ASEAN làm gì sau phán quyết vụ kiện Biển Đông
Ông Vương Nghị: Mỹ đừng đụng vào Trung Quốc ở biển Đông
Trung Quốc lo mất người bạn thân ở EU
Philippines muốn gì trong vụ kiện Trung Quốc?
Tin thế giới đọc nhanh 07-07-2016
- Cập nhật : 07/07/2016
Putin muốn gì trước cuộc bầu cử?
Chính sách tiền tệ đang đi liền với các vấn đề chính trị tại Nga trước khi ông Vladimir Putin bước vào cuộc bầu cử tron tháng 9 tới. Bằng cách tuyên chiến với lạm phát – vấn đề mà nhiều người Nga còn sợ hãi hơn các vấn đề về tội phạm, y tế hay mâu thuẫn tôn giáo, ông Putin và các đồng minh đang chiếm thế thượng phong trong cuộc kiểm tra lớn nhất của chính quyền Nga kể từ cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012.
Điều này cũng có nghĩa rằng ngân hàng trung ương của Nga (BOR) sẽ gặp ít trở ngại hơn khi theo đuổi chính sách “thắt chặt hợp lý”. Dựa trên chính sách đó, BOR đã giảm lãi suất 1 lần trong bối cảnh năm 2015 suy thoái và tập trung vào mục tiêu đưa lạm phát xuống còn 4% trong năm 2017.
Các dự báo từ 16 cuộc điều tra của Bloomberg cho thấy mức lạm phát trung bìnhcủa Nga có thể tăng từ 7,3% trong tháng 5 lên 7,4% trong tháng 6. Tuy nhiên, số liệu chính thức lại đạt con số 7,5%. Ngân hàng trung ương nước này đã đưa ra dự báo lạm phát của Nga trong năm 2016 sẽ có thể giảm xuống 5%, thấp hơn 33% so với mức đỉnh của năm 2015.
Theo nhà kinh tế Andreas Schwabe của Raiffeisen Bank International AG (Vienna), nhiệm vụ của BOR trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới là giúp ông Putin có một chiến thắng trên “mặt trận” lạm phát. Từ góc độ chính trị, ông Schwab cho rằng chính sách thắt chặt sẽ được ưa chuộng trong thời gian tới.
Trong một cuộc khảo sát khác của Bloomberg, gần 2/3 số người được hỏi cho rằng BOR sẽ không nới lỏng tiền tệ khi cuộc bầu cử được khởi động. 10/14 nhà kinh tế được hỏi cho rằng BOR sẽ giữ lãi suất cơ bản ở mức 10,5% trong cuộc họp ngày 29/7 tới sau khi đã cắt 50 điểm cơ bản vào tháng 6.
Hồi tháng 6, các nhà hoạch định chính sách cho biết họ sẽ “xem xét khả năng” nới lỏng chính sách nếu lạm phát phù hợp với những dự báo tăng trưởng và rủi ro. Các thỏa thuận lãi suất kỳ hạn đang có dấu hiệu giảm 57 điểm cơ bản trong 3 tháng tới.
Nhà kinh tế Wolf-Fabian Hungerland tại ngân hàng Berenberg (Đức) cho rằng BOR không cần thiết phải trở nên thích ứng hơn với vấn đề chính trị bởi sẽ khó có những biến động lớn trong vòng 2 năm tới.
Nhiệm vụ…"khả thi"
Khi sự ủng hộ cho đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin rơi xuống mức thấp nhất trong năm nay, vị Tổng thống đương nhiệm này đã nhận nhiệm vụ được coi là “khả thi” trong trung hạn, đó là hạ lạm phát xuống mức 4%. Trong lịch sử nước Nga hiện đại, lạm phát hàng năm của Nga chỉ xuống dưới mức 4% trong có 6 tháng. Đó là vào năm 2012, khi chính phủ Nga tăng thuế áp dụng với các mặt hàng tiện ích như điện, nước, vv.
Kể từ thời điểm đó tới nay, lạm phát tăng liên tục mức dù có thời điểm giảm và xuống mức thấp nhất vào tháng 4/2014. Theo cuộc khảo sát của VTsIOM, 11% số người Nga cho rằng lạm phát là vấn đề lớn nhất của đất nước này.
Mặc dù sự ủng hộ giảm xuống nhưng trên thực tế, độ tín nhiệm đối với đảng Nước Nga Thống nhất vẫn cao hơn 20% so với các đảng khác và sự ủng hộ giành cho ông Putin vẫn trên 80%. Tuy nhiên, với hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo và mức lương không có dấu hiệu phục hồi, chính quyền hiện nay vẫn sẽ chịu áp lực phải nới lỏng chính sách tài khóa. Mới đây, BOR đã chỉ ra rằng ngân sách nhà nước chính là một nguồn rủi ro đối với triển vọng lạm phát của Nga.
Cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Nga được dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2018. Trong 3 cuộc bầu cử gần nhất, BOR chưa từng giảm lãi suất một lần nào trong cùng thời điểm.
Nhà kinh tế trưởng Oleg Kouzmin của Renaissance Capital (Nga) nhận định rằng cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới sẽ không cho BOR cơ hội để nới lỏng chính sách. Thậm chí ngân sách cho một số khoản chi cụ thể có thể sẽ bị thu hẹp hơn nữa, ví dụ như tiền lương công chức. Điều này sẽ là một vấn đề đáng lo ngại với ngân hàng trung ương của Nga.(NĐH)
Hội nghị NATO - Phép thử đối với sự gắn kết của Phương Tây
Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được triệu tập ở Warsaw (Ba Lan) ngày 8-7 sẽ là một cuộc họp quan trọng khác thường bởi mối quan hệ của phương Tây với Nga gần đây đã xấu đi rất nhiều.
Giờ đây, sau cuộc bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) của Anh, được gọi là “Brexit”, hội nghị thượng đỉnh tại Warsaw đang trở thành một phép thử quyết định đối với sự gắn kết của liên minh các nước Phương Tây này, bởi khối này phải đưa ra các quyết định khó khăn và có thể sẽ đầy chia rẽ, nhằm củng cố khả năng răn đe của phương Tây với Nga.
Tại Warsaw, NATO sẽ xác nhận quyết định triển khai bốn tiểu đoàn đa quốc gia, khoảng 1.000 người mỗi tiểu đoàn, tại Ba Lan và các quốc gia Baltic. Liên minh này cũng sẽ điều động thêm các xe tăng và pháo đến khu vực này. Những hoạt động triển khai quân sự này nhằm phát đi một thông điệp mạnh mẽ sau cuộc can thiệp của Nga tại Ukraine. Giới phân tích quân sự hầu như không nghi ngờ việc Nga có thể đánh bại những tiểu đoàn mới này và chiếm đóng các quốc gia Baltic, nếu Nga lựa chọn phương án tấn công. Tuy nhiên, các hoạt động triển khai quân sự của NATO lại mang ý nghĩa là để “giăng bẫy”, với thông điệp rằng nếu Nga lựa chọn tấn công, họ sẽ bị sa vào cuộc xung đột quy mô lớn với toàn bộ liên minh NATO - một logic quân sự gợi nhớ lại Chiến tranh Lạnh.
Phản ứng của Nga trước việc NATO tăng cường sự hiện diện quân sự ở các nước Baltic vẫn rất cứng rắn. Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã triển khai các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, xe tăng và các binh sĩ mới đến Kaliningrad – vùng lãnh thổ của Nga giáp với Ba lan và Lithuania. Chính phủ các nước NATO đang lo ngại Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân tầm ngắn ở Kalingrad sau khi hội nghị thượng đỉnh tại Warsaw kết thúc.
Như vậy, hội nghị tại Warsaw và kết quả cuộc họp sẽ đặt ra một phép thử thực sự với nhuệ khí của liên minh phương Tây này. Thủ tướng Anh David Cameron chắc chắn sẽ muốn chứng minh rằng Anh vẫn là một cường quốc “hào phóng” bởi họ đã quyết định nhận một phần gánh nặng của quốc phòng châu Âu. Tuy nhiên, vẫn còn một quan ngại rằng cuộc bỏ phiếu Brexit vừa qua phản ánh tâm lý muốn “thu mình” của các cử tri Anh. Hơn nữa, nếu Anh đang đối mặt với sự giảm tốc kinh tế mạnh mẽ hoặc một cuộc suy thoái, việc duy trì chi tiêu cho quốc phòng ở mức độ hiện nay có thể sẽ rất khó khăn.
Những cam kết của Đức và Mỹ nhằm xây dựng một khối NATO mạnh mẽ cũng sẽ phải được nhấn mạnh. Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang bị cáo buộc đã “phủi tay” khỏi Trung Đông và nhìn chung đang giảm bớt những cam kết với an ninh toàn cầu. Sự nổi lên của ứng cử viên Tổng thống Donald Trump cũng đã làm dấy lên những lo ngại về chủ nghĩa cô lập “manh nha” của Mỹ. Trong bối cảnh này, cam kết chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng ở Đông Âu của Nhà Trắng hiện đang được hoan nghênh.
Trong bối cảnh bất ổn chính trị và chiến lược, việc hội nghị thượng đỉnh NATO thể hiện được sự đoàn kết, tính gắn kết và uy tín của phương Tây là điều vô cùng quan trọng. (HQ)
Bước tiến mới trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ
Tại Sochi (Nga) đã diễn ra cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ sau khi hai nước khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ. Sau cuộc hội đàm kéo dài 40 phút, ông Lavrov tuyên bố nối lại các hoạt động của nhóm công tác về chống khủng bố.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị Ngoại trưởng của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Biển Đen ở Sochi, Ngoại trưởng Lavrov cho biết: "Chúng tôi và phía Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập nhóm làm việc song phương về công tác chống khủng bố, bao gồm đại diện Bộ Ngoại giao và Tình báo. Nhiệm vụ của Nhóm này đã bị đóng băng suốt 7 tháng qua nhưng ngày hôm nay, chúng tôi đã thống nhất nối lại hoạt động của nhóm này". Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga còn bày tỏ hy vọng rằng Liên bang Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giải quyết được vấn đề ngăn chặn nguồn tài chính từ nước ngoài cung cấp cho các nhóm khủng bố ở Syria, cũng như tin rằng giữa hai nước không có bất đồng lớn về việc xác định lực lượng nào ở Syria bị xem là khủng bố. Ngoại trưởng Cavusoglu nhấn mạnh: "Tôi không nghĩ rằng có sự khác biệt trong quan điểm của Liên bang Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đối với các nhóm khủng bố ở Syria. Có một số nhóm cực đoan, có những nhóm phản đối ôn hòa và ở một số vùng thì lại có sự pha trộn của cả hai lực lượng này. Chúng tôi đề nghị những người tốt hãy tách mình ra khỏi các nhóm cực đoan, nếu không sẽ có nguy cơ các phe đối lập ôn hòa trở nên cực đoan hơn".
Trước buổi họp báo, các Bộ trưởng đã hội đàm với nhau gần 40 phút. Cuộc gặp ngày 30-6 vừa qua giữa Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ là cuộc gặp đầu tiên kể từ thời điểm bắt đầu bình thường hóa quan hệ. Sau khi chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay SU-24 của Nga vào tháng 11-2015, mối quan hệ hai nước rơi vào khủng hoảng sâu sắc, hai bên đã tạm ngừng mọi liên lạc ở cấp cao. Tuy nhiên, ngày 27-6 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bất ngờ gửi tới Moscow một lá thư xin lỗi, điều được lãnh đạo Nga coi là một bước tiến để khôi phục đối thoại. Hai ngày sau đó, theo sáng kiến của Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Erdogan đã tiến hành cuộc điện đàm đầu tiên sau 7 tháng. Sau đó, Tổng thống Putin đã chỉ thị Chính phủ gỡ bỏ giới hạn hành chính đối với lĩnh vực du lịch trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết: "Tôi muốn mọi người chú ý đến một thực tế rằng Tổng thống Liên bang Nga đã ký sắc lệnh chỉ thị cho Chính phủ Nga tiến hành tham vấn với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để thống nhất những bước đi cụ thể nhằm bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước. Hôm nay, tôi với Ngoại trưởng Cavusoglu đã thống nhất mối liên hệ như thế này vẫn sẽ được tổ chức trong thời gian tới". Ngoại trưởng Nga đặc biệt nhấn mạnh tới sự hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Ông đã bày tỏ với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ rằng các công dân Nga và các quốc gia khác, khi lựa chọn địa điểm cho kỳ nghỉ của mình "sẽ tính toán cả đến những đe dọa từ các hành động khủng bố liên tục ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà bằng chứng là hành động khủng bố thái quá ở sân bay Istanbul vừa qua". Tại buổi họp báo, ông Lavrov cho biết chắc chắn rằng trong số những lĩnh vực hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có nỗ lực chung để chống lại khủng bố tích cực hơn nữa". Ông cũng cho biết thêm giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo rằng sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho du khách.
Trước đó, một quan chức trong Bộ Ngoại giao Nga cho biết Nga vẫn sẽ khuyến cáo du khách Nga không nên đi đến Thổ Nhĩ Kỳ: "Rõ ràng là khủng bố vẫn còn ở đó. Và chế độ thị thực dành cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vấn đề này cũng sẽ không thay đổi". (BHQ)
Phái đoàn Hồng Kông đến Trung Quốc chất vấn chuyện giam người bán sách
Hồng Kông đưa một phái đoàn quan chức cấp cao đến thủ đô Bắc Kinh – Trung Quốc ngày 5-7 để thảo luận về việc giam giữ những cư dân của đặc khu này.
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh hôm 4-7 cho biết các quan chức cấp cao của đặc khu này sẽ có cuộc họp với phía Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh trong một ngày để “đánh giá toàn diện và sâu sắc” về thông báo tạm giam 5 người bán sách Hồng Kông. Tuy nhiên, sẽ không có quyết định nào được đưa ra sau cuộc họp trên, ông Lương nói thêm.
Cuộc họp được tổ chức sau khi 5 người bán sách Hồng Kông bỗng dưngmất tích bí ẩn sau đó xuất hiện trở lại trong trại tạm giam của đại lục. Những người này là chủ của một hiệu sách chuyên viết và xuất bản các cuốn sách về những lời đồn đoán xung quanh các lãnh đạo Trung Quốc.
Hồi tháng 6, một trong 5 người, ông Lam Wing-kee, trở về Hồng Kông và tổ chức họp báo tiết lộ quá trình bị đặc vụ Trung Quốc giam giữ và thẩm vấn liên tục mà không được phép liên lạc với gia đình hay luật sư. Sau đó, ông Lam còn bị buộc đưa ra danh sách khách hàng của hiệu sách.
Sau vụ mất tích của những người bán sách, hàng ngàn người Hồng Kông đã đổ ra đường biểu tình khi cho rằng Bắc Kinh không chấp hành thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ” được áp dụng 50 năm qua.
Cựu quan chức Trung Quốc thách Mỹ đưa 10 tàu sân bay ra Biển Đông
Đới Bỉnh Quốc, từng là nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, cho rằng phán quyết của PCA về vụ kiện "đường lưỡi bò" không hơn một mảnh giấy và lên tiếng thách thức Mỹ.
"Phán quyết cuối cùng mà tòa trọng tài sẽ công bố trong vài ngày tới, rốt cuộc không hơn gì một mảnh giấy", SCMP dẫn lời ông Đới, cựu ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, hôm qua nói tại một diễn đàn do các trung tâm nghiên cứu của Mỹ và Trung Quốc tổ chức ở Washington D.C.
Các tranh chấp không được phép định hình quan hệ Trung - Mỹ, ông Đới tuyên bố và kêu gọi hai nước xử lý những bất đồng một cách xây dựng và mở rộng chương trình nghị sự hàng hải tích cực để bảo đảm cho một giải pháp hòa bình.
"Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc với Mỹ về các vấn đề hàng hải và làm việc với Mỹ cũng như tất cả các bên khác để giữ tình hình nằm trong tầm kiểm soát", cựu quan chức Trung Quốc nói.Tuy nhiên, ông Đới cũng đồng thời thách thức Washington về hành động quân sự ở Biển Đông. Cựu quan chức Trung Quốc cho rằng nước này sẽ không bị hành động của Mỹ "hăm dọa", kể cả khi Mỹ có cử tất cả 10 tàu sân bay ra Biển Đông.
Hai tàu sân bay Mỹ giữa tháng trước bắt đầu hoạt động chung tại vùng biển phía đông Philippines. Quan chức hải quân Mỹ cho rằng việc triển khai hai tàu sân bay là dấu hiệu thể hiện cam kết của nước này đối với an ninh khu vực.
Tuyên bố của ông Đới được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường phát ngôn phản đối phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc (PCA) tại The Hague, Hà Lan dự kiến đưa ra vào tuần tới, đối với vụ kiện Philippines - Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các quốc gia láng giềng như Philippines, Việt Nam. Trung Quốc còn hành động ngày càng cứng rắn, bồi lấp các đảo nhân tạo phi pháp trong khu vực khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng Trung Quốc có nguy cơ dựng lên "Vạn Lý Trường Thành tự cô lập" do hành động cứng rắn ở Biển Đông.