Mỹ, Nhật cố đưa vấn đề Biển Đông vào Đối thoại quốc phòng ASEAN và khu vực
Mỹ và Nhật Bản đang cố gắng đẩy vấn đề tranh chấp ở Biển Đông vào thông cáo chung của Đối thoại Bộ trưởng quốc phòng ASEAN với đối tác châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra ở Malaysia.
Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tham dự Hội nghị - Ảnh: Reuters
Cuộc đối thoại của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN với đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Úc sẽ bắt đầu vào ngày mai 4.11 ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Giới chức Mỹ và Nhật đang cố thúc giục nước chủ nhà đề cập vấn đề Biển Đông vào thông cáo chung của cuộc đối thoại bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Reuters ngày 3.11 cho hay.
Trung Quốc hồi tháng 2.2015 tuyên bố Bắc Kinh không muốn vấn đề Biển Đông được đề cập ở cuộc họp này.
“Chúng tôi cùng quan điểm với nhiều nước rằng Biển Đông cần phải được đề cập, nhưng một số nước lại không muốn”, Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ.
Một nguồn tin thân cận với hội nghị cho biết một bản thảo về thông cáo chung được nước chủ nhà Malaysia đưa ra không đề cập đến Biển Đông, thay vào đó chỉ nói khủng bố và hợp tác an ninh khu vực, theo Reuters.
Một nguồn tin khác của Reuters cho hay Nhật Bản cũng đang gây sức ép lên Malaysia và đề nghị Kuala Lumpur “cải thiện” bản thông cáo bằng việc đưa vấn đề Biển Đông vào.
Chưa rõ phản ứng của Malaysia trước sức ép của Mỹ và Nhật Bản trong việc yêu cầu đưa vấn đề Biển Đông vào thông cáo chung của đối thoại quốc phòng ASEAN và đối tác châu Á - Thái Bình Dương.
Trong cuộc đối thoại các bộ trưởng quốc phòng được khởi xướng từ năm 2006, Philippines và Việt Nam phản đối Trung Quốc trong các vấn đề ở Biển Đông trong khi Campuchia ủng hộ Bắc Kinh, cho rằng “Biển Đông không phải là vấn đề cần được thảo luận trong diễn đàn của ASEAN”.
Trong khi đó, Malaysia đang cố gắng trung lập trong vấn đề Biển Đông dù cũng là nước có tranh chấp với Trung Quốc. Hồi tháng 10.2015, một tướng quân đội Malaysia bất ngờ lên tiếng chỉ trích việc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh là hành động “khiêu khích không chính đáng”.
Tuy nhiên, trong buổi khai mạc cuộc họp riêng của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Hishammuddin Hussein không đề cập một lời nào liên quan đến Biển Đông, theo Reuters.
Indonesia lập nhà tù riêng giam tù nhân khủng bố
Indonesia đang tính chuyện xây dựng nhà tù riêng nhốt các tù nhân khủng bố nhằm tránh lan truyền tư tưởng khủng bố trong môi trường giam giữ tội phạm này.
Những kẻ bị bắt vì nghi tham gia khủng bố ở Indonesia - Ảnh: AFP
Tờ The Straits Times hôm nay 3.11 cho hay Jakarta đưa ra kế hoạch này sau khi phát hiện nhiều tội phạm với tội danh không liên quan khủng bố đã tham gia mạng lưới khủng bố ngày càng tăng sau một thời gian bị nhốt chung với tù nhân khủng bố.
“Chúng tôi sẽ thành lập một nhà tù riêng cho tù nhân khủng bố. Hãy để họ ảnh hưởng lẫn nhau nhưng chúng tôi sẽ phân loại họ, tách những kẻ liều chết khỏi những kẻ ít liều mạng hơn, và sẽ tiếp tục phân loại những kẻ ít liều mạng”, Bộ trưởng phụ trách vấn đề an ninh, luật pháp và chính trị của Indonesia, ông Luhut Panjaitan nói với các nhà báo.
Bộ trưởng Panjaitan, người đang điều hành lực lượng cảnh sát và quản lý nhà tù, ví cuộc chiến chống khủng bố giống cuộc chiến tiêu diệt lực lượng nổi dậy đang muốn phá hoại Indonesia.
Hơn 165,000 phạm nhân đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Indonesia, trong số này có 250 người bị kết tội liên quan đến khủng bố và bị giam trong 44 nhà tù khắp nước này.
Indonesia là quốc gia Hồi giáo với dân số lớn nhất ở Đông Nam Á, vì vậy lực lượng khủng bố rất chú ý đến quốc gia này. Theo Bộ trưởng Panjaitan, khoảng 800 công dân Indonesia ra nước ngoài để gia nhập lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), trong số này 60 người đã chết.
Ông Kim Jong-un ra lệnh phát triển thêm nhiều tên lửa phòng không
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh phát triển thêm nhiều tên lửa phòng không hiện đại và chính xác hơn để đáp ứng nhu cầu trong chiến tranh hiện đại.
Lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh phát triển thêm nhiều tên lửa phòng không hiện đại và chính xác hơn - Ảnh: Reuters
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 3.11 đưa tin rằng ông Kim Jong-un nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nhiều hơn các loại tên lửa phòng không mới để phù hợp với điều kiện chiến tranh hiện đại và bảo vệ đất nước trước các cuộc không kích của kẻ thù, theo Yonhap.
Lãnh đạo Kim Jong-un đã nói về việc này khi đang theo dõi cuộc bắn thử tên lửa tại vùng biên giới phía tây của nước này. KCNA không tiết lộ thời gian và địa điểm cuộc tập trận của đơn vị phòng không này.
Ông Kim cũng chỉ thị cho quân đội và các nhà khoa học tăng cường hiện đại hóa và bảo đảm tính chính xác của các tên lửa.
Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho rằng cuộc tập trận tên lửa của Triều Tiên diễn ra trước cuộc đàm phán của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và Mỹ ngày 2.11, nhưng KCNA lại cho đăng tải bài báo trên sau cuộc họp đó nhằm đối đầu với sự hợp tác Mỹ-Hàn, theo Yonhap.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo hôm 2.11 đã có cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Mỹ, ông Ashton Carter tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) để thỏa thuận 4 nguyên tắc hoạt động nhằm đối phó với các cuộc tấn công tên lửa của Triều Tiên. Bốn nguyên tắc này gồm: phát hiện, phòng thủ, ngăn chặn và phá hủy, còn gọi là chiến lược 4D. Seoul và Washington cho biết sẽ nhanh chóng áp dụng chiến lược này đối với tên lửa của Bình Nhưỡng nếu cần.
Trung Quốc muốn hợp tác mạnh mẽ hơn với không quân Iran
Trong cuộc gặp với người đồng cấp phía Iran hôm 2-11, Tư lệnh không quân Trung Quốc bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với không quân Iran.
Cuộc gặp này là sự kiện mới nhất trong số một loạt các cuộc tiếp xúc quân sự cấp cao giữa hai nước.
Trao đổi với Tư lệnh không quân Iran, tướng Mã Hiểu Thiên của Trung Quốc cho rằng mối quan hệ giữa không quân hai nước đã phát triển rất tốt đẹp.
Theo thông tin được Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra, ông Mã “hy vọng sự hợp tác giữa hai bên có thể tiến lên tầm cao mới”. Tuy nhiên, nội dung cụ thể, chi tiết không được đề cập.
Tháng 10 vừa qua, một sĩ quan hải quân cấp cao của Trung Quốc đã đến thăm thủ đô Tehran của Iran. Trước đó, năm 2014, lần đầu tiên có hai tàu chiến Trung Quốc đã cập cảng Bandar Abbas của Iran để tham gia tập trận chung hải quân ở vùng Vịnh.
Một chỉ huy hải quân của Iran đã được tạo điều kiện tham quan một tàu ngầm và các tàu chiến của quốc gia châu Á.
Hai tàu chiến Trung Quốc đã đến Iran để tham gia cuộc tập trận chung hải quân tại vùng Vịnh năm 2014 (ảnh: FARS)
Hai tàu chiến Trung Quốc đã đến Iran để tham gia cuộc tập trận chung hải quân tại vùng Vịnh năm 2014 (ảnh: FARS)
Trung Quốc và Iran là hai nước có mối quan hệ chặt chẽ về ngoại giao, kinh tế, thương mại và năng lượng. Trung Quốc đã đóng vai trò rất tích cực trong việc thúc đẩy Mỹ và Iran đi đến một thỏa thuận đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này.
Theo bản thỏa thuận đa phương đạt được hồi tháng 7 vừa qua, Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên Hiệp Quốc sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đổi lại nước này chấp nhận việc kiểm soát lâu dài chương trình hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ được phát triển để chế tạo bom hạt nhân.
'Vây cánh' của Chu Vĩnh Khang lãnh 12 năm tù vì tham nhũng
Ngày 3-11, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin một trợ lý hàng đầu trước kia của ông Chu Vĩnh Khang vừa bị tuyên án 12 năm tù vì tội tham nhũng.
Ông Lý Sùng Hy, nguyên cố vấn chính trị cấp cao, Chủ tịch Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân tỉnh Tứ Xuyên, đã bị truy tố vì tội tham nhũng vào tháng 4-2015.
Ông Lý Sùng Hy, nguyên cố vấn chính trị cao cấp tại tỉnh Tứ Xuyên (Ảnh: Reuters)
Ông này là một trong những người thân cận của ông Chu Vĩnh Khang, người đã bị xét xử trong chiến dịch “đả hổ đập ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tân Hoa Xã cho biết ông Li đã lạm dụng quyền lực của mình ở Tứ Xuyên, trực tiếp hoặc thông qua người vợ của mình để nhận tiền và các món đồ với tổng trị giá khoảng 11,1 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,75 triệu đôla Mỹ).
(
Tinkinhte
tổng hợp)