Tổng thống Poroshenko muốn EU và Mỹ hỗ trợ lấy lại Crimea
Ngành du lịch Indonesia lo lắng sau vụ tấn công Jakarta
Goldman Sachs nộp phạt hơn 5 tỷ USD do gian dối trong tiếp thị
Trung Quốc bắt đầu mua dầu xuất khẩu của Mỹ
Tập đoàn khí đốt Naftogaz mua 1,7 tỷ m3 khí đốt của châu Âu
Tin thế giới đọc nhanh chiều 08-03-2016
- Cập nhật : 08/03/2016
Bolivia ký thỏa thuận thí nghiệm hạt nhân 300 triệu USD với Nga
Tổng thống Bolivia Evo Morales ngày 6-3 cho biết đã ký thỏa thuận trị giá 300 triệu USD với Nga để xây phòng thí nghiệm nghiên cứu hạt nhân tầm cỡ thế giới tại quốc gia Nam Mỹ này.
"Hiện chúng tôi có thể tiến hành các dự án hợp tác lớn, trong trường hợp này là với Nga cũng như thỉnh thoảng với Trung Quốc và châu Âu" - tổng thống Morales nói trong buổi lễ ký kết thỏa thuận.
AFP cho biết dự kiến phòng thí nghiệm sẽ đi vào hoạt động khoảng 4 năm nữa và nằm bên cạnh nhà máy công nghệ của Nga ở El Alto, gần thủ đô La Paz.
Phòng thí nghiệm bao gồm các hoạt động nghiên cứu y khoa, an toàn thực phẩm và nghiên cứu hạt nhân "với mục đích phi bạo lực". Một cơ quan nhà nước mới tại Bolivia sẽ phụ trách dự án phòng thí nghiệm này.
"Thật tốt khi một số đối tác đến đây đầu tư và hợp tác chứ không phải để gây hấn và khiêu khích" - ông Morales ngầm ám chỉ Mỹ. Tổng thống Morales thường cáo buộc Mỹ phá hoại các nỗ lực của chính phủ cánh tả của ông.
Cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng trước là thất bại đầu tiên của ông Morales sau một thập kỷ nhậm chức.
Tổng thống Morales (56 tuổi) là lãnh đạo phục vụ lâu nhất tại Bolivia kể từ khi nước này độc lập khỏi Tây Ban Nha hồi năm 1825.
Hàn Quốc dọa đáp trả 'tàn nhẫn' nếu Triều Tiên khiêu khích
Tàu đổ bộ và tàu ngầm Hàn Quốc ở phía đông nam cảng Pohang ngày 7.3.2016 tham gia tập trận chung với Mỹ - Ảnh: AFP
Bầu cử Mỹ 2016: Cuộc chiến 1 chọi 1 của Đảng Cộng hòa
Ứng viên Ted Cruz của Đảng Cộng hòa có cú lội ngược dòng ngoạn mục trong đợt bỏ phiếu “siêu thứ bảy” ngày 5-3 với năm bang của Mỹ đi bầu.
Về phía Đảng dân chủ, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton vẫn giữ được ưu thế trên đường đua.
Theo Reuters, ông Cruz giành chiến thắng tại hai bang Kansas và Maine sau một kết quả không mấy khả quan trong đợt bỏ phiếu “siêu thứ ba” 1-3, trong khi tỉ phú Donald Trump thắng ở Louisiana và Kentucky.
“Điều chúng ta đang chứng kiến ở Kansas là một sự chuyển biến” - Đài CNN dẫn lời ông Cruz, khẳng định kết quả “siêu thứ bảy” đánh dấu sự xoay trục trong cuộc đua của Đảng Cộng hòa.
Dù thượng nghị sĩ Texas giành nhiều đại biểu hơn ông Trump trong ngày thứ bảy, nâng số phiếu tổng cộng lên 295, nhưng vẫn chưa đủ hất vị tỉ phú bất động sản có 378 phiếu khỏi vị trí dẫn đầu trong cuộc đua.
“Tôi đã cạnh tranh cả đời mình nhưng không có gì thú vị hơn điều này” - ông Trump bình luận trong cuộc họp báo ở Florida.
Nhà tỉ phú Mỹ cũng kêu gọi ứng viên thứ ba của Đảng Cộng hòa Marco Rubio bỏ cuộc sau “một đêm rất tệ hại” và tuyên bố muốn “một chọi một” với ông Cruz.
Giới phân tích dự đoán sự trở lại của ông Cruz sẽ giúp ông tiếp tục cạnh tranh với tỉ phú Trump tại cuộc bỏ phiếu ở Michigan cùng ba bang khác là Mississippi, Idaho và Hawaii vào thứ ba tuần sau, và cuộc bỏ phiếu ngày 15-3 của các bang lớn như Florida, Ohio.
“Kết quả ngày thứ bảy củng cố lập luận của ông Cruz rằng ông là ứng viên duy nhất có thể thách thức ông Trump, trong khi Marco Rubio và John Kasich vẫn hít khói đằng sau” - nhà phân tích Anthony Zurcher của BBC bình luận sau khi hàng loạt nỗ lực của các thành viên Cộng hòa không thể cản bước nhà tỉ phú.
Theo giới quan sát, đợt bỏ phiếu cuối tuần qua cũng cho thấy rõ điểm yếu của ông Trump tại các cuộc bỏ phiếu dạng họp kín vốn chỉ giới hạn cho các thành viên đã đăng ký của Cộng hòa và mở ra cơ hội cho ông Cruz trong lộ trình bỏ phiếu sắp tới.
Ở phía Dân chủ, thượng nghị sĩ Bernie Sanders chiến thắng tại bang Kansas và Nebraska, trong khi cựu ngoại trưởng Clinton giành chiến thắng quyết định tại bang đông phiếu đại biểu Louisiana.
Phát biểu sau chiến thắng tại Kansas, ông Bernie Sanders cho biết thắng lợi này của ông có nghĩa như cuộc “cách mạng chính trị”.
Giới quan sát nhận định dù ông Sanders có thể vượt qua bà Clinton ở những bang nhỏ nhưng cựu ngoại trưởng Mỹ sẽ tiếp tục có ưu thế lớn ở những bang miền nam đa sắc tộc như Louisiana.
Tuy nhiên, ông Sanders cho thấy ông sẽ không dễ dàng từ bỏ cuộc đua. “Chúng ta đang trên đà chiến thắng. Chiến dịch của chúng ta chỉ mới bắt đầu” - Reuters dẫn lời ông Sanders khẳng định.
Sau cuộc bỏ phiếu, bà Clinton hiện vẫn an toàn với 1.121 phiếu đại biểu, cách biệt so với 479 phiếu của ông Sanders.
Nói về các đối thủ bên Cộng hòa, bà Clinton thậm chí còn tự tin hơn khi tuyên bố “dù ai giành được vị trí ứng viên Dân chủ, tôi không mảy may nghi ngờ rằng trong ngày tệ hại nhất của mình, chúng tôi còn tốt hơn các ứng viên Cộng hòa trong những ngày mạnh nhất”.
Lại có thêm ứng viên thủ tướng Ukraine
Lãnh đạo đảng Cấp tiến của Ukraine, Oleg Lyashko nói ông sẵn sàng làm thủ tướng mới nếu việc ứng cử được các đồng nghiệp trong quốc hội ủng hộ, theo RIA 7.3.
"Tôi sẵn sàng làm thủ tướng. Đảng của chúng tôi chỉ có 20 nghị sĩ, nhưng chúng tôi có một chương trình hành động ưu việt... Nếu các đối tác liên minh ủng hộ chương trình này, chúng tôi sẽ nhanh chóng nâng nền kinh tế Ukraine, và quan trọng nhất là tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao mức sống cho người dân”, ông Lyashko phát biểu trên kênh truyền hình 112 Ukraine.
Lyashko cho biết ông dứt khoát chống lại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng lần thứ hai. "Tôi tin rằng ngay bây giờ chúng tôi đã sẵn sàng lập một liên minh trong quốc hội và thành lập chính phủ mới", ông nói.
Bình luận về những thông tin cho rằng ông muốn trở thành người phát ngôn của quốc hội, Lyashko nói: "Chúng tôi mong muốn nhiều hơn so với cái ghế phát ngôn viên".
Trước đó, các phương tiện truyền thông đưa tin Bộ trưởng Tài chính Ukraine, bà Natalia Yaresko đã đồng ý làm Thủ tướng nhưng với một số điều kiện, chẳng hạn không quy định chính đảng đối với thành viên nội các, Quốc hội không được gây áp lực chính trị lên Chính phủ, các đảng phái không được cản trở đường lối của Chính phủ...
Sự thất bại của cuộc bỏ phiếu hôm 16.2 cho việc giải tán nội các của thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong Quốc hội Ukraine. Nhiều nghị sĩ thuộc đảng Tổ quốc và đảng Tự lực đã từ chức, mà thiếu họ thì không có đủ phiếu để thông qua luật. Theo Hiến pháp Ukraine, nếu các nghị sĩ không tạo ra một liên minh mới trong vòng 30 ngày, tổng thống có thể giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trước đây đã cho biết ông sẽ không cho phép bầu cử sớm, vì cho rằng làm như vậy cũng sẽ không chọn được những nghị sĩ tốt nhất cho Quốc hội. Ông ủng hộ việc thay đổi thành phần chính phủ, còn những người thuộc phe của ông thì yêu cầu giải tán nội các và cách chức thủ tướng đương nhiệm.
Nhật Bản sẽ không khoan dung với sự "khiêu khích" của Triều Tiên
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho hay nước này sẽ không khoan dung với sự "khiêu khích" của Triều Tiên.
Binh sỹ quân đội Triều Tiên gác trên con tàu trên sông Yalu tại thị trấn biên giới Sinuiju. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo Kyodo, Nhật Bản ngày 7/3 đã đề nghị Triều Tiên không thực hiện các hành động khiêu khích sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ "phát động cuộc tấn công toàn diện" nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc do các cuộc tập trận thường niên lớn nhất của hai nước đồng minh bắt đầu vào sáng cùng ngày.
Phát biểu tại họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho hay nước này "không bao giờ khoan dung những hành động khiêu khích của Triều Tiên" nhằm đáp trả một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với nước này và các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, ý nói nghị quyết trừng phạt được thông qua hôm 2/3 do vụ thử hạt nhân thứ 4 hồi tháng Một và vụ phóng tên lửa đạn đạo hồi tháng Hai của Triều Tiên.
Ông Suga chỉ trích Triều Tiên không từ bỏ các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa bất chấp những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.
Ông Suga còn cho biết trong khi phối hợp chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc và các nước liên quan khác, Nhật Bản đang tập trung thu thập và phân tích thông tin về các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.