Khách du lịch ở lại Thái Lan quá hạn sẽ bị đưa vào danh sách đen và cấm quay lại nước này từ 1-10 năm
Tin thế giới đọc nhanh 21-04-2016
- Cập nhật : 21/04/2016
Tướng quân đội tiết lộ điểm yếu chết người của Trung Quốc
Không chỉ mạnh dạn cho rằng Internet sẽ lật đổ mọi bá quyền, Thiếu tướng không quân Trung Quốc Kiều Lương còn tiết lộ về “gót chân Achilles” của nước này.
Thiếu tướng không quân Trung Quốc Kiều Lương.
Truyền thông Hong Kong (Trung Quốc) cho biết sau khi dự đoán chính xác về sự kiện 11/9 vào 17 năm trước, vị Thiếu tướng đồng thời là Giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc này vừa cho xuất bản cuốn sách “Cánh cung đế quốc: Mỹ-Trung ở hai đầu parabol”.
Trong cuốn sách của mình Kiều Lương mạnh dạn dự đoán Internet sẽ xây dựng lại cục diện thế giới, lật đổ mọi bá quyền, sau Mỹ sẽ không còn có đế quốc nào nữa. Theo Kiều Lương, mọi rối loạn của thế giới hiện này đều bắt nguồn từ cuộc chiến tranh giành tư bản.
Trong cuộc đua marathon ấy, Trung Quốc không cần phải để ý mình có phải là lãnh đạo, chỉ cần tranh đấu để trở thành “người chạm đích cuối cùng”.
Đối với hai nước Trung-Mỹ, Kiều Lương cho rằng điều mà Trung Quốc thực sự phải ứng phó ngày nay chủ yếu không phải là bá quyền quân sự Mỹ mà là bá quyền tài chính Mỹ.
Tại sao vậy? Bởi hệ thống tài chính là điểm mỏng yếu nhất của Trung Quốc và nước này không thể tin tưởng hoàn toàn vào học thuyết kinh tế thị trường tự do.
"Đệ nhất tham quan" Trung Quốc "ngã ngựa"
Sau khi Phó chủ tịch tỉnh Quảng Đông bị khai trừ khỏi Đảng, các cơ quan tư pháp của Trung Quốc cũng công bố quy định liên quan về mức án tử hình đối với tội phạm tham nhũng.
Ngày 18-4, truyền thông Trung Quốc thông báo về việc Phó chủ tịch tỉnh Quảng Đông Lưu Chí Canh bị tiến hành điều tra, xác minh nội bộ và sau đó đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc vì tội danh tham nhũng, nhận hối lộ và lãng phí của công.
Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) cho biết, sau khi nhận mức án kỷ luật về Đảng, hồ sơ vụ việc Lưu Chí Canh đã được chuyển cho phía tòa án để xét xử theo các quy định của pháp luật.
Lưu Chí Canh nhậm chức Phó chủ tịch tỉnh Quảng Đông, phụ trách các lĩnh vực kinh tế và tin học, giao thông vận tải, thống kê, thông tin, giám sát chất lượng, an toàn sản xuất, từ tháng 11/2011.
Vào đầu tháng 2 năm nay, cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc bắt đầu cuộc điều tra nội bộ đối với “con hổ lớn” này, vì cáo buộc có những hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng.
Cơ quan điều tra đã xác định Lưu Chí Canh mắc hàng loạt tội danh như nhận hối lộ; phung phí công quỹ; lạm dụng chức vụ để “phục vụ lợi ích cho bên thứ ba” và trục lợi cá nhân… Tuy nhiên, họ không công bố chi tiết phạm pháp trong các tội danh của Lưu.
Do đó, CCDI đã quyết định khai trừ Lưu Chí Canh ra khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó bàn giao vị cựu Phó chủ tịch tỉnh này cho cơ quan tư pháp điều tra, xét xử theo quy định của pháp luật.
Theo tin của truyền thống Trung Quốc, trước khi nhậm chức Phó Chủ tịch tỉnh, Lưu Chí Canh đã công tác ở Đông Hoản - thành phố nổi tiếng với biệt danh xấu xí là “Thiên đường mại dâm” - trong thời gian hơn 8 năm, trong đó có 6 năm làm Bí thư thành ủy.
Báo chí Trung Quốc cho biết, trước khi bị dẹp bỏ tháng 2/2014, Đông Hoản có tới hơn 200 ngàn gái mại dâm từ khắp nơi đổ về đây hành nghề. Do đó, có khả năng quan chức họ Lưu đã “bảo kê” cho ngành công nghiệp tình dục ở thành phố này trở nên "nổi tiếng" khắp thế giới.
Theo mạng China.com, vị quan chức hàng tỉnh này đã trở thành “đệ nhất tham quan” khi vượt mặt mọi quan tham ngã ngựa trước đây về số tài sản vơ vét được. Theo ước tính của truyền thông Đại Lục, Lưu có khối tài sản lên tới hơn 90 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 14 tỷ USD, tức là hơn 300 nghìn tỷ VND).
4 tháng trước, CCDI đã bí mật giám sát các tài khoản đứng tên ông Lưu và người thân tại các ngân hàng trong và ngoài nước, với tổng số tiền lên tới 37 tỷ Nhân dân tệ (5,7 tỷ USD).
Ngoài ra, CCDI còn tiến hành khám xét một số nhà ở của Lưu ở Bắc Kinh, Thượng Hải và 5 thành phố khác, phát hiện, thu giữ được số trái phiếu trong nước và của nước ngoài trị giá tới 51 tỷ Nhân dân tệ (tương đương với 7,8 tỷ USD).
Chưa hết, các nhân viên điều tra còn tịch thu khối tài sản khổng lồ của Lưu Chí Canh, gồm 300 ngôi nhà, căn hộ có tổng trị giá 1,7 tỷ Nhân dân tệ; Đồ cổ và tranh, thư pháp trị giá 1 tỷ Nhân dân tệ; 60 xe hơi cùng rất nhiều vàng bạc, đá ngọc, rượu quý, ngoại tệ.
Được biết, cũng trong ngày 18-4, hai cơ quan tư pháp hàng đầu của nước này là Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc đã phối hợp công bố ban hành một Nghị định, trong đó xác định mức độ và khung hình phạt của hành vi tham nhũng và nhận hối lộ.
Theo đó, số tiền tối thiểu mà các bị cáo nhận hối lộ hoặc tham ô, biển thủ công quỹ có thể bị phải chịu mức án tử hình là ở mức 3 triệu nhân dân tệ (tương đương 463.000 USD).
Các cơ quan tư pháp Trung Quốc cũng được khuyến cáo khi xem xét trường hợp tham nhũng cũng phải tính đến mức độ vi phạm và mức độ hậu quả tiêu cực của nó.
Theo nghị định cho biết, nếu có những tình tiết giảm nhẹ của quy định pháp luật, bị cáo bị kết án có thể được hoãn tử hình trong hai năm. Ngoài ra, trong một số trường hợp, số tiền có thể ít hơn nhưng cũng có thể xem xét tăng nặng, nếu hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng.
Chiến thuật mới của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông
Tín hiệu phát ra từ chuyến thị sát Biển Đông của tướng Phạm Trường Long hé lộ chiến thuật mới của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Ngày 15/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tới thăm châu Á, đặt chân lên tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN 74) đang di chuyển trên Biển Đông. Tại đây, ông Carter đã gặp binh sĩ Mỹ và thị sác các hoạt động phóng máy bay, bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc rằng việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực là nguyên nhân khiến căng thẳng gia tăng, tiết lộ Mỹ và Ấn Độ, Philippines vừa đạt được hiệp định quân sự mới.
Chiều cùng ngày, website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng phát đi thông tin Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long gần đây đã tới thị sát, thăm hỏi sĩ quan binh lính, công nhân xây dựng và tìm hiểu tình hình xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan ở một số đảo, bãi thuộc quần đảo Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm giữ phi pháp).
Theo Thời báo New York, những động thái cứng rắn mới của Mỹ thể hiện trong chuyến thăm châu Á của ông Carter phát đi tín hiệu rằng Mỹ và các nước đồng minh sẽ cùng nhau ứng phó với việc Bắc Kinh không ngừng mở rộng sự có mặt tại khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên, hành động này sẽ càng khiến Bắc Kinh lo ngại về ý đồ ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy của Mỹ. Đồng thời, việc Lầu Năm góc can dự nhiều hơn vào các sự vụ khu vực sẽ thúc đẩy Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, bao gồm việc bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng các trạm radar và đường băng trên đó.
Đối với phía Trung Quốc, hãng tin AFP cho rằng việc truyền thông chính thức của Trung Quốc chọn thời điểm ông Carter thăm tàu sân bay để phát đi thông tin tướng Phạm Trường Long thị sát Biển Đông là đòn trả đũa trực tiếp đối với cuộc diễn tập chung giữa Mỹ và Philippines ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, việc quan chức cấp cao quân đội Trung - Mỹ lần đầu tiên đi thị sát Biển Đông vào thời điểm nhạy cảm khiến cho cuộc đấu tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông tăng nhiệt, thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận hơn.
Sự xuất hiện của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc không phải ngẫu nhiên. Chiến thuật mới ở đây chính là “anh tới, nhưng tôi đã đợi sẵn”.
Theo tờ Thời báo Tài chính của Anh, phái cứng rắn ở Trung Quốc do ông Tập Cận Bình làm hạt nhân muốn thách thức vai trò bảo đảm an ninh khu vực của Mỹ, thậm chí còn hướng tới việc lật đổ các quy tắc quốc tế lấy trật tự thế giới hiện nay làm nền tảng.
Kết luận này đang chiếm ưu thế trong giới tinh hoa Washington, tiếp thêm sức cho chủ trương thực thi chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong chính giới Mỹ và Biển Đông sẽ trở thành “mắt bão” của cuộc đấu nước lớn.
Nhật Bản ban hành luật, tăng cường bảo vệ các đảo tiền tiêu
Theo hãng thông tấn Kyodo, ngày 20/4, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành luật nhằm duy trì dân cư sinh sống trên các đảo biệt lập gần các biên giới lãnh hải của nước này.
Luật tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ tài chính để duy trì các cộng đồng dân cư sinh sống ở các đảo trên, với mục đích bảo vệ lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Theo đó, chính phủ trung ương và chính quyền các địa phương trợ cấp một phần chi phí đi lại cho cư dân trên các đảo này và hỗ trợ tài chính cho ngư dân. Việc cải thiện môi trường sống được xác định là cần thiết để giữ người dân sinh sống trên đảo.
Tổng cộng 71 đảo thuộc tám tỉnh được xếp vào diện các khu vực ưu tiên hỗ trợ. Trong số này có các đảo Rebun, Rishiri và Okushiri, ở ngoài khơi đảo chính Hokkaido ở Cực Bắc Nhật Bản, giáp với Nga; đảo Sado trên biển Nhật Bản; và các đảo Tsushima, Iki và Goto ở ngoài khơi đảo chính Kyushu ở Tây Nam Nhật Bản gần Hàn Quốc.
Luật trên có hiệu lực thi hành trong 10 năm bắt đầu từ tháng 4/2017.
Túng tiền, IS giết quân bán nội tạng
Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang giết các tay súng bị thương để bán nội tạng cho chợ đen ở Iraq.
"Chúng đe dọa bác sĩ, ép họ mổ lấy nội tạng của các tay súng IS bị thương" – nguồn tin cho biết.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty IHS (Mỹ), thu nhập hàng tháng của IS đã giảm đến 30%. Nhóm khủng bố này từng kiếm được khoảng 80 triệu USD /tháng vào giữa năm 2015 chủ yếu do buôn lậu dầu mỏ. Tuy nhiên, đến tháng 3-2016, con số này đã giảm xuống còn 56 triệu USD/tháng. Điều này đến từ sự sụt giảm của sản lượng dầu khai thác và nguồn thu từ thuế do diện tích lãnh thổ kiểm soát bị thu hẹp khoảng 1/3. IS gần đây đã buộc phải cắt phân nửa lương của các tay súng, đồng thời chúng điên cuồng tăng thuế và tìm nhiều cách kiếm tiền rùng rợn khác.
Trong một diễn biến khác, lực lượng quân sự Mỹ tới Baghdad thực hiện vai trò cố vấn hồi tháng 6 năm 2014 đã tăng lên nhanh chóng. Nếu nhóm cố vấn ban đầu tới chỉ có 170 người thì nay đã tăng lên tới 3.000 người.Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hôm 18/4 tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp thêm 200 binh sĩ cùng 8 máy bay trực thăng tấn công Apache để hỗ trợ lực lượng của Iraq trong cuộc chiến giành lại TP Mosul ở miền Bắc từ tay IS.