Cách đây hơn 50 năm, ngày 31/8/1920, nhà máy Krasnoe Sormovo chế tạo ra chiếc xe tăng đầu tiên của Liên Xô.
Tin thế giới đọc nhanh sáng 21-04-2016
- Cập nhật : 21/04/2016
"Giọt nước tràn ly" trong quan hệ Mỹ - Kyrgyzstan
Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan thẳng thừng cáo buộc Washington đang áp đặt tiêu chuẩn kép và đe dọa chính trị tới sự yên ổn của thể chế Kyrgyzstan.
Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan đã phản ứng mạnh mẽ với báo cáo gần đây do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố về tình hình khu vực Trung Á, và trong đó đặc biệt chỉ trích Bishkek đã gây áp lực mạnh mẽ đối với các nhà hoạt động đối lập cũng như không tôn trọng nhân quyền ở Kyrgyzstan. Trong một phản ứng mới nhất, Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan tuyên bố: "Nhiều người trên thế giới đã không tin vào sự chân thành trong những ý định của Mỹ, khi họ bỗng quan tâm tới việc thực thi quyền công dân của bất kỳ quốc gia nào khác".
Theo các tác giả của báo cáo, tại Kyrgyzstan vẫn tồn tại các vụ bắt giữ bất hợp pháp các nhân vật đối lập, các quan chức an ninh gây áp lực về nhân quyền đối với các dân tộc thiểu số, và chính quyền không muốn cũng như không thể chấm dứt tình trạng này. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan thẳng thừng cáo buộc Washington đang áp đặt tiêu chuẩn kép và đe dọa chính trị tới sự yên ổn của thể chế Kyrgyzstan, đồng thời nhắc lại rằng chính sách của Mỹ đã thất bại ở Iraq và Libya. Theo Kyrgyzstan, "hàng trăm nghìn người chết và bị thương, hàng triệu người phải đi tị nạn là 'kết quả' mối quan tâm của Mỹ về nhân quyền".
Tờ báo Nga đặt câu hỏi điều gì khiến Kyrgyzstan có thể phản ứng gay gắt đến vậy, cho dù đó là "giọt nước cuối cùng làm tràn ly" mối quan hệ không mấy ổn thỏa giữa Kyrgyzstan và Mỹ? Trước hết cần lưu ý rằng chớ nên vui mừng quá sớm trước kịch bản về mối quan hệ lủng củng giữa hai nước. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan không có nghĩa là Bishkek sẵn sàng xóa bỏ tình hữu nghị với Washington, mà sự phản ứng mạnh mẽ của Bishkek có thể được giải thích bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan chỉ mang tính tuyên truyền nhiều hơn là để giải quyết các khúc mắc cũng như nhằm vào Mỹ. Trên thực tế, tuyên bố đáp trả nhằm trấn an người dân ở quốc gia Trung Á. Nhà chức trách dường như chỉ cần khẳng định với người dân của mình rằng "tuy chúng tôi không thể cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân, đối phó với tham nhũng và ngăn chặn trộm cắp, nhưng chúng tôi là những người yêu nước thực sự và không thối chí ngay cả dưới áp lực của những quốc gia hùng mạnh nhất". Trên thực tế, đây chỉ là việc làm nhằm xoa dịu dư luận.
Thứ hai, Bishkek đồng thời cũng muốn gửi thông điệp này tới Moskva và Bắc Kinh. Bishkek có lẽ hy vọng rằng "búa rìu dư luận" (đối với Mỹ) có thể giúp cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng, tạo cảm giác gần gũi với hai quốc gia này khi cùng có chung một kẻ thù, cùng chung một "nỗi ấm ức".
Thứ ba, Bishkek thông qua một văn bản như vậy có thể còn bởi đường lối đối ngoại. Một số nguồn thạo tin cho rằng tuyên bố phản đối Mỹ được quyết định không phải bởi Bộ Ngoại giao mà thực chất là quyết định của chính Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev, nhằm lấy lòng công chúng trong và ngoài nước.
IS bắt tay với mafia Ý để "đầu độc châu Âu"
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang cấu kết với những băng đảng tội phạm Ý để buôn lậu cần sa vào châu Âu.
Cảnh sát Ý đã tìm thấy bằng chứng cho thấy mafia nước này phải hợp tác với IS để vận chuyển cần sa cũng như ma túy bất hợp pháp thông qua lãnh thổ Libya, dọc tuyến đường buôn lậu chính Bắc Phi. Nhựa cần sa đi từ Casablanca, Morocco, qua Algeria, Tunisia đến TP Tobruk, miền Đông Libya.
Mafia buộc phải thỏa thuận với IS nếu muốn đi qua thành phố ven biển Sirte ở Libya, nơi IS kiểm soát các cảng biển.
So với giữa năm 2015, thu nhập của Nhà nước Hồi giáo hiện giảm khoảng 30% xuống còn 56 triệu USD/tháng. Vì vậy, chúng phải tìm phương pháp kiếm thêm tiền để tài trợ cho cuộc thánh chiến.
Trong khi đó, cả hai cơ quan tình báo Đức và Ý hôm 19-4 tiết lộ IS đang âm mưu tấn công khủng bố vào du khách tại một số khu nghỉ dưỡng ở Tây Ban Nha, Pháp và Ý mùa hè này. Các thành viên IS được cho là sẽ đóng giả làm người tị nạn, bán kem và áo thun để ngụy trang.
Tờ Bild (Đức) còn dẫn nguồn tin cho biết IS định đánh bom tự sát bằng áo vest chứa thuốc nổ, đồng thời đặt bom dưới những chiếc giường du khách hay nằm tắm nắng. Tờ báo khẳng định thông tin tình báo đến từ một nguồn tin cậy ở châu Phi.
Trước đó, một công dân Anh bị bắt trên đảo Mallorca – Tây Ban Nha do nghi ngờ ủng hộ IS. Người đàn ông này – sinh ở Morocco – khai rằng đang lên kế hoạch khủng bố châu Âu.
Cùng ngày 19-4, giới chức Bỉ cho biết đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy IS đã cử thêm các tay súng tới Bỉ và châu Âu, do đó nước này sẽ duy trì cảnh báo an ninh ở mức 3.
Trước đó, Bỉ đã hạ cảnh báo an ninh xuống mức 3 từ mức cao nhất là mức 4 chỉ 2 ngày sau khi xảy ra loạt vụ tấn công hôm 22-3, làm 32 người thiệt mạng.
Ông Bounnhang Volachith được bầu là Chủ tịch CHDCND Lào
Sáng 20/4 tại thủ đô Viêng Chăn, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII của Lào đã nhóm họp, bầu và phê chuẩn một loạt nhân sự của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ.
Tại phiên họp, với đa số phiếu thuận (145/148), Quốc hội khóa VIII của Lào đã tín nhiệm tiếp tục bầu bà Pany Yathotou, Chủ tịch Quốc hội khóa VII, làm Chủ tịch Quốc hội khóa VIII. Bầu các ông Bounpone Buttanavong, Somphan Phengkhammy, Sengnoun Sayalath và bà Sisay Ludethmounson làm Phó Chủ tịch Quốc hội.
Ngay sau khi Ban Lãnh đạo Quốc hội khóa VIII ra mắt, Quốc hội Lào đã tiến hành bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước. Với số phiếu tín nhiệm rất cao (141/149), Quốc hội Lào đã bầu ông Bounnhang Volachith làm Chủ tịch CHDCND Lào và bầu ông Phankham Viphavan làm Phó Chủ tịch nước.
Tiếp đó, theo đề cử của tân Chủ tịch Bounnhang Volachith, Quốc hội khóa VIII của Lào đã tiến hành bầu ông Thongloun Sisoulith làm tân Thủ tướng CHDCND Lào với số phiếu tín nhiệm rất cao (147/149).
Ngay sau đó, Quốc hội Lào đã phê chuẩn danh sách các thành viên Chính phủ do tân Thủ tướng Thongloun Sisoulith đệ trình và bầu Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm soát Tối cao…
Dự kiến, chiều 20/4, Quốc hội Lào sẽ tiếp tục nhóm họp để thảo luận và thông qua Tầm nhìn 2030, Chiến lược 2025 và Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 5 năm lần thứ 8 (2016-2020), Kế hoạch Ngân sách nhà nước trong 5 năm (2016-2020…
Trung Quốc thử tên lửa liên lục địa giữa căng thẳng Biển Đông
Trung Quốc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa DF-41 với phạm vi hoạt động gần 15.000 km, chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm tàu sân bay trên Biển Đông
Trang Washington Free Beacon dẫn nguồn tin Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 ngày 19/4, mang theo hai phương tiện chứa nhiều đầu đạn dẫn hướng độc lập (MIRV). Các vệ tinh quân sự của Mỹ cùng hệ thống cảm biến trong khu vực đã theo dõi vụ phóng này.
Tuy nhiên, các quan chức của Lầu Năm Góc không tiết lộ địa điểm cuộc thử nghiệm diễn ra. Trong lần thử nghiệm gần nhất vào tháng 12/2015, Trung Quốc từng phóng DF-41 từ Trung tâm thử nghiệm Không gian và Tên lửa Ngũ Trại, tỉnh Sơn Tây.
Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Phạm Trường Long, một trong các phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tới thăm các binh sĩ và thị sát quá trình xây dựng trên một thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông.
Diễn biến trên được thông báo đúng thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tới thăm tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis đang hoạt động trên Biển Đông.
Chuyến thăm của ông Carter được cho là động thái nhằm vào các hoạt động khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo Reuters, việc ông Carter thăm tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc nổi đóa.
Hồi tháng 3, Tạp chí quốc phòng Kanwa có trụ sở tại Canada, từng cho biết quân đội Trung Quốc có thể triển khai DF-41 vào đầu năm nay. Loại tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm xa này có thể sẽ được vào biên chế chiến đấu của quân đội Trung Quốc trong những tháng đầu năm 2016.
Washington mô tả DF-41 là loại tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm xa nhất thế giới, với phạm vi tấn công lên tới 14.500 km. Nếu được phóng từ tỉnh Hà Nam ở miền trung của Trung Quốc, DF-41 sẽ mất nửa giờ để tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ nếu bay qua Bắc Cực hoặc Thái Bình Dương.
Trung Quốc thử nghiệm loại vũ khí này ít nhất 5 lần kể từ tháng 7/2014. DF-41 sử dụng nhiên liệu rắn, bệ phóng di động.
Khó khôi phục lòng tin với NATO nhưng Nga vẫn chủ trương đối thoại
Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang trải qua giai đoạn mất lòng tin sâu sắc đối với nhau, và để xóa bỏ điều này sẽ rất phức tạp.
Ông Peskov nhắc lại rằng Moskva quan ngại về việc NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại các quốc gia láng giềng của Nga, điều này đe dọa tới an ninh và lợi ích quốc gia của Nga.
Ông nhấn mạnh những động thái quân sự gần gây của NATO một lần nữa cho thấy khối quân sự này vẫn chưa thích nghi với điều kiện mới và vẫn theo đuổi luận điểm coi Nga là thù địch, cũng như luôn tìm cách kiềm chế Nga
Trước đó, hai bên đã nhất trí tiến hành cuộc họp Hội đồng Nga-NATO cấp đại sứ vào ngày 20/4 tại Brussels (Bỉ). Đây sẽ là cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Nga-NATO sau gần 2 năm gián đoạn.
Hội đồng Nga - NATO được thành lập tại hội nghị thượng đỉnh NATO - Nga tháng 5/2002 ở Rome (Italy) như một cơ chế để hai bên tham vấn, thỏa hiệp và cùng đưa ra quyết định chung về các vấn đề cùng quan tâm trên cơ sở đối tác bình đẳng.
Sau khi cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine bùng phát hồi đầu năm 2014, NATO đã quyết định hủy bỏ hợp tác quân sự và dân sự với Nga, dù vẫn để ngỏ khả năng duy trì đối thoại chính trị tại Hội đồng Nga - NATO và ở cấp đại sứ hoặc cấp cao hơn trong mức độ cần thiết.
Tuy nhiên, hoạt động của Hội đồng Nga-NATO đã bị gián đoạn sau cuộc họp cuối cùng vào tháng 5/2014. Tháng 12/2015, Tổng Thư ký NATO tuyên bố tổ chức này đã thông qua quyết định khôi phục lại hoạt động của Hội đồng Nga-NATO.