Mỹ sắp điều chiến hạm tới Biển Đông thách thức Trung Quốc
Doanh nghiệp Thái Lan kêu gọi chính phủ xem xét gia nhập TPP
Nhật Bản cải tổ nội các: 10 Bộ trưởng mất chức
Mỹ điều tra nguồn gốc một loạt xe Toyota trong tay IS
Mỹ không đồng ý hợp tác quân sự với Nga tại Syria
Tin thế giới đọc nhanh sáng 20-04-2016
- Cập nhật : 20/04/2016
Trung Quốc xử tử người tiết lộ 150.000 tài liệu mật
Kỹ thuật viên Huang Yu bị tố giao 150.000 tài liệu mật cho tổ chức gián điệp nước ngoài. Ảnh: Chinadaily
Kỹ thuật viên Huang Yu bị cáo buộc chuyển 150.000 tài liệu mật của chính quyền. Vụ án thuộc loại hiếm khi được công bố, Reuters hôm nay dẫn thông tin từ Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
Huang làm việc cho một cơ quan chính phủ xử lý các tài liệu mật, nhưng bị sa thải vì là "nhân viên kém". Huang bị cáo buộc liên hệ với "tổ chức gián điệp nước ngoài" do bực tức chuyện mất việc và trao cho họ tài liệu đã lưu trữ khi còn làm ở cơ quan cũ. Đổi lại, tổ chức nước ngoài đáp ứng yêu cầu Huang đưa ra.
Huang gặp gỡ tổ chức gián điệp tại Đông Nam Á và Hong Kong, giao 150.000 tài liệu liên quan tới Đảng Cộng sản Trung Quốc và các vấn đề quân sự, tài chính. Nhưng do không còn làm việc, để đủ số tài liệu cung cấp, Huang lấy thông tin từ vợ và anh rể, những người cũng làm công việc xử lý tài liệu mật.
Những chuyến đi thường xuyên của Huang và sự giàu có bất thường khiến cơ quan điều tra chú ý. Năm 2011, Huang bị bắt. Tuy nhiên, CCTV không cho biết khi nào Huang sẽ bị xử tử.
Luật bí mật nhà nước của Trung Quốc có nội hàm rất rộng, từ dữ liệu công nghiệp cho tới ngày sinh chính xác của các lãnh đạo. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc siết chặt luật về bảo đảm an ninh để chống lại các nguy cơ từ trong nước hoặc nước ngoài. Để nâng cao nhận thức của người dân về an ninh quốc gia, Trung Quốc coi ngày 15/4 năm nay là Ngày giáo dục an ninh mạng đầu tiên, theo Luật an ninh quốc gia thông qua tháng 7/2015.
Những đạo luật mà ông Tập đã thông qua, hoặc muốn thông qua, khiến chính phủ phương Tây lo ngại, cho rằng ông dùng luật để đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Anh trai thủ tướng Malaysia từ chức vì nghi vấn tài chính
Ông Nazir Razak, chủ tịch ngân hàng CIMB Group Holdings Bhd, tuyên bố sẽ tạm thời từ chức khi ngân hàng điều tra số tiền 7 triệu USD mà ông nhận từ Thủ tướng Malaysia Najib Razak.
Theo New York Times, ông Nazir tuyên bố sẽ rời cương vị chủ tịch CIMB sau khi thừa nhận nhận gần 7 triệu USD từ người em trai và phân bổ số tiền này cho một số nhân vật trong đảng trước cuộc bầu cử năm 2013.
"Những việc này đã diễn ra cách đây 3 năm. Em trai tôi cần sự giúp đỡ và tôi đồng ý. Tôi đã hành động dựa trên những gì mình biết vào thời điểm đó", ông phát biểu trong buổi họp báo ngày 18/4.
Nazir khẳng định ông nhận số tiền trên sau khi xác định rằng các giao dịch không vi phạm pháp luật và ông sẽ không lợi dụng vị trí của mình tại CIMB. Nhưng khi các khoản giao dịch bất thường được công bố, ông nhận ra đây là nguyên nhân gây lo ngại và quyết định từ chức để bảo vệ ngân hàng.
Quyết định tự nguyện từ chức của ông Nazir và cuộc đánh giá nội bộ của ngân hàng được đưa ra trong bối cảnh em trai ông, Thủ tướng Najib, bị cáo buộc tham nhũng.
"Đây hoàn toàn là bước đi đúng đắn và chắc chắn nó sẽ gây áp lực thêm cho ông Najib. Mọi người sẽ nói rằng, 'người anh trai đang bị điều tra nội bộ chỉ vì 7 triệu USD, trong khi bạn bị cáo buộc liên quan đến một khoản tiền lớn hơn rất nhiều'", Wan Wan Saiful Jan, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Dân chủ và Kinh tế Malaysia, nhận định.
Văn phòng thủ tướng hiện chối bình luận về quyết định của ông Nazir và nói rằng đây là vấn đề riêng của CIMB.
Trước đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia, ông Adel Al-Jubeir, ngày 15/4 xác nhận đã quyên tặng số tiền 681 triệu USD cho Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Phát biểu của Ngoại trưởng Al-Jubeir là lần đầu tiên chính quyền Saudi Arabia lên tiếng để làm rõ nguồn gốc số tiền 681 triệu USD trong tài khoản cá nhân của ông Najib.
Uy tín của Thủ tướng Najib sụt giảm nghiêm trọng vì cáo buộc tham nhũng, sau khi báo Wall Street Journal (WSJ, Mỹ) phanh phui việc ông nhận gần 700 triệu USD tiền quyên tặng từ các tổ chức nhà nước, ngân hàng và công ty có liên quan đến quỹ đầu tư 1Malaysia Development Bhd (1MDB). Một số điều tra gần đây cho thấy con số có thể lên đến một tỷ USD.
WSJ cho rằng một phần tiền đã được dùng cho các dự án giúp đảng của ông Najib duy trì quyền lực trong cuộc bầu cử năm 2013. Trong khi đó, ông Najib gọi đây là cáo buộc của kẻ thù chính trị và bác bỏ thông tin cho rằng 1MDB đóng vai trò ngoài kinh tế.
Đối phó Trung Quốc, Philippines lên kế hoạch mua tên lửa Mỹ
Philippines được cho là đang xem xét khả năng mua các hệ thống pháo đa nòng tầm xa của Mỹ, nhằm đối phó với việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông.
Vừa qua, trong khuôn khổ khoa mục thực binh hỏa lực, thuộc một phần của cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) 2016, Lính thuỷ đánh bộ Mỹ đã giới thiệu hệ thống pháo phản lực HIMARS tại tỉnh Tarlac, trước sự chứng kiến của giới chức quốc phòng Philippines và đại diện Mỹ.
Tư lệnh Bộ tư lệnh miền Tây, Phó Đô đốc Alexander Lopez cho biết: “Đây là một hệ thống vũ khí thực sự mới trong danh mục mua sắm của Philippines ở thời điểm này và chúng tôi sẽ nghiên cứu thật kỹ hệ thống này và có thể sẽ mua nó”.
Ông Lopez nhấn mạnh: “Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến khả năng, sự cơ động cao và hỏa lực của HIMARS. Tôi cho rằng, đây là loại vũ khí mà chúng tôi muốn sở hữu”.
Theo phó Đô đốc Lopez, ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng tỏ ra rất ấn tượng về hệ thống HIMARS, cũng như khả năng cơ động của nó.
Về phần mình, Tư lệnh lực lượng lính thuỷ đánh bộ Tây Thái Bình Dương của Mỹ, Trung tướng John Toolan cho hay, hệ thống pháo phản lực HIMARS có tầm bắn 300km. Mỹ cũng đang nghiên cứu một phiên bản của loại pháo này giành cho tàu chiến.
Nga tố cáo Mỹ phát động "chiến tranh phức hợp" nhằm vào Moskva
Ngày 18/4, Chủ nhiệm Ủy ban Điều tra Liên bang Nga Alexander Bastrykin tố cáo Mỹ cùng các đồng minh đã phát động "chiến tranh phức hợp" (hybrid warfare - chiến lược quân sự kết hợp giữa chiến tranh thông thường, chiến tranh phi thông thường với chiến tranh mạng) nhằm vào Nga và một số nước khác.
Trả lời phỏng vấn tờ Kommersant của Nga, ông Bastrykin nói: "Trong thập kỷ qua, Nga và một số quốc gia khác đang chịu cảnh chiến tranh phức hợp do Mỹ cùng các đồng minh phát động theo nhiều hướng khác nhau như: chính trị, kinh tế, thông tin và pháp lý. Hơn nữa, gần đây, nó đã được chuyển sang giai đoạn mới có tính chất giống một cuộc xung đột công khai."
Theo ông, Mỹ đã "ép giá" đồng nội tệ của những nước đang phát triển thông qua cuộc chiến tranh tiền tệ và áp đặt các trừng phạt về thương mại và tài chính.
Ông Bastrykin chỉ rõ những biện pháp này khiến đồng ruble trượt giá thảm hại, thu nhập thực tế giảm, hoạt động sản xuất công nghiệp đi xuống và gây ra tình trạng suy thoái kinh tế.
Ngoài ra, ông Bastrykin cũng cáo buộc Mỹ đã gây bất ổn Trung Đông bằng cách "ủng hộ các hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan và các thuyết cực đoan khác."
Ông cũng cáo buộc chính sách của Mỹ khiến tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày càng trở nên lớn mạnh hơn.
Mỹ định đưa tàu lặn không người lái ra Biển Đông
Thiết bị không người lái dưới nước hoạt động ở bán kính rộng (LDUUV) được trưng bày. Ảnh: Office of Naval Research
Financial Times hôm 17/4 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho biết Lầu Năm Góc đầu tư vào các tàu ngầm "trong đó có những tàu lặn mới, với nhiều kích cỡ, trọng tải khác nhau, và điều quan trọng là có thể hoạt động ở vùng nước nông, nơi tàu ngầm có người lái không hoạt động được". Biển Đông có những khu vực nước nông rộng lớn.
Bài báo cho biết ông Carter đề cập đặc biệt đến các tàu lặn, trong bài phát biểu về chiến lược quân sự ở châu Á, trong chuyến công tác tới tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông.
Trong vòng 6 tháng qua, Lầu Năm Góc bắt đầu thảo luận công khai về một chương trình từng là một bí mật, nhằm phát triển các tàu lặn không người lái, một phần trong kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc chi phối khu vực.
Các tàu ngầm điều khiển từ xa đang được sử dụng phục vụ mục đích tìm kiếm cứu hộ. Khoản đầu tư mới đối với các tàu lặn không người lái có thể được dùng để trinh sát và thậm chí mang vũ khí, báo này cho hay.
Năm ngoái, hải quân Mỹ hé lộ thiết bị không người lái dưới nước hoạt động ở bán kính rộng (LDUUV). Nếu các cuộc thử nghiệm diễn ra suôn sẻ, các quan chức có kế hoạch triển khai một đội tàu này trong vòng 4 năm tới.