Philippines đang trở thành thiên đường với người về hưu châu Á, những người yêu thích ánh nắng, giá cả rẻ.
"Không khí thù địch" giữa Trung - Nhật làm dậy sóng Hoa Đông
- Cập nhật : 10/06/2016
Một loạt vụ việc gần đây ở biển Hoa Đông khiến căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản lại bùng lên. Mới nhất, Nhật Bản triệu Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa ngay lúc 2 giờ sáng 9-6 (giờ địa phương) để phản đối việc một tàu hải quân Trung Quốc lần đầu tiến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo kiểm soát.
Gia tăng căng thẳng
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Setogiri của Nhật Bản đã phát hiện tàu khu trục Trung Quốc đi vào khu vực phía Đông Bắc đảo Kuba (thuộc Senkaku/Điếu Ngư) lúc 0 giờ 50 phút cùng ngày. Đến 3 giờ 10 phút, tàu khu trục Trung Quốc rời khỏi khu vực đảo Taisho, cũng thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Dù tàu Trung Quốc không xâm nhập lãnh hải Nhật Bản song Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Akitaka Saiki vẫn trao công hàm phản đối. Đáp lại, Đại sứ Trình cho rằng tàu Trung Quốc không có gì sai khi đi vào vùng biển đó.
Tại cuộc họp báo ở Tokyo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố việc tàu hải quân Trung Quốc đi vào khu vực trên là hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng. “Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước việc tàu hải quân Trung Quốc lần đầu tiên tiến vào vùng biển tiếp giáp với quần đảo Senkaku. Chúng tôi đã phối hợp với Mỹ và cộng đồng quốc tế, mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc không tái diễn” - ông Suga nói. Trong khi đó, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Colin Willett cho biết đang tìm hiểu thêm thông tin nên chưa thể đưa ra bình luận.
Trong diễn biến khiến tình hình thêm phức tạp, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết ngoài tàu Trung Quốc, 3 tàu quân sự của Nga cũng bị phát hiện đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải gần Senkaku/Điếu Ngư. “Có khả năng tàu Trung Quốc có mặt tại đó để đối phó tàu Nga” - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani nhận định. Ông Suga cho biết Tokyo đang xem xét hai vụ việc trên riêng biệt.
Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đi sát tàu hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Ảnh: Reuters
Không khí thù địch
Tình hình Hoa Đông nóng trở lại giữa lúc một cuộc khảo sát mới nêu bật sự thù địch giữa 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á. Theo khảo sát được Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Trường ĐH Sydney (Úc) công bố trong tháng này, 56% người Trung Quốc được hỏi đánh giá Nhật Bản là quốc gia có khả năng gây ra xung đột ở châu Á nhiều nhất, trong khi chỉ 9% người chọn Triều Tiên.
Ở chiều ngược lại, 37% người Nhật Bản chọn Trung Quốc là nước có thể khơi mào hành động thù địch ở châu Á nhất, trong khi 50% người chọn Bình Nhưỡng. Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng ghi nhận không ít người Nhật coi Trung Quốc “gây hại cho khu vực nhiều hơn là mang đến lợi ích”.
Cuộc đối đầu Nhật - Trung còn thể hiện trên mặt trận quân sự, rõ nhất hiện nay là qua cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Trong tuần này, ông Nakatani thăm Thái Lan để bàn về một thỏa thuận vũ khí tiềm năng cũng như khả năng tăng cường hợp tác công nghệ quốc phòng. Trước đó, Tokyo đàm phán những thỏa thuận tương tự với Malaysia và Indonesia, cũng như ngỏ ý muốn hỗ trợ Myanmar tăng cường sức mạnh quân sự. Cho đến giờ, Tokyo đã đạt được thỏa thuận về thiết bị quốc phòng với một quốc gia Đông Nam Á là Philippines, cụ thể là cho thuê máy bay huấn luyện TC-90.
Nóng bỏng không kém là cuộc chiến về kinh tế. Theo tạp chí Nikkei Asian Review ngày 9-6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết sẽ đầu tư 200 tỉ USD để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng như đường, nhà máy điện và bến cảng khắp thế giới trong vòng 5 năm nữa. Đây được xem là sự mở rộng của kế hoạch được ông công bố năm ngoái - Nhật đầu tư 110 tỉ USD tại châu Á trong 5 năm. Theo ông Abe, Tokyo giờ đây có “trách nhiệm mới” trong việc đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu và sẽ sử dụng tất cả công cụ chính sách hiện có để làm thế.
Cam kết trên xuất hiện trong bối cảnh Nhật Bản đang cạnh tranh với Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu. Trong phát biểu được cho là nhằm vào AIIB, ông Abe nhận định: “Cơ sở hạ tầng không thể kém chất lượng. Chúng tôi xem xét yếu tố chi phí và hiệu quả thông qua toàn bộ vòng đời của dự án”.
Huệ Bình
Theo Người Lao Động