Bộ Quốc phòng Nga thử nghiệm robot trinh sát
Những cách hưởng lợi từ cuộc trưng cầu dân ý tại Anh
Mỹ buộc tội “nữ quái” âm mưu tuồn động cơ máy bay cho Trung Quốc
Trung Quốc dùng tiền “mua” ủng hộ của các nước về tuyên bố chủ quyền
Mỹ - Ấn - Nhật khai màn tập trận gần Biển Đông
Tin thế giới đọc nhanh trưa 10-06-2016
- Cập nhật : 10/06/2016
Trung Quốc bổ sung tàu hộ vệ cho lực lượng ở Biển Đông
Tàu hộ vệ Type 056A mang tên Khúc Tĩnh 508 được bàn giao cho Hạm đội Nam Hải ngày 8/6 ở quân cảng Tam Á, QQ đưa tin.
Khúc Tĩnh 508 sẽ chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, cảnh giới và hộ tống tàu thuyền ở Biển Đông. Tàu có tính năng tàng hình, độ tích hợp thông tin hoá cao, có thể độc lập tác chiến hoặc phối hợp tác chiến trên biển với tàu ngầm và tàu nổi khác.
Khúc Tĩnh 508 do Trung Quốc tự nghiên cứu và chế tạo, có chiều dài gần 89 m, rộng hơn 11 m, mớn nước 4 m, giãn nước 1.300 tấn và sử dụng động cơ đẩy diesel, tốc độ tối đa hơn 55 km/h. Tàu có thể hoạt động liên tục hơn 5.600 km, thủy thủ đoàn trên tàu từ 75 đến 80 người.
Tàu được trang bị một hệ thống phòng không tầm thấp FL-3000 với 8 tên lửa, một pháo hạm nòng đơn 76 mm kiểu PJ26, hai pháo hạm điều khiển từ xa 30 mm, hai bệ phóng tên lửa chống hạm YJ-83, hai cụm ống phóng ngư lôi hạng nhẹ.
Trung Quốc tăng cường tàu chiến cho Hạm đội Nam Hải nhằm củng cố khả năng chiến đấu tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh ngang tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích, bất chấp sự phản đối từ khu vực và quốc tế.
Trung Quốc còn đang đẩy mạnh xây dựng các công trình dân sự và quân sự tại các đá chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Gần đây, nước này tuyên bố chuyển bị đưa vào sử dụng bệnh viện lớn xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Bạo lực thế giới đang ở mức kỷ lục
Tình hình bạo lực thế giới đang ở mức kỷ lục và vẫn đang ngày càng tăng, hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn kết luận của Chỉ số Hòa bình Toàn cầu 2016 (GPI) công bố ngày 8-6.
Chỉ số GPI 2016 đo lường theo 23 chỉ số, trong đó gồm các vụ tội ác bạo lực, mức quân phiệt hóa và nhập khẩu vũ khí của các nước.
Chỉ số GPI 2016 cho thấy số thương vong vì xung đột ở mức cao nhất trong 25 năm, số vụ tấn công khủng bố ở mức cao nhất mọi thời điểm, số người phải đi tị nạn ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Hơn 100.000 người thiệt mạng vì xung đột năm 2014 - số liệu năm 2015 chưa được thống kê, tăng gấp 5 lần số người thiệt mạng năm 2008 là 20.000 người. Phần lớn các vụ khủng bố xảy ra tập trung ở 5 nước: Syria, Iraq, Nigeria, Afghanistan và Pakistan. Số người phải đi tị nạn năm 2015 là 60 triệu người.
Thiệt hại kinh tế vì bạo lực trong thập kỷ qua là 137.000 tỉ USD, lớn hơn GDP toàn cầu năm 2015.
Theo GPI 2016, các cuộc xung đột ngày càng căng thẳng ở Trung Đông là nguyên nhân lớn nhất làm gia tăng bạo lực toàn cầu. Tuy nhiên, ngoài khu vực Trung Đông, nếu so với tình hình thế giới năm 2015, tình hình thế giới năm nay đã có hòa bình hơn.
Dù có xảy ra các vụ khủng bố ở Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ) gần đây và số liệu tử vong vì các vụ tấn công bạo lực, khủng bố ở châu Âu đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 năm nay nhưng châu Âu vẫn là khu vực hòa bình nhất thế giới.
Theo chỉ số GPI 2016, 5 nước hòa bình nhất thế giới là Ireland, Đan Mạch, Áo, New Zealand, Bồ Đào Nha. 5 nước kém hòa bình nhất thế giới là Syria, Nam Sudan, Iraq, Afghanistan, Somalia.
Hiện có 120.000 lính mũ nồi xanh thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ được triển khai ở 16 điểm trên toàn cầu. Nhiều nhất là ở các nước Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Sudan, Mali, Cộng hòa Trung Phi, Lebanon.
Năm 2015, các lãnh đạo thế giới đã đồng ý sẽ kéo giảm đáng kể các hình thức bạo lực trên thế giới và tìm kiếm giải pháp lâu dài giải quyết xung đột và bất ổn vào năm 2030.
Một tín hiệu tích cực cho hòa bình thế giới là chi tiêu quân sự toàn cầu trong 3 năm qua đã giảm 10%.
Đại học Canada trả 15.000 USD chuộc dữ liệu bị hack
Trường đại học Calgary, Canada xác nhận đã trả hơn 15.000 USD để chuộc dữ liệu sau khi bị tin tặc tấn công bằng mã độc tống tiền.
Các nhân viên IT của trường đại học Canada đã thử phá mã độc trong một tuần trước khi buộc phải trả tiền chuộc - Ảnh: BBC
Thông tin làm gia tăng lo ngại về các phần mã độc tống tiền thời gian gần đây nhắm vào các cơ quan, tổ chức và ngày càng nhiều nạn nhân buộc phải trả tiền để lấy lại dữ liệu.
Trong thông báo chính thức, trường Calgary cho biết họ đã trả khoản tiền trị giá hơn 15.000 USD theo yêu cầu của bọn tin tặc.
“Trong vụ tấn công, một kẻ tấn công tin tặc đã khóa và mã hóa các máy tính hoặc các mạng lưới máy tính và chỉ cung cấp cách thức mã hóa khi nhận được tiền chuộc” - trang CBC của Canada dẫn tuyên bố cho biết.
Tuy nhiên chìa khóa giải mã do tin tặc cung cấp không đảm bảo giúp họ khôi phục lại toàn bộ dữ liệu. Đến nay họ vẫn không biết kẻ đứng sau vụ tấn công là một cá nhân, nhóm địa phương hay quốc tế.
Vụ tấn công nhắm vào máy chủ thư điện tử của trường Calgary và họ nghi ngờ đã có nội gián giúp cài mã độc vào máy tính. Cảnh sát Canada đã vào cuộc điều tra.
Trường Calgary giải thích quyết định trả tiền chuộc vì trường “thực hiện các nghiên cứu đẳng cấp thế giới": "Chúng tôi làm vậy vì phải bảo vệ chất lượng và bản chất các thông tin mà chúng tôi tạo ra tại trường đại học”.
Vụ trả tiền chuộc của trường Calgary tiếp nối nhiều vụ tấn công tương tự nhắm vào nhiều tổ chức quốc tế thời gian qua.
Theo BBC, tháng 2-2016, Trung tâm y tế Presbyterian Hollywood đã trả 17.000 USD cho tin tặc để khôi phục lại hệ thống. Cùng thời điểi đó, Sở cảnh sát Melrose ở Massachusetts cũng trở thành nạn nhân của mã độc tống tiền và phải trả hơn 450 USD.
Các chuyên gia nhận định việc trả tiền chuộc trong các vụ tấn công tin tặc đang tạo ra một xu hướng nguy hiểm.
“Sẽ tốt hơn nếu không ai trả tiền, dù đó là điều không tưởng, bởi những kẻ tấn công tin tặc đe dọa sẽ công khai thông tin mà chúng tìm thấy trong máy tính nếu bạn không trả tiền” - chuyên gia Steven Murdoch của Đại học London nói.
Nhật Bản triệu tập đại sứ Trung Quốc lúc hai giờ sáng
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết đại sứ Trung Quốc tại Tokyo bị triệu tập vào 2h sáng nay, theo Reuters. Tokyo bày tỏ quan ngại sâu sắc trước vụ việc được xem là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc bị cáo buộc tới gần lãnh hải Nhật Bản ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tàu tuần tra của cảnh sát biển Trung Quốc - dưới quyền chỉ huy của Bộ Công an, thường có hoạt động tương tự.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Akitaka Saiki, người triệu tập đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa, đã yêu cầu tàu Trung Quốc rời khu vực ngay. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết một giờ sau, tàu Trung Quốc rời đi theo hướng bắc.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong lúc tàu hải quân Trung Quốc "tiến sát lãnh hải", ba tàu hải quân Nga cũng có hành động tương tự. Nhật tuyên bố đang điều tra mối liên quan giữa hai sự kiện.
Bắc Kinh chưa đưa ra bình luận về vụ việc.
Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong quá khứ, Trung Quốc từng cảnh báo Nhật "không nên có hành động khiêu khích". Trong khi đó, Nhật cảnh báo bất cứ tàu hải quân Trung Quốc nào đi vào vùng biển của nước này với "những lý do khác thay vì đi qua vô hại" sẽ bị hải quân Nhật buộc rời đi.
Nga, Trung kêu gọi chống ‘ba thế lực ác quỷ’ trên thế giới
Phát biểu trước báo giới ngày 8-6 theo sau cuộc họp bộ trưởng quốc phòng các nước SCO tại Astana, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho biết bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên SCO vừa nhất trí cải thiện các cơ chế phối hợp trong việc duy trì an ninh.
“Với mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố quốc tế, các bộ trưởng quốc phòng nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động phối hợp trong việc tăng cường sự ổn định và an ninh trong khu vực các nước SCO” - ông Antonov nói.
Vị thứ trưởng quốc phòng Nga nhấn mạnh người đứng đầu các đoàn đại biểu đã nhất trí “phát triển các cơ chế tham vấn phối hợp để đảm bảo an ninh, tăng cường hợp tác giữa bộ quốc phòng các nước nhằm đối phó các mối đe dọa quân sự gần biên giới các nước thành viên và trao đổi thông tin kịp thời”.
Theo ông Antonov, đại diện các nước tham gia cuộc họp cũng thảo luận về việc chuẩn bị cuộc tập trận chung mang tên Sứ mệnh Hòa bình 2016 (Peace Mission-2016), trong đó thể hiện quyết tâm của các nước SCO chống lại “ba thế lực ác quỷ”, gồm chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chính sách ly khai.
“Đại diện các nước tham gia đánh giá cao các hoạt động của lực lượng vũ trang Nga ở Syria để chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế và cung cấp hỗ trợ cho người dân Syria, bao gồm rà phá bom mìn tại các thành phố mới được giải phóng” - Thứ trưởng Quốc phòng Nga ông Antonov nói.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là một tổ chức an ninh chung liên chính phủ được thành lập năm 2001 bởi lãnh đạo các quốc gia Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Antonov cho biết cuộc họp tiếp theo của SCO sẽ được tổ chức tại Kazakhstan vào năm 2017.