"Giọt nước tràn ly" trong quan hệ Mỹ - Kyrgyzstan
IS bắt tay với mafia Ý để "đầu độc châu Âu"
Ông Bounnhang Volachith được bầu là Chủ tịch CHDCND Lào
Trung Quốc thử tên lửa liên lục địa giữa căng thẳng Biển Đông
Khó khôi phục lòng tin với NATO nhưng Nga vẫn chủ trương đối thoại
Tin thế giới đọc nhanh chiều 14-07-2016
- Cập nhật : 14/07/2016
Trung Quốc ra sách trắng về phán quyết 'đường lưỡi bò'
Bắc Kinh hôm nay ra sách trắng ngang nhiên bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài về yêu sách "đường lưỡi bò" nước này đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.
Xinhua hôm nay cho biết, Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc công bố sách trắng sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" mà nước này đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.
Trong sách trắng hơn 20.000 chữ, Trung Quốc tiếp tục đưa ra tuyên bố rằng họ "có chủ quyền lịch sử" với các đảo ở Biển Đông, bất chấp thực tế quyền lịch sử này đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ.
Đề cập vụ kiện "đường lưỡi bò" của Philippines, sách trắng ngang nhiên cho rằng Tòa Trọng tài được thành lập theo yêu cầu đơn phương của Manila, không có thẩm quyền xem xét đơn kiện, phán quyết của tòa này đưa ra là vô giá trị và không có tính chất ràng buộc pháp lý.
"Trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi trên Biển Đông, trong bất kỳ trường hợp nào, Trung Quốc đều không chịu ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa Trọng tài. Trung Quốc không chấp nhận, không thừa nhận phán quyết; phản đối và không chấp nhận bất kỳ hành động hay chủ trương nào dựa trên cơ sở phán quyết của tòa này," sách trắng ngang ngược tuyên bố.
Sách trắng kêu gọi Trung Quốc và Philippines trở lại quỹ đạo trước đây, nói rằng hai nước "từng nhiều lần hiệp thương để xử lý ổn thỏa tranh chấp trên biển, đạt nhận thức chung về giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, nhiều lần được xác nhận trong các văn kiện giữa hai bên".
Ngày 12/7, Tòa Trọng tài ra phán quyết, khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò", và tuyên bố đòi quyền lịch sử dựa trên "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên Hợp Quốc.
Phán quyết của Tòa Trọng tài đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước trên thế giới. Trong khi Nhật Bản và Australia khẳng định đây là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc đối với cả Trung Quốc và Philippines, Mỹ kêu gọi các bên liên quan tránh hành động khiêu khích, đồng thời tôn trọng phán quyết từ Tòa Trọng tài đưa ra.
Việt Nam hoan nghênh phán quyết từ Tòa Trọng tài về yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Tàu Iran áp sát tàu chở tướng Mỹ
Năm tàu quân sự Iran hôm 11-7 bị cáo buộc di chuyển gần một tàu quân sự Mỹ ở khoảng cách nguy hiểm tại eo biển Hormuz, trong một sự cố được đánh giá là "tính toán sai lầm nghiêm trọng".
Năm tàu Iran bao gồm 4 tàu tuần tra nhỏ và 1 tàu tấn công nhanh Houdong. Ít nhất 1 tàu tuần tra được trang bị súng máy cùng bệ phóng rốc-két đa nòng. Chúng di chuyển gần tàu USS New Orleans của Mỹ ở khoảng cách vài trăm mét.
Lúc này, tàu chiến Mỹ đang hoạt động trong vùng biển quốc tế đoạn qua eo biển Hormuz, chở theo khoảng 700 lính thủy quân lục chiến. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, tướng Joe Votel, cũng có mặt trên tàu.
Tướng Votel cho biết: “Điều tôi lo ngại là các binh sĩ không có nhiều thời gian để đối phó với những sự cố như vậy. Chỉ có vài phút để bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn”.
Tướng Votel cũng bày tỏ lo ngại về tính mạng 700 lính thủy quân lục chiến Mỹ trên tàu USS New Orleans nếu vụ chạm trán diễn biến theo hướng nguy hiểm.
Trong năm 2015, Hải quân Mỹ ghi nhận 300 sự cố liên quan đến tàu Iran, theo số liệu được Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ cung cấp. Hầu hết các vụ chạm trán đều “an toàn”, không đến mức “quấy rối” hoặc “khiêu khích”.
Tuy nhiên, Washington cho rằng dù không xảy ra hậu quả nghiêm trọng nhưng cách hành xử của Tehran thể hiện sự không chuyên nghiệp. “Tàu Iran thường di chuyển cách tàu chúng tôi từ 270-450 m, sau đó chuyển hướng hoặc bơi song song và ngừng lại. Điều đó trở nên quá quen thuộc” – trung úy Forrest Griggs nói khi đang trên tàu USS New Orleans.
Theo tướng Votel, tàu Hải quân Mỹ hay di chuyển qua eo biển Hormuz nhưng hoàn toàn không có ý định khiêu khích Iran.
Bà Clinton kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết 'đường lưỡi bò'
Ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ hoan nghênh phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton ngày 12/7 cho biết bà hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài, nhấn mạnh Biển Đông là khu vực có ý nghĩa "then chốt" với nền kinh tế Mỹ.
"Nước Mỹ có mối quan tâm sâu sắc và lợi ích lâu dài ở Biển Đông. Tất cả các bên cần tuân thủ phán quyết của tòa và tiếp tục theo đuổi các biện pháp hòa bình, đa phương để giải quyết tranh chấp", Reuters dẫn lời bà Clinton.
Lập trường của Mỹ là không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng muốn đảm bảo tự do đi lại và tuân thủ các nguyên tắc quốc tế trong khu vực. Washington từng nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các dự án xây đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa.
Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ở The Hague, Hà Lan hôm qua tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".
Tòa Trọng tài cho rằng yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại với UNCLOS, đồng thời không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho nước này.
Hàng loạt tiếng nói ủng hộ phán quyết PCA
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp tại biển Đông một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Phát biểu đó được người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric, trích dẫn khi trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 12-7 tại trụ sở LHQ ở TP New York - Mỹ.
Bên cạnh đó, theo lời người phát ngôn, ông Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh trong khi đối thoại đang tiếp diễn thì các bên phải tránh không thực hiện các hành động làm tăng thêm căng thẳng.
Ngay sau khi PCA ra phán quyết, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain và Thượng nghị sĩ Dan Sullivan ra tuyên bố chung khuyến khích các bên có tranh chấp ở biển Đông nỗ lực giải quyết thông qua các cơ chế trọng tài quốc tế và đàm phán đa phương.
Ông McCain cho rằng Trung Quốc phải lựa chọn hoặc tuân theo luật lệ hoặc phớt lờ. Theo ông, quân đội Mỹ nên tiếp tục đưa máy bay, tàu chiến đến bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, thách thức yêu sách quá đáng của Trung Quốc.
Cùng ngày 12-7, ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton cũng kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết của tòa và tiếp tục theo đuổi các biện pháp hòa bình, đa phương để giải quyết tranh chấp.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cảnh báo Bắc Kinh sẽ tự đánh mất tiếng tăm nếu "tiếp tục vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế" trên biển Đông.
Theo bà Bishop, trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách trở thành lãnh đạo trong khu vực và toàn cầu, nước này phải có quan hệ hữu nghị với láng giềng.
Ngoại trưởng Úc cũng lên tiếng kêu gọi các cường quốc khu vực tôn trọng phán quyết của PCA và “kiềm chế các hành động khiêu khích”, bằng không sẽ gây rối ren thêm.
“Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là nền tảng cho thương mại hàng hải và thương mại toàn cầu, phớt lờ nó là một vi phạm nghiêm trọng” - ngoại trưởng Úc nói với đài ABC.
Bà Bishop khẳng định Úc sẽ tiếp tục thực thi luật pháp quốc tế đối với tự do hàng hải và ủng hộ quyền của các nước khác trong việc làm tương tự”.
Trong khi đó, người phát ngôn phụ trách quốc phòng của phe đối lập Úc, nghị sĩ Stephen Conroy, cho rằng Bắc Kinh đã “rất hung hăng” và Úc phải hành động.
Ngay tại Bắc Kinh ngày 12-7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk kêu gọi Trung Quốc tôn trọng hệ thống quốc tế. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần thứ 18, ông Tusk kêu gọi Trung Quốc bảo vệ "trật tự quốc tế dựa trên quy định".
Australia kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài
Australia cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc ở Biển Đông là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc đối với cả hai bên.
Bộ Ngoại giao Australia tối qua ra thông cáo báo chí bày tỏ quan điểm của nước này trước việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố phán quyết về "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc ngang nhiên vẽ ra ở Biển Đông để áp đặt chủ quyền.
"Chính phủ Australia kêu gọi Philippines và Trung Quốc tuân thủ phán quyết, vì đây là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc đối với cả hai bên", thông cáo cho hay.
Theo Australia, Tòa Trọng tài trong vụ kiện của Philippines được thành lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. Quyết định của tòa không phải về chủ quyền mà về các quyền trên biển theo quy định của công ước.
Australia khẳng định ủng hộ quyền của tất cả các nước về tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có công ước.
"Tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền đều hưởng lợi lớn từ trật tự quốc tế dựa vào luật pháp. Tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng của hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Á, như đã có trong nhiều năm nay", thông cáo có đoạn.
Australia cũng xem phán quyết trên là một phép thử quan trọng về cách khu vực có thể quản lý xung đột một cách hòa bình, cũng là cơ hội để khu vực đoàn kết, và các nước có tuyên bố chủ quyền nối lại đối thoại trên cơ sở đã có sự rõ ràng hơn về các quyền trên biển.
Tòa Trọng tài Thường trực hôm qua công bố phán quyết tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò". "Đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc tự vạch ra để đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Phán quyết trên nhận được sự hoan nghênh từ nhiều nước. Mỹ và Nhật Bản đều khẳng định phán quyết từ tòa là cuối cùng, có tính ràng buộc pháp lý với cả Philippines và Trung Quốc, kêu gọi các bên tuân thủ.
Việt Nam hoan nghênh việc Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết về yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận những quan điểm hoặc hành động dựa trên phán quyết từ tòa trọng tài. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng phán quyết của tòa là "vô hiệu" và "không có sự ràng buộc" với nước này.