Mỹ có thể triển khai pháo di động đến biển Đông
Tại sao tàu chiến Trung Quốc thăm Thái Lan và Campuchia?
Sĩ quan Triều Tiên cảnh báo căng thẳng gia tăng ở khu phi quân sự
Saudi Arabia quyết lật đổ tổng thống Syria
Ông Kim Jong Un trước nguy cơ bị quân đội chống đối
Tin thế giới đọc nhanh tối 23-02-2016
- Cập nhật : 23/02/2016
Một loạt nước mua sắm tàu ngầm trong 5 năm qua
Theo báo cáo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm phát hôm nay, trong giai đoạn 2006 - 2015, thị trường xuất khẩu tàu ngầm lớn dần, mang tính cạnh tranh cao, bị Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Hàn Quốc và Thụy Điển thống trị hoàn toàn. Tuy nhiên, năm 2015, Nhật tham gia thị trường khi dự thầu bán 12 tàu ngầm cho Australia. Đây là nỗ lực quy mô lớn đầu tiên của Nhật trong việc xuất khẩu vũ khí sau 70 năm.
Mỹ và Anh hiện chỉ chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, không dành cho xuất khẩu.
Trong giai đoạn 5 năm, từ 2011 - 2015, 16 tàu ngầm được xuất khẩu trên toàn thế giới. Đức cung cấp tổng cộng 9 tàu ngầm cho các nước Hy Lạp, Colombia, Israel, Italy và Hàn Quốc. Năm 2015, Nga đã cung cấp 4 tàu cho Việt Nam và một tàu cho Ấn Độ. Còn lại, Thụy Điển cung cấp hai tàu cho Singapore. Tính đến cuối năm 2015, tổng cộng 48 tàu ngầm được đặt hàng trong các đơn xuất khẩu.
Nga ký với Việt Nam thỏa thuận đóng 6 tàu ngầm chạy bằng diesel điện lớp Kilo, theo hợp đồng trị giá gần hai tỷ USD. Nga hồi đầu tháng này bàn giao tàu ngầm mang tên Đà Nẵng, con tàu thứ 5 trong hợp đồng, cho Việt Nam.
"Công nghệ tàu ngầm đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nhiều tàu ngầm hiện có thể lặn dưới biển trong vài tuần và được trang bị các tên lửa chống hạm, thủy lôi và tên lửa tấn công mặt đất. Những năng lực này nâng cao tính hiệu quả của chúng với vai trò vũ khí chống tiếp cận, cho phép tấn công tàng hình các mục tiêu trên mặt đất", báo cáo nhận định.
Tỷ phú Donald Trump: “Tôi sẽ thắng Hillary Clinton”
Tỷ phú Donald Trump đang tự tin khẳng định ông đủ sức đánh bại cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Tỷ phú Donald Trump đang rất tự tin sau hai chiến thắng liên tiếp ở New Hampshire và South Carolina - Ảnh: Reuters
Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa ở South Carolina, tỷ phú Donald Trump tự tin khẳng định ông đủ sức đánh bại cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC, ban đầu ông Trump khiêm tốn nhận định cuộc đối đầu của các ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa sẽ còn diễn ra rất quyết liệt. “Không có ứng cử viên nào là không thể ngăn chặn. Tôi có một số lợi thế nhất định, nhưng sẽ gặp rất nhiều khó khăn” - ông Trump nói.
Ông ca ngợi các ứng cử viên, đặc biệt là Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Thượng nghị sĩ Marco Rubio, là những đối thủ đáng gờm. “Ông ta (Ted Cruz) rất có tài và đương nhiên có thể đánh bại tôi. Và Marco cũng vậy. Bạn biết đấy, những điều điên rồ luôn xảy ra trong thế giới chính trị” - ông Trump nhận định.
Tuy nhiên tỷ phú New York sau đó tự tin nhấn mạnh ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua giành vé của Đảng Cộng hòa trước khi đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa diễn ra vào tháng 7 tới. Ông mô tả mình là người có thể đem lại sự đồng thuận trên chính trường Mỹ.
“Tôi sẽ thu hút được nhiều cử tri Dân chủ, nhiều cử tri độc lập” - ông Trump quả quyết và dự báo ông có thể sẽ thắng lớn ở bang New York - nơi đa số cử tri theo Đảng Dân chủ - trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8-11 tới.
“Nếu tôi thắng ở New York, cuộc đua sẽ kết thúc. Nếu đối thủ của tôi là Hillary (Clinton), số lượng cử tri đi bỏ phiếu sẽ đạt mức cực lớn. Và tôi sẽ giành chiến thắng” - ông Trump khẳng định.
Các đối thủ Đảng Cộng hòa đang tìm cách hãm đà chiến thắng của ông Trump. Trên kênh CBS, Thượng nghị sĩ Rubio tuyên bố ông sẽ chứng minh cho cử tri Mỹ thấy rằng ông Trump chỉ có cái mã ngoài.
Còn Thượng nghị sĩ Cruz chỉ trích ông Trump không phải là người theo Đảng Cộng hòa, thiên hữu thực sự vì từng đưa ra những quan điểm thiên tả.
Trong khi đó, về phía Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Clinton cũng đã tỏ ra thoải mái hơn sau khi giành chiến thắng quan trọng trước Thượng nghị sĩ Bernie Sanders trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Nevada.
“Tôi muốn phá bỏ mọi rào cản đang kìm hãm người dân Mỹ” - bà Clinton tuyên bố trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh CNN.
Bà tiếp tục chỉ trích các đề xuất mà ông Sanders đưa ra là quá mù mờ và phi thực tế. Trên kênh CBS, Thượng nghị sĩ Sanders thừa nhận đội ngũ tranh cử của ông cần phải cố gắng hơn nữa để chuyển tải các thông điệp của ông tới mọi cử tri.
NATO lo chia rẽ vì nguy cơ chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng tỏ ra lo lắng trước thế đối đầu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. Theo Washington Times, mối gắn kết bên trong khối đang có dấu hiệu rạn nứt khi Thổ Nhĩ Kỳ dần lún sâu vào một cuộc xung đột nguy hiểm dễ dẫn tới chiến tranh ở Syria.
Ankara hơn một tuần qua ít nhất ba lần nã pháo vào khu vực biên giới phía bắc Syria nhằm ngăn chặn sự mở rộng của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ở quốc gia láng giềng, bất chấp phản đối từ quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG như một phần của đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng phát động phong trào nổi dậy đòi thiết lập khu tự trị suốt nhiều năm qua ở nước này.
Nga, quốc gia ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào các mục tiêu của lực lượng người Kurd và chính quyền Syria là "hoàn toàn trái pháp luật". Moscow kịch liệt phản đối hành động đó.
Sự việc tiếp tục đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng vốn cháy âm ỉ trong quan hệ giữa Moscow và Ankara suốt mấy tháng qua, từ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 Nga gần biên giới Syria. Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 19/2 còn cảnh báo nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ những bất ổn ở Syria.
Nga đang tích cực mở rộng hiện diện xung quanh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Nga hôm 20/2 thông báo Moscow đã triển khai thêm 5 tiêm kích Mig-29 và một trực thăng đa nhiệm đến một căn cứ không quân bên ngoài thủ đô Yerevan của Armenia, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 40 km.
NATO giờ đây phải đau đầu đưa ra quyết định ủng hộ thành viên của mình hay không. Nếu không đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ, NATO sẽ đối mặt nguy cơ chia rẽ nội bộ. Nhưng chiến tranh với Nga không phải một lựa chọn khả dĩ, quan sát viên L. Todd Wood từ Washington Times nhận xét."Lực lượng vũ trang hai nước đều tham gia tích cực trong những cuộc giao tranh ác liệt ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Họ có lúc chỉ đứng cách nhau vài km", một quan chức NATO cho biết.
Ông Wood nhận định cách phản ứng của NATO hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như việc nước này có bị xem như một "kẻ gây hấn" hay không.
Theo Gokhan Bacik, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Ipek ở Ankara, "Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đương đầu với một thảm họa đa diện. Đây là một quốc gia từng trải qua nhiều vấn đề trong quá khứ nhưng quy mô của những sự việc xảy ra gần đây vượt quá khả năng xử lý của Thổ Nhĩ Kỳ".
Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/2 còn tuyên bố nước ông đang yêu cầu đồng minh tham gia một chiến dịch quân sự trên bộ ở Syria với mục tiêu chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài suốt 5 năm qua tại đây. Theo cây bút Liz Sly từ Washington Post nếu kế hoạch này trở thành hiện thực, Ankara chắc chắn sẽ nếm chịu thất bại trước Moscow.
Vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga hồi năm ngoái đã làm suy yếu đáng kể khả năng gây ảnh hưởng của nước này ở Syria cũng như khiến Ankara không thể thực hiện các sứ mệnh trên không ở quốc gia hàng xóm, dù là trên danh nghĩa hỗ trợ Mỹ chống Nhà nước Hồi giáo (IS). Không thể can thiệp vào Syria đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ nắm trong tay rất ít công cụ để kiềm chế sự phát triển của lực lượng người Kurd.
Theo giáo sư Bacik, tình hình của Thổ Nhĩ Kỳ từ nay trở đi sẽ rất ảm đạm bởi mọi "kịch bản đều dẫn tới những kết quả không có lợi cho họ".
Giáo sư Soli Ozel từ Đại học Kadir Has ở Istanbul cũng đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây bị cô lập hoàn toàn, mắc kẹt trong mê cung rắc rối một phần do chính họ tạo ra.
"Họ không thể thuyết phục người khác. Tiếng nói của họ không còn trọng lượng. Họ không thể bảo vệ những lợi ích sống còn của mình và họ gây sự với tất cả mọi người, kể cả đồng minh", ông Ozel nói.
Trong bối cảnh ấy, "NATO không thể cho phép mình bị kéo vào xung đột quân sự với Nga chỉ vì những căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ", Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn nói.
Cùng chung quan điểm, hầu hết các quan chức Đức và Bỉ đều cho rằng NATO cũng không thể làm gì nếu Ankara vin vào hiệp ước của khối để yêu cầu trợ giúp.
Điều 4 của hiệp ước NATO trao cho các quốc gia thành viên quyền được tham vấn bất kể khi nào họ thấy rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị cũng như an ninh cùa mình bị đe dọa. Thổ Nhĩ Kỳ từng viện dẫn quy định trên trong một cuộc xung đột trước đây ở Syria. Kết quả là các tên lửa Patriot của Đức đã được triển khai đến biên giới phía đông Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Điều 5 của hiệp ước mới là điều khoản có tính chất quyết định. Theo đó, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các thành viên của liên minh ở châu Âu hay Bắc Mỹ đều sẽ bị coi là hành vi chống lại NATO. Dù vậy, ông Asselborn lưu ý "cam kết ấy chỉ có hiệu lực khi một thành viên NATO bị tấn công rõ ràng".
"Chúng tôi sẽ không trả giá cho một cuộc chiến tranh do người Thổ Nhĩ Kỳ châm ngòi", một nhà ngoại giao Đức nhấn mạnh.
"Chúng ta sẽ rơi vào rắc rối một khi người Nga tấn công trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ", một quan chức NATO bình luận. Trong trường hợp này, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ viện dẫn Điều 5 của hiệp ước. Nếu Hội đồng Bắc Đại Tây Dương không thể thống nhất cách phản ứng, phương Tây sẽ đứng bên bờ vực chia rẽ.
28.000 người vây quốc hội Nhật, phản đối xây căn cứ Mỹ
Người biểu tình hôm qua tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội Nhật để phản đối việc xây dựng căn cứ quân sự mới của Mỹ trên đảo Okinawa. Ảnh: AFP
Những người biểu tình mang theo các biểu ngữ với nội dung như "Không xây thêm căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa" hay "Hãy làm theo ý nguyện của Okinawa". Nhiều người mặc áo màu xanh da trời để thể hiện sự ủng hộ đối với hòn đảo phía nam Nhật Bản này, theo AFP.
Sự việc tiếp tục làm trầm trọng hơn tình trạng mất lòng tin giữa người dân chuỗi đảo phía nam và chính quyền trung ương Nhật Bản. Okinawa chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng diện tích đất của Nhật nhưng lại chứa tới 75% số cơ sở quân sự Mỹ đặt tại quốc gia này.
Chính quyền trung ương Nhật Bản muốn xây một căn cứ hải quân mới của Mỹ tại một khu vực tách biệt trên đảo để thay thế cho căn cứ Futenma đặt tại thành phố đông dân cư Ginowan. Nhưng thị trưởng Okinawa Takeshi Onaga cùng nhiều người dân lại không muốn căn cứ được thiết lập tại đây, yêu cầu nhà chức trách xây dựng nó ở nơi khác trên đất Nhật hoặc tại quốc gia khác. Dân chúng cho biết họ không thể tiếp tục sống chung với những tiếng ồn, các vụ tai nạn cũng như một số hành vi phạm tội của lính Mỹ.
Nhật Bản và Mỹ lần đầu tiên đề xuất chuyển căn cứ Futenma vào năm 1996. Đôi bên đều khẳng định căn cứ mới thay thế cho Futenma vẫn phải nằm ở Okinawa để từ đây binh sĩ và chiến đấu cơ Mỹ có thể phản ứng nhanh chóng với những nguy cơ xung đột trên khắp châu Á.
Người biểu tình Ukraine tấn công ngân hàng Nga
Những người biểu tình hôm qua ném đá vào cửa sổ một trong những văn phòng thuộc công ty của tài phiệt giàu nhất Ukraine Rinat Akhmetov ở Kiev. Ảnh: AP
Người biểu tình ném đá vào cửa sổ văn phòng ngân hàng Alfa và Sberbank của Nga, làm hư hại nhiều đồ nội thất và trang thiết bị bên trong. Đoàn người cũng phá hoại văn phòng công ty mẹ thuộc quyền sở hữu của người giàu nhất Ukraine, ông Rinat Akhmetov. Cảnh sát không can thiệp vào vụ việc, theo AP.
Hàng chục nghìn người ở thủ đô Ukraine đã tập trung tại nhiều địa điểm trong thành phố để tổ chức tưởng nhớ những người thiệt mạng trong các tháng biểu tình nhằm lật đổ chính quyền tổng thống Viktor Yanukovych hai năm trước.
Ngày 20/2/2014, đụng độ bùng phát giữa cảnh sát chống bạo động và lực lượng chống chính phủ tại Maidan sau nhiều tháng biểu tình để phản đối chính quyền bắt tay với Nga. Trong vòng ba ngày, quảng trường trung tâm trở thành nơi 100 người bị bắn chết. Phe biểu tình cáo buộc chính phủ triển khai các tay súng bắn tỉa trong khi ông Yanukovych đổ lỗi cho lực lượng chống đối gây ra bạo lực.
Chính phủ sụp đổ khiến ông Yanukovych sau đó phải bỏ trốn khỏi Ukraine. Cuộc khủng hoảng ở quốc gia này tiếp diễn bằng việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ và xung đột bùng phát ở miền đông giữa lực lượng ly khai với quân đội. Xung đột nhanh chóng leo thang trở thành một cuộc chiến tranh, khiến hơn 9.000 người thiệt mạng.
Căng thẳng chính trị ở Ukraine thời gian gần đây đang gia tăng nhanh chóng. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuần trước còn yêu cầu Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk, một lãnh đạo chủ chốt của phong trào biểu tình năm 2014, phải từ chức nhằm tái lập niềm tin trong chính phủ. Tuy nhiên, ông Yatsenyuk vẫn giữ được vị trí sau một phiên bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội.