tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh sáng 10-06-2016

  • Cập nhật : 10/06/2016

Ông Obama sẽ thuyết phục ông Sanders ủng hộ bà Clinton

Ngày 9-6, tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng, tổng thống Obama sẽ có cuộc gặp riêng với ông Sanders để tế nhị thuyết phục ông ủng hộ bà Clinton.

ong bernie sanders phat bieu truoc nhung nguoi ung ho trong mot chien dich van dong tranh cu tai irvine, california ngay 22-5 - anh: getty

Ông Bernie Sanders phát biểu trước những người ủng hộ trong một chiến dịch vận động tranh cử tại Irvine, California ngày 22-5 - Ảnh: Getty

Theo New York Times, nguồn tin từ các trợ thủ thân cận của tổng thống Mỹ, ông Obama mong muốn sẽ biến cuộc gặp riêng với ông Bernie Sanders thành một cuộc củng cố đoàn kết trong nội bộ đảng Dân chủ nhằm đánh bại đối thủ Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới.

Cuộc gặp này sẽ là lần đối thoại thứ 5 giữa ông Obama và ông Sanders kể từ khi bắt đầu vòng bầu cử sơ bộ. Nó cũng là một trong hàng loạt những động thái được ông Obama tiến hành tuần này nhằm xóa dần sự chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ vốn khá lộ liễu thời gian qua giữa các ứng cử viên trong đảng.

Thông điệp của ông Obama trong cuộc gặp ngày 9-6 với ông Sanders rất rõ ràng: Đã tới lúc ông Sanders cần huy động sự ủng hộ của những cử tri dành cho ông để “dồn phiếu” cho đối thủ một thời của mình là bà Hillary Clinton.

Dĩ nhiên là ông Obama sẽ giải quyết vai trò trung gian của mình một cách nhẫn nại và tôn trọng để tránh gây giận dữ với ông Sanders cũng như hàng triệu cử tri ủng hộ ông.

Và để làm như vậy, tổng thống Obama hẳn sẽ trì hoãn việc chính thức lên tiếng ủng hộ bà Clinton cho tới thời điểm sau cuộc gặp với ông Sanders hôm nay, 9-6.

Cũng theo các cố vấn Nhà Trắng, ông Obama sẽ không bày tỏ quan điểm riêng ủng hộ bà Hillary cho tới khi cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở đặc khu Columbia kết thúc ngày thứ ba tuần sau, 14-6.

Ông Obama sẽ không gây thêm áp lực nào cho ông Sanders cho tới khi cuộc bỏ phiếu cuối cùng trong mùa bầu cử sơ bộ 2016 tại Đặc khu Columbia hoàn tất.

“Chúng ta nên tế nhị một chút và để ông ấy có cơ hội tự ra quyết định về việc khi nào ông ấy muốn rời cuộc đua”, phó tổng thống Mỹ Joseph R. Biden Jr. đã nói như vậy về ông Sanders trong ngày hôm 8-6. 


Thái độ của Trung Quốc báo hiệu căng thẳng gia tăng ở Biển Đông

Những gì đại diện Trung Quốc thể hiện ở Đối thoại an ninh châu Á cuối tuần qua cho thấy Bắc Kinh sẽ không xuống thang ở Biển Đông trong thời gian tới.
do doc ton kien quoc, dai dien cua trung quoc tai shangri-la vua qua, gui thong diep toi ca nguoi dan cua nuoc nay rang quan doi se bao ve loi ich quoc gia. anh:afp

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, đại diện của Trung Quốc tại Shangri-la vừa qua, gửi thông điệp tới cả người dân của nước này rằng quân đội sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia. Ảnh:AFP

"Khi Đô đốc Tôn Kiến Quốc nói: Chúng tôi không tạo ra rắc rối nhưng cũng không sợ rắc rối, dường như đó là dấu hiệu Bắc Kinh sẽ không bị Mỹ ngăn cản và sẽ làm bất cứ điều gì ở Biển Đông mà họ muốn", Tiến sĩ Harry Kazianis, nghiên cứu sinh Chính sách an ninh quốc gia, Tổ chức Potomac (Potomac Foundation), Mỹ, trao đổi với VnExpress về phát biểu của ông Tôn, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc tại diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á Đối thoại Shangri-la cuối tuần qua.

Theo ông Kazianis, đại diện của Trung Quốc cũng đã nhắc đi nhắc lại rằng Biển Đông là vùng biển thuộc sở hữu của mình từ thời xưa, là lãnh thổ không thể thiếu như là "ao nhà". Trung Quốc thể hiện quyết tâm kiểm soát Biển Đông, có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Đó là "tuyên bố rất nguy hiểm", ông Kazianis nói.

Vị chuyên gia này cảnh báo Trung Quốc sẽ đưa thêm các hệ thống radar tiên tiến đến Biển Đông để bao quát hết tầm nhìn ở khu vực này, triển khai các thiết bị phòng không với số lượng lớn hơn, chất lượng cao hơn. Bắc Kinh cũng có thể điều các vũ khí chống tàu như tên lửa "sát thủ tàu sân bay" DF-21D nổi tiếng. 

Tất cả những động thái này nhằm chuẩn bị để Bắc Kinh  tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong thời gian từ 12 đến 18 tháng tới, Kazianis nhận định. Thậm chí Trung Quốc có thể công bố trong vài tuần tới nếu họ cảm thấy việc kiểm soát Biển Đông bị "lỏng tay" khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines. Ông Kazianis đánh giá bây giờ câu hỏi về ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ là "khi nào", chứ không còn là "có hay không" nữa.

"Tôi quá kinh ngạc khi Đô đốc Tôn Kiến Quốc của Trung Quốc phản bác lại lập luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter rằng Bắc Kinh đang xây dựng bức tường cô lập", bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, người tham dự Đối thoại Shangri-la, nói trong email gửi VnExpress.

Trong phiên mở đầu Diễn đàn An ninh châu Á hôm 4/6, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang cô lập nước này, trong bối cảnh khu vực đang tìm đến nhau và phối hợp hành động. Ông Carter cũng cảnh báo nếu những hành động này vẫn tiếp tục, Trung Quốc có thể tạo ra "một Vạn Lý Trường Thành tự cô lập".

Đáp trả, ông Tôn Kiến Quốc cáo buộc "một số người và quốc gia vẫn nhìn vào Trung Quốc với tinh thần Chiến tranh Lạnh", Bắc Kinh không bị cô lập mà chính "những nước xây dựng bức tường trong tâm trí mình sẽ tự bị cô lập".

Chuyên gia của CSIS nhấn mạnh đến mối lo ngại của mình về "màn trình diễn" của các đại diện Trung Quốc tại Đối thoại an ninh lần này. Đô đốc Tôn còn miêu tả các cuộc gặp song phương của ông với 17 đối tác "ấm áp và thân thiện hơn" so với những thảo luận trong năm ngoái. Đô đốc Trung Quốc cũng cho hay ông nhận được ít câu hỏi hơn trong các cuộc trao đổi về Biển Đông, điều đó cho thấy niềm tin của các nước đã tăng lên so với Đối thoại năm ngoái. 

"Nếu Bắc Kinh thực sự tin rằng cách hành xử của mình trong năm qua đã dẫn đến niềm tin cậy lớn hơn rằng Trung Quốc sẽ trỗi dậy hòa bình và không gây hại đến các nước khác, thì Trung Quốc và lãnh đạo của họ thực sự tự huyễn hoặc", bà Glaser nói.

Là người trực tiếp tham dự các phiên họp, bà Glaser cho hay Đô đốc Tôn trong phát biểu của mình không hề nhắc đến cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc "không quân sự hóa Biển Đông", được đưa ra tại Washington, Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái. 

"Ông Tôn phát biểu với một tông giọng cao, chói tai, gây cảm giác dọa dẫm những người nghe trong khán phòng, đồng thời cam kết với người dân Trung Quốc rằng PLA sẽ bảo vệ những lợi ích quốc gia của nước này. Một lần nữa, những gì ông Tôn thể hiện để lại ấn tượng là Trung Quốc không quan tâm đến mối lo ngại của các nước khác và sẽ tiếp tục kế hoạch của mình ở Biển Đông bất chấp tất cả", bà Glaser nói. 

Đề cập tới phán quyết sắp tới của tòa quốc tế PCA về vụ kiện của Philippines, bà Glaser bày tỏ bà lạc quan về kết quả. Bà cũng lưu ý PCA sẽ đưa ra nhận định với từng vấn đề và trông đợi phần lớn phán quyết sẽ đem lại triển vọng sáng sủa.

Ông Kazianis cũng đồng tình rằng Philippines sẽ giành lợi thế lớn trong phiên tòa của PCA. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý "những từ ngữ trên giấy" sẽ không ngăn được Trung Quốc dấn tới đòi yêu sách ở Biển Đông. Về phía Mỹ, ông Kazianis đánh giá chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông cũng sẽ không tạo nên khác biệt, FONOP không phải là chiến lược, và Trung Quốc sẽ tiếp tục phớt lờ, đẩy mạnh việc thay đổi hiện trạng. 

"Mỹ cần củng cố hợp tác với các đối tác và đồng minh, đưa ra một chiến lược toàn diện để đối phó với Trung Quốc, khi đó Bắc Kinh mới có thể lùi bước khỏi kế hoạch dự kiến là một thảm kịch lớn cho tất cả các nước ở châu Á", ông Kazianis nói.


150 lính đặc biệt Pháp tham gia mặt trận Syria

Pháp đã triển khai lực lượng đặc biệt dưới mặt đất của nước này ở miền bắc Syria nhằm làm công tác cố vấn quân nổi dậy và giúp họ chiến đấu chống IS.

“Vụ tấn công ở Manbij rõ ràng đang được hỗ trợ bởi rất nhiều nước, trong đó có Pháp. Đây là sự hỗ trợ thông thường, đó là làm công tác cố vấn” - hãng tin AFP dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Pháp.

Tính tới thời điểm này, Pháp đã xác nhận có khoảng 150 binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt của nước này hiện diện ở khu vực này.

phap xac nhan 150 linh dac biet cua nuoc nay hien dien o syria. nguon: rt

Pháp xác nhận 150 lính đặc biệt của nước này hiện diện ở Syria. Nguồn: RT

Manbij là một thị trấn chiến lược trọng điểm ở miền bắc Syria do IS kiểm soát ở miền bắc Syria. Đây là điểm trung gian trên đường đi giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và thành trì Raqqa của IS.

Thông tin trên không phải là lần đầu ám chỉ sự hiện diện của Pháp ở Syria. Hồi 3-6, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nói với kênh truyền hình Public Senat rằng Paris đang hỗ trợ bằng cách cung cấp vũ khí, hiện diện trên không và công tác cố vấn.

Pháp cũng không phải quốc gia phương Tây duy nhất tham chiến ở Syria. Cách đây hai tuần, một đoạn băng ghi hình cho thấy lực lượng đặc biệt Mỹ đang chiến đấu cùng với lực lượng dân quân người Kurd gần TP Raqqa. Sự xuất hiện này của lính Mỹ diễn ra một tháng sau khi Tổng thống Obama tuyên bố khoảng 250 binh sĩ sẽ được triển khai ở Syria.

Nga đã thực hiện chiến dịch không kích các mục tiêu khủng bố ở Syria từ cuối tháng 9-2015 và thông báo rút phần lớn quân khỏi đất nước chiến sự này từ giữa tháng 3-2016. Tuy nhiên, Moscow thông báo vẫn tiếp tục giúp đỡ lực lượng chính phủ Syria trong cuộc chiến chống IS và duy trì tình trạng ngừng bắn tại căn cứ không quân Khmeimim.


Châu Á đang giàu nhanh

Người giàu vẫn tiếp tục giàu lên bất chấp những ghi nhận về tỉ lệ tăng trưởng kinh tế chậm lại.

bieu do tai san ho gia dinh - nguon: so lieu cua bcg - do hoa: vi cuong

Biểu đồ tài sản hộ gia đình - Nguồn: số liệu của BCG - Đồ họa: Vĩ Cường

Theo báo cáo của Boston Consulting Group (BCG) về sự giàu có trên thế giới, số triệu phú, tỉ phú đã tăng 6% trong năm 2015 (lên đến 18,5 triệu trường hợp) và số này đang giữ đến 47% tài sản của thế giới, tính gồm thu nhập, tài khoản ngân hàng và cổ phần, cổ phiếu.

Như vậy, số người giàu này đang nắm giữ tổng tài sản trị giá 78.800 tỉ USD, tức nhiều hơn GDP toàn thế giới hiện nay.

Châu Á dẫn đầu

Báo cáo của BCG - một công ty tư vấn chiến lược ở Mỹ - công bố hôm 7-6 cho thấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tàu tăng tốc.

Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong khối các nước phát triển có được sự tăng trưởng tài sản trong năm 2015 cao hơn tỉ lệ của năm 2014: đạt mức tăng 4%, hơn cùng kỳ năm trước chỉ 3%. Mức tăng ổn định này được cho là nhờ thị trường chứng khoán Nhật ăn nên làm ra.

Nhưng phần còn lại của châu Á - Thái Bình Dương còn tăng trưởng khủng khiếp hơn nữa: tài sản các hộ gia đình tăng 13% trong năm 2015, lên đến 37.000 tỉ USD, chủ yếu nhờ vào mức tăng thu nhập của cá nhân.

Theo đánh giá của BCG, theo đà này thì đến năm 2017 châu Âu sẽ mất vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng “khu vực giàu có nhất thế giới” vào tay châu Á và đến năm 2020 Mỹ sẽ mất vị trí quán quân.

Cũng theo đánh giá trên, đến năm 2020 số triệu phú, tỉ phú mà nay đang nắm giữ 47% tài sản của thế giới sẽ tiếp tục giàu lên và nắm giữ đến 52% sau bốn năm nữa. Dù muốn dù không, tài sản của những người giàu có lại tiếp tục phình to ra, cao hơn mức trung bình.

Những người giàu nhất trong số những người giàu - tức nhóm có tài sản trên 100 triệu USD - lại có mức tăng đáng kể là 7%, cao hơn cả năm trước đó. Đặc biệt trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những trường hợp giàu có nhất lại còn tăng được tài sản của mình đến 21%!

Mỹ vẫn còn giàu nhất

Tài sản trên thế giới tiếp tục tăng trong năm qua (5,2%) dù tỉ lệ không cao bằng năm 2014 (7,5%). Tình trạng tăng trưởng kinh tế bị chậm lại và hiệu quả từ kinh doanh tài chính trên các thị trường chứng khoán cũng không tốt khiến thu nhập của các hộ gia đình không tăng tốt.

Ở các nước phát triển, sự tăng trưởng kém đi đó được thể hiện rõ nhất. Dù Mỹ vẫn là quốc gia giàu có nhất thế giới (có 8 triệu triệu phú) nhưng tài sản của người dân (không tính nhà chính) chỉ tăng được 2% trong năm 2015 trong khi năm trước đó tỉ lệ lên đến 6%.

Tài sản của nước Mỹ hiện vượt quá 60.000 tỉ USD nhưng lại tập trung vào tay số người giàu có: các triệu phú, tỉ phú của Mỹ đang nắm giữ đến 62% tổng tài sản nước này!

Ở Tây Âu, tình hình không đến nỗi quá tệ. Tài sản các hộ gia đình tăng được 4% trong năm vừa qua (Pháp tăng tốt nhất với mức 5%) dù năm 2014 tỉ lệ này đến 6%. Mức tăng còn tốt này là nhờ thị trường tài chính khá hiệu quả trong năm rồi ở một số nước Tây Âu.

Hiện tượng lạ chính là Đông Âu vì dù giá dầu mỏ và giá nguyên liệu giảm mạnh, rồi thì cuộc khủng hoảng Ukraine còn đó nhưng tài sản ở khu vực này vẫn tăng 6% trong năm rồi (năm 2014 tăng đến 11%).

Cũng ở châu Âu, những hộ gia đình có tài sản vào khoảng 1-20 triệu USD lại giàu thêm 10% trong khi những người có 1 triệu USD trở xuống chỉ tăng thêm được 2%.

Trên bình diện thế giới, dù trong vài năm gần đây người ta thường nhắc đến sự đình trệ, suy giảm tăng trưởng kinh tế nhưng có điều lạ là số triệu phú đôla lại tăng đến 6% trong năm 2015. Câu trả lời nằm ở Trung Quốc (2 triệu triệu phú) và Ấn Độ.

Nhưng Thụy Sĩ và công quốc Liechtenstein tiếp tục là nơi có tỉ lệ triệu phú/dân số cao nhất thế giới.


Tai nạn chết người tại công trường nhà máy điện Triều Tiên

Một phụ nữ thiệt mạng và nhiều người bị thương khi đang làm việc trong thời tiết giá lạnh tại công trường nhà máy điện ở Triều Tiên. 
nha may dien paektusan hero youth power station. anh: yonhap

Nhà máy điện Paektusan Hero Youth Power Station. Ảnh: Yonhap

Báo Rodong Sinmun của Triều Tiên hôm qua đưa tin một nữ y tá thiệt mạng khi đang cố ngăn thiết bị trượt xuống tại công trường xây dựng nhà máy Paektusan Hero Youth Power Station. Nhà máy nằm gần biên giới với Trung Quốc.

Báo cũng hé lộ một số công nhân bị thương tổn do giá lạnh khi họ đi bộ hàng trăm km cùng vật liệu xây dựng. Báo đưa tin lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thể hiện sự cảm phục sâu sắc trước lòng yêu nước của những thanh niên làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Ông Kim năm ngoái thăm công trường hai lần vào tháng 4 và tháng 9 để động viên công nhân và hối thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Dự án bắt đầu khởi công năm 2002. 

Yonhap dẫn lời ông Kim Yong-hyun, giáo sư ngành Triều Tiên học tại Đại học Dongguk ở thủ đô Seoul, nói việc truyền thông Triều Tiên hé lộ về thương vong tại một công trường xây dựng là điều bất thường. "Đây dường như là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng muốn chiến dịch '200 ngày lao động chăm chỉ' đạt được kết quả bằng mọi giá", ông nói.

"Chiến dịch 200 ngày trung thành" đang diễn ra là một phần trong kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng, được hé lộ trong Đại hội đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 5.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục