Cuộc gặp lịch sử giữa 2 nhà lãnh đạo ở 2 bờ eo biển Đài Loan trở thành chủ đề chỉ trích của người Đài Loan, đặc biệt là đối với phát biểu của lãnh đạo hòn đảo.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 13-07-2016
- Cập nhật : 13/07/2016
Sau phán quyết PCA, Bắc Kinh phản ứng ra sao?
Danh tiếng của Bắc Kinh trên trường quốc tế sẽ bị tổn hại nếu bất chấp phán quyết của PCA
Việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan đứng về phía Philippines trong vụ kiện giữa nước này và Trung Quốc không khiến nhiều người ngạc nhiên. Điều khiến giới chuyên gia bất ngờ là Bắc Kinh thất bại “nặng nề” hơn dự kiến trên mặt trận pháp lý.
Đòn mạnh vào yêu sách chủ quyền
Chuyên gia Ian Storey của Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore) nhận định với Reuters rằng phán quyết của PCA đã giáng một đòn pháp lý mạnh mẽ vào yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Bắc Kinh dĩ nhiên sẽ phản ứng giận dữ và có thể leo thang khiêu khích tại vùng biển này.
Trong khi đó, ông Paul Reichler, luật sư người Mỹ đóng vai trò trưởng nhóm cố vấn pháp lý cho chính phủ Philippines trong vụ kiện, ca ngợi đây không chỉ là chiến thắng của Philippines mà còn là chiến thắng của nền pháp trị và các mối quan hệ quốc tế. Theo ông Reichler, phán quyết của PCA đã làm gia tăng sức mạnh của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Điều dư luận quan tâm là tác động của phán quyết đối với tình hình biển Đông sắp tới cũng như Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao. Theo giới phân tích, nhiều khả năng Trung Quốc tiếp tục gia tăng kiểm soát những đảo nhân tạo xây trái phép ở biển Đông thay vì tuân thủ phán quyết. Không những thế, dư luận còn lo ngại Bắc Kinh đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông hoặc bắt đầu cải tạo bãi cạn Scarborough đang chiếm giữ của Philippines.
Những động thái khiêu khích mạnh mẽ như thế sẽ khiến Mỹ chịu sức ép phải đáp trả khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng. Giới chức Mỹ nói với tờ Financial Times (Anh) rằng phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết sẽ tác động không nhỏ đến hành động tương ứng của các bên liên quan cũng như của Mỹ. Chẳng hạn, nếu Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động quân sự tại vùng biển tranh chấp, Mỹ và các nước khác buộc phải đối phó bằng cách mở rộng sứ mệnh bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở đó.
Bắc Kinh sợ mất mặt
Đài BBC dẫn lời các nhà quan sát cho rằng danh tiếng của Bắc Kinh trên trường quốc tế sẽ bị tổn hại nếu bất chấp phán quyết của PCA. Theo ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc), Bắc Kinh sẽ không dại gì có phản ứng khiến tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người có những tuyên bố mang tính hòa giải với Bắc Kinh sau khi thắng cử, chuyển sang lập trường cứng rắn quá sớm.
Ngoài khả năng tiếp tục khiêu khích, Trung Quốc còn có thể đẩy mạnh nỗ lực vận động để các bên liên quan đến tranh chấp ở biển Đông chịu thương thảo trực tiếp theo đúng lập trường lâu nay của Bắc Kinh. Tờ Financial Times ngày 12-7 tiết lộ Bắc Kinh đề nghị những lợi ích về kinh tế nếu Manila chịu “gạt sang một bên” phán quyết của PCA.
Ông Richard Heydarian, nhà phân tích chính trị tại Trường ĐH De La Salle (Philippines), nhận định ông Duterte chắc chắn sẽ sử dụng phán quyết để thúc ép Trung Quốc chấp nhận những nhượng bộ nào đó. “Mỹ cùng các đồng minh chủ chốt sẽ gây sức ép tối đa để chính quyền ông Duterte ra tuyên bố mạnh mẽ và kêu gọi sự tuân thủ (phán quyết của PCA). Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đang làm mọi điều có thể hòng thuyết phục ông Duterte không sử dụng vụ kiện để làm mất mặt Bắc Kinh” - chuyên gia này nhận định.
Tuy nhiên, ông Aaron Connelly, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách quốc tế Lowy, cho rằng các nước giờ đây không mấy mặn mà với ý tưởng thương thảo trực tiếp của Trung Quốc. “Theo thời gian, các nước Đông Nam Á nhận ra rằng Trung Quốc ban đầu hứa hẹn để rồi nuốt lời sau đó. Vì thế, luật pháp quốc tế là điều các nước có thể dựa vào về lâu dài. Đó là lý do Philippines quyết định đưa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông ra PCA sau 10 năm thương thảo” - ông Connelly giải thích với đài CNBC.(NLĐ)
Dân Philippines ăn mừng phán quyết PCA
Tại thủ đô Manila lúc này, các nhóm hoạt động Philippines tổ chức ăn mừng sự kiện Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết có lợi cho họ trong vụ kiện biển Đông với Trung Quốc.
"Tiệc mừng chiến thắng" được tổ chức trước cả khi phán quyết của PCA được công bố lúc 16 giờ chiều 12-7 (giờ Việt Nam).
Thành viên các tổ chức "Người Philippines ở Mỹ vì đấu tranh vì sự quản lý hiệu quả" (USPGG), Marcha Contra Tsina, Akbayan và Kalayaan Atin Ito đã vẫy cờ và thả bong bóng màu đỏ, xanh, trắng, vàng (màu sắc của quốc kỳ Philippines) ở dọc bãi biển Baywalk tại Manila.
Những người này cầm biểu ngữ với khẩu hiệu “Chủ quyền của Philippines là điều không thể bàn cãi” và “Trung Quốc nên dừng những hành động bồi đắp trái phép” diễu hành trong tiếng nhạc.
Một số thành viên cộng đồng người Việt Nam ở Philippines cũng tham gia cuộc tuần hành thể hiện sự ủng hộ đối với Philippines trong vụ kiện.
Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Philippines, ông Roilo Golez, dự báo Trung Quốc sẽ phải cúi đầu trước áp lực quốc tế sau phán quyết của PCA. "Chúng tôi biết Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyết. Nhưng họ sẽ phớt lờ được bao lâu nếu phải đối mặt với sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế" - ông nói với trang Rappler (Philippines).
Trước đó, các nhà hoạt động Philippines hôm 11-7 biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Makati (vùng đô thị Manila), đòi Bắc Kinh rút khỏi lãnh thổ của mình và các nước khác.
"Chúng tôi kêu gọi anh em Đông Nam Á hưởng ứng ‘Chexit’ (China exit, tức Trung Quốc rời đi), không chỉ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng lãnh thổ Philippines mà phải tôn trọng lãnh thổ của các nước khác. Trung Quốc nên ngừng bắt nạt láng giềng” – ông Mong Palatino, lãnh đạo cuộc biểu tình nói. “Chexit” lấy cảm hứng từ “Brexit”, tức Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Theo báo Manila Times, ông Palatino nói nhiều nhóm khác nhau sẽ tiếp tục biểu tình khắp Philippines cho đến khi Trung Quốc rút khỏi vùng biển của Philippines.(NLĐ)
Bình luận đầu tiên của bà May sau khi chắc chắn sẽ thành Thủ tướng Anh
Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May trong chiến dịch vận động tranh cử ở Birmingham ngày 11/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)
AFP/Reuters đưa tin ngày 11/7, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, người sẽ trở thành Thủ tướng Anh vào ngày 13/7 tới, cho biết bà muốn "thỏa thuận tốt nhất" có thể về vấn đề nước này rời Liên minh châu Âu (EU).
Đây là bình luận đầu tiên của bà May sau khi đảng Bảo thủ Anh xác nhận Bộ trưởng Nội vụ Theresa May đã chính thức được bầu chọn làm người đứng đầu đảng này và sẽ sớm nhậm chức Thủ tướng Anh.
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng May tái khẳng định rằng bà sẽ tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý hồi tháng trước tại nước này.
Bà nói: "Brexit có nghĩa là Brexit và chúng ta sẽ thực hiện để quá trình này diễn ra thành công."
Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama tự tin rằng "quan hệ đặc biệt" giữa nước này với Anh sẽ tiếp tục được duy trì sau khi bà Theresa May trở tthành Thủ tướng mới của Anh.
Phát biểu trước các phóng viên, người phát ngôn Nhà Trắng, ông Josh Earnest nói: "Tổng thống hoàn toàn tự tin rằng ông và người kế nhiệm ông sẽ có thể phối hợp hiệu quả với bà ấy (Theresa May) để không chỉ bảo vệ mà còn thúc đẩy quan hệ đặc biệt giữa hai nước".
Trạm không gian Trung Quốc có thể rơi xuống Trái Đất
Các chuyên gia hàng không vũ trụ cảnh báo trạm không gian Thiên Cung 1 của Trung Quốc bị mất kiểm soát và có nguy cơ rơi tự do xuống Trái Đất.
Thiên Cung 1 được phóng lên vũ trụ vào năm 2011 và dự kiến trở về Trái Đất bằng cách rơi có kiểm soát xuống biển. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Trung Quốc có vẻ đã mất liên lạc với Thiên Cung 1, khiến nó có thể rơi xuống Trái Đất bất cứ lúc nào.
Giống như bất cứ vệ tinh mất tích nào khác, có khả năng Thiên Cung 1 sẽ bốc cháy trên đường rơi xuống và trở thành kim loại nóng chảy chứ không gây ra va chạm nghiêm trọng. Dù vậy, nhiều người cảnh báo rằng nó vẫn gây ra “một ngày tồi tệ” nếu thực sự rơi xuống Trái Đất.
Ngoài ra, với kích thước lớn của vệ tinh (nặng 7,3 tấn), một số bộ phận của nó có thể chịu được nhiệt để xuyên qua bầu khí quyển và va chạm vào bất cứ đâu trên Trái Đất.
Trung Quốc phóng Thiên Cung 1 lên vũ trụ ngày 29-9-2011. Ảnh: REUTERS
Trung Quốc hy vọng có thể dùng Thiên Cung 1 để bắt đầu xây dựng một trạm vũ trụ không gian cạnh tranh với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Kể từ khi được phóng lên, Thiên Cung 1 vẫn được kiểm soát quỹ đạo để bay xung quanh Trái Đất.
Tuy nhiên, một nhà thiên văn học nghiệp dư tên Thomas Dorman đã quan sát sự di chuyển của Thiên Cung 1 và tin rằng Trung Quốc để mất kiểm nó. Việc Trung Quốc không đưa ra tuyên bố nào về Thiên Cung 1 cũng chỉ ra khả năng trên, ông Dorman trả lời trangSpace.com.
“Nếu tôi đúng, Trung Quốc sẽ đợi đến phút giây cuối cùng mới thông báo với thế giới rằng có vấn đề xảy ra với trạm không gian của họ” – ông Dorman nói.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc từng đưa tin các nhà chức trách gặp khó khăn trong việc liên lạc với vệ tinh. Trong những tháng gần đây, không có thêm bất cứ thông tin nào về Thiên Cung 1 được cập nhật, khiến các chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy có vấn đề thực sự xảy ra.
Ông Sanders: “Bà Clinton sẽ là tổng thống”
Thượng nghị sĩ bang Vermont chính thức tuyên bố ủng hộ đối thủ cùng đảng Dân chủ Hillary Clinton trên con đường trở thành tổng thống Mỹ.
Xuất hiện cùng bà Clinton tại một sự kiện ở bang New Hampshire hôm 12-7, ông Sanders phát biểu: “Bà ấy sẽ là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ và tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo bà ấy trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ. Chiến dịch của chúng tôi là để phục vụ người dân Mỹ và đối phó những khủng hoảng nghiêm trọng mà chúng ta đương đầu. Tôi không nghi ngờ gì về việc bà Hillary Clinton là ứng viên tốt nhất cho nhiệm vụ đó”.
New Hampshire là nơi chứng kiến ông Sanders đánh bại bà Clinton trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ hồi tháng 2. Hai ứng viên này bắt đầu thương lượng kể từ khi bà Clinton gần như chắc chắn giành suất ứng viên tổng thống của đảng vào tháng 6 qua.
Đáp lại lời khen ngợi của đối thủ cũ, bà Clinton nói: “Cảm ơn ông vì nỗ lực cả đời đấu tranh với bất công. (…) Bây giờ là lúc tất cả chúng ta sát cánh cùng nhau”.
Với ảnh hưởng không nhỏ của ông Sanders trong đảng Dân chủ, đây có thể xem là nguồn động lực lớn đối với bà Clinton. Hầu hết người ủng hộ ông Sanders đã quyết định góp sức cho bà Clinton trong cuộc chiến với ứng viên sáng giá của đảng Cộng hòa là Donald Trump.
Theo báo chí Mỹ, ước tính có tới 13 triệu cử tri Mỹ ủng hộ ông Sanders và thăm dò do hãng Pew công bố cùng ngày 12-7 cho biết 85% cử tri Dân chủ ủng hộ ông Sanders khi được hỏi đã nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton.
Thượng nghị sĩ lão làng của bang Vermont trụ lại đường đua lâu hơn bất kỳ phỏng đoán nào. Tuy tuổi đời đã cao nhưng ông lại được nhiều cử tri trẻ tuổi tín nhiệm.
“Không có gì lạ khi tôi và Hillary Clinton bất đồng nhiều thứ. Dân chủ là thế. Nhưng chúng tôi đã liên kết được 2 chiến dịch tranh cử với nhau để hình thành nền tảng tranh cử tiến bộ nhất đảng Dân chủ, tính tới bây giờ” – ông Sanders nhấn mạnh.
Ở bên phe Cộng hòa, tỉ phú Trump lập tức công kích liên minh mới mẻ này. Vốn đang cố lôi kéo người ủng hộ của ông Sanders, ông Trump viết trên Twitter rằng vị thượng nghị sĩ đã “hoàn toànbán mình cho Hillary Clinton dối trá”. Còn chiến dịch vận động cho ông ra thông cáo chê bai: “Ứng cử viên chuyên chống đặc quyền đặc lợi lại đi ủng hộ ứng viên hiện thân cho đặc quyền đặc lợi”.
Kết quả các cuộc thăm dò nhanh trên mạng internet ngay sau tuyên bố của Thượng nghị sĩ Sanders cho thấy bà Clinton tiếp tục dẫn tiếp trên phạm vi toàn quốc trước đối thủ Trump. Cụ thể, theo kết quả của NBC News/Survey Monkey, bà Hillary hiện nhận được sự ủng hộ của 47% cử tri, so với 44% của ông Trump.