các đảo nhân tạo trái phép và cơ sở quân sự trên các đảo như đường băng, thậm chí còn triển khai tên lửa.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 7-3 nói rằng Bắc Kinh "hy vọng không quốc gia nào sẽ tham gia vào một cuộc phô diễn vũ lực trong khu vực bởi nó sẽ không giúp ích cho tình hình hiện nay".
Tuyên bố của ông Vương hoàn toàn trái ngược với những gì Trung Quốc đã làm khi Bắc Kinh gần đây triển khai trái phép tên lửa và các chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khiến các nước trong và ngoài khu vực quan ngại.
Các tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh nhóm tàu sân bay Mỹ John C. Stennis vừa tiến hành tuần tra ở biển Đông từ ngày 1-3 đến ngày 6-3. Sĩ quan chỉ huy con tàu ông Greg Huffman cho biết ông chưa từng thấy tàu Trung Quốc hoạt động xung quanh nhiều như vậy.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ tiến hành tuần tra biển Đông như một động thái để thách thức các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở vùng biển khu vực. Hồi cuối tháng 10-2015 và hôm 30-1-2016, Hải quân Mỹ từng thực hiện hai cuộc tuần tra tương tự như vậy.
Thổ Nhĩ Kỳ đòi thêm 3 tỉ euro để giúp EU
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7-3 đòi EU hỗ trợ thêm 3 tỉ euro để đổi lấy những biện pháp ngăn người di cư vào châu Âu.
Ngoài ra, Ankara còn muốn châu Âu miễn thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳvào tháng 6 này, thay vì cuối năm.
Những đòi hỏi trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ nhận lại hàng ngàn di dân và ngăn những người khác khởi hành đến châu Âu.
Trước thềm cuộc gặp, EU chỉ mới cam kết hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỉ euro, và đẩy nhanh thương thảo về vấn đề Ankara gia nhập EU.
Kết quả là hội nghị thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ đã khép lại mà không có quyết định nào được đưa ra liên quan đến giải pháp đối phó cuộc khủng hoảng di dân.
Hai bên cho biết nhất trí về những nguyên tắc chung của kế hoạch nhưng cần thêm thời gian để bàn về chi tiết thỏa thuận.
Các cuộc hội đàm dự kiến sẽ tiếp tục trước thềm hội nghị cấp cao EU dự kiến diễn ra vào 2 ngày 17 và 18-3 tới.
Hội nghị thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ đã khép lại mà không có quyết định nào được đưa ra liên quan đến giải pháp đối phó cuộc khủng hoảng di dân. Ảnh: AP
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nơi trú chân của khoảng 2,7 triệu người tị nạn, phần lớn từ Syria, và là một đối tác quan trọng của EU trong nỗ lực ngăn người di cưkhông lên những con thuyền tạm bợ để băng qua biển đến Hy Lạp - một tuyến đường ngắn nhưng thường nguy hiểm.
“Ðể tránh không xảy ra việc người tị nạn kéo tới Hy Lạp, chúng ta phải hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ” - Tổng Thống Pháp Francois Hollande phát biểu khi đến tham dự cuộc họp thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ tại Brussels – Bỉ ngày 7-3. “Hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận bất cứ điều gì. Báo chí phải được tự do ở khắp mọi nơi, kể cả ở Thổ Nhĩ Kỳ” - ông Hollande khẳng định.
Tuyên bố trên của ông Hollande nhằm nhắc đến việc cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bố ráp tòa soạn báo Zaman đối lập sau khi phán quyết của tòa án đặt báo này dưới sự kiểm soát của nhà nước. Trong khi đó, Thủ tướng Ahmet Davutoglu nói với các phóng viên rằng Thổ Nhĩ Kỳ “sẵn sàng làm việc với EU và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẵn sàng để trở thành một thành viên của EU”.
Macedonia, quốc gia nằm sát Hy Lạp ở phía Bắc, đã khóa chặt cửa vào vùng Balkan, chỉ để cho một số rất nhỏ đi ngang qua. Ðây là điều được sự hậu thuẫn của Áo, Croatia, Slovenia và Hungary nhưng tạo thêm áp lực lên Hy Lạp vì không còn chỗ để tiếp nhận thêm người mới tới.
Hàng trăm ngàn người dùng con đường này để đến những địa điểm ưa thích hơn, như Ðức hoặc các quốc gia vùng Scandinavia.
Trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh này, khoảng 13.000 đến 14.000 người chờ đợi tại biên giới Hy Lạp để được vào Macedonia.
Nga: Lời đe dọa của Triều Tiên là "không thể chấp nhận được"
Bộ trưởng Ngoại giao Nga ngày 7-3 lên án việc Triều Tiên đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu Hàn Quốc và Mỹ là "không thể chấp nhận được" và kêu gọi các bên kiềm chế.
"Chúng tôi xem tuyên bố công khai (của Triều Tiên) về việc tấn công hạt nhân phủ đầu là một lời đe dọa không thể chấp nhận được" - Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
AFP cho biết lời đe dọa tấn công của Bình Nhưỡng đưa ra chỉ vài giờ trước khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn thường niên.
"Bình Nhưỡng phải nhận ra rằng làm như vậy là Triều Tiên đã dứt khoát quay lưng với cộng đồng quốc tế và tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng vũ lực quân sự để chống lại nước này" - Bộ Ngoại giao Nga cho biết và nói thêm, Nga kêu gọi các bên "thận trọng và kiềm chế" để tránh leo thang căng thẳng và biến thành một cuộc xung đột vũ trang.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang tăng nhiệt, đặc biệt sau vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Bình Nhưỡng hồi đầu năm nay.
Triều Tiên cũng bày tỏ sự giận dữ trước lệnh trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc khi lãnh đạo Kim Jong Un ra lệnh kho vũ khí hạt nhân phải trong tình trạng sẵn sàng cho việc tấn công phủ đầu bất cứ lúc nào.
Cuối tuần trước Nga cũng đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc của nước này đối với mệnh lệnh khiêu khích của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Hàn Quốc tố Triều Tiên đột nhập mạng hệ thống đường sắt
Theo Reuters, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc hôm nay cho biết họ đã can thiệp âm mưu tấn công mạng nhằm vào các nhân viên đường sắt và phong tỏa tài khoản thư điện tử của họ.
Cơ quan này phát thông báo sau cuộc họp khẩn với các cơ quan chính phủ khác về mối đe dọa trước các cuộc tấn công mạng của Triều Tiên. Cơ quan phát hiện Triều Tiên có âm mưu tấn công mạng các nhân viên thuộc hai mạng lưới đường sắt khu vực trong năm nay. "Động thái là một bước chuẩn bị cho cuộc khủng bố mạng nhằm vào hệ thống kiểm soát giao thông đường sắt", cơ quan nói.
Hàn Quốc không nói mục tiêu cụ thể của Triều Tiên là gì khi tấn công mạng hệ thống. Một quan chức thuộc cơ quan tình báo này từ chối bình luận khi được tiếp cận.
Triều Tiên đã làm việc trong nhiều năm để phát triển khả năng làm gián đoạn hay phá hủy các hệ thống máy tính kiểm soát dịch vụ công như điện tử viễn thông và các dịch vụ khác, theo một người bỏ trốn khỏi Triều Tiên.
Mỹ cáo buộc Triều Tiên tấn công mạng Sony Pictures năm 2014, làm hãng phim này phải hủy ra mắt bộ phim hài giả tưởng về âm mưu ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc.
Mối lo ngại về những cuộc tấn công hệ thống máy tính Hàn Quốc dấy lên khi quân đội Hàn Quốc và Mỹ tập trận quân sự quy mô lớn, hoạt động Triều Tiên lên án là "động thái chiến tranh hạt nhân", và đe dọa phản ứng bằng cuộc tấn công quân sự tổng lực.