Nhóm tàu sân bay Mỹ rời Biển Đông
Nga không giảm chi cho vũ khí
Hải quân Trung Quốc tiếp nhận ba tàu đổ bộ xe tăng
Trung Quốc nói Nhật Bản ‘hai mặt’
Giao tranh ở biên giới Tunisia, 53 người chết
Tin thế giới đọc nhanh 08-03-2016
- Cập nhật : 08/03/2016
Tàu ngầm Ấn Độ làm nóng cuộc đua vũ khí dưới lòng biển
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân INS Arihant của Ấn Độ trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: Reuters
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân INS Arihant, với lượng giãn nước 6.000 tấn, được phát triển suốt ba thập kỷ qua trong một chương trình bí mật của chính phủ Ấn Độ, đang hoàn tất các khâu thử nghiệm cuối cùng ở vịnh Bengal, Bloomberg dẫn lời một sĩ quan cấp cao Ấn Độ giấu tên cho biết.
Theo Economic Times, INS Arihant sẽ trang bị tên lửa K-15, tầm bắn 750 km và tên lửa đạn đạo K-4, tầm bắn 3.500 km. Cả hai vũ khí trên đều có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
INS Arihant do hải quân Ấn Độ vận hành nhưng đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Cơ quan Chỉ huy Hạt nhân do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu.
Việc triển khai tàu ngầm sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ đưa Ấn Độ trở thành cường quốc nắm trong tay bộ ba hạt nhân chiến lược, với khả năng khai hỏa vũ khí hạt nhân từ cả trên bộ, trên không và trên biển.
Giới chuyên gia lo ngại động thái này còn có thể thúc đẩy Trung Quốc thực hiện những biện pháp nhằm củng cố sức mạnh dưới đáy biển, cũng như hỗ trợ các đồng minh hạt nhân là Pakistan và Triều Tiên phát triển những công nghệ tương tự, tiềm ẩn nguy cơ tạo ra thêm những mối bất đồng nguy hiểm tại vùng biển châu Á, nơi các tranh chấp chủ quyền đã dẫn tới cuộc chạy đua tăng cường năng lực hải quân trên khắp khu vực.
Căng thẳng gia tăng
"Chúng ta nhiều khả năng sẽ phải chứng kiến thêm nhiều cuộc xung đột ở những vùng biển nhỏ trong khu vực như Biển Đông hay vịnh Bengal", Iskander Rehman, nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại Chương trình Chính sách Đối ngoại thuộc Viện Brookings, Mỹ, nhận xét.
"Căng thẳng chắc chắn sẽ nảy sinh từ những cuộc chạm trán dưới đáy biển, đặc biệt là khi cả tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân lẫn tàu ngầm sở hữu vũ khí quy ước đang xuất hiện ngày càng dày đặc khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Rehman cho biết thêm.
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều chủ trương theo đuổi chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, nghĩa là chỉ đáp trả sau khi bị tấn công hạt nhân. Trên lý thuyết, những nỗ lực trang bị vũ khí hạt nhân cho tàu ngầm chủ yếu nhằm ngăn ngừa chiến tranh xảy ra bằng cách răn đe đối phương. Tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo được nhìn nhận là đã đóng vai trò răn đe tương tự trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Mỹ, Anh, Pháp, Nga và gần đây nhất là Trung Quốc đã đưa tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân vào hoạt động.
Bộ Chỉ huy Chiến lược và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ tiết lộ tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân Trung Quốc bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu từ năm ngoái song Bắc Kinh không đưa ra thông báo chính thức về các lần tuần tra này.
"Trước những khả năng đã được biết đến của Trung Quốc cũng như các nỗ lực nhằm phát triển năng lực răn đe trên biển của nước này, có thể thận trọng giả định rằng những chuyến tuần tra kiểu như vậy đang xuất hiện", Washington Times dẫn lời người phát ngôn Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ Pamela Kunze nói.
Dù vậy, cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ cho phép họ xây dựng năng lực răn đe hạt nhân đủ tin cậy. Tàu ngầm của họ vẫn quá ồn và dễ bị phát hiện, khiến chúng khó được xem là có năng lực "tấn công lần hai", tức đáp trả bằng hạt nhân sau khi bị đối phương tấn công hạt nhân phủ đầu, theo một báo cáo đưa ra hồi năm ngoái của Viện Chính sách Quốc tế Lowy, Australia.
Điều khiến giới chuyên gia lo ngại hơn là việc Pakistan và Triều Tiên, hai đối tác của Trung Quốc, đều từ chối thực hiện chính sách không tấn công hạt nhân trước. Nhiều dấu hiệu còn cho thấy hai quốc gia này đang ngày càng lộ liễu hơn khi theo đuổi việc triển khai vũ khí hạt nhân trên biển.
Pakistan năm ngoái hoàn tất thương vụ mua 8 tàu ngầm quy ước từ Trung Quốc, làm dấy lên những mối quan ngại cho rằng chúng có thể được lắp đặt tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân.
Triều Tiên cũng tuyên bố đang thử nghiệm tàu ngầm phóng tên lửa, đồng thời khẳng định đã phát triển thành công công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa.
Trong khi đó, theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện sở hữu ít nhất 62 tàu ngầm, trong đó 4 tàu có khả năng phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân.
"Một giai đoạn bất ổn kéo dài sẽ bắt đầu nếu Trung Quốc và Ấn Độ triển khai tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân trên tàu ngầm", báo cáo của Viện Lowy nhấn mạnh. "Các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân Trung Quốc và Ấn Độ, hay tàu ngầm của Pakistan và Triều Tiên, vẫn dễ dàng bị đối phương phát hiện. Thực tế này khiến hoạt động của chúng trở nên khó lường trong những thời điểm khủng hoảng. Hơn nữa, những lực lượng mới, được giả định là giúp bình ổn tình hình kể trên, còn có nguy cơ làm trầm trọng hơn các căng thẳng trên biển".
Giới quan sát suy đoán Trung Quốc thậm chí đang lên kế hoạch biến các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông thành căn cứ cho hạm đội tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân.
Mặc dù gặp nhiều trở ngại, Ấn Độ vẫn đang đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển vũ khí trang bị cho tàu ngầm. Báo The Hindu dẫn lời một cố vấn khoa học của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho hay nước này năm 2013 đã phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo K-15 từ tàu ngầm.
Tháng 9 năm ngoái, Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố sẵn sàng đưa vào sử dụng tên lửa đạn đạo K-4 phóng từ tàu ngầm.
Theo Jon Grevatt, nhà phân tích công nghiệp quốc phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ tạp chí IHS Jane’s, Ấn Độ cần chứng tỏ cho thế giới thấy họ hoàn toàn có khả năng điều động tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân một cách hiệu quả. Cột mốc quan trọng này sẽ là một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm bảo đảm an ninh cho Ấn Độ, ông Grevatt bình luận.
"Tàu ngầm INS Arihant là bàn đạp đối với Ấn Độ nhưng tôi không nghĩ nó sẽ thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, trừ phi Ấn Độ có 4 - 5 chiếc như vậy", Grevatt nói.
Nga cắt giảm ngân sách quốc phòng lớn nhất kể từ năm 2000
Theo Reuters, hãng tin RIA dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Tatiana Shevtsova cho biết Moskva sẽ cắt giảm 5% ngân sách quốc phòng trong năm 2016.
Biện pháp trên, nếu được Tổng thống Vladimir Putin chấp thuận, sẽ là lần cắt giảm chi tiêu quốc phòng lớn nhất kể từ khi ông Putin cầm quyền năm 2000.
Việc Moskva tăng chi tiêu quốc phòng trong thời gian qua là một phần kế hoạch của Tổng thống Putin nhằm khôi phục sức mạnh quân sự của Nga.
Tuy nhiên, quyết định cắt giảm tới 5% nói trên cho thấy ngay cả các lực lượng vũ trang cũng không tránh khỏi những tác động từ nền kinh tế phát triển chậm chạp của Nga, vốn đang chao đảo do tình trạng giá dầu lao dốc và các biện pháp trừng phạt của Phương Tây.
Hồi năm 2011, khi giữ chức Thủ tướng Nga, ông Putin đã công bố kế hoạch "hồi sinh" quân đội bằng việc chi 23.000 tỷ rouble (khoảng 320 tỷ USD) đến năm 2020.
Triều Tiên dọa tấn công hạt nhân 'ồ ạt' Mỹ - Hàn
Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ tiến hành cái mà họ gọi là "một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu vì công lý" nhằm chống lại Mỹ và Hàn Quốc, AFP trích thông báo của Ủy ban Quốc phòng, dẫn lời Tư lệnh Tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên, cho hay.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lệnh cho lực lượng vũ trang sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào và đặt quân đội trong tư thế tấn công phủ đầu. Động thái này chủ yếu nhằm phản ứng trước những biện pháp trừng phạt mới mà Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa mà Bình Nhưỡng thực hiện hai tháng qua.
Bình Nhưỡng trước đây cũng từng nhiều lần ban bố cảnh báo tấn công hạt nhân, thường là trong những giai đoạn mà căng thẳng quân sự gia tăng trên bán đảo.
Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên miêu tả cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn chính là "một bài diễn tập chiến tranh hạt nhân không che giấu" đe dọa tới chủ quyền quốc gia của nước này, đồng thời thề sẽ đáp trả bằng một cuộc tấn công toàn diện ngay cả với những "hành động quân sự nhỏ nhất".
"Một cuộc tấn công hạt nhân ồ ạt sẽ cho những kẻ ham thích xâm lược và chiến tranh kia thấy dũng khí quân sự của Triều Tiên", thông báo nhấn mạnh. Theo một kế hoạch do lãnh đạo Triều Tiên phê chuẩn, các cuộc tấn công sẽ không chỉ nhắm mục tiêu vào những cứ điểm trên bán đảo Triều Tiên mà còn vươn xa tới những cơ sở Mỹ trên đất liền cùng nhiều khu vực khác ở châu Á - Thái Bình Dương.
"Nếu chúng ta nhấn nút tiêu diệt đối phương vào lúc này, tất cả các căn cứ của những kẻ khiêu khích sẽ bị nhấn chìm dưới đáy biển và tan thành tro bụi chỉ trong chớp mắt", thông báo khẳng định.
Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc được chia làm hai phần, gồm Giải pháp Then chốt và Đại bàng Non, sẽ bắt đầu từ hôm nay, kéo dài tới ngày 30/4. Đây là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất kể từ sau vụ việc Bình Nhưỡng dùng ngư lôi tấn công tàu hộ tống Cheonan của Seoul hồi năm 2010. Sự kiện năm nay quy tụ hơn 300.000 binh sĩ Hàn Quốc, 15.000 binh sĩ Mỹ, cùng hàng loạt khí tài hiện đại.
Theo một quan chức cấp cao Hàn Quốc, trong khuôn khổ cuộc tập trận Giải pháp Then chốt, quân đội hai nước sẽ thực hành Kế hoạch Tác chiến 5015 (OPLAN 5015) với kịch bản triển khai giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt và đánh phủ đầu Triều Tiên.
Hàng trăm người Ukraine tấn công sứ quán Nga
Những người này hôm qua còn đốt cờ Nga, ném trứng và đá vào hình Tổng thống Nga Vladimir Putin trong sứ quán, một người mặc đồ rằn ri trèo qua hàng rào để ném đá vào cửa sổ của tòa nhà, theo AP.
Trước đó họ tham gia cuộc biểu tình với khoảng 2.000 người tại Quảng trường Tự do. Cảnh sát được ghi nhận có mặt ở hiện trường nhưng không can thiệp.
Đại sứ quán Nga cho hay, đêm 5/3 có một số người cũng mặc đồ ngụy trang mang theo gậy bóng chày phá hoại ba chiếc xe, ném bom khói. Cơ quan này đã gửi thông báo chính thức về cuộc biểu tình tới Bộ Ngoại giao Ukraine.
Nữ phi công Savchenko, 34 tuổi, bị Nga bắt giữ hồi tháng 6/2014 cùng một tiểu đội tình nguyện chống lại các phiến quân ở đông Ukraine. Cô đang bị xét xử với cáo buộc là một người nhận dạng mục tiêu trên máy bay, vượt qua biên trái phép, liên quan đến vụ giết hại hai nhà báo Nga và một số dân thường.
Savchenko hôm 3/3 tiếp tục tuyệt thực sau khi thẩm phán hoãn phiên tòa trong một tuần mà không cho phép cô đưa ra tuyên bố cuối cùng. Các ủy viên công tố đề nghị kết tội Savchenko và kết án 23 năm tù. Việc tuyên án dự kiến được đưa ra cuối tuần này.
RT dẫn lại lời Oleg Grishin, phát ngôn viên của Đại sứ quán Nga tại Kiev cho hay một nhóm người đeo mũ kín đã dùng gậy bóng chày cùng bom khói tấn công vào sáng sớm ngày 6/3.
Lực lượng an ninh của sứ quán đã bắn chỉ thiên nhằm ngăn những người này. Đoạn video trên Youtube cho thấy những người tấn công do "việc giam giữ trái phép" Savchenko và nhắm tới những chiếc xe mang biển D001 "thuộc về các quan chức Kremlin". Cảnh sát Ukraine đã tiến hành điều tra hình sự.
Đến chiều qua, khoảng 100 người vẫn tụ tập trước đại sứ quán, một số người ném trứng. Họ vẫy cờ Ukraine cùng biểu ngữ "Hãy thả Nadezhda". Đám đông sau đó ném đá khiến một số cửa sổ và camera an ninh bị vỡ.Savchenko từng tuyệt thực 83 ngày để đòi được thả. Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng gửi đề nghị tới điện Kremlin nhưng không có kết quả.
Trung Quốc khóa dòng tiền vào Triều Tiên
Theo tờ Tokyo Shimbun, bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã khóa các hoạt động chuyển tiền Nhân dân tệ và USD vào Triều Tiên. Động thái này nằm trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với quyết định thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên đầu năm nay.
Tháng 2-2016, một số ngân hàng Trung Quốc đã đóng băng nhiều tài khoản tiết kiệm và chuyển khoản của Triều Tiên tại nước này, theo RT.
Tờ Tokyo Shimbun cho biết Bắc Kinh đã khóa các hoạt động chuyển khoản vào Triều Tiên thông qua bốn ngân hàng quốc gia: Ngân hàng Trung Quốc (BOA), Ngân hàng Xây dựng (CB), Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại (ICB) và Ngân hàng Nông nghiệp (AB).
Ngân hàng Trung Quốc (BOA) nằm trong số bốn ngân hàng quốc gia khóa dòng tiền vào Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Thời gian quan, Washington và cộng đồng quốc tế đã cáo buộc Triều Tiên sử dụng các công nghệ tên lửa đạn đạo bị cấm trong các đợt tập trận tháng 1 và tháng 2-2016. Phía Bình Nhưỡng vẫn một mực phủ nhận các cáo buộc này.
Hôm 2-3, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Danh sách trừng phạt mới cũng bao gồm lệnh cấm cung cấp nhiên liệu hàng không cho Bình Nhưỡng. Mọi chuyến hàng đến Triều Tiên cũng bị yêu cầu khám xét.
Các biện pháp trừng phạt mới cũng nhắm đến hoạt động xuất khẩu khoáng sản của Triều Tiên. Xuất nhập khẩu vũ khí của Triều Tiên cũng nằm trong danh sách cấm. Nhiều tổ chức và cá nhân của Triều Tiên cũng lọt vào danh sách đen của LHQ.