tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hải quân Mỹ-Trung có đối đầu căng thẳng tại Biển Đông?

  • Cập nhật : 04/11/2015

(Bien dong)

Các chuyên gia quân sự quốc tế đặt vấn đề liệu Mỹ triển khai kế hoạch phái tàu chiến áp sát khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép tại Biển Đông trong những ngày tới liệu có dẫn tới một cuộc đối đầu căng thẳng?

hinh anh trung quoc boi dap mot dao nhan tao o truong sa, bien dong thuoc chu quyen cua viet nam (anh: hai quan my)

Hình ảnh Trung Quốc bồi đắp một đảo nhân tạo ở Trường Sa, Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Theo hãng tin Reuters, các chuyên gia nhận định Washington sẽ tuần tra an ninh hàng hải có thể sẽ thường xuyên hơn bất chấp những toan tính của Bắc Kinh trong việc tăng cường sức mạnh hải quân ở khu vực Đông Nam Á và bên ngoài.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể phản kháng lại việc Mỹ tuần tra thường xuyên và một số chuyên gia còn viện tới kịch bản đối đầu về cả chính trị và quân sự giữa Bắc Kinh và Washington. Tàu hải quân Trung Quốc có thể đứng ra ngăn chặn hoặc bao vây tàu Mỹ để không cho vào gần đảo nhân tạo và hệ quả là sẽ làm gia tăng căng thẳng.

Trong bối cảnh sau nhiều tháng giới chức Mỹ thảo luận kế hoạch cử tàu áp sát đảo nhân tạo lần đầu tiên kể từ năm 2012, một số chuyên gia quân sự và các cựu quan chức hải quân nhận định có thể Mỹ sẽ miễn cưỡng tiến hành tuần tra thường xuyên.

Một số nước đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản và Úc có thể sẽ không trực tiếp thách thức Trung Quốc, mặc dù các nước này rất lo ngại về an ninh hàng hải tại Biển Đông, nơi nhiều tuyến giao thương quan trọng toàn cầu đi qua.

Ian Storey, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông tại Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á của Singapore nhận định: “Sẽ không có sự đối đầu bất chấp Washington có triển khai tuần tra an ninh hàng hải thường xuyên hơn”.

Chính quyền của Tổng thống Obama trước đó cũng tuyên bố rằng sẽ thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông sau nhiều tháng ròng Quốc hội và quân đội Mỹ gây áp lực nhưng chưa đưa ra các mốc thời gian cụ thể.

“Tôi cho rằng các thông điệp chúng tôi đưa ra là quá rõ ràng rằng chúng tôi sẽ phái tàu áp sát đảo nhân tạo”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner phát biểu với báo giới vào thứ Hai tuần trước.

Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không cho phép bất cứ quốc gia nào can thiệp vào chủ quyền biển và hàng không nước này ở quần đảo Trường Sa dưới lý do bảo vệ an ninh hàng hải và hàng không.

Tuy nhiên, theo Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982, vùng 12 hải lý không áp dụng đối với các đảo nhân tạo được bồi đắp từ các bãi ngập nước trước đó.

Các chuyên gia pháp lý lập luận rằng 4 trong số 7 đảo mà Bắc Kinh bồi đắp và xây dựng trái phép trong hơn 2 năm qua hoàn toàn là các bãi ngập nước khi thủy triều lên.

Bonnie Glaser, chuyên gia quân sự thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) trụ sở tại Washington, cho biết các cuộc tuần tra an ninh hàng hải của Mỹ sẽ được tiến hành thường xuyên với mục tiêu là đảm bảo khu vực không bị tắc nghẽn.

“Tôi biết là Mỹ sẽ không muốn hậu quả trên xảy ra. Không ai muốn người Trung Quốc lập ra “khu vực không được phép qua lại” vì họ không được phép làm vậy”, bà Glaser cho biết.

Trung Quốc, theo bà Glaser, sẽ rất cẩn trọng trong việc can thiệp khi Mỹ tuần tra áp sát bất chấp những va chạm giữa hai bên trong quá khứ.

Myles Caggins, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, từ chối bình luận khi được hỏi liệu Washington chỉ muốn phô diễn sức mạnh quân sự mang tính tượng trưng hơn là làm thực chất và liệu Mỹ đã tính toán hết các phản ứng có thể từ phía Bắc Kinh chưa.

Ông Caggins nhắc lại thông điệp mà Tổng thống Obama đã phát đi trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Washington vào tháng trước rằng Mỹ sẽ phái tàu và máy bay hoạt động bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.

Bất chấp việc Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo, một số chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định việc tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đóng vai trò trung tâm trong việc bảo vệ hạm đội tàu ngầm Trung Quốc tại đảo Hải Nam và hỗ trợ các hoạt động dân sự nước này. Các tàu ngầm sớm được trang bị vũ khí hạt nhân và thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Căng thẳng có thể gia tăng tới mức nguy hiểm

Các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép của Trung Quốc vẫn được coi là những căn nguyên dẫn đến một cuộc xung đột và cho đến nay các tiền đồn này vẫn cho phép Bắc Kinh mở rộng các hoạt động dân sự như đánh bắt cá và thăm dò dầu khí cũng như các cuộc tập trận quân sự. Hiện Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng một đường băng trong khi đang thi công xây dựng hai đường băng khác trên các đảo nhân tạo.

Zhang Baohui, chuyên gia quân sự Trung Quốc tại Đại học Lingnan (Hồng Kông) bày tỏ quan ngại rằng một sự gia tăng căng thẳng nguy hiểm có thể xảy ra với khả năng Trung Quốc sẽ phản ứng với bất cứ nỗ lực tuần tra thường xuyên nào. Thay vì an ninh hàng hải, ông Zhang cho rằng Trung Quốc sẽ xem đây là sự cạnh tranh về quyền lực.

“Tất cả đều vì quyền lực và điều này mới là nguy hiểm”, chuyên gia Zhang nhận định, nói thêm rằng bất kỳ sự triển khai quân sự nào đều chưa chín muồi.

Trong khi đó, Sam Bateman, chuyên gia tư vấn thuộc Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam của Singapore và từng là cựu sĩ quan hải quân Úc, lập luận rằng vì Bắc Kinh chưa tuyên bố vùng 12 hải lý nên Washington có thể là chưa đánh giá hết những rủi ro về sự tức giận từ Bắc Kinh vì bị kiếm chế tại Biển Đông.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục