Forbes: Trung Quốc muốn thiết lập luật lệ riêng tại Biển Đông
Báo Mỹ: Nga tái tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á
Mỹ thay đổi kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan
Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng không mới ở Siberia
Triều Tiên tuyên bố tên lửa Musudan có thể bắn hạ vệ tinh Mỹ
Tin thế giới đọc nhanh sáng 07-07-2016
- Cập nhật : 07/07/2016
Tranh cãi trong nội bộ Trung Quốc về chính sách Biển Đông
Chính sách và chiến lược của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông chưa rõ ràng do những bất đồng trong giới phân tích và hoạch định chính sách.
Trung Quốc bồi đắp cải tạo trái phép đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Digital Globe
Căng thẳng trong khu vực đang ngày một lên cao trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông vào ngày 12/7. Trong khi cam kết ủng hộ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế trong khu vực, Trung Quốc lại khăng khăng bác bỏ thẩm quyền của tòa, thậm chí còn ngang nhiên tuyên bố bác bỏ phán quyết.
Mặt khác, Bắc Kinh ra sức vận động, lôi kéo các nước khác ủng hộ lập trường "giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương" trên Biển Đông của mình, phản đối "sự can thiệp của bên thứ ba". Đồng thời, hải quân Trung Quốc lại tổ chức một đợt tập trận quy mô lớn ở Biển Đông kéo dài một tuần, ngay trước thềm phán quyết của PCA.
Theo Foreign Policy, thực tế trên chứng tỏ Trung Quốc có vẻ không hoàn toàn rõ họ muốn đạt được gì trên Biển Đông, khiến các nước có liên quan không thực sự hiểu rõ ý đồ Bắc Kinh trên vùng biển này. Các chuyên gia phân tích cho rằng điều này là do trong nội bộ Trung Quốc đang có ba luồng tư tưởng đấu đá lẫn nhau để giành ưu thế trong giới phân tích và hoạch định chính sách Biển Đông.
Ba trường phái
Theo Feng Zang, chuyên gia tại Đại học Quốc gia Australia, và là giáo sư trợ giảng tại Viện Nghiên cứu Biển Đông ở Trung Quốc, có những luồng tư tưởng khác nhau trong giới phân tích Trung Quốc về các chính sách tối ưu đối với Biển Đông và có thể tạm chia họ thành ba nhóm: nhóm duy thực, nhóm cứng rắn và nhóm ôn hòa. Các ấn phẩm nghiên cứu, bài viết trên truyền thông cùng những ý kiến được chia sẻ trực tuyến tại Trung Quốc đã hé lộ phần nào những quan điểm khác biệt này, đồng thời cho thấy sự đa dạng về quan điểm trong lòng Trung Quốc.
Theo ông Feng, do tính chất căng thẳng của tình hình hiện nay, các nhà phân tích Trung Quốc hiếm khi công khai những ý kiến chỉ trích lập trường Biển Đông của chính phủ. Điều này có thể lý giải vì sao thế giới bên ngoài thường không biết tới những tranh luận đó. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận tại Trung Quốc về Biển Đông có ý nghĩa quan trọng với việc nắm bắt những định hướng trong chính sách đối ngoại tương lai của Bắc Kinh.
Những người duy thực tin rằng nền tảng chính sách Biển Đông của Trung Quốc đã vững chắc và không cần điều chỉnh. Họ hiểu những cái giá phải trả về mặt ngoại giao và uy tín, nhưng thường hạ thấp chúng do đề cao sự hiện diện thực tế cùng năng lực hữu hình của Trung Quốc hơn là hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
Niềm tin của họ xuất phát từ nhận thức thực dụng về chính trị quốc tế, rằng sức mạnh hữu hình - thay vì những yếu tố "phù du" như danh tiếng, hình ảnh hoặc luật quốc tế - mới là yếu tố quyết định. Họ tin rằng thời gian đang ủng hộ Trung Quốc, miễn là Trung Quốc có thể duy trì sự trỗi dậy. Ông Feng tin rằng quan điểm chính trị này đang chiếm ưu thế trong quá trình ra quyết định liên quan đến Biển Đông của Trung Quốc.
Những người duy thực tin rằng họ đang bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc bằng cách tăng cường sự hiện diện hữu hình trên Biển Đông. Nhưng họ lại không thực sự chắc chắn biết sẽ làm gì với các đảo nhân tạo phi pháp mới xây dựng. Liệu Bắc Kinh có nên tiếp tục triển khai những công trình quân sự mới, bao gồm việc lắp đặt các hệ thống vũ khí tấn công hay phòng thủ hay không? Những người duy thực muốn Trung Quốc duy trì sức mạnh trên Biển Đông, nhưng lại không biết bao nhiêu là đủ.
Trong khi đó, nhóm đối tượng thứ hai, những người có tư tưởng cứng rắn, lại đưa ra những câu trả lời đầy tính cảnh báo cho những câu hỏi phe duy thực chưa thể trả lời. Họ không chỉ cho rằng Trung Quốc cần hiện diện trên cả 7 đảo nhân tạo nước này cải tạo trái phép ở Biển Đông, bao gồm đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, mà còn tin rằng Trung Quốc cần tiếp tục mở rộng lãnh thổ và sức mạnh quân sự trên Biển Đông.
Quá trình mở rộng đó bao gồm biến các đảo nhân tạo thành những căn cứ nhỏ, chiếm thêm một số nếu không muốn nói là toàn bộ thực thể do các nước khác kiểm soát, hoặc biến "đường 9 đoạn" mơ hồ thành đường khẳng định chủ quyền.
Những người có tư tưởng cứng rắn không hề bận tâm tới mối lo ngại của thế giới bên ngoài, họ chỉ muốn tối đa hóa lợi ích của Trung Quốc. Ông Feng cho rằng quan điểm này hiện chưa chiếm thế thượng phong quá trình ra quyết định ở cấp cao, nó chỉ thường xuất hiện trong giới chức quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc.
Chính sách cứng rắn như vậy trên Biển Đông chắc chắn sẽ có lợi cho những lợi ích chính trị của nhóm người này. Nhưng theo ông Feng, trong dư luận Trung Quốc nói chung cũng có những người mang tư tưởng cứng rắn, mà đại đa số có cái nhìn cảm tính và nông cạn về tình hình Biển Đông. Những người có tư tưởng cứng rắn này kêu gọi Bắc Kinh phải quyết liệt hơn dựa trên tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cảm tính, chứ không phải cân nhắc kỹ càng về lợi ích Trung Quốc.
Sự khác biệt giữa hai nhóm tư tưởng cứng rắn và duy thực là trong khi quan điểm của phe cứng rắn cũng dựa trên tình hình chính trị thực tế, họ lại có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đặc biệt cao, khiến việc chung sống với các quốc gia khác trở nên khó khăn.
Mặc dù những người có tư tưởng cứng rắn hiện chưa chiếm ưu thế trong quá trình hoạch định chính sách, giới lãnh đạo Bắc Kinh không thể dễ dàng phớt lờ hoặc bác bỏ họ, do lo ngại có thể thổi bùng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong dư luận, một lực lượng có thể dễ dàng trở nên mất kiểm soát.
Nhóm thứ ba, những người ôn hòa, tin rằng đã đến lúc Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách để làm rõ mục đích của mình trên Biển Đông. Những người ôn hòa nhận ra rằng sự mù mờ hiện nay của Bắc Kinh trong các tuyên bố chủ quyền và toan tính chiến lược của mình đang làm thế giới bên ngoài gia tăng e ngại và mất lòng tin. Họ cho rằng chính phủ không thể đưa ra những lý lẽ chiến lược thuyết phục và thúc đẩy đối thoại một cách hiệu quả với thế giới bên ngoài.
Những người thuộc nhóm này tin rằng lối tiếp cận "cứ làm rồi tính" với những quyết định chiến lược lớn như xây đảo nhân tạo đã khiến Trung Quốc gây tổn hại cho chính lợi ích của mình. Việc cố gắng "hợp pháp hóa" bất kỳ hoạt động xây dựng đảo nào cũng chỉ khiến làm gia tăng hoài nghi thay vì tranh thủ ủng hộ từ bên ngoài.
Những người ôn hòa cho rằng Trung Quốc cần dần làm rõ "đường 9 đoạn", bởi việc cố ý duy trì sự mù mờ chỉ khiến tấm bản đồ trở thành một gánh nặng lịch sử và trở ngại không cần thiết trong việc đạt được nhượng bộ ngoại giao. Theo họ, hoàn toàn phản tác dụng khi diễn giải tấm bản đồ như một đường khẳng định chủ quyền, bởi làm vậy chỉ khiến Trung Quốc trở thành đối thủ với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, cũng như với Mỹ.
Theo những người ôn hòa, vấn đề lớn nhất của Trung Quốc là nước này thiếu một chiến lược rõ ràng và hiệu quả tại Biển Đông.
Quan điểm của những người ôn hòa rõ ràng khác xa các nhóm duy thực và cứng rắn, nhưng cả ba đều thống nhất ở một điểm chung quan trọng: sự cần thiết của hoạt động xây đảo. Hầu hết học giả nước này khi được hỏi đều không cho rằng việc này là sai lầm.
Họ có thể đưa ra nhiều lý do khác nhau để lý giải cho việc xây dựng đảo, từ tạo chỗ đứng chiến lược tại Biển Đông tới cải thiện điều kiện sống cho nhân sự Trung Quốc đồn trú tại đây. Họ cũng có những đánh giá khác nhau về hậu quả, nhưng tất cả đều tin rằng với sự trỗi dậy hiện tại của Trung Quốc, Bắc Kinh phải hiện diện trên Biển Đông, nhất là khi hầu hết các bên tuyên bố chủ quyền khác đã hiện diện trong khu vực nhiều thập kỷ.
Hiện trạng mới
Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần chỉ trích hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc. Nhưng với sự đồng thuận rõ ràng trên phạm vi toàn quốc tại quốc gia này, cộng với thực tế Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) không cấm một cách nghiêm ngặt hoạt động cải tạo, xây dựng trên các thực thể trên biển, việc không ngừng công kích hoạt động xây dựng đảo có lẽ là chính sách chưa thực sự hiệu quả, ông Feng nhận định.
Vấn đề có tính chiến lược hơn mà các quốc gia quan tâm sẽ là tạo ra một hiện trạng mới nhưng ổn định trong khu vực, một hiện trạng đòi hỏi Trung Quốc phải làm rõ những ý định chiến lược của mình trên Biển Đông, chuyên gia này viết.
Nhưng chính các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay cũng không thể trả lời một cách rõ ràng rằng hiện trạng mới đó có diện mạo như thế nào. Trong ba nhóm quan điểm trên, chỉ có những người có tư tưởng cứng rắn cực đoan mới đưa ra được câu trả lời, nhưng giải pháp của họ tiềm ẩn đầy bất ổn. Phần còn lại của Trung Quốc vẫn đang tranh luận về chiến lược của nước này tại Biển Đông. Đây là một thực tế quan trọng, cho thấy chính sách Biển Đông của Trung Quốc chưa được xác quyết, do đó còn có thể được điều chỉnh.
Ông Feng cho rằng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cần tạo những điều kiện thuận lợi để định hình chính sách của Trung Quốc theo hướng hoà giải và hợp tác hơn. Cụ thể, họ cần giúp nâng cao tầm quan trọng của những người ôn hòa trong quá trình ra quyết định của Trung Quốc, biến những quan điểm ôn hòa từ thiểu số thành sự đồng thuận đa số.
Về phần mình, Trung Quốc cần phải làm rõ các mục tiêu chính sách và trấn an các nước láng giềng, cũng như Mỹ. Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc nói rằng nền ngoại giao của Trung Quốc đang ở "tuổi vị thành niên". Nhưng một Trung Quốc đang trỗi dậy, mang trách nhiệm trong khu vực và toàn cầu, cần phải học cách nhanh chóng trưởng thành, nhà ngoại giao này nhấn mạnh.(VNEX)
Quân đội Syria đơn phương ngừng bắn
Quân đội chính phủ Syria vừa tuyên bố một lệnh ngừng bắn đơn phương áp dụng trên toàn lãnh thổ Syria trong 3 ngày kể từ đầu ngày 6-7, hãng tinReuters (Mỹ) dẫn một nguồn tin quân sự Syria cho biết.
Lệnh ngừng bắn được áp dụng trong 3 ngày lễ Eid al-Fitr chấm dứt tháng ăn kiêng Ramadan của người Hồi giáo. Đây là lần đầu tiên chính phủ Syria tuyên bố ngừng bắn trên toàn quốc gia.
Khách sạn Carlton tại TP Aleppo hư hại nặng vì giao tranh. Quân chính phủ đã chiếm lại quyền kiểm soát nhiều khu vực ở TP Aleppo (Syria) từ phe nổi dậy. (Ảnh: REUTERS)
Dù có lệnh ngừng bắn nhưng giao tranh và bạo lực ở Syria trong ngày 6-7 vẫn xảy ra.
Báo Washington Post (Mỹ) dẫn lời ông Yasser al-Tayeb, người phát ngôn nhóm phiến quân vũ trang Quân đội Hồi giáo kiểm soát một số khu vực ngoại ô thủ đô Damascus cho biết không có giao tranh giữa nhóm này và các lực lượng thân chính phủ tại khu vực trong ngày 6-7 không có dấu hiệu giảm bớt.
Tại TP Aleppo giao tranh giữa phe nổi dậy và quân chính phủ cũng không có dấu hiệu giảm.
Một thoả thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 27-2 do Nhóm hành động vì Syria đặc biệt là Nga và Mỹ hỗ trợ đàm phán nhằm chấm dứt nội chiến Syria đã bị vi phạm nghiêm trọng không lâu sau khi áp dụng. Thoả thuận cuối cùng bị sụp đổ với việc quân chính phủ Syria đẩy mạnh tấn công TP Aleppo, căn cứ chính của phe nổi dậy.
Triều Tiên âm thầm xả lũ sang Hàn Quốc
Triều Tiên hôm 6-7 đã xả nước từ một con đập gần biên giới Hàn Quốc khiến chính quyền Seoul phải sơ tán người dân khu vực này do lo ngại lũ lụt.
Một quan chức Hàn Quốc cho biết: “Dường như Triều Tiên đã xả nước từ đập Hwanggang vào khoảng 6 giờ (giờ địa phương). Triều Tiên mở cửa xả lũ từng chút một".
Quan chức này cho rằng miền Bắc không thông báo cho chính quyền miền Nam về việc xả nước bất chấp những thỏa thuận giữa hai bên trước đó.
Do nước từ đập Hwanggang chảy xuống hạ lưu theo sông Imjin nên chính quyền Seoul đã phát cảnh báo trên truyền hình và đài phát thanh, cộng thêm nhắn tin điện thoại để người dân và ngư dân ở biên giới sơ tán.
Tuy nhiên, Hàn Quốc loại trừ khả năng Triều Tiên "tấn công" nước này bằng nước lũ. Mực nước trong đập Hwanggang dâng cao do mưa lớn trong những tuần gần đây.
Con đập Hwanggang nằm cách đường ranh giới quân sự liên Triều khoảng 42 km về phía Bắc và có sức chứa tối đa khoảng từ 300-400 triệu tấn nước.
6 người Hàn Quốc từng thiệt mạng vào tháng 9-2009 khi Triều Tiên xả nước bất ngờ. Sau sự cố trên không lâu, Bình Nhưỡng đồng ý sẽ thông báo với Seoul trước khi xả nước.
Hàn Quốc có kế hoạch tăng gấp đôi số loa phóng thanh ở biên giới. Ảnh: Yonhap
Trong một diễn biến khác, quân đội Hàn Quốc có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng loa phóng thanh dọc biên giới Triều Tiên vào cuối năm nay nhằm tăng cường phát đi thông điệp chống Bình Nhưỡng.
Số loa mới sẽ thay thế các thiết bị cũ để có thể phát thanh xa hơn 10 km. Chính quyền Seoul lắp đặt các loa phóng thanh này từ tháng 8 năm ngoái sau vụ nổ mìn làm bị thương hai binh sĩ miền Nam đang tuần tra dọc khu vực phi quân sự liên Triều.
Lựa chọn khó khăn của tổng thống Philippines sau phán quyết Biển Đông
Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ phải tìm giải pháp tránh xung đột với Trung Quốc nhưng không làm tổn hại lợi ích quốc gia trên Biển Đông.
Dù thể hiện lập trường mềm mỏng nhằm giữ gìn mối quan hệ thương mại lâu dài với Trung Quốc, dưới sức ép của tinh thần dân tộc và lợi ích về chủ quyền, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không thể nhượng bộ Bắc Kinh một khi nước này bác bỏ phán quyết về "đường lưỡi bò" mà Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp đưa ra, theo National Interest.
Theo giáo sư khoa học chính trị Richard Javad Heydarian thuộc đại học De La Salle, không giống như người tiền nhiệm Benigno Aquino, tân Tổng thống Philippines Duterte dường như không muốn đối đầu với Trung Quốc, thậm chí đã bày tỏ nghi ngờ về cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ trong trường hợp nổ ra xung đột với Trung Quốc.
Trong khi nhiều quốc gia trong khu vực mạnh tay đầu tư mua sắm các loại vũ khí hiện đại để bảo vệ chủ quyền trước những hành động quyết liệt của Trung Quốc, ông Duterte vẫn duy trì quan điểm coi việc mua sắm chiến đấu cơ là hành động "lãng phí tiền bạc". Mối quan tâm chính của ông Duterte là vấn đề an ninh nội địa, đặc biệt là khi các nhóm cực đoan có liên quan tới Nhà nước Hồi giáo (IS) ở phía nam đảo Mindanao đang có xu hướng hồi sinh mạnh mẽ.
Ông Duterte cũng tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ song phương lâu dài với Trung Quốc, bất chấp có thể phải hy sinh một số lợi ích về lãnh thổ trong tranh chấp trên Biển Đông. Trong cuộc gặp với đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa, một trong những quan chức nước ngoài đầu tiên mà ông Duterte tiếp xúc, hai bên đã gấp rút đề cập khả năng Bắc Kinh sẽ đầu tư lớn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở Philippines.Thực tế này khiến nhiều người cho rằng ông Duterte có thể sẽ lựa chọn biện pháp mềm mỏng với Trung Quốc sau khi PCA đưa ra phán quyết.
Tuy nhiên, bình luận viên Igor Gauquelin của Analyst cho rằng ông Duterte không thể nhượng bộ Trung Quốc thái quá, khi nhóm các nước công nghiệp G7, Australia và tất cả các bên liên quan ở châu Á đã gián tiếp hoặc công khai bày tỏ ủng hộ vụ kiện này.
Bên cạnh đó, sức ép từ tinh thần dân tộc và các nhóm lợi ích trong nước sẽ buộc tân tổng thống Philippines phải duy trì các biện pháp cứng rắn nếu tòa ra phán quyết có lợi cho Manila.
Theo Gauquelin, thể chế dân chủ của Philippines có mối quan hệ chặt chẽ với các gia tộc và các nhóm lợi ích. Bên cạnh thể hiện lợi ích quốc gia, chính sách đối nội và đối ngoại của Manila còn có sự tham gia của các nhóm lợi ích đến từ giới quân sự và các tập đoàn năng lượng.
Với việc Philippines đã đồng ý mở cửa nhiều căn cứ quân sự cho Mỹ đến đồn trú luân phiên, cũng như ảnh hưởng từ các nhóm lợi ích quân sự và năng lượng đối với chính trị trong nước, phán quyết của PCA có thể đặt ông Duterte trước những lựa chọn khó khăn.
Một khi phán quyết của PCA được đưa ra, nhóm lợi ích năng lượng của Philippines rất có thể sẽ làm giống như dưới thời chính phủ tiền nhiệm, tiếp tục hối thúc tân tổng thống dựa vào phán quyết có lợi của PCA để mở rộng phạm vi khai thác dầu khí trên Biển Đông và tăng cường hợp tác với bên ngoài, khiến ông Duterte khó có thể nhượng bộ Bắc Kinh.
Hơn nữa, dư luận Philippines gần đây thể hiện tinh thần dân tộc tương đối mạnh mẽ trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với Philippines đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử, và dưới áp lực từ dư luận, khả năng khôi phục quan hệ không thể diễn ra một sớm một chiều.
Nút thắt trong mâu thuẫn Trung Quốc - Philippines nằm ở bãi cạn Scarborough. Lấy lại quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough, vốn bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012, đã trở thành chủ đề chính trị được dư luận quan tâm ở Philippines. Sau khi PCA công bố phán quyết, ông Duterte có thể sẽ phải tiếp tục thực thi chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Aquino, ít nhất là trong vấn đề bảo vệ chủ quyền trước những động thái của Trung Quốc.
"Một điều chắc chắn rằng chính quyền của ông Duterte sẽ đứng trước sức ép lớn từ mọi phía buộc phải giành lấy lợi ích chiến lược lớn nhất từ vụ kiện. Rất có thể ông Duterte, người đã hứa sẽ thực thi một chính sách đối ngoại độc lập, sẽ thực hiện các biện pháp tiếp theo dựa trên bản chất của phán quyết và cái mà ông coi là lựa chọn thực tế nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia Philippines và tránh xung đột không cần thiết với Trung Quốc", ông Heydarian nhận định.
Tắc đường hàng chục giờ ở Indonesia, 18 người thiệt mạng
Trang Asia Correspondent ngày 6-7 đưa tin, cảnh sát ở Brebes, tây bắc tỉnh Trung Java của Indonesia xác nhận, 18 người đã thiệt mạng trong vụ tắc đường “kinh hoàng” kéo dài suốt 20 giờ đồng hồ hôm 5-7.
Những người tham gia giao thông từ Jakarta đến Tegal thông qua tuyến đường bộ thu phí Đông Brebes đã phải chịu cảnh tắc đường trong nhiều giờ đồng hồ. Một số nguồn tin nói rằng tắc đường kéo dài suốt 20 giờ đồng hồ, trong khi một số nguồn khác nói rằng tắc đường xảy ra khoảng 35 giờ đồng hồ.
Tình cảnh tắc đường hàng chục giờ đồng hồ ở Indonesia hôm 5-7. Ảnh: Twitter
Người đứng đầu cơ quan y tế ở Brebes, Sri Gunadi Parwoko, cho biết có 12 người thiệt mạng do mệt mỏi vì chờ đợi trong cảnh tắc đường, năm người khác thiệt mạng do tai nạn ở một ngã ba, một người khác tử vong không rõ nguyên do.
Theo tờ Lensa Indonesia, một vài trong số những người thiệt mạng do mệt mỏi vốn có bệnh bẩm sinh và tình trạng bệnh lý càng nghiêm trọng hơn do căng thẳng và hơi nóng ngột ngạt khi tắc đường.
Ông Sri cho biết thêm, rất khó để hỗ trợ cấp cứu cho các nạn nhân này bởi xe cứu thương và thậm chí xe máy cũng không chui vào được vì đường kẹt cứng.
Vụ tắc đường kinh hoàng trên diễn ra vào thời điểm nhiều người tìm cách đổ về quê nhà cho kịp ngày lễ Eid, ngày cuối cùng của tháng ăn chay Ramadan dành cho người Hồi giáo.
Tắc đường kinh hoàng đã trở thành cơn ác mộng thường xuyên đối với giới chức Indonesia. Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo hôm 4-7 cho biết chính phủ hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề này trong vòng hai năm tới.