tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 20-04-2016

  • Cập nhật : 20/04/2016

Trung Quốc 'kiểm soát việc kinh doanh của quan chức'

Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ mở rộng chương trình thí điểm chống tham nhũng ở thêm ba khu vực nữa ngoài trung tâm thương mại Thượng Hải nhằm tăng cường kiểm soát các hoạt động làm ăn của gia đình các quan chức cao cấp, theo tin BBC.
ong tap can binh tuyen bo chong tham nhung. anh reuters

Ông Tập Cận Bình tuyên bố chống tham nhũng. Ảnh Reuters

Các quy định được ban hành hồi tháng Năm năm ngoái cấm vợ, chồng, con các quan chức tại Thượng Hải đăng ký các hoạt động kinh doanh riêng hoặc hợp tác với người khác, đầu tư vào các doanh nghiệp không niêm yết hoặc đăng ký công ty ở hải ngoại rồi từ đó quay lại hoạt động ở Trung Quốc, hãng tin Reuters nói.
Vợ, chồng hoặc con các quan chức ở Thượng Hải cũng bị cấm giữ các chức vụ đứng đầu ở các công ty tư nhận hoặc các vị trí được bổ nhiệm tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nay sẽ có thêm bốn khu vực nữa, từ Bắc Kinh tới Trùng Khánh ở phía tây nam, Tân Cương ở phía viễn tây, và Quảng Đông ở phía nam, cũng sẽ áp dụng chương trình này, truyền thông nhà nước Trung Quốc nói sau cuộc họp do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì.
Chính phủ sẽ cho ra “định nghĩa chặt chẽ về các hoạt động kinh doanh, ra các quy định chi tiết và trình tự áp dụng” chương trình, Tân Hoa Xã tường thuật.
Vụ tiết lộ thông tin mới đây, Hồ sơ Panama, cho thấy có nhiều công ty hải ngoại có liên hệ với thân nhân của ông Tập và một số lãnh đạo đương nhiệm cũng như đã nghỉ hưu đầy quyền thế của Trung Quốc.
Chính phủ nước này tuyên bố đó là các cáo buộc “không có căn cứ”.

Cuba không theo đuổi “liệu pháp sốc”

Phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Raul Castro đã bác bỏ việc tư hữu hóa nhanh chóng và tuyên bố sẽ không bao giờ theo đuổi liệu pháp sốc đối với nền kinh tế.

lenh cam van kinh te keo dai nam thap ky cua my da tac dong nang ne doi voi cuba - anh: hoang hai

Lệnh cấm vận kinh tế kéo dài năm thập kỷ của Mỹ đã tác động nặng nề đối với Cuba - Ảnh: Hoàng Hải

Trong hai ngày 16 và 17-4, gần 400 đại biểu và khách mời tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Cuba đã tham gia phiên thảo luận về Định nghĩa mô hình kinh tế - xã hội, xã hội chủ nghĩa của Cuba.

Đây được coi là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Cuba tìm kiếm một định nghĩa chính xác cho mô hình phát triển kinh tế - xã hội mà mình theo đuổi.

Những đề tài tập trung nhiều mối quan tâm và đề xuất của các đại biểu nhất trong phiên họp nhóm này là sở hữu tư nhân; quan hệ giữa kế hoạch hóa và thị trường; bảo vệ và phát triển các thành quả xã hội của cách mạng, đồng thời với việc giải quyết các vấn đề ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ phục vụ nhân dân; tình trạng di cư và tác động tiêu cực tới nguồn nhân lực của Cuba và mối liên quan của hiện tượng này với điều kiện làm việc, lương bổng, hưu trí và trợ cấp.

Hãng tin AFP dẫn lời ông Raul Castro nói hôm 16-4: “Cuba sẽ không bao giờ cho phép ứng dụng cái gọi là liệu pháp sốc, vốn thường được áp dụng và gây tổn thương cho các tầng lớp khốn cùng của xã hội”.

Ông cảnh báo: “Các công thức đẩy nhanh tư hữu hóa tài sản công và dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, an sinh xã hội sẽ không bao giờ được áp dụng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của Cuba”.

Ông nói các doanh nghiệp tư nhân sẽ tham gia với giới hạn được đề ra và đóng góp như một nhân tố bổ sung vào nền kinh tế. Ông cũng chỉ trích lệnh cấm vận kinh tế kéo dài năm thập kỷ của Mỹ gây tác động nặng nề đối với Cuba.

Tại đại hội lần này, các đại biểu cũng sẽ thảo luận Kế hoạch phát triển tới năm 2030, đánh giá việc triển khai các chủ trương được Đại hội VI thông qua và cập nhật các đường lối này cho năm năm tới, đồng thời tổng kết tình hình thực hiện các mục tiêu công tác Đảng.


IS nhe nanh sói với Philippines

Philippines dễ trở thành miếng mồi cho các chiến binh, khi một số nhóm phiến quân tại nước này đã thề trung thành với IS.
phien quan abu sayyaf de doa hai con tin nguoi nuoc ngoai. anh: ibtimes

Phiến quân Abu Sayyaf đe dọa hai con tin người nước ngoài. Ảnh: IBTimes

Trong tạp chí tuyên truyền Dabiq số mới nhất, nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã dọa dẫm rằng Philippines, Indonesia, Malaysia sẽ là ba trong số các mục tiêu tấn công tiếp theo của nhóm.

Lời đe dọa này thổi bùng lo ngại về tầm ảnh hưởng của IS tại khu vực Đông Nam Á. Hai tuần trước, IS đã lần đầu nhận trách nhiệm tấn công quân đội Phillipines, nói rằng "nhờ ơn đấng tối cao, bọn ta đã có thể cho nổ 7 xe tải đang chở binh sĩ".

IS nhắc đến trận chiến diễn ra trên đảo Basilan, Philippines, vào ngày 9/4, giữa lực lượng vũ trang Philippines (AFP) và nhóm do Isnilon Hapilon cầm đầu. Nhóm này nói rằng gần 100 lính Philippines đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương, còn ba "anh em" của nhóm đã "tử vì đạo".

Trong khi đó, quân đội Philippines nói rằng 18 lính của họ thiệt mạng và 53 người bị thương, và đã tiêu diệt 28 phiến quân. AFP nói rằng họ chưa có bằng chứng để xác nhận rằng nhóm mà họ tấn công có liên quan trực tiếp đến IS.

Rohan Gunaratna, chuyên gia về bạo lực chính trị và khủng bố tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, viết trên Eurasia Reviewrằng, Hapilon là cựu phó thủ lĩnh của nhóm Abu Sayyaf (ASG) và giờ được mặc định là thủ lĩnh IS ở miền nam Philippines. Abu Sayyaf là một nhóm nhỏ nhưng rất bạo lực, thường tống tiền, bắt cóc, chặt đầu con tin. Những thành viên trong nhóm ASG đóng tại Basilan đã thề trung thành với thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al Baghdadi vào năm 2015 và gia nhập lực lượng cùng các nhóm có liên kết với IS khác.

Gunaratna cho rằng 125 người cầm đầu bởi Hapilon chứng minh họ có thể giữ đất và chiến đấu với AFP. Với những bước tiến gần đây, IS có thể tuyên bố thành lập một "nhà nước" tại quần đảo Sulu.

Sự trỗi dậy của IS ở Philippines

IS ngày càng gia tăng ảnh hưởng và sức mạnh ở miền bắc, nam và tây Mindanao tại Philippines. Ở bắc Mindanao, nhóm Tawhid Wal Jihad đã đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Lanao tại Butig. Mặc dù đầu não IS tại Syria và Iraq vẫn chưa chính thức công nhận nhóm này là nhánh chính thức, họ đã đặt ra mối đe dọa lớn khi các thành viên đã chiến đấu với AFP và giữ nhiều con tin dân sự.

Tại nam Mindanao, nhóm Ansar Khilafa Mindanao đã chiến đấu với AFP và thực hiện kiểu hành quyết chặt đầu giống IS. Nhóm này còn tham gia vào việc chuyển vũ khí cho IS ở Indonesia và từng đón tiếp kẻ chuyên làm bom người Indonesia Ibrahim Ali Sucipto, bị giết vào ngày 26/11/2015.Sự hiện diện đáng chú ý nhất của IS ở Philippines là nhóm của Hapilon đóng ở Basilan, gồm các thành viên cũ của ASG. Nhóm này được mặc định là nhánh chính thức của IS ở Philippines. Hapilon còn liên kết với một số chiến binh từ Malaysia.

vi tri cua basilan. do hoa: joshuaproject.net

Vị trí của Basilan. Đồ họa: joshuaproject.net

Hoạt động ngày 9/4 của AFP nhằm tấn công vào Al Barka, "hang ổ" của IS, giải phóng con tin nước ngoài và giết hoặc bắt giữ Hapilon – kẻ đang bị Mỹ truy nã với số tiền treo thưởng 5 triệu USD.

AFP được hỗ trợ bởi Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), đã duy trì thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ kể từ tháng 3/2014. Mối quan hệ giữa MILF với ASG xấu đi sau khi MILF tham gia tiến trình hòa bình và ASG ở Basila gia nhập IS.

MILF thông báo cho AFP rằng căn cứ của IS nằm cách cộng đồng MILF ở Sitio Bohe trong làng Macalang 5 km. AFP đã yêu cầu MILF rời khỏi khu vực. Được cảnh báo trước, IS đã chuẩn bị đặc biệt tốt khi đối đầu với AFP. Trong cuộc đọ súng 10 giờ trong làng Tipo-Tipo, AFP không ngờ rằng IS lại có sức chống cự mạnh đến như vậy.

Julie S. Alipala, tác giả của bài viết "Địa ngục ở Basilan: Bom mìn nối tiếp tiếng súng ở mọi nơi", ngày 10/4 trên Inquirer, nhấn mạnh quân đội Philippines đã không chuẩn bị đầy đủ để đối đầu với IS. Trong số những người bị thương ở phía quân đội Philippines có chỉ huy tiểu đoàn 44, đại tá Tommy Crosby.

Theo Reuters, các chuyên gia an ninh cũng cho rằng quân đội Philippines đã nhiều lần đánh giá thấp tiềm lực của phiến quân.

Khi IS thiết lập vùng kiểm soát và thành lập cơ sở huấn luyện ở Philippines, cuộc chiến chống IS đòi hỏi một mức độ cam kết và lãnh đạo cao hơn. "Thay vì triển khai lực lượng bình thường, cần phải có lực lượng đặc nhiệm để dẫn đầu cuộc chiến", Gunaratna viết.

Chuyên gia Gunaratnan cho rằng Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm của AFP nên chuyển đến Basilan và cho quân đóng tại quần đảo Sulu đến khi tất cả nhóm cam kết trung thành với IS bị loại bỏ, những kẻ cầm đầu các nhóm này bị bắt hoặc bị giết. Ông đánh giá rằng hiện là thời điểm tốt nhất để vận động và tiến hành hoạt động quân sự không khoan nhượng, khi cả nước đang đau buồn trước sự hy sinh của lính AFP.

Nếu không, IS sẽ dần dần lây lan ảnh hưởng và tăng cường sức mạnh. Khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino sắp hết nhiệm kỳ, tổng thống mới sẽ phải đối đầu với sự trỗi dậy của IS.

Theo Gunaratna, nếu Philippines quyết tâm ngăn chặn sự trỗi dậy của IS tại nước này và kìm hãm tầm ảnh hưởng của nhóm ở khu vực Đông Nam Á, Manila nên nhìn nhận mối đe dọa này một cách nghiêm túc. "Thay vì bác bỏ sự tồn tại IS tại nước mình, Manila nên coi chiến đấu chống IS là ưu tiên an ninh quốc gia và tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực Đông Nam Á để kiềm chế và cô lập các mối đe dọa", ông viết.(VNEX)


Ông Medvedev: Chính phủ Nga sẽ không in thêm tiền

Chính phủ Nga sẽ không phát thành thêm tiền, quản lý kinh tế theo kế hoạch hay cải cách để gây tác động tiêu cực đối với công dân.
thu tuong nga dmitry medvedev

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev

Chính phủ Nga sẽ không phát thành thêm tiền, quản lý kinh tế theo kế hoạch hay cải cách để gây tác động tiêu cực đối với công dân. Đây là tuyên bố của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khi ông phát biểu tại Duma Quốc gia với báo cáo thường niên, Sputnik đưa tin.
"Chúng tôi sẽ không tiến hành cải cách bằng tiền của nhân dân," người đứng đầu chính phủ cho biết. Ông thừa nhận rằng nền kinh tế không còn đủ tiền. Việc phát hành tiền rúp mới sẽ không giải quyết được vấn đề. "Đó chỉ là giấy, chỉ thúc đẩy lạm phát và làm mất giá trị thu nhập, tiền lương và lương hưu", ông Medvedev giải thích.
Theo ông Medvedev, hiện nay đang có sự cám dỗ trong việc áp dụng quy định nghiêm ngặt và quy hoạch kinh tế theo mẫu mực trước đây. "Hậu quả là chúng ta chỉ có thể phá vỡ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế", ông Medvedev nói.

Ấn Độ phá ổ mua bán trẻ em trong bệnh viện

Những đứa trẻ vừa sinh ra được bán với giá 1.500 USD. Hiện cảnh sát đã bắt giữ 5 người, trong đó có giám đốc bệnh viện.

canh sat an do vua pha mot duong day mua ban tre em tai mot benh vien tu - anh: reuters

Cảnh sát Ấn Độ vừa phá một đường dây mua bán trẻ em tại một bệnh viện tư - Ảnh: Reuters

Theo mô tả của báo chí địa phương, có hẳn một "trại sản xuất em bé" tại bệnh viện Palash - một bệnh viện tư ở khu Gwalior, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Theo đó, trẻ bị bán là con của những phụ nữ bị cưỡng hiếp hoặc quan hệ bất chính, mỗi bé bị bán với giá khoảng 1.500 USD.

"Khi một cô gái hoặc cha mẹ cô tìm đến với mong muốn chấm dứt thai kỳ, các bác sĩ tại bệnh viện này đã thuyết phục họ giữ lại cái thai và cam đoan sẽ giúp em bé chào đời an toàn và bí mật", Times of India ngày 18-4 dẫn lời một điều tra viên.

"Khi em bé chào đời và người mẹ xuất viện, lãnh đạo bệnh viện bắt đầu tìm các cặp vợ chồng muốn có con và bán em bé cho họ", người này nói thêm.

Cho đến nay, cảnh sát đã xác định 3 em bé được bán cho các cặp vợ chồng không có con ở Uttar Pradesh và Chhattisgarh. Hai bé khác được giải cứu và cảnh sát đang tiếp tục tìm kiếm những bé khác trong khi cuộc điều tra vẫn tiếp tục.

Nhà chức trách cũng bắt giữ 5 người có liên quan, trong đó có giám đốc bệnh viện và một quản lý - người đứng ra thuê một băng nhóm chuyên "săn tìm" các cô gái có thai ngoài ý muốn.

Theo RT, Ấn Độ lâu nay bị chỉ trích vì vấn đề nhân quyền cho phụ nữ. Nạn buôn bán, bạo lực và hiếp dâm phụ nữ có thể nói là khá phổ biến ở nước này, nơi phụ nữ chiếm 48,3% dân số.

Vào năm 2012, hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường ở New Delhi kêu gọi cảnh sát bảo vệ phụ nữ sau khi một nữ sinh bị 6 gã đàn ông đánh đập, hãm hiếp tàn bạo trên xe buýt và tử vong sau đó.

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, 2 trong số 3 phụ nữ cho biết họ bị quấy rối tình dục tại thủ đô Ấn Độ.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục