Tài phiệt Mỹ George Soros cảnh báo nguy cơ EU tan rã cùng Brexit
Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết về vụ kiện Biển Đông
Tổng thống Philippines: Cần làm rõ quyền của mỗi bên ở Biển Đông
Hai “pháo đài bay” B-52 của Mỹ đến gần biên giới Nga để làm gì
Florida: Khủng bố đẫm máu, ít nhất 20 người bị bắn chết
Tin thế giới đọc nhanh 12-06-2016
- Cập nhật : 12/06/2016
4 tàu hải quân Hàn Quốc xua đuổi 10 tàu cá Trung Quốc
Theo Sputnik, Hàn Quốc đã nhiều lần cảnh cáo nhưng tàu Trung Quốc vẫn vào vùng biển trung lập gần khu vực tranh chấp giữa hai miền Triều Tiên để đánh bắt trái phép cua xanh. Hàn Quốc tuyên bố "nỗ lực ngoại giao đã tới giới hạn" và điều động tàu hải quân trấn áp 10 tàu cá Trung Quốc.
Bản tin của Sputnik không cho biết sự kiện trấn áp xảy ra hôm nào, song báo này dẫn nguồn từ Yonhap nói Hàn Quốc khởi động chiến dịch xua đuổi tàu cá nước ngoài từ hôm 10/6. Seoul đã thông báo với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh để tránh tranh cãi ngoại giao.
Quan chức Hàn Quốc hôm qua tuyên bố sẽ cho phép lực lượng chấp pháp nổ súng nếu tàu cá Trung Quốc không chấp hành cảnh báo. Hải quân Hàn Quốc cũng đang được đặt trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng ứng chiến nếu có xung đột. Seoul đã thành lập 24 đội quân cảnh, trang bị 4 thuyền tốc độ cao để đối phó việc ngày càng nhiều tàu cá Trung Quốc đến đánh bắt cá bất hợp pháp.
Chính quyền Hàn Quốc đối mặt với nhiều chỉ trích từ trong nước về việc tàu cá Trung Quốc ngang nhiên tới khai thác trái phép. Vài ngày trước, hai tàu cá Hàn Quốc đã bắt hai tàu cá Trung Quốc bàn giao cho chính quyền với cáo buộc "khai thác trái phép".
Bắc Kinh cho biết đã có "biện pháp giáo dục" với ngư dân, yêu cầu họ tuân thủ các thỏa thuận quốc tế. "Trung Quốc hy vọng Hàn Quốc sẽ thực thi pháp luật một cách văn minh với ngư dân Trung Quốc", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết và đề nghị Hàn Quốc "bảo đảm quyền lợi hợp pháp của ngư dân, tránh sự cố gây nguy hiểm tính mạng".
Theo thống kê của Hàn Quốc, nước này năm ngoái bắt giữ 600 tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép. Đến tháng 5 năm nay, Hàn Quốc bắt hơn 100 tàu cá Trung Quốc, chủ yếu hoạt động phi pháp ở vùng biển phía tây Hàn Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải
Mỹ và Ấn Độ đã đánh dấu thời điểm mới trong quan hệ như đánh giá của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Báo New York Times đã ghi nhận như trên.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Narendra Modi đã phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 8-6 (giờ địa phương).
Bài phát biểu dài 45 phút bị ngắt nhiều lần do tối thiểu tám lần cử tọa đứng lên vỗ tay hoan nghênh.
Bài phát biểu của thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh quan hệ an ninh Mỹ-Ấn, lên án chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và đề cao quan hệ kinh tế đôi bên cùng có lợi.
Ông đã cảm ơn Mỹ ủng hộ sau vụ khủng bố tấn công Mumbai năm 2011 (166 người chết). Ông nhấn mạnh Ấn Độ cam kết giúp đỡ tái thiết Afghanistan và mong muốn Mỹ tiếp tục hiện diện quân sự tại Afghanistan.
Về hoạt động bành trướng của Trung Quốc, dù không nêu cụ thể nhưng ông ám chỉ rõ ràng đến Trung Quốc khi nói Ấn Độ ủng hộ quyền tự do hàng hải, ý muốn nói đến tranh chấp ở biển Đông và yêu sách chủ quyền trên biển Đông của Trung Quốc.
Ông cũng đã nói đến việc Ấn Độ mở cửa đón các nhà đầu tư nước ngoài, chủ đề biến đổi khí hậu và đề nghị Mỹ giúp đỡ Ấn Độ giảm ô nhiễm.
Thủ tướng Narendra Modi là thủ tướng Ấn Độ thứ năm diễn thuyết trước Quốc hội Mỹ.
Thủ tướng Ấn Độ bắt tay Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và Phó Tổng thống Joe Biden sau bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES
Trong khi đó, báo Japan Times đưa tin ngày 10-6, Ấn Độ, Nhật và Mỹ sẽ bắt đầu tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar ở ngoài khơi đảo Okinawa (Nhật). Cuộc tập trận kết thúc vào ngày 17-6, tập trung huấn luyện chống ngầm và phòng không.
Nguồn tin từ lực lượng phòng vệ biển Nhật cho biết lực lượng này đã cử tàu sân bay trực thăng mới Hyuga cùng các máy bay tuần tra biển P-3C và P-1 và một máy bay cứu hộ US-2 tham gia tập trận. Về phía Mỹ có Hạm đội 7 của hải quân Mỹ đóng ở Yokosuga (Nhật) tham gia.
Japan Times nhận định cuộc tập trận Malabar nhằm tăng cường quan hệ giữa ba đồng minh Mỹ-Nhật-Ấn vào lúc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa trên biển Đông và liên tục xâm phạm lãnh hải Nhật trên biển Hoa Đông. Trung Quốc cũng đang phát triển hạm đội tàu ngầm khiến Nhật và Mỹ quan ngại.
Nhật từng tham gia cuộc tập trận Malabar 2007 do Ấn Độ tổ chức nhưng sau một lần Trung Quốc kịch liệt phản đối Ấn Độ mời Nhật và Úc, Nhật chỉ tham gia thêm bốn lần.
Đến cuối năm ngoái, hai thủ tướng Nhật và Ấn Độ đã đạt thỏa thuận Nhật sẽ thường xuyên tham gia cuộc tập trận Malabar.
Tạp chí The Diplomat (Nhật) nhận định Nhật cũng đang hướng tới mối quan hệ quốc phòng thân cận hơn với Myanmar.
Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani đã sang Myanmar và đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Myanmar. Một trong những nội dung trao đổi là lực lượng phòng vệ Nhật sẽ hỗ trợ xây dựng năng lực hoạt động cho quân đội Myanmar.
Không có nhiều thông tin chi tiết chính thức về chuyến thăm. Bộ trưởng Gen Nakatani cũng sẽ đến thăm Thái Lan và Đông Timor.
Thủ tướng Canada: Trung Quốc nên thay đổi cách hành xử với nhà báo
Trong một hội nghị kinh tế The Canada Summit tại Toronto (Canada) ngày 8-6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên tiếng chỉ trích cách hành xử thủ thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, trong đó có cách hành xử với các nhà báo, theo báo Globe and Mail (Canada).
“Độ dài và bề dày tình hữu nghị của Canada với Trung Quốc đủ để Canada có thể nói rằng: Này, bạn cần thay đổi cách nói năng với các nhà báo. Bạn cần thay đổi thái độ phòng thủ đối với thế giới vì điều này không mang lại lợi lộc gì cho bạn.”
“Nếu cứ đà này thì Trung Quốc sẽ mất dần quan hệ hữu nghị với các nước, trong đó có cả Canada.” Theo Thủ tướng Trudeau, cách hành xử của Trung Quốc tạo ra sự quan ngại cho những ai muốn đặt lòng tin vào Trung Quốc.
Bình luận gay gắt của Thủ tướng Trudeau đến một tuần sau khi xảy ra chuyện Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị mắng mỏ một nhà báo Canada vì đặt một câu hỏi về tình hình nhân quyền của Trung Quốc.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại hội nghị kinh tế The Canada Summit tại Toronto (Canada) ngày 8-6. (Ảnh: THE CANADA PRESS)
Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Canada Stéphane Dion tại thủ đô Ottawa (Canada) tuần trước, Bộ trưởng Vương Nghị đã mắng nhà báo Amanda Connolly thuộc trang tin iPolitics vì cô đặt một câu hỏi về nhân quyền và việc công dân Canada Kevin Garratt bị bỏ tù ở Trung Quốc. Ông Kevin Garratt phải ngồi tù ở Trung Quốc trong hơn một năm, vừa bị kết án tội làm gián điệp cho Canada tháng 1 vừa rồi.
“Tôi phải nói câu hỏi của cô là rất có thành kiến với Trung Quốc và có vẻ ngạo mạn, tôi cũng không biết từ đâu cô có những thành kiến này. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận.” - ông Vương Nghị vừa nói vừa vẫy chỉ cây bút trên tay về phía nhà báo Amanda Connolly - “Cô đã từng đến Trung Quốc chưa? Cô có biết rằng Trung Quốc đã đưa hơn 600 triệu người ra khỏi đói nghèo và hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới? Bạn nghĩ là Trung Quốc có thể phát triển được nếu không có sự bảo vệ tốt về nhân quyền?”
Ông Vương Nghị còn tiếp tục yêu cầu nhà báo Amanda Connolly không được đặt các câu hỏi “vô trách nhiệm” như thế, đồng thời bác bỏ các nhận định mà ông cho là “các cáo buộc vô căn cứ và vô trách nhiệm”.
Sự giận dữ của Bộ trưởng Vương Nghị đã nhanh chóng nổi lên trên truyền thông quốc tế. Và Ngoại trưởng Canada Stéphane Dion phải bày tỏ sự bất bình của mình về cách hành xử của ông Vương Nghị với chính bản thân ông Vương Nghị cũng như với đại sứ Trung Quốc tại Canada La Triệu Huy.
Châu Âu nhập cuộc kìm hãm Bắc Kinh trên Biển Đông
Việc Pháp kêu gọi châu Âu tuần tra ở Biển Đông đánh dấu nỗ lực quốc tế mới nhất để kìm hãm Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cuối tuần trước phát biểu tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore, kêu gọi lực lượng hải quân châu Âu có sự hiện diện "thường xuyên và rõ ràng" tại khu vực, để duy trì luật biển và tự do hàng hải.
"Nếu chúng ta muốn kiềm chế nguy cơ xung đột, chúng ta phải bảo vệ các nguyên tắc và tự mình làm việc đó", ông nói.
Theo Foreign Policy, mặc dù bộ trưởng quốc phòng Pháp không nhắc rõ ràng tới Trung Quốc, bình luận của ông dễ được hiểu là lời chỉ trích Bắc Kinh, nước đang quyết liệt theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông với việc nạo vét ồ ạt và xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo.
"Nếu luật biển không được tôn trọng tại các vùng biển gần Trung Quốc, thì sau này nó sẽ bị đe dọa ở Bắc Cực, ở Địa Trung Hải, hay ở nơi khác", ông Le Drian nói tại Đối thoại Shangri-La.
Lập trường của Pháp đánh dấu nỗ lực quốc tế mới nhất nhằm kìm hãm chiến thuật cứng rắn của Trung Quốc tại Biển Đông. Bình luận của Pháp cho thấy các quốc gia Âu đang vận động một phản ứng cứng rắn hơn trước các động thái quyết liệt của Trung Quốc. Ông Le Drian nói rằng đối với Pháp và châu Âu, việc này không chỉ là để bảo vệ lợi ích kinh tế và thương mại trong khu vực, mà còn để giữ gìn trật tự quốc tế và pháp trị.
Ông Le Drian cho biết ông sẽ sớm cung cấp thêm chi tiết về đề nghị của mình cho việc tuần tra thường xuyên của lực lượng hải quân châu Âu.
Thời điểm bộ trưởng Quốc phòng Pháp đưa ra tuyên bố không hề ngẫu nhiên. Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague trong tháng này dự kiến đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ thẩm quyền của tòa án trong khi vận động các chính phủ khác ủng hộ quan điểm của mình. Tòa nhiều khả năng ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, và Washington đã kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết.
Việc EU tham gia nhiều hơn ở Biển Đông là điều mà Mỹ đã hy vọng từ lâu, Mira Rapp-Hooper, một thành viên cao cấp tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận xét.
"Thời gian Pháp đưa ra lời kêu gọi cũng cho thấy chính phủ Liên minh châu Âu (EU) đang ra mặt ủng hộ phán quyết của tòa trong vài tuần tới", bà nói.
Sự tham gia của Pháp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ mang tính lý thuyết. Họ đã ký thỏa thuận 40 tỷ USD vào năm nay để bán tàu ngầm tiên tiến cho Australia, với lý do lo ngại tăng lên về an ninh khu vực.
Những phát biểu của ông Le Drian cuối tuần qua cũng là lời nhắc nhở đến Trung Quốc rằng trong khi nước này đang cố gắng chuyển các lợi ích kinh tế họ mang đến cho châu Âu thành lợi thế ngoại giao, các quốc gia có ảnh hưởng ở châu Âu vẫn sẵn sàng kìm hãm Bắc Kinh.
Foreign Policy viết rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn muốn vượt qua cái mà họ gọi là một "thế kỷ sỉ nhục", bắt đầu từ Chiến tranh Nha phiến thế kỷ 19 (Các cuộc chiến 1840 -1843 và 1856 -1860 giữa Trung Quốc dưới triều Mãn Thanh và đế quốc Anh) kéo dài cho đến cuối Nội chiến Trung Quốc năm 1949. Tuy nhiên, trớ trêu thay, những hành động của nước này dường như đang buộc pháo hạm châu Âu một lần nữa trở lại Biển Đông.
Thượng viện Mỹ chấp thuận mua động cơ tên lửa Nga
Sputnik hôm nay dẫn lời thượng nghị sĩ Richard Shelby cho biết Thượng viện Mỹ đã đạt được thỏa thuận tiếp tục mua các động cơ tên lửa RD-180 của Nga.
"Chúng tôi đã nhất trí về vấn đề này. Hợp đồng giao dịch kéo dài đến năm 2022 với số lượng 18 động cơ tên lửa RD-180", ông Shelby khẳng định.
Trước đó, Quốc hội Mỹ cấm sử dụng loại động cơ này của Nga vào mục đích quân sự, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ năm 2014. Hạn chót là năm 2019 quân đội Mỹ phải tìm nhà cung cấp thay thế động cơ RD-180.
Chủ tịch ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain, người đang thúc đẩy để chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ đối với các động cơ tên lửa Nga, cho rằng việc nối lại giao dịch sẽ có lợi cho các cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ như Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, tổng giám đốc tập đoàn công nghệ Rostec Sergey Chemezov và chủ tịch cơ quan Hàng không vũ trụ Nga (Roscosmos) Igor Komarov.
Tuy nhiên các nhà lập pháp Mỹ phản đối ông McCain lại lo ngại việc chấm dứt đột ngột sử động cơ Nga sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp không gian vũ trụ Mỹ, đồng thời tiêu tốn khoản kinh phí có thể lên tới 1,5 tỷ USD cho chương trình nghiên cứu phát triển động cơ mới.
Động cơ RD-180 do Nga chế tạo được sử dụng trong các tên lửa Atlas V, đảm trách nhiệm vụ phóng các vệ tinh quân sự lên vũ trụ cũng như thực hiện sứ mệnh khoa học và nghiên cứu của NASA.