Cảnh sát Mỹ dùng robot tiêu diệt nghi phạm bắn tỉa
Ba kịch bản phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết 'đường lưỡi bò'
Đài Loan tìm ra nghi phạm đánh bom tàu chở khách
Philippines muốn 'chia sẻ tài nguyên' biển Đông với Trung Quốc
Siêu bão Nepartak khiến giao thông cả Đài Loan tê liệt
Tin thế giới đọc nhanh 13-04-2016
- Cập nhật : 13/04/2016
Mỹ, Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh hàng hải
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) bắt tay người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar sau cuộc họp báo ở thủ đô New Delhi ngày 12/4. Ảnh: AFP.
"Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải",AFP dẫn thông báo chung phát đi sau các cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar.
Theo thông báo, Mỹ và Ấn Độ tái khẳng định tầm quan trọng của an ninh hàng hải, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực", trong đó có Biển Đông.
Bộ trưởng Carter bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ dài ba ngày, từ ngày 10/4, nhằm củng cố mối quan hệ chiến lược mà Mỹ coi là quan trọng để đối phó với một Trung Quốc ngày càng kiên quyết, đặc biệt là ở Biển Đông.
Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện hải quân và đòi chủ quyền ở khu vực Biển Đông, biển Hoa Đông. Nước này còn tác động đến các quốc gia Ấn Độ Dương, rót tiền vào Maldives và Sri Lanka, khiến Ấn Độ, vốn coi hai quốc gia trên nằm trong vòng ảnh hưởng của New Delhi, khó chịu.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói Trung Quốc "đang hoạt động thường xuyên hơn ở cả Đông Nam Á và Ấn Dộ Dương", Washington và New Delhi đang "theo dõi sát sao" tình hình.
Tác động của chính sách an ninh mới của Nhật Bản đối với Đông Nam Á
Báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây đăng bài viết của chuyên gia phân tích Azhari A. Setiawan với nhận định rằng, sự biến chuyển nhanh chóng tình hình an ninh ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương đã buộc Nhật Bản phải thay đổi chính sách phòng vệ quốc gia của mình.
Trước một Trung Quốc ngày càng có các hành động ngang ngược, quyết đoán, một Triều Tiên đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân và sự can dự sâu hơn của Mỹ tại khu vực, Nhật Bản buộc phải có sự điều chỉnh về chiến lược cho phù hợp với tình hình mới. Luật An ninh mới của Nhật Bản, chính thức có hiệu lực từ ngày 29-3 vừa qua, đã mở ra giai đoạn mới cho hoạt động của quân đội nước này; cho phép Nhật Bản triển khai quân đội ra nước ngoài và đóng một vai trò chiến lược nổi bật hơn trong hoạt động gìn giữ hòa bình và phòng vệ tập thể.
Báo cáo của Viện Chính sách chiến lược Australia đánh giá rằng Luật An ninh quốc gia mới của Nhật Bản có một số thay đổi, trong đó điều quan trọng nhất là việc sử dụng "quyền phòng vệ tập thể", cho phép Tokyo triển khai quân đội hỗ trợ các nước đồng minh khi một trong các nước này bị tấn công. Trước đây, việc sử dụng quân đội chỉ được phép trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công vũ trang trực tiếp nhằm vào Nhật Bản. Sự thay đổi chính sách này của Tokyo không chỉ nhằm mục đích đối phó với Triều Tiên và Trung Quốc mà còn có mục đích sâu xa hơn bao gồm việc mở rộng sự can dự, gây ảnh hưởng đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, chính sách an ninh mới của Nhật Bản cần phải được đánh giá cụ thể đối với sự ổn định ở khu vực Đông Á. Không bên nào mong đợi một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai ở Đông Á (giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên), nhưng sự phức tạp trong lịch sử quan hệ của các quốc gia này cùng những thay đổi mau chóng của tình hình đã buộc Tokyo phải điều chỉnh vai trò hoạt động của lực lượng quân đội.
Ở khu vực Đông Nam Á hiện có 2 tuyến đường biển mang tính huyết mạch đối với Nhật Bản đó là: eo biển Malacca và Biển Đông. Eo biển Malacca hàng năm giúp vận chuyển hàng trăm tỷ USD hàng hóa cho Nhật Bản, đồng thời giúp cho ngành công nghiệp dầu khí của nước này tiết kiệm hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, ở eo biển này cũng thường xuyên xuất hiện nạn cướp biển, đe dọa đến an toàn hàng hải, khiến các nước như Mỹ, Anh, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản muốn sử dụng cả lực lượng quân đội để đảm bảo an toàn cho tuyến hàng hải này. Tuy nhiên, đây lại là điều Indonesia không hề mong muốn bởi nó đe dọa đến an ninh quốc gia Indonesia khi quân đội nước ngoài hiện diện ở đây. Chính sách an ninh quốc gia mới của Nhật Bản xét ở một khía cạnh có thể thúc đẩy sự cân bằng trong cấu trúc an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính sách đối với các nước ASEAN của Nhật Bản hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng. Là tổ chức chính của khu vực, ASEAN phải có trách nhiệm xây dựng một cơ chế hiệu quả để góp phần giảm bớt căng thẳng và bảo vệ sự ổn định trong khu vực. Diễn đàn ASEAN là nơi duy nhất có thể tạo cho Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên cùng ngồi lại với nhau. Indonesia và ASEAN đóng vai trò là “trọng tài”. Tuy nhiên, ASEAN hiện cũng có những vấn đề trong việc gắn kết giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt là khi có sự tác động của các nước lớn đến từng quốc gia thành viên.
Về phía Nhật Bản, Chính phủ nước này cần phải thuyết phục người dân trong nước và cộng đồng khu vực rằng chính sách quốc phòng mới sẽ góp phần vào việc duy trì an ninh và trật tự. Đây là một thời điểm tốt để khuyến khích đối thoại và hợp tác với các nước láng giềng. Indonesia, thông qua ASEAN, cũng phải tận dụng cơ hội này bởi nó giúp đảm bảo rằng chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản sẽ tạo ra một tương lai tốt nhất có thể cho khu vực. Khi Nhật Bản và Mỹ có các biện pháp can dự tích cực, phần nào đó sẽ có tác dụng ngăn chặn các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực.
Chính phủ Singapore chi 90 triệu USD để tìm kiếm tài năng công nghệ
Hàng nghìn công nhân ngành thép Đức rầm rộ biểu tình vì lo mất việc
Hơn 45.000 công nhân làm việc trong ngành thép của Đức ngày 11/4 đã đổ xuống các đường phố tại nhiều thành phố. Ảnh: Reuters.
Hơn 45.000 công nhân làm việc trong ngành thép của Đức ngày 11/4 đã đổ xuống các đường phố tại nhiều thành phố của nước này đề nghị giới chức Đức có thêm nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dòng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Nhiều công nhân ngành thép của Đức lo ngại, họ cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng tương tự như các đồng nghiệp của họ tại Anh khi mà tập đoàn Thép Tata của Ấn Độ đã rao bán toàn bộ doanh nghiệp, đẩy hàng nghìn công nhân ngành thép Anh rơi vào cảnh mất việc làm.
Hiện ngành công nghiệp thép ở “Xứ sở sương mù” đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng từ quyết định của Tập đoàn Thép Tata bán toàn bộ doanh nghiệp tại Anh sau gần một thập kỷ hoạt động.
Các nhà sản xuất thép tại Anh phải trả chi phí năng lượng và thuế môi trường cao hàng đầu thế giới, nhưng chính phủ cho rằng vấn đề cốt lõi đe dọa ngành thép nước này chính là sự sụt giá thép trên thị trường toàn cầu, xuất phát từ sản lượng thép dư thừa lớn của Trung Quốc.
Chính phủ Anh đang gấp rút tìm đối tác có thể mua lại các nhà máy của Tata. Tại Anh, Tata tuyển dụng 15.000 công nhân thép và nếu tính cả lực lượng lao động liên quan thì số việc làm có thể bị tác động bởi việc Tata đóng cửa nhà máy có thể lên tới 40.000 người.
Trung Quốc chiếm một nửa sản lượng thép thô toàn thế giới. Tuy nhiên trong tình trạng nền kinh tế chững lại hiện nay, Trung Quốc không thể tiêu thụ phần lớn sản lượng như trước đây. Các nhà sản xuất châu Âu đang tìm cách giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung thép toàn cầu.
NATO, Nga tổ chức họp lần đầu sau gần hai năm
"Ngày tổ chức đã được hai bên nhất trí", AFP dẫn lời nữ phát ngôn viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm nay cho biết. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước nói Nga và NATO sẽ sớm tổ chức phiên họp Hội đồng NATO - Nga (NRC) lần đầu tiên kể từ tháng 6/2014.
Theo đó, cuộc họp, diễn ra vào ngày 20/4 tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, sẽ thảo luận về khủng hoảng Ukraine và các vấn đề an ninh khác.
NATO, do Mỹ dẫn đầu, đình chỉ mọi hợp tác thiết thực với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Tuy nhiên, NATO vẫn giữ lại NRC như một kênh liên lạc giữa hai bên.
NRC bao gồm toàn bộ 28 quốc gia thành viên NATO, thường là ở cấp độ đại sứ, với người đồng cấp Nga để quản lý các mối quan hệ.