Ý đồ đẩy Mỹ khỏi Biển Đông bằng ADIZ của Trung Quốc
Kêu gọi Trung Quốc hành xử văn minh
Nga tuyên bố không can dự vào tranh chấp ở Biển Đông
Bà Clinton được Đảng Dân chủ ủng hộ
Tàu sân bay Ấn Độ rò rỉ khí độc gây chết người
Tin thế giới đọc nhanh 11-06-2016
- Cập nhật : 11/06/2016
Chiến tranh khiến thế giới tiêu tốn 13.000 tỉ USD năm 2015
Tình trạng bạo lực, chiến tranh và những cuộc xung đột khác khiến nền kinh tế toàn cầu tiêu tốn hơn 13,6 nghìn tỉ USD, khoảng 13% GDP toàn cầu, trong năm 2015.
Lực lượng an ninh Iraq ngăn dòng người biểu tình bạo động tại quảng trường Tahrir ở Baghdad ngày 27/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Chỉ số Hòa bình Toàn cầu cho năm 2016, do Viện Kinh tế và Hòa bình ở Australia soạn thảo, xếp hạng 163 quốc gia về mức độ yên bình mà họ đang chứng kiến. Theo nghiên cứu, "thập niên vừa qua đã chứng kiến một sự suy giảm lịch sử về hòa bình thế giới, làm gián đoạn những cải thiện lâu dài kể từ Thế chiến thứ hai".
Cả thế giới đang nhìn thấy cách biệt ngày càng lớn giữa những nước yên bình và những nước kém yên bình. Báo cáo cho biết nhiều nước đang chứng kiến mức độ yên bình "cao kỷ lục", nhưng 20 nước ở cuối bảng xếp hạng "kém yên bình hơn nhiều". Báo cáo nêu rõ: "Thế giới đã trở nên kém yên bình so với năm trước, và cách biệt giữa những quốc gia yên bình nhất và kém yên bình nhất tiếp tục nới rộng. Có nhiều nước cải thiện hơn là suy giảm, nhưng mức độ suy giảm lớn hơn mức độ cải thiện".
Báo cáo nhấn mạnh: "Sự suy giảm hòa bình mang tính lịch sử trong khoảng thời gian 10 năm phần lớn được thúc đẩy bởi những cuộc xung đột đang gia tăng cường độ ở [Trung Đông và Bắc Phi]. Chủ nghĩa khủng bố cũng đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, những cái chết trên chiến trường do xung đột đang ở mức cao nhất 25 năm qua, và số lượng người tị nạn và người tản cư đang ở mức cao chưa từng thấy trong 60 năm qua".
Phí tổn của chiến tranh và những hình thức bạo lực khác được tính toán dựa trên chi tiêu quân sự, thiệt hại tài sản và cơ sở hạ tầng, cũng như những phí tổn của tội ác liên quan đến bạo lực.
Ukraine lọt top những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới
Ukraine đã bị tụt 3 điểm trong "Chỉ số Hòa bình Toàn cầu" năm 2016 và lọt vào top 10 quốc gia nguy hiểm nhất thế giới.
Binh sĩ quân đội Ukraine tuần tra tại thành phố Kramatorsk, vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Đài Sputnik, ngày 9/6, Viện Kinh tế và Hòa bình Australia công bố một báo cáo cho thấy, Ukraine đã bị tụt 3 điểm trong "Chỉ số Hòa bình Toàn cầu" năm 2016 và lọt vào top 10 quốc gia nguy hiểm nhất thế giới
Theo báo cáo, quốc gia nguy hiểm nhất là Syria, tiếp sau đó là Nam Sudan, Iraq, Afghanistan, Somalia, Yemen, Cộng hòa Trung Phi, Ukraine, Sudan, Libya và Pakistan.
Quốc gia được công nhận an toàn nhất là Iceland.
Chỉ số Hòa bình Toàn cầu được xác định dựa trên các yếu tố như bất ổn chính trị trong nước, các xung đột nội bộ, tỷ lệ tội phạm; và các yếu tố bên ngoài như ngân sách quân sự, can dự vào các xung đột vũ trang bên ngoài và những vấn đề khác.
Lý do Mỹ quyết không để Trung Quốc tôn tạo Scarborough
Nếu Trung Quốc xây dựng bãi cạn Scarborough thành đảo nhân tạo, không chỉ quân Mỹ bị đe dọa, mà niềm tin đối với Mỹ cũng bị lung lay.
Đường băng Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Đá Chữ Thập. Ảnh: Reuters
Mỹ đã “vạch giới hạn đỏ” đối với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham/Panatag), đó là không được khởi động chương trình xây dựng đảo nhân tạo tại đây.
Nếu Trung Quốc bỏ qua, tiếp tục hành động của mình trên Biển Đông, bao gồm cả với bãi cạn Scarborough, người đứng đầu Lầu Năm góc cảnh báo “Mỹ và các nước khác sẽ hành động, không chỉ dẫn tới hậu quả là làm leo thang căng thẳng mà còn làm Trung Quốc bị cô lập thêm".
Tại sao Mỹ lại đặc biệt quan tâm tới bãi cạn Scarborough và “vạch giới hạn đỏ” đối với Trung Quốc ở đây?
Theo tờ “Tin tức Thế giới”, nguyên nhân đầu tiên là bãi cạn Scarborough cách nội địa Phillipines chỉ 100 hải lý, cách cảng mà quân đội Mỹ sử dụng ở vịnh Subic chỉ 150 hải lý.
Nếu Trung Quốc xây dựng hạ tầng quân sự ở bãi cạn Scarborough, áp sát căn cứ quân sự của Mỹ, hành động của Mỹ ở Biển Đông sẽ bị “công phá”, giảm mạnh tác dụng, ảnh hưởng, khó có thể tiếp tục được các đồng minh và đối tác trong khu vực tin tưởng.
Bên cạnh đó, một khi bãi cạn Scarborough biến thành đảo nhân tạo, trên đó có sân bay, trạm radar…, nơi đây sẽ cùng với Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) và đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) hình thành tam giác chiến lược trên Biển Đông, có lợi cho việc khống chế phần lớn khu vực Biển Đông, tạo ra mối đe dọa lớn hơn đối với quân đội Mỹ.
Thông tin công khai cho thấy Trung Quốc hiện đã xây dựng đường băng dài 3.110 m trên Đá Chữ Thập, có thể đón máy bay ném bom chiến lược còn tại đảo Phú Lâm, Trung quốc đã bố trí máy bay chiến đấu cùng tên lửa đất đối không Hồng Kỳ.
Lầu Năm Góc: Nga có thể đánh bại NATO trong 60 giờ
Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Carpenter cho rằng quân đội NATO chưa hề có sự chuẩn bị cho kịch bản đối đầu với Nga và nếu tình huống này xảy ra Nga có thể đánh bại NATO trong vòng chưa đầy 3 ngày, theo hãng tin Sputnik.
Đây là phát biểu của ông Michael Carpenter- trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề Nga và Ukraine - trong một phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại thượng viện Mỹ diễn ra hôm 7/6 về tình hình lực lượng của NATO hiện tại ở Đông Âu trong bối cảnh Nga tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Theo quan chức Lầu Năm Góc này, thủ đô của tất cả các nước vùng Baltic sẽ thất thủ nếu Nga quyết định tấn công, nhất là khi NATO chưa có sự chuẩn bị cho kịch bản này.
Ông nói thêm: “Nga chiếm ưu thế trước NATO về thời gian và khoảng cách địa lý nếu như Moscow quyết định chiếm các nước Baltic. Chúng tôi đang làm tất cả mọi thứ để tăng chi phí, tăng cường lực lượng cũng như các trang thiết bị chiến đấu, nhằm ngăn chặn”.
Đây có thể coi là xác nhận thông tin đánh giá trong báo cáo công bố cách đây 4 tháng của Tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu phi lợi nhuận RAND rằng Nga có thể đánh bại NATO chỉ trong vòng 60 giờ ở khu vực Baltic.
Tuy nhiên, ông Carpenter cũng nói rằng, Mỹ có thể giúp NATO tăng cường hiện diện ở khu vực. “Tôi tin rằng, đến cuối 2017, khi chúng ta có thêm lữ đoàn thiết giáp bổ sung bên sườn phía Đông, Nga sẽ không thể duy trì được ưu thế như vậy”.
Tuyên bố của ông Carpenter đưa ra trong bối cảnh 12 nghìn binh sỹ Ba Lan, cùng 14 nghìn binh sỹ Mỹ và khoảng 1 nghìn binh sỹ Anh và binh sỹ từ nhiều quốc gia khác đang tiến hành cuộc tập trận kéo dài 2 tuần nhằm kiểm tra mức độ phòng vệ ở sườn phía đông châu Âu.
Đáp lại động thái này Nga cũng triển khai lực lượng đến sát biên giới Ukraine và lập một căn cứ quân sự mới ở đây.
ASEAN - Trung Quốc thảo luận về quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Ngày 9/6, cuộc họp lần thứ 12 quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc (SOM) đã diễn ra tại Hạ Long, Quảng Ninh nhằm bàn về việc thực hiện DOC và xây dựng COC.
Bộ Ngoại giao cho biết, SOM lần thứ 12 về thực hiện Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tham vấn về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Trung Quốc và Singapore, nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp.
Trước đó, ngày 7-8/6 đã diễn ra Cuộc họp Nhóm công tác chung lần thứ 17 ASEAN - Trung Quốc (JWG) về thực hiện DOC để chuẩn bị cho cuộc họp SOM. Đây là cơ chế họp thường xuyên giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc thực hiện DOC và xây dựng COC.
Tại cuộc họp, các nước ASEAN bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông và sự quan tâm của cộng đồng quốc đối với tình hình Biển Đông thời gian gần đây.
Trong tham vấn xây dựng COC, các nước lần đầu tiên trao đổi về bản chất của COC, cách tiếp cận xây dựng COC, thời gian hoàn thành và đề cương COC.
Các nước cũng nhất trí đẩy mạnh thực hiện các biện pháp “thu hoạch sớm”, trong đó có việc sớm hoàn tất tài liệu hướng dẫn để đưa vào vận hành Đường dây nóng giữa các quan chức ngoại giao ASEAN và Trung Quốc về ứng phó các sự cố khẩn cấp trên biển cũng như hoàn tất xây dựng Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử để tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) tại Biển Đông, coi đây là những kết quả cụ thể của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN - Trung Quốc vào tháng 9/2016 tại Lào.
Các nước nhất trí sẽ tổ chức các cuộc họp SOM và JWG tiếp theo vào tháng 8/2016 tại Nội Mông, Trung Quốc.
Cuộc họp cũng trao đổi và hoàn tất công tác chuẩn bị cho Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc diễn ra vào ngày 14/6/2016 tại Côn Minh, Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định Việt Nam và ASEAN hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc; nhấn mạnh hòa bình, ổn định ở Biển Đông gắn liền với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của các nước trong và ngoài khu vực; chia sẻ lo ngại của các nước về những diễn biến phức tạp gần đây và hiện nay tại Biển Đông; kêu gọi ASEAN và Trung Quốc cần thực đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là cần cụ thể hóa Điều 5 của DOC thông qua việc xây dựng danh mục các hành động được làm và không được làm ở Biển Đông, đồng thời thúc đẩy các hoạt động hợp tác thực tiễn trên biển giữa hai bên.
Về xây dựng COC, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh tính cấp bách của việc sớm hoàn tất COC nhằm quản lý và ngăn ngừa xung đột, tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp; đề nghị tăng cường tần suất họp và trao đổi các vấn đề thực chất, nhất là về đề cương và thời gian hoàn thành COC; ủng hộ việc thực hiện các biện pháp “thu hoạch sớm” đã được nhất trí và tiếp tục nghiên cứu các biện pháp khác.