Thế giới từng đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân, khi một cuộc tập trận của NATO vô tình kích hoạt nỗ lực chuẩn bị khai chiến của Liên Xô.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 05-11-2015
- Cập nhật : 05/11/2015
Cảnh sát Malaysia bắt giữ 8 phần tử khủng bố
Báo chí Malaysia ngày 3/11 cho biết, cảnh sát nước này đã bắt giữ 8 người đàn ông bị tình nghi hoạt động khủng bố, trong đó có 2 người là công vụ viên bị bắt vì tuyên truyền cho tổ chức “Nhà nước Hội giáo” (IS) tới các đồng nghiệp; 6 kẻ khác là thành viên tổ chức cực đoan Tanzim Al-Qaeda.
Tin cho biết, điều này thể hiện cảnh sát Malaysia hiện theo dõi rất sát mọi động tĩnh của các phần tử khủng bố để bảo vệ an toàn cho dân chúng.
Ông Tổng trưởng cảnh sát quốc gia Khalid Abu Bakar nói trong bản thông báo, hôm 30/10, cảnh sát các bang Selangor, Perak và Johor đã tiến hành các hành động đột kích, bắt 8 người đàn ông bị nghi dính díu các hoạt động khủng bố.
Họ sẽ bị điều tra về tội gây nguy hại an ninh quốc gia và hoạt động khủng bố theo chương 6 của bộ Luật Hình sự Malaysia.
Ông Khalid Abu Bakar nói, những người này tuổi từ 22 đến 36, trong đó 2 công vụ viên đều 28 tuổi, 2 tên này đều là thành viên của tổ chức cực đoan IS cùng nhóm với 2 kẻ bị bắt hôm 19/8. Bọn này đều bị bắt khi đang tuyên truyền về giáo lý của IS cho các nhân viên chính quyền.
Trung Quốc âm thầm “chiếm” sóng phát thanh Mỹ
Hồi tháng 8-2015, khi cộng đồng quốc tế lên án Trung Quốc về việc xây dựng đảo nhân tạo tại biển Đông, đài phát thanh China Radio Washington (WCRW) lờ đi, chỉ phát một bài phân tích nói khu vực này căng thẳng là do “các thế lực bên ngoài” xen vào.
WCRW vốn là một đài nhỏ ở bang Virginia - Mỹ, tín hiệu phát không đến được Washington. Năm 2005, một công ty có tên là “Potomac Radio LLC” thu mua WCRW. Sang năm 2009, công ty này xây 3 đài phát sóng tại hạt Loudoun thuộc Washington, nâng công suất phát sóng lên gấp hàng chục lần, phủ sóng toàn bộ khu vực thủ đô. Vấn đề là mãi cho đến khi các tháp phát sóng xây dựng xong, nhà chức trách hạt Loudoun, bang Virginia mới biết chúng được Công ty G&E (công ty con của Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc - CRI) thuê lại.
Giám đốc G&E là Tô Ngạn Đào (James Yantao Su), SN 1970 tại Thượng Hải. Ông này tới Mỹ năm 1989, trở thành công dân Mỹ, lập ra G&E ở bang California vào năm 2009. Trên thực tế, theo điều tra của Reuters, chính quyền Bắc Kinh kiểm soát phần lớn nội dung phát sóng của WCRW.
Hiện Ủy ban Thông tin Liên bang (FCC) và Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra Công ty G&E do nghi ngờ ngầm giúp CRI thiết lập mạng lưới phát sóng rải rác ở hơn 10 thành phố khắp nước Mỹ. Ông Tô chỉ nắm số ít cổ phần trong khi Công ty Truyền thông Thế kỷ của CRI nắm tới 60%. Theo Reuters, tỉ lệ đó vi phạm pháp luật Mỹ vì Washington quy định cá nhân hay tập thể người nước ngoài không được nắm quá 20% cổ phần các đài phát thanh.
Trụ sở CRI tại Bắc Kinh và Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington từ chối bình luận về vụ việc. Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Marc Raimondi và người phát ngôn của FCC Neil Grace cũng không đưa ra ý kiến nào.
Điều tra đặc biệt của Reuters tiết lộ WCRW chỉ là một trong số ít nhất 33 đài phát thanh tại 14 nước có phần lớn cổ phần nằm trong tay CRI. Con số này không ngừng tăng lên trong kế hoạch củng cố quyền lực mềm của Bắc Kinh. Tổng Giám đốc CRI Vương Canh Niên từng mô tả chiến lược “mượn thuyền” - dùng các cơ sở truyền thông có sẵn ở nước ngoài để chuyển tải văn hóa cũng như ca ngợi sự phát triển, đóng góp của Trung Quốc.
Phiến quân Philippines đòi 84 triệu USD tiền chuộc con tin
Nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayaaf tại Philippines đã đưa ra mức tiền chuộc này cho việc giải phóng các con tin bị chúng bắt cóc hồi tháng 9.
Cảnh sát đang tiến hành những xác minh ban đầu trên thi thể nạn nhân bị bắt cóc và sát hại Nwi Seong Hong tại đảo Jolo, quần đảo Sulu miền nam Philippines - Ảnh tư liệu: EPA
Theo Reuters, bốn con tin bị bắt trên bãi biển ở khu nghỉ dưỡng của Philippines hồi tháng 9 gồm ba người đàn ông và một người phụ nữ. Một trong các nạn nhân này từng lên tiếng kêu cứu trong đoạn video do nhóm phiến quân bắt cóc tung lên mạng.
Trong đoạn video tung lên mạng xã hội Twitter có hình ảnh ba người đàn ông gồm hai người Canada, một người Nauy và một người phụ nữ Philippines. Họ quỳ trên mặt đất trong khi đó một gã đàn ông bịt mặt cầm rao dựa đứng phía sau dọa giết.
Nhóm Abu Sayaaf đòi tiền chuộc mỗi con tin là 1 tỉ peso (21 triệu USD). Tuy nhiên người phát ngôn cảnh sát quốc gia Philippines, Wilben Mayor, cho biết chính phủ Philippines thực hiện chính sách không trả tiền chuộc và sẽ không thương thuyết với đám phiến quân.
Người ta cho rằng các con tin hiện đang bị giam giữ tại khu rừng ở đảo Jolo thuộc quần đảo Sulu miền nam Philippines. Đây là căn cứ của tổ chức Abu Sayyaf.
Mỹ sẽ huấn luyện quân đội Ukraine
Hãng tin TASS ngày 2.11 cho biết, ông Donald Rennes, đại diện chính thức của bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở châu Âu, tuyên bố rằng Lầu Năm Góc dự định đào tạo sáu tiểu đoàn của lực lượng vũ trang Ukraine.
Sĩ quan Lữ đoàn dù 173 của Quân đội Mỹ huấn luyện lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, tháng 5.2015 - Ảnh: Reuters
Theo ông Donald Rennes, khóa đào tạo này sẽ bắt đầu vào ngày 23.11 và được thực hiện trong khuôn khổ “giai đoạn thứ hai” thuộc chương trình Fearless Guardian của quân đội Mỹ. Ban đầu, chương trình này hướng đến mục tiêu đào tạo và trang bị cho Vệ binh Quốc gia của Ukraine.
Được biết, trước đây Bộ Ngoại giao Nga từng tố cáo rằng trong National Guard có rất nhiều phần tử dân tộc cực đoan. Tuy nhiên, đến nay chương trình dự kiến sẽ được mở rộng để hỗ trợ các lực lượng vũ trang Ukraine.
“Ngoài việc đào tạo, huấn luyện sáu tiểu đoàn theo như kế hoạch đã định, chúng tôi sẽ giúp Bộ Quốc phòng Ukraine phát triển năng lực tác chiến của quân đội, xây dựng một trung tâm đào tạo và phát triển nhân lực quốc phòng”, ông Rennes cho biết
Theo lời Donald Rennes, chương trình đào tạo binh sĩ Ukraine sẽ do 300 cố vấn quân sự Mỹ cùng nhiều nhân viên dân sự thực hiện và được tiến hành tại Trung tâm Gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế thuộc căn cứ Yavorov gần thành phố Lvov, nơi trước đây Mỹ từng huấn luyện Vệ binh Quốc gia Ukraine.
Ở giai đoạn đầu, một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn dù 173 của Quân đội Mỹ có trụ sở tại Vicenza (Italia) sẽ được điều động đến Ukraine để làm hình mẫu giảng dạy. Được biết, hồi đầu năm nay thủy quân lục chiến Mỹ cũng từng tham gia huấn luyện 6 đại đội thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine trong một khóa đào tạo kéo dài sáu tháng.
Vẫn theo Rennes, việc mở rộng chương trình Fearless Guardian cho các lực lượng vũ trang Ukraine là một phần của những nỗ lực không ngừng của Mỹ nhắm đến mục tiêu góp phần cải cách quân sự lâu dài và tăng cao tính chuyên nghiệp của quân đội Ukraine, cũng như để giúp đất nước này cải thiện năng lực quốc phòng và đào tạo đội ngũ quân nhân tinh nhuệ.
Những nỗ lực này đang được Lầu Năm Góc tiến hành trong khuôn khổ chương trình hợp tác quân sự lâu dài với Ukraine và theo yêu cầu của chính phủ nước sở tại. Vị đại diện bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở châu Âu cũng cho biết, ở bước đầu của Chương trình bổ sung, việc đào tạo, huấn luyện 6 tiểu đoàn của các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ ngốn thêm 266 triệu USD trong tổng số chi phí mà Mỹ đã dốc hầu bao vào các dự án hỗ trợ Ukraine trong lĩnh vực an ninh nói chung tính từ năm 2014 đến nay.
Ấn Độ có thể mua 154 chiến đấu cơ đa nhiệm của Nga
Đây là nội dung của một bản hợp đồng mà Ấn Độ và Nga có thể sẽ ký kết trong hội nghị thượng đỉnh song phương được tổ chức vào tháng 12 tới.
Theo trang mạng The Diplomat, Ấn Độ và Nga có khả năng sẽ ký một bản hợp đồng khủng hợp tác sản xuất và chuyển giao 154 máy bay chiến đấu đa nhiệm PMF, một phiên bản máy bay chiến đấu thế hệ 5 PAK FA T-50 của Ấn Độ, trong cuộc gặp thượng đỉnh tới đây giữa hai nước vào tháng 12 năm nay.
Trang mạng The Diplomat dẫn báo cáo của tờ The Financial Expresscho hay rằng bản hợp đồng khủng này, vốn được cho là đã được ký trước đó vào tháng 7 năm nay, bao gồm một đơn đặt hàng cố định hợp tác sản xuất 154 chiến đấu cơ và một đơn đặt hàng chi tiết sản xuất một số máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 PMF, loại 2 chỗ ngồi.
Theo nội dung bản thảo hợp đồng này, số máy bay chiến đấu sẽ được lắp ráp tại Ấn Độ trong khi các phụ kiện được sản xuất tại Nga. Thêm vào đó, hợp đồng trên có thể bao gồm cả các thông số kỹ thuật cho 40 chi tiết được thay đổi theo yêu cầu của phía Không quân Ấn Độ, dựa trên sự so sánh với bản mẫu T-50 hiện nay, liên quan đến động cơ AL-41F1 và các tính năng tàng hình, và tải trọng của máy bay.
Trước đó vào năm 2007, Ấn Độ và Nga đã đạt được thỏa thuận hợp tác sản xuất chiến đấu cơ thế hệ thứ 5. Nhưng, chương trình này bị trì hoãn nhiều lần và chi phí bị đội lên cùng vấn đề công nghệ không ổn định, điều này đã ảnh hưởng tới kế hoạch của Không lực Ấn Độ trong việc mở rộng các đội máy bay chiến đấu nước này từ con số 32 chiếc hiện nay lên đến 42 chiếc vào năm 2027.
Một nguồn tin thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ giấu tên tiết lộ với tờ The Financial Express rằng chính phủ Ấn Độ có thể sẽ phải cân nhắc các chi tiết trong bản hợp đồng với phía Nga.
Trong khi đó, nguyên soái hàng không đã nghỉ hưu M. Matheswaran tiết lộ một vài thông tin quan trọng rằng chương trình sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 (FGFA) có từ năm 2002 do phía Nga đề xuất trong một chương trình hợp tác liên chính phủ với Ấn Độ. Lúc đó, do du cầu cần kíp của Không lực Nga vốn còn yếu thời điểm đó và nhu cầu lớn về tài chính của dự án, nên phía Nga hy vọng sẽ phát triển chương trình FGFA thông qua hình thức hợp tác với Ấn Độ với tư cách là đối tác. Ngoài ra, một đơn hàng lớn từ Không quân Ấn Độ lại có thể giúp duy trì mối quan hệ hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu giữa Nga và Ấn Độ. Điều này cũng giúp đẩy mạnh sự phát triển ngành công nghiệp hàng không của Mátxcơva.
Trong thời gian đó, có nhiều biến cố xảy ra, đặc biệt là việc Bộ Quốc phòng Ấn Độ sau đó giảm quy mộ đơn hàng xuống còn 64 máy bay chiến đấu và muốn mưa đứt bán đoạn. Các cuộc thảo luận sau đó giữa hai bên xoay quanh về về chi phí và vai trò thiết kế-sản xuất đã khiến tình hình trở nên không thuận lợi, theo ông Matheswaran.
Nga và Ấn Độ mỗi bên đã rót khoảng 230 triệu USD vào chương trình trên. Nếu hợp đồng trị giá 35 tỷ USD được ký kết, thì đây sẽ là một trong các chương trình mua sắm quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ.